Một lần đến Viêng Chăn

Thứ Hai, 15/03/2010, 16:53
Cảm xúc lớn nhất của tôi trong lần tới Viêng Chăn Tết Nguyên tiêu Xuân Canh Dần là đêm thơ Việt ở đây. Đêm thơ này được tổ chức từ một ý tưởng cực kỳ ngẫu hứng của Đại sứ - nhà thơ Tạ Minh Châu với sự chung tay góp sức rất tích cực của Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào.

Rất tình cờ, sát Tết Canh Dần, tôi bỗng nhiên nhận được điện thoại của ca sĩ Ngọc Khang, một người bạn không hẳn đã thâm giao nhưng tôi rất quý mến vì tính tình thẳng thắn hồn nhiên và nhất là vì anh rất mê hát bài "Khúc mùa thu" của nhạc sĩ Phú Quang (phổ thơ tôi): "Ông đi Viêng Chăn với tôi nhé?". "Để làm gì?" - tôi hỏi. "Chơi! Làm đêm thơ Nguyên tiêu cho vui!". Nghe tới chuyện làm đêm thơ, bỗng nhiên trong tôi cái máu mê cố hữu lại nổi lên và tôi ừ luôn, không quên nói kèm theo câu: "Ông phải nói để Ban tổ chức làm giấy mời đàng hoàng, để tôi trình cơ quan!".

Chiều muộn 30 Tết, ca sĩ Ngọc Khang mang tới cho tôi giấy mời do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại CHDCND Lào, nhà thơ Tạ Minh Châu ký và bảo, tôi cũng vừa nhận được từ Lào lúc sáng nay. Trưa mùng một Tết, tới cơ quan trực, lên chúc Tết Tổng biên tập, nhà văn Hữu Ước, tôi trình luôn công văn của Đại sứ quán ta ở Lào về việc mời tôi sang tham dự đêm thơ Nguyên tiêu Việt Nam đầu tiên được tổ chức ở Viêng Chăn. Anh Hữu Ước xem rồi ký và nói: "Ừ, đầu năm em đi Viêng Chăn cho lành"… Đúng ý tôi quá! Mặc dù không mê tín nhưng tôi cũng tin rằng, năm Canh Dần này, những người sinh tuổi Nhâm Dần như tôi nên đi tới những nơi như Viêng Chăn để tích tụ thêm cho mình những sự bình yên. Và quả thật là ở Viêng Chăn trong những ngày ngắn ngủi ở thủ đô Lào trong dịp Nguyên tiêu năm nay đã để lại cho tôi những ký ức cực kỳ dễ chịu.

Thực ra đây không phải lần đầu tôi tới Viêng Chăn. Bốn, năm năm trước, tôi cũng đã tới đây khi đi tháp tùng Tổng biên tập Hữu Ước tham dự một cuộc hội thảo báo chí Việt - Lào. Sau một quãng thời gian không quá dài như thế, trở lại "thành phố Trăng" (nghĩa của từ Viêng Chăn trong tiếng  Lào), tôi không khỏi ngạc nhiên trước những sự thay đổi rất khả quan ở đây. Viêng Chăn đã trở nên khang trang và sôi động hơn trước khá nhiều, mặc dù vẫn giữ được những nét nhu mì và cổ kính truyền thống. Đã có thêm không ít những ngôi nhà hiện đại, tô điểm rất hài hòa những nét duyên dáng truyền thống của mảnh đất Vạn Tượng. Đã có thêm không ít những sinh hoạt về khuya, điển hình cho những đô thị thời hiện đại (dù ở Viêng Chăn rất ít ngày nhưng tôi cũng kịp cùng bằng hữu tham quan thủ đô Lào "by night" và tôi có thể cam đoan rằng, những ly rượu đêm uống ở Viêng Chăn cũng gợi cho chúng ta thi hứng không kém gì ở bất cứ nơi đâu trên thế giới)…

