Mấy ý nghĩa trong những ngày râm mát

Thứ Hai, 03/04/2017, 12:57
Có những hôm Ngô không đọc báo, Ngô mệt. Cũng chẳng biết từ chối tiếp nhận thông tin bằng cách nào, đành chọn cách tiêu cực nhất.

Mấy lâu thấy có tin gia đình anh chị nào đó chọn bãi bồi bên sông Hồng dựng nhà, nuôi trồng tự cung tự cấp, thấy vui vui. Cũng là một cách để tự mình cảm thấy hài lòng với chính mình trong cõi đời phù phiếm này vậy.

Tuy nhiên, chưa bao giờ trong Ngô nguôi niềm tin rồi ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Để mọi thứ nhẹ nhàng, Ngô xin phép được bàn về chủ đề lệch dòng thời sự trong nhiều ngày qua, đó là du lịch.

1. Mấy hôm nay báo giới loan tin về bán đảo Sơn Trà bị chiếm dụng trái phép một phần để xây biệt thự trái phép. Bán đảo Sơn Trà là vùng đất linh thiêng của TP Đà Nẵng, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Mười mấy năm trước khi Ngô còn thiếu niên, đứng trên bán đảo nhìn xuống một vùng biển xanh ngát, cho đến giờ vẫn nhớ vẹn nguyên cảm giác này. 

Ít lâu trước, Ngô có quay lại bán đảo Sơn Trà, lem nhem là các khu xây dựng. Cũng không biết phải diễn tả cảm xúc thế nào cho đặng, thở dài một hơi rồi đi. Nỗi niềm thì dâng ngang mày mắt, mà mình thì nhỏ bé tài hèn.

Tự rất lâu rồi Ngô nghĩ, gìn giữ một vùng đất như một biểu tượng có khó không. Chắc là sẽ khó lắm. Thời buổi cơn lốc kim tiền, lại trong con mắt của các đại gia bất động sản thì chỗ nào cũng ánh lên màu của giấy bạc.

Sẽ không có phát triển nếu không có sự tác động vào bất động sản, Ngô hiểu điều này rất rõ. Nhưng có những thứ giữ nguyên nét hoang sơ chính là một cách sinh lợi bền vững, không phải cho bây giờ mà cho cả con cháu mai sau. Không phải để dành phần thuận lợi hơn cho con cháu, là trách nhiệm của hiện tại hay sao?

Côn Đảo vừa được chuyên trang du lịch của CNN (Mỹ) bầu chọn là một trong mười hai hòn đảo đẹp nhất Châu Á, gọi là thiên đường. Sở dĩ họ xếp Côn Đảo vào danh sách này là vì Côn Đảo vẫn giữ được nét hoang sơ riêng. Côn Đảo ngút ngàn gió, biển đẹp, người dân chân chất, đến lần nào cũng nhiều lưu luyến lúc về. Chỉ e sau đánh giá này của CNN, đại gia đổ tiền vào Côn Đảo thì Côn Đảo lại lạc loài khỏi danh sách hấp dẫn gì đấy.

Chúng ta không biết cách làm du lịch, đó là điều chắc chắn. Chưa bao giờ chúng ta thừa nhận điều này, cũng chưa bao giờ chúng ta tìm được một giải pháp lâu dài. Có lẽ, chúng ta bị sốt ruột. Và biết đâu có lẽ, chúng ta cũng không quan tâm. Việc hưng phấn một cách quá mức đối với bộ phim đình đám Kong - Skull Island (Kong-Đảo đầu lâu) là một ví dụ.

Chúng ta nói quá nhiều về tiềm năng, về cơ hội, về đủ thứ trên trời dưới đất. Chúng ta cứ làm như chỉ cần một vài khung hình của đất nước lên phim của Hollywood là tiềm năng du lịch sẽ trỗi dậy để phát triển rực rỡ. Chúng ta quên mất rằng, không ai có thể thu hoạch trái nếu không chịu trồng cây.

