Mộc miên Hương Tích: Tinh phiêu một vẻ đẹp

Thứ Sáu, 04/03/2016, 16:29
Khi chùa Hương vào mùa khai hội cũng là lúc những nụ hoa bắt đầu lốm đốm trên cành lá khẳng khiu vừa trải qua một mùa đông lạnh giá. Bỗng bừng nở. Như thắp lên ánh nến. Bắt đầu lung linh.

Khi chùa Hương vào chính hội, độ giữa tháng hai âm, tháng ba dương, cũng là lúc những bông hoa rực lên vẻ đẹp bản nguyên của mình. Một màu đỏ lửa. Ấm hồng giữa trời núi Hương Sơn. Hết hội thì những bông hoa cũng rụng rơi xuống gốc cây, xuống dòng Yến Vĩ, nhưng chưa tàn những cánh hoa đã cháy hết mình cho một mùa xuân hội. Đó chính là những bông hoa mộc miên ở chùa Hương. Một vẻ đẹp tinh phiêu của Tùng lâm Hương tích...

Không biết từ khi nào đã có những cây gạo dọc đường vào chùa Hương? Từ khi những viên gạch đầu tiên dựng xây nên ngôi cổ tự này, từ khi những phiến đá đầu tiên được đặt trên con đường dẫn lối vào Thiên Trù mà bây giờ có tên là Triều Sơn lộ? Hay từ khi chúa Thánh Tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm đến đây với một tâm trạng hoan hứng đề thơ lên cửa động Hương Tích dòng chữ Nam Thiên Môn? Những cây gạo giờ đã thành cổ thụ. Ý thức về một không gian Bầu trời cảnh Bụt mà người dân bản địa nơi đây đã trồng những cây gạo ấy hay là ý tưởng của một vị khách thập phương về một hàng nến được thắp lên khi hội chùa xuân đến? Những cây gạo đã góp mình vào tổng thể thắng tích Hương sơn tinh phiêu một vẻ đẹp, dù bất kỳ ở góc độ nào.

Như một nghệ thuật sắp đặt, những cây gạo dọc theo dòng suối, chạy dài từ bến đò Yến Vĩ đến bến Trò, dưới chân núi, cháy đỏ cả một khoảng trời, như những ngọn nến trời được ai đó thắp lên để khách thập phương dâng hương lên Phật bà Hương Tích. Những ngọn nến trời mộc miên thắp suốt cả mùa hội. Tôi đã hỏi vị sư trụ trì chùa, Đại đức Thích Minh Hiền, rằng ai trồng những cây gạo ấy? Và từ bao giờ?

Trước mỗi vẻ đẹp ta thường muốn khám phá tận khởi nguyên của những nét đẹp ấy, và tôi biết rằng chính thầy là người đã đưa vẻ đẹp mộc miên chùa Hương vào nghệ thuật nhiếp ảnh của mình bằng những tấm hình mang nhiều triết lý nhân sinh Phật giáo. Đại đức không trả lời trực tiếp nỗi băn khoăn của tôi mà chỉ nói về cái đẹp của một loài hoa ở Tùng lâm Hương Tích. Hãy đến và cảm nhận. Rồi bạn sẽ thấy những câu hỏi đó không còn quan trọng nữa, không quan trọng bằng vẻ đẹp của loài hoa ấy đã hiện hữu ở nơi đây vừa tự nhiên vừa linh thiêng. Sự hiện hữu của loài hoa ấy ở chốn linh thiêng này tự nó đã là một giá trị. Không biết cái đẹp bắt nguồn từ sự linh thiêng hay cái đẹp tạo ra sự linh nghiêm?

Đỏ nhức nhối. Nở rực rỡ. Người đồng bằng miền xuôi gọi là hoa gạo. Người miền núi phía Bắc gọi là hoa mộc miên. Người Tây Nguyên thì gọi là hoa pơ lang. Cái tên pơ lang có vẻ hoang dã, như chính cái tên mảnh đất bazan hùng vĩ. Còn hoa gạo nghe thật dân dã, giản dị. Chỉ có cái tên mộc miên là lãng mạn hơn cả. Lãng mạn để điểm xuyết cho khung cảnh triền sông, vách đá, thác nước giữa điệp trùng núi mây miền Tây Bắc. Điểm xuyết cho bầu trời tháng ba…