Đi trên những đường phố hiền hòa của Viêng Chăn những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3/2010, có thể thấy không khí chờ đợi lễ hội náo nức trước dịp Tết Bun Pimay và dịp kỷ niệm 450 năm ngày thành lập thủ đô Lào… Chính không khí đó đã khiến cho du khách tới đây cảm thấy thêm phần thú vị…

Lần thứ hai tới Viêng Chăn, tôi lại càng cảm thấy sự hiểu biết của mình về thủ đô Lào nói riêng và đất nước Lào nói chung là quá ít ỏi. Đại sứ - nhà thơ Tạ Minh Châu khi trò chuyện với tôi cũng nói rằng, anh cũng cảm thấy rõ là mặc dù hai nước là những người anh em chí cốt nhưng quả thực là sự phổ cập các tri thức về nhau vẫn còn xa mới là thỏa đáng. Tự lâu lắm rồi biểu tượng Lào đối với chúng ta vẫn chỉ là hoa champa và điệu Lamvong… Cộng thêm vào đó có thể là bài "Cô gái Sầm Nưa" của nhạc sĩ Trần Tiến… Tôi cũng rất yêu nước Lào khi thuở nhỏ đọc tiểu thuyết "Trước giờ nổ súng" của cố nhà văn Lê Khâm, tức Phan Tứ…

Vương quốc Triệu Voi có bao nhiêu câu chuyện hay và thú vị nhưng thử hỏi, một khi ngay cả một nhà báo như tôi cũng còn biết quá sơ khai thì làm sao những câu chuyện đó có thể được phổ cập trong quần chúng, để chúng ta hiểu và yêu thêm một đất nước anh em chí tình chí nghĩa. Ngay cả về nền văn học Lào, chúng ta cũng có biết gì nhiều đâu! Lỗ hổng văn hóa này không thể để kéo dài mãi được…

Tới Viêng Chăn, cậy cục mãi tôi cũng biết được chút ít về lịch sử của thủ đô nước bạn. Huyền thoại Lào kể rằng, khởi thủy của Viêng Chăn hiện đại là đô thị Chanthabuly Si Sattanakhanahud do Hoàng tử Thattaradtha lập ra từ thuở xa xưa nhưng chính thức trở thành thủ đô của Lào chỉ từ 450 năm trước (năm 1560). Người có công biến Viêng Chăn thành kinh đô là vua Setthathirath (1534-1572), một trong những quân vương vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước hoa champa. Chính vua Setthathirath đã bảo vệ được vương quốc Triệu Voi thoát khỏi cuộc xâm lược hung hăng của Bayinnaung từ Myanmar tới, kẻ từng chinh phục thành công Xieng Mai năm 1556 và Ayutthaya năm 1569… Đây cũng là một ông vua sùng đạo Phật và đã cho xây nhiều ngôi chùa danh tiếng như Wat Xieng Thong ở cố đô Louang Phrabang và That Luang ở Viêng Chăn… Ông vua đầy công trạng này, rất tiếc, đã bị sát hại ở tuổi 38, do một âm mưu tạo phản nội bộ…

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nhà thơ - Đại sứ Tạ Minh Châu, NSƯT Vương Hà và ca sĩ Ngọc Khang trong đêm thơ Nguyên Tiêu tại Viêng Chăn. Ảnh: Duy Linh.