Sẽ là bất công cho những nhà đầu tư vốn đã ném hàng triệu USD, hàng trăm tỷ vào các dự án du lịch ở những điểm như Sơn Trà, như Hạ Long, như Sa Pa, như hang động ở Quảng Bình… bởi nếu không có sự cho phép của chính quyền địa phương, không có những cái gật đầu thì Ngô đố ông nào có thể đặt móng hạ thổ công trình xây dựng.

Minh họa: Lê Phương.

Nhà đầu tư nhìn đâu cũng chỉ thấy tiền thôi, chúng ta chưa có quá nhiều các nhà kinh doanh tự trang bị cho mình trách nhiệm với cộng đồng, với hậu bối, thì nhà quản lý địa phương phải là cái khiên chống đỡ cho những vùng đất cần được giữ gìn.

Nhưng như Ngô đã lạm bàn những nhà quản lý địa phương của chúng ta đôi khi thân tại quan trường thân bất do kỷ mà cũng có thể là do sự sơ suất một cách đầy chủ đích nào đó.

2. Từ du lịch nhìn lệch sang xíu lại thấy một vấn nạn khác, đó là khách du lịch Trung Quốc đang xâm chiếm các tụ điểm nghỉ dưỡng của nước mình. Ngay cái thiên đường Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, bây giờ phải đang mỏi mệt vì lượng khách Trung Quốc ồ ạt. Nhắc đến chuyện này, Ngô thật sự tức giận.

Hồi người Trung Quốc mới sang Việt Nam xem nước ta là vùng đất du lịch mới với cái đuôi được gửi tạm thời ở thành phố Đà Nẵng. Nhiều ông trí thức nói chuyện như mê ngủ, cứ gật gù tốt lắm, tốt lắm. Ngô viết rất nhiều thứ cảnh báo, nơi nào có khách Trung Quốc sẽ không có khách ngoại quốc, và càng nhiều người Trung Quốc càng thu được ít ngoại tệ từ các loại hình dịch vụ du lịch. Thế nên, phải hết sức thận trọng và khoan hồ hởi.

Lúc ấy, mấy ông trí thức mơ ngủ tấn công Ngô ghê lắm. Bảo Ngô cực đoan, bài xích kích động, đến giờ thì đã chứng kiến con cáo gửi đuôi thành công nguy hại thế nào.

Người Trung Quốc có tiền, họ đi du lịch và mua sắm ở Châu Âu. Người Trung Quốc đi tour giá 0 đồng thì chọn nước mình. Đổi lại du khách Trung Quốc là sự vắng đi của du khách ngoại quốc.

Có lần Ngô đứng ở quầy lễ tân chờ nhận phòng khách sạn, Ngô chứng kiến trọn vẹn một đoàn khách Trung Quốc trả phòng. Không thể có tính từ nào miêu tả tốt hơn hai chữ "kinh hoàng". Vừa đi vừa nhai, vừa xỉa răng vừa cười nói, vừa chạy lên xuống cầu thang vừa giữ chặt cửa thang máy, ồn ào náo nhiệt tự nhiên quá trớn một cách đáng hoang mang. Cô tiếp tân rồi anh tiếp tân cứ xoay như chong chóng,  mặt mày tái nhợt.

Anh bạn Ngô có nhã ý mời Ngô đi chơi, gọi là trốn hết muộn phiền. Rất cẩn thận dặn Ngô, Ngô có đi thì đi giữa tuần, hôm đó vãn bớt khách Trung Quốc. Ngô cười không biểu hiện buồn vui.

Chuyện không muốn thì cũng đã xảy ra rồi, chuyện đã xảy ra rồi thì chỉ có cách là thích ứng và cố gắng giải quyết trọn vẹn nhất. Cách giải quyết trọn vẹn nhất là vì, Ngô tha thiết mong rằng các địa phương có lượng khách du lịch Trung Quốc đông nên thành lập một đội tạm gọi là xử lý các vấn đề của du khách Trung Quốc. Chuyện này vốn không mới, nhưng là điều nên làm.