Một năm có mười hai tháng. Mỗi tháng lại có một loài hoa để người ta nhớ thương. Mai, đào ngự trị mùa xuân. Loa kèn gọi tháng tư về. Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ. Hoa sen níu giữ mùa hạ. Hoa cúc vàng rực mùa thu. Riêng hoa gạo là loài hoa thuộc về tháng ba. Tây Nguyên tháng ba rực lên màu bất tận của những lễ hội là bởi sắc đỏ của pơlang cứ miên man. Những cánh hoa dầy dặn, gợi cảm như đôi môi người thiếu nữ đang yêu. Thẫm đỏ. Như quầng lửa cháy khôn nguôi. Những nắm bông của quả gạo trắng tinh, nhẹ như hơi thở người con gái, vấn vương những sợi tơ trời. Nữ nhà thơ Bình Nguyên Trang yêu tháng ba có lẽ cũng bởi yêu loài hoa gạo - mộc miên ấy. Và ai yêu tháng ba Hương tích có lẽ cũng bởi nét bừng phiêu của mộc miên - hoa gạo…

Đỏ khắc khoải. Như ai đó vãi lửa đam mê vào trời cháy bỏng. Hoa vắt kiệt sức mình rồi bời bời rụng rơi như tia chớp, xoáy tròn tít như những cái chong chóng lửa từ trên trời ai thả xuống. Lẽ thường thì hoa tàn rồi hoa rụng. Nhưng mộc miên - hoa gạo, sắc hoa vẫn một màu chẳng phai từ khi kết nụ đến ngày cánh hoa rơi. Như một sự tiếc nuối. Chưa tàn những cánh hoa, bông đã rụng rồi. Ấn tượng về loài hoa mộc miên trong tôi là sự nuối tiếc. Vẻ đẹp hoa mộc miên trong những tác phẩm nghệ thuật cũng là ấn tượng ấy, sự nuối tiếc ấy.

Từ lâu hoa mộc miên đã tầm tã rơi vào âm nhạc Huy Du với bài hát nổi tiếng về cây gạo miền biên ải. Những bông mộc miên lã chã rơi xuống khuông nhạc Ngọc Đại thành giai điệu nhiều nỗi niềm. Những bông hoa gạo rụng rơi trong ngày chị sinh của Trọng Đài/ Đoàn Thị Tảo thật đa đoan, tê tái. Và ở giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 2009, “Hoa mộc miên biên giới” đỏ như máu ứa trong thơ Nguyễn Linh Khiếu, ròng rã suốt ngàn năm…

Hoa gạo thân thiết với đời sống, gắn trong kỷ niệm mỗi người là một thời thơ ấu đầu trần chân đất. Cây gạo đứng ở đầu làng. Chị hai quang gánh đi chợ, dừng chân dưới gốc gạo, ngồi hóng mát. Cây gạo sừng sững như một tình yêu cô độc. Thân cổ thụ, gốc xù xì nhiều hang hốc là nơi trú ngụ của những hồn ma, cây gạo được trồng nhiều ở những nơi linh thiêng để những cô hồn lang thang được nương tựa bóng Thần, Phật mà siêu thoát. Thế nên định vị trong tâm thức Việt, cây gạo được nhắc đến bằng thành ngữ “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” là vậy.

Ảnh trong bài: Nguyễn Hoàng Lâm.

Cây gạo còn là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Tầm gửi cây gạo được người ta lấy để ngâm rượu. Cây gạo, hoa gạo trong dân gian là như thế. Những cây gạo ở đây, nơi trời mây núi rừng Hương Sơn này, mọc lên, như hàng ngàn ngọn nến của Bồ Tát, được thắp lên, cứ sừng sững mướt xanh. Những bông hoa gạo, nơi Tùng lâm trác tích này, nở ra, rồi rụng xuống, như hàng ngàn giọt nến dưới chân Phật bà chùa Hương, cứ ngằn ngặt đỏ suốt mùa trẩy hội không thôi…

Cây hoa gạo có ở nhiều nơi. Ở phủ Quốc, cây hoa gạo có ở trước Nguyệt hồ chùa Thầy. Đôi cây gạo đẹp nhất khi đứng ngắm từ đỉnh núi Thầy. Lúc đó hoa gạo tựa như Mandala của xứ Đoài. Còn ở Tùng lâm Hương Tích này, cây hoa gạo là ngọn nến thiêng. Hoa gạo chùa Hương như một pháp khí trong bộ “Bát cát tường”. Chiều dài pháp khí ấy sẽ được nhân đôi nếu ta bước lên cầu Hội và nhìn xuống dòng suối Yến xanh trong.