Cảm xúc lớn nhất của tôi trong lần tới Viêng Chăn Tết Nguyên tiêu Xuân Canh Dần là đêm thơ Việt ở đây. Đêm thơ này được tổ chức từ một ý tưởng cực kỳ ngẫu hứng của Đại sứ - nhà thơ Tạ Minh Châu với sự chung tay góp sức rất tích cực của Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào, đặc biệt của anh Hoàng Cung Thượng Nhân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào và vợ chồng anh Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhà hàng Sông Hồng mới mở trên đường Phạ Khảo Xaythan…

Anh Tạ Minh Châu từng tốt nghiệp Khoa Văn ở Trường Đại học Tổng hợp Warsawa, là một người làm công tác đối ngoại từ trên ba chục năm nay, đã có một nhiệm kỳ làm Đại sứ nước ta ở Ba Lan. Trước khi sang Viêng Chăn, anh Tạ Minh Châu đã là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Đối ngoại BCH TW Đảng. Đây là một hội viên rất quen thuộc của Hội Nhà văn Việt Nam, từng xuất bản hai tập thơ "Đi ngược hoàng hôn" (1994) và "Lời neo trong đêm" (2001), đã chuyển ngữ rất thành công các tác phẩm của hai nữ sĩ Ba Lan là Halina Poxvatovska (tập "Tiếng nấc trái tim" in năm 1994) và Wislawa Szymborrska (Tập "Thơ", giải Nobel văn chương, in năm 1997)… Một con người của thế giới ngoại giao nhưng rất chân tình và hồn hậu trong các quan hệ bè bạn!

Trong Đêm Thơ Nguyên tiêu ở Viêng Chăn, anh Tạ Minh Châu đã trải lòng mình rất rộng với những bài thơ vừa đậm chất suy tư vừa giàu niềm thương cảm. NSƯT Vương Hà khi ngâm những bài thơ của anh Tạ Minh Châu đã khéo léo tôn thêm những nhịp điệu trái tim lắm bao dung và dễ xúc động của người thơ. Nhớ về người bà nội ở vùng quê trung du, từng vất vả long đong nuôi anh ăn học, nhưng lại mất sớm, khi anh mới lên lớp bảy, để trong lòng anh nỗi day dứt khôn nguôi khi đã trở thành một người thành đạt mà chẳng thể nào có được cơ hội báo đáp bà, Tạ Minh Châu đã viết:

"Tuổi thơ cháu đã đi qua,
Những mo cau độn của bà chắt chiu.
Những hôm đứt bữa gạo chiều,
Ngóng bà về chợ đìu hiu nỗi lòng
Một đời lo nợ ăn đong,
Tấm lưng sao chẳng sớm còng bà ơi.

Đã hơn ba chục năm rồi,
Vắng bà cháu vẫn về nơi có bà,
Ấm trong bếp lửa chái nhà
Mát trong vại nước thơm hoa dành dành

Một lần đêm lại sang canh
Nhớ bà mắt thức đọng vành bà ơi!"

Tạ Minh Châu cũng có những câu thơ thấm thía lẽ đời được mất khi anh đi về Tam Cốc, khiến cho nhiều người nghe, trong đó có chị Mai Dalee, một nữ Việt kiều xinh đẹp và sắc sảo, rất nổi bật trong cộng đồng người Việt ở Viêng Chăn phải thổn thức làm thơ mà đối lại:

"Đừng vào Tam Cốc cùng anh,
Đừng nghiêng ánh mắt chòng chành thuyền nan.
Đừng khum tay vớt trăng tàn,
Lặng yên thì có… vội vàng thì không.
Đừng cười tan mất mông lung
Những kim tự tháp nặng chùng thời gian
…"

Những bài thơ của anh Tạ Minh Châu trong Đêm Thơ Nguyên tiêu Viêng Chăn đã làm cho cả chương trình trở nên sống động và nặng tình cố hương hơn rất nhiều. Tú, một chàng trai Việt kiều tuổi trẻ tài cao, đã thầm thì nói với tôi: "Ngày thường trông anh Châu nghiêm nghị thế, vậy mà thơ anh viết tình cảm và cũng… "ướt át" thật!".

