Một ngày tháng 7 không thể quên

Thứ Năm, 22/07/2010, 16:12

Huế 3/7/2010.
…Cùng với hàng vạn sĩ tử trong cả nước, trên những con đường rợp bóng cây xanh của Huế, hối hả, ríu rít tiếng nói cười, hỏi han của những nam thanh nữ tú đến trường tập trung chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Nhìn những mái tóc xanh, những khuôn mặt hồng hào đầy sức trẻ háo hức thử sức trước ngưỡng cửa các giảng đường đại học, tôi bỗng nhớ những đồng đội của tôi 44 năm về trước…

Phải! Đúng ngày 3 tháng 7 này, 44 năm trước, cũng những tốp thanh niên nam nữ tuổi đôi mươi nối bước nhau trước một cuộc thử sức khốc liệt; chỉ khác, đó là cuộc chiến bi tráng nơi "cửa tử" dưới chân đèo Mụ Dạ, một đoạn đường huyết mạch trọng yếu trên đường Hồ Chí Minh.

Tại kilômét 21, về sau gọi là Đồi 37, vì đúng ngày 3/7/1966, cả một tiểu đội TNXP đã hy sinh, chỉ riêng Nguyễn Thị Sâm bị đất vùi, được đồng đội cứu sống. Sau cuộc chiến khốc liệt này, Tiểu đoàn 2 Công binh, Đại đội TNXP 759 và Nguyễn Thị Kim Huế đã được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND từ cuối năm 1966…

Cuộc chiến đấu này tôi đã kể lại trong bài viết "Đỉnh cao dưới chân đèo Mụ Dạ" đăng trên báo "An ninh thế giới giữa tháng" số ra tháng 5/2009. Nay, nhân ngày giỗ những liệt sĩ trên "Đồi 37", tôi chỉ nhắc qua trước khi chép lại câu chuyện "Tờ báo và người bạn em" mà Nguyễn Thị Sâm đã kể cho tôi nghe trong một lá thư hồi đầu năm.

Minh họa của Lê Tâm.

Lá thư này, Sâm định viết cho tôi từ tháng 7 năm ngoái, sau khi tôi gửi cho tờ báo "An ninh thế giới Giữa tháng" nói trên cho Sâm và cô chứng kiến chuyện linh ứng có thể nói là kỳ diệu, như nguyên văn cô đã viết: "…Sao tờ báo của anh thiêng liêng đến thế. Người trên trần nghe đọc nước mắt tuôn, người dưới đất nghe đọc cũng nhật mình hiện lên…". Thế đó, cô viết chữ "giật" thành "nhật" nên tôi đành phải chép lại nội dung lá thư của "người em gái chiến trường" - danh hiệu mà Sâm đã tự xưng.

"…Em định viết thư cho anh từ hồi tháng 7 nhưng em cầm bút lên tay viết mấy dòng, nhìn lại nét chữ, hành văn thấy buồn cười và mắc cỡ - văn hoá thì bình dân, chữ thì giống gà bới… Nay em phải cầm bút và "người bạn linh thiêng" giục em cầm bút viết và cảm ơn người viết bài báo…

Anh Phê ơi! Khi em nhận được tờ báo của anh, theo lời anh dặn, em phô-tô tờ báo đưa cho mẹ của Nguyễn Thị Thường… Em bước vào nhà nghe mùi hương thoang thoảng, thấy bà ngồi thừ ra trên chiếc ghế. Bà ngửng đầu lên thấy em, rồi nói: "Con mà đi nhanh chút nữa thì chung cơm với bạn con rồi!".

Em đứng lặng một lúc rồi đưa tờ báo cho cháu bà; cháu bà đọc cho bà nghe, nước mắt bà tuôn ra dầm dề. Bà nắm tay em mân mê và nói: "Không biết sống được bao lâu nữa, tuổi đã ngoài 90 rồi…". Em nói: "Bà sống đến ngày hôm nay là quý lắm rồi, lại được đón đứa con liệt sĩ anh hùng của dân tộc anh hùng trở về. Bà ráng sống thêm ít nữa để xem đất nước đổi mới…".

Em về nhà, vài hôm sau thì Thường lại "đến" nhà em. Em hỏi: "Ở mô về đó?". Thường nói: Ở "km 21 chứ mô nữa!" Thường đến ngồi sát với em trên giường, em thì chăm chăm nhìn bạn, còn bạn thì chẳng nhìn em. Em thấy trong tay Thường cầm tấm vải, em bảo đưa tấm vải xem có đẹp không? Thường đưa tấm vải cho em thấy nhẹ tâng. Em kêu "oa…", mở mắt ra chẳng thấy Thường đâu nữa nhưng từ đó những hình ảnh ở đơn vị em đều nhớ hết… Anh Phê ơi!... Em không hiểu nổi vì sao ngòi bút của anh thiêng liêng đến thế. Chắc ngòi bút Bác Hồ tặng cho anh thì phải…".

Sâm đã quá đề cao bài viết của tôi. Đúng ra, sự thiêng liêng chính là từ linh hồn của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường, là tình mẹ con, tình đồng đội không bao giờ đứt đoạn dù Thường đã sang "thế giới khác" gần nửa thế kỷ… và, đấy cũng có thể do trái tim quá yêu thương người đã khuất nghĩ ra cái điều thiêng liêng ấy.

Tôi tin những điều Sâm kể là thật; một bà lão viết sai chính tả, câu cú, hẳn là không thể bịa chuyện ("cô Sâm" TNXP chết sống lại mấy chục năm trước nay đã là lên lão "lục tuần" - chỉ Thường là vẫn trẻ, "những người chết còn trẻ mãi" - nhà văn Đức Ana Dêgớc đã viết như thế); và không ai "bịa" trong một câu chuyện thiêng liêng như thế này. Vả lại, chỉ có những liệt sĩ hy sinh trong ngày 3/7/1966 như Thường mới gọi nơi "cửa tử" này là "km 21" - tên cột cây số tính từ ngã ba Khe Ve lên; cô không biết sau này nơi đây đã mang tên Đồi 37…

Năm ngoái, khi chúng tôi về thăm mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường, mẹ bảo: "Nó đi từ sáu lăm đến giờ, chưa lúc mô mơ thấy nó về"; vậy mà lúc Sâm mang tờ báo đến thì mẹ lại vừa "thấy" Thường về chung mâm cơm với gia đình… À, phải rồi; không phải "ngòi bút" của tôi "thiêng liêng" mà chính nhờ chúng tôi vừa lên thăm mộ cô trước khi về thăm mẹ.

Và Sâm đã ôm ngôi mộ người bạn gái khóc lóc, tỉ tê như thế. Mấy ngôi mộ này trước đặt ở La Trọng, chuyển về Nghĩa trang Minh Hoá đã lâu, nhưng gia đình không biết… Mấy chục năm đã qua, bao nhiêu là đổi dời, linh hồn các liệt sĩ có thể đã lạc mất đường về quê? Đó là chưa nói đến sự quên lãng…

Vào lúc tôi ghi những dòng này, từ Quảng Bình, Trần Thị Huế, nguyên là Đại đội phó Đại đội TNXP 759 anh hùng, vui mừng tin cho biết:  Tháng 7 này, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức đón quyết định của Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Tập thể anh hùng cho Tiểu đội cảm tử đã hy sinh trên "Đồi 37”, và tại đây, ngành giao thông Quảng Bình đang khẩn trương hoàn thành Đài tưởng niệm các anh hùng...

Nguyễn Khắc Phê
.
.