Khi đến miền đất Phật Hương Sơn này, ta có cảm giác những bông hoa gạo trở nên linh phiêu hơn, bất tận hơn, sắc màu dường như cũng trở nên mật tông hơn, bí huyền hơn. Những cây gạo như những cái nến trời khổng lồ, mang nét cổ kính như một món đồ gia bảo của nhà chùa. Khi những bông gạo rụng rơi, ta tưởng như những giọt nến đỏ chảy xuống, vương trên dòng suối Yến, bên sân đền Trình... 

Xưa, Trúc Vân Chu Mạnh Trinh tới vãn cảnh chùa Hương. Thốt lên trước cảnh đẹp nơi đây ông vẩy bút thành những câu thơ Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh. Đọc lại những vần thơ tuyệt bút ấy, tôi thấy ông sử dụng nghệ thuật nhân cách hóa thật đắc dụng. Chim, cá ở đây cũng được ví như con người, hướng tâm mình về với Phật. Nhưng, Đại đức Thích Minh Hiền lại cho rằng, đó không phải là phép tu từ. Nhân cách hóa, đó chỉ là góc nhìn hữu hạn của con người mà thôi.

Dưới cái nhìn huệ nhãn của nhà Phật, thế giới tự nhiên, từ những vật vô tri sỏi đá đến cỏ cây có sự sống, động vật biết sẻ chia tình cảm cho nhau hay con người biết tư duy, đều bình đẳng ngang nhau. Dù là con voi hay cái kiến thì đều cần được trân quý như nhau, đều là sinh linh cả. Kinh điển Phật giáo nói các chư vị Phật có thể cảm hóa muôn loài nên có những bức tranh vẽ Phật bà Quan thế âm Bồ Tát cưỡi rồng. Ngẫm lại thấy đúng là mỗi loài đều có một ngôn ngữ riêng, có một cách nghe, cảm thụ và phản ứng của riêng mình trước môi trường sống xung quanh.

Ở Việt phủ Thành Chương, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, mỗi nhành cây ngọn cỏ có thể  ứng cảm với niềm vui nỗi buồn của chủ nhân thì ở đây, nơi Tùng lâm Hương tích này, những hàng cây gạo, những bông mộc miên đỏ cháy cũng biết tương cảm cùng người du xuân trảy hội, đều hướng lòng mình về cõi Phật. Những bước chân của du khách hành hương về đây trẩy hội, nô nức yến oanh, đã kích hoạt những chùm hoa gạo đỏ ối, bừng cháy lên. Đường vào động Hương Tích như vơi hết bụi phiền. Mộc miên rực trời như muôn ngọn nến bập bùng không muốn tắt. Có phải vì thế chăng mà lễ hội chùa Hương trở thành lễ hội dài nhất nước ta?

Xưa, thi sĩ Tản Đà đến đây, có lẽ là vào mùa hè, với rau sắng mướt xanh nên ông không được thấy những bông gạo nở bên dòng Yến Vĩ. Thật tiếc cho ông. Và cũng thật tiếc cho chúng ta vì biết đâu lại sẽ chẳng có những câu thơ được vang lên một cách lộng lẫy về loài hoa vừa dân dã vừa tinh phiêu này. Khi chắp bút đề thơ lên đá, chúa Trịnh có nghĩ rằng bút tích của mình mấy trăm năm sau vẫn còn nguyên vẹn? 

Lúc quay bước về phủ, ngoái lại dòng Yến, ông có còn thấy thấp thoáng ba chữ Nam Thiên Môn sau những bông mộc miên rung rinh lửa? Không biết bao nhiêu những tao nhân mặc khách đã đến đây. Không biết bao nhiêu những nghệ phẩm… đã khắc họa, tụng ca, truyền kỳ về danh lam cổ tự Hương Sơn, về cảnh đẹp quần thể thắng tích này. Nhưng mấy ai đã rung cảm?

Lê Bảo Âu Long
.
.