Màu xanh trẻ mãi

Thứ Hai, 07/07/2014, 13:00

1. Chúng tôi là những người lính lên đường nhập ngũ vào năm 1979 nóng bỏng và rất đáng nhớ đó. Những cậu học trò cuối cấp ở thời điểm ấy đã rạo rực trái tim cùng lời hát “gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...” và nhập ngũ, chúng tôi mang theo trong mình những cảm xúc thực sự lãng mạn và dâng hiến. Mặc bộ quân phục xanh lên mình, chúng tôi thực sự cảm thấy mình trở nên rắn rỏi hơn, trưởng thành hơn vì từ đấy, chúng tôi không đơn lẻ mà đã cùng trở thành một tập thể, một đội ngũ. Và tôi nhớ, một trong những bài thơ đầu tiên tôi viết khi đó chính là về màu xanh trên bộ quân phục của mình:

“Chẳng có màu xanh đứng lẻ loi
Xanh cây hòa lẫn với xanh trời
Giữa tuổi hai mươi cùng thế hệ
Áo người đồng đội biếc bên tôi...”

Và vì còn rất trẻ và rất nhiều tin tưởng ở những điều tốt đẹp nên ngay cả trong thực tế khó khăn và khắc nghiệt của cuộc đời người lính, chúng tôi vẫn tìm ra được những rung động thật trong trẻo và dễ thương. Hành quân qua những vùng đồi khô khát, thế mà tự nhiên lại tưởng tượng ra hoa cúc và nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ bỗng hóa thành những câu thơ rực rỡ sắc vàng. Và tôi đã viết nên bài thơ Hoa cúc mùa thu:

“Hồi ở nhà có để ý gì đâu,
Dầu Hà Nội loại hoa nào cũng có.
Tôi đã gặp trong thơ nhưng chẳng nhớ
Vẻ dịu dàng của hoa cúc vùng cao.

Xa nhà rồi, mùa thu tới nôn nao
Nhớ kỷ niệm của những ngày bé nhỏ,
Nhớ buổi tựu trường phượng còn thắm đỏ,
Tiếng ve còn êm dịu những trò vui.

Đến sáng hôm nay hành quân qua đồi,
Mới ngỡ ngàng trước rừng hoa cúc nở.
Cúc bé nhỏ mà đồi không bé nhỏ
Nên màu vàng cứ bỡ ngỡ bao la.

Mẹ ơi mẹ đứa con đi xa
Mười tám tuổi mới lần đầu cảm thấy
Yêu bông cúc đơn sơ mà lộng lẫy
Mọc trên đồi giữa ngàn loại cỏ cây

Xin được cầm bông cúc lên tay
Để mơ mộng cũng đi vào trận đánh,
Xin cúc đậu lên ba lô người lính,
Mười tám tuổi thôi mà nên lính rất yêu hoa.

Mẹ ơi mẹ đứa con đi xa
Trên đường hành quân khát khao gặp mẹ
Để làm việc chưa kịp làm ngày bé:
Bông cúc này hái tặng mẹ thân yêu...”.

Màu hoa tưởng tượng đó hóa ra lại hiện thực hơn cả những gì trong hiện thực. Và bền lâu hơn tất cả những gì trong hiện thực. Trái tim người lính trẻ ở thế hệ tôi khi đó chưa từng trải nên ít có những chi tiết thực tế bộn bề. Đến như cả tình yêu với chúng tôi khi ấy cũng chỉ tồn tại trong ý niệm và trí tưởng tượng là chính. Bài thơ Vùng cây lá đỏ của tôi đã được viết chính ở trong tâm thế đó:

Minh họa: Hữu Khoa.

“Giữa rừng rậm gặp vùng cây lá đỏ
Tựa làn môi đang cười.
Cả đoàn quân bỗng ngỡ ngàng tiếng nói,
Nhớ em nhiều, nhớ em quá em ơi.

Có phải vì hoa chưa kịp hồng tươi
Nên lá mới vội vàng thay hoa nở,
Để trên cành những trái tim nho nhỏ
Làm nao lòng người lính chiều nay?

Có phải vì em không ở nơi đây
Nên bất chợt anh ít lời đến thế
Lúc ngang qua chỉ chạm cành rất khẽ,
Ai nỡ nào làm sắc đỏ tan đi!