Tham gia Đêm Thơ Nguyên tiêu Viêng Chăn Xuân Canh Dần còn có nhiều tác giả không chuyên trong cộng đồng người Việt đang làm việc và cư trú tại Lào. Sức hấp dẫn của những câu thơ rất đỗi thật lòng trong "Tuyên ngôn tình yêu" của anh Hoàng Cung Thượng Nhân, "Nhớ một dòng sông" của anh Nguyễn Thanh Xuân… đã làm lay động rất nhiều người nghe, giục giã họ cũng cùng cất tiếng bộc lộ lòng mình, tâm sự của mình qua những câu thơ, điệu hát.

Và cả những người bạn Lào cũng không cầm lòng được đã hăng hái lên sân khấu để đọc thơ và hát. Nhà văn Chanthi Duansavan, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào sau khi xong phần phát biểu giao lưu rồi cũng đã xin lên thêm lần nữa để trình bày một bài hát bằng tiếng Việt ca ngợi tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Anh Chanthi còn nói với Đại sứ Tạ Minh Châu rằng, chương trình của các anh đêm nay sẽ là mẫu mực để chúng tôi học tập vì quả thực ở Viêng Chăn chưa bao giờ có một đêm thơ sinh động và hấp dẫn như thế…

Cũng xin lên được hát bằng tiếng Việt trong Đêm Thơ Nguyên tiêu Viêng Chăn Xuân Canh Dần là anh Khăm Phởi, Thư ký của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực nước CHDCND Lào. Anh Khăm Phởi thời trẻ từng trưởng thành ở vùng trung du Phú Thọ nên rất thích bài "Bầm ơi" của nhà thơ Tố Hữu và anh cứ nằng nặc yêu cầu NSƯT Vương Hà phải ngâm lại bài thơ này. Rồi anh cất giọng nam cao trong trẻo của mình hát bài "Tấm áo mẹ vá năm xưa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - nếu bạn nhắm mắt lại nghe giọng hát của anh thì bạn sẽ không thể nào đoán được người hát không phải là người Việt: Anh phát âm tiếng Việt một cách tự nhiên và ngọt ngào tuyệt đối!..

Đêm Thơ Nguyên tiêu Viêng Chăn, theo thói thường ở Lào, đã kéo dài tới quá nửa đêm mà mọi người vẫn chưa muốn về. Là người dẫn chương trình, tôi vẫn được yêu cầu đọc thơ rất nhiều, tới 5-6 bài rồi mà mọi người vẫn hô "Tiếp đi!". Mệt nhưng quả thực tôi đã rất vui khi một thiếu phụ xinh đẹp ghé sát tai mình bảo: "Nghe Hồng Thanh Quang đọc thơ cả đêm cũng được!". Và cũng người thiếu phụ xa quê ấy đã nói: "Tôi cứ chờ có dịp để hỏi anh, tại sao anh lại viết “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”? Câu ấy có nghĩa gì?” Tôi cười trừ và đáp: "Chị ạ, tôi cũng chẳng rõ nó có nghĩa gì, chỉ đơn giản là câu thơ ấy đã vang lên trong tôi và tôi chép lại như thế. Có lẽ vì mái tóc người đàn bà ta yêu bao giờ cũng như bóng đêm, một khi ta đã úp mặt vào thì ta sẽ được quên lãng đi mọi thứ muộn phiền…".

Cũng phải nói rằng, trong Đêm Thơ Nguyên tiêu Viêng Chăn Xuân Canh Dần, ca sĩ Ngọc Khang đã lại thể hiện rất xuất sắc bài "Khúc mùa thu" mà anh Phú Quang đã phổ thơ của tôi…

Một đêm thơ ngắn ngủi, vài ba ngày ngắn ngủi ở Viêng Chăn… Vậy mà trong tôi cho tới bây giờ vẫn còn náo nức những xúc cảm tốt lành. Những câu thơ thực sự hay ở đâu cũng có sức hấp dẫn mạnh mẽ vì có thể giúp cho con người nạp thêm những năng lượng tinh thần vô kể mà tiếp tục sống, tiếp tục làm việc, tiếp tục hành trình đi tới những gì mà chúng ta mơ ước…

H.T.Q.
.
.