Đây không phải là động thái kỳ thị hay bất cứ điều gì mang nội hàm tiêu cực khác, đây chỉ là gìn giữ cho mọi thứ trở nên tốt hơn, phù hợp hơn.

Đội ngũ xử lý này sẽ được học về ngôn ngữ, chữ viết phổ thông của người Trung Quốc, đặc tính thói quen cũng như nếp nghĩ một cách tương đối của họ. Vừa giúp đỡ họ khi cần thiết chẳng hạn như mất passport, đi lạc… cho đến nhắc nhở khi họ không tuân thủ những nguyên tắc của đất nước mình.

Chuyện này có khó không, Ngô cho rằng không có gì khó cả. Thậm chí, nó còn thể hiện thái độ văn minh, giữ gìn nếp nhà của người Việt ta.

3. Không phải đột nhiên bây giờ Ngô mới mạn phép bàn về du lịch, thật ra cũng có lúc mặc cảm mình đi chưa được mấy, lại chỉ biết đọc sách nghĩ lăng nhăng. Nhưng rồi lại cho rằng trách nhiệm của một nhà báo là lên tiếng, còn lên tiếng có được gì hay không lại là chuyện của các cấp lãnh đạo chứ mình thì quyết gì được nữa.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thì bất cứ lợi thế nào có thể sinh lợi đều phải được tận dụng một cách có hiệu quả nhất theo hướng bảo tồn. Du lịch là một ngành mà chúng ta có nhiều lợi thế, và nếu khai thác có phương pháp thì rõ ràng đây chính là ngành công nghiệp không khói đóng góp rất lớn cho ngân sách để chúng ta không phải hy sinh một con sông, một vùng biển cho những dự án công nghiệp nặng đầy rủi ro về môi trường, hệ thống xả thải. Vấn đề lớn nhất chính là thái độ phụng sự vì cái chung của những cán bộ lãnh đạo được phân công quán xuyến trong lĩnh vực này.

Cái cần thiết nhất hiện nay là gì, theo Ngô nghĩ chính là một quyết định không cấp phép đầu tư vào các vùng đất có thế mạnh về nét hoang sơ, về sự mộc mạc. Mà cụm động ở Quảng Bình và Côn Đảo là một ví dụ. 

Đến bao giờ thì những nhà quản lý mới chịu hiểu rằng chúng ta không cạnh tranh được với thế giới bằng những công viên trò chơi, những khu giải trí cảm giác mạnh. Đến bao giờ thì những nhà quản lý du lịch mới đánh giá trọn vẹn sự hấp dẫn của một vùng đất chưa bị thương nhân khai thác là mãnh liệt đến chừng nào?

Thế nên Ngô cho rằng, làm du lịch khoan hẵng nhìn thấy hàng tỷ tỷ tiền ném vào dự án, đầu tiên hãy nhìn đến thế mạnh của vùng đất đó là gì. Cơ sở nghỉ dưỡng tưởng rằng quan trọng, nhưng trên thực tế cảnh vật ở vùng đất đó mới có tính quyết định. Homestay có nét hay của homestay, dựng lều bạt nướng thức ăn có cái hay của dựng lều bạt nướng thức ăn.

Và nếu cần thiết, hãy cứ thử quản lý du lịch theo kiểu hạn chế du khách đến trong năm, ví dụ năm nay đón năm nghìn du khách thì không có chỗ cho du khách thứ năm nghìn không trăm lẻ một.

Hãy nhìn xa hơn khoản thu ngân sách trong một năm của địa phương, hãy nhìn xa hơn những thứ con cháu sẽ được thụ hưởng.

Lúc đó, biết đâu chúng ta có quyền hy vọng về một Việt Nam là điểm đến của nhiều du khách, chứ không chỉ là du khách Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong như bây giờ.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.