Lá gợi gì? Nhắc nhở điều chi?
Bữa em tới, áo cũng ngời sắc đỏ.
Vui trải ngát khung trời thành phố,
Chỉ thoáng buồn vương ở bờ mi...

Lá gợi gì? Nhắc nhở điều chi?
Thương hai đứa xa nhau tuổi trẻ,
Thiên nhiên cũng mang bao tình ý
Kỷ niệm mình in khắp nơi nơi...

Em hãy nhìn, lá mỏng mảnh vậy thôi
Mà nát vẫn không hề phai nhạt.
Những cánh nhỏ chụm vào như hoa thật
Chẳng nhuỵ vàng, vẫn khẽ đưa duyên...

Muốn tin rằng màu lá ấy nhờ em
Rừng rực cháy khi hoàng hôn dần tới.
Đoàn quân đi vào đêm và chói lọi
Trước mặt mình rừng đuốc của tình yêu...”.

2. Thực tế chiến tranh rất khắc nghiệt. Và lắm khi, tàn nhẫn. Quá nhiều mất mát, hy sinh để có ngày chiến thắng. Thế nhưng, người lính ngay cả trong những tình huống dù bi thiết nhất vẫn cố gắng tìm cho mình những sự tự an ủi lãng mạn để có thêm được niềm tin đi tiếp con đường đạn lửa để thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ của mình. Và trong một đêm giữa rừng, mất ngủ trên cánh võng, người lính lại thả trí tưởng tượng để hình dung lại những gì đã khao khát từ thời trai trẻ, viết những câu thơ lãng mạn như thể được truyền lại từ những thế hệ đồng đội đi trước. Bài thơ Cô giao liên bước chân trần xuống suối đã được viết như một món quà tặng cho nhà văn Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh (tức Thân phận của tình yêu):

“Cô giao liên bước chân trần xuống suối
những mảnh vàng trăng tan biến đê mê
tóc em đen thân em ngần trắng
đêm thành lóng lánh trong ta

giấc ngủ làm sao đến được
mắt ta chong đếm những chấm sao mờ
mẹ ta có thức con ta có thức
vợ ta giờ trằn trọc nhớ ta không

bao nhiêu năm lá rừng thay chiếu
gần với hy sinh như người bạn
                                 chung giường
ta quen nghĩ thân phận mình không đáng kể
và cả nỗi niềm thân phận của tình yêu

sao trước trận cuối cùng ta mất ngủ
nhớ mo tre bà ngoại nhặt hun hè
mẹ ta trẻ chờ bố ta biền biệt
Trường Sơn dài hơn mọi trường ca

ta cũng hiến đời cho gió bụi
để vinh danh một hy vọng yên bình
ta đã cắn hàm răng trai trẻ
cho giấc mơ thêm một phút trong lành

nhưng em tới vô tình như số phận
gót chân trần đạp lên những vần thơ
ta gieo mãi chỉ gặt về vướng bận
những tơ duyên mộng mị như tờ

và đến phút cuối cùng trong mất ngủ
giấc mơ đau như đời thực chia lìa
cô giao liên bước chân trần xuống suối
tới bây giờ em vẫn hát trong ta...”.

Rồi tôi, một người lính may mắn, rốt cuộc cũng trở lại được với thời bình một cách vẹn toàn, làm công việc mà mình yêu thích ở thành phố quê hương. Nhưng dù thế nào thì ở sâu trong lòng vẫn đau đáu ký ức về những đồng đội đã nằm xuống và không bao giờ trở lại. Tôi đã viết khúc Tưởng niệm để tặng cho đồng đội của mình:

“Nâng chén cùng nhau, đồng đội,
Những người rừng đã về lại thành đô.
Rưng rưng mắt, run run tay đỡ,
Con trai ai lại khóc bao giờ.

Nhưng nhớ quá, nhớ quá thằng bạn ấy,
Nó đã hẹn với tao, nó đã hẹn với mày,
Nó vẫn ước bao giờ về Hà Nội
Phải cùng ngồi một bữa tới kỳ say.

Mà nó có mấy khi uống rượu
Sống trên rừng, tính nó vẫn học sinh.
Nó trẻ lắm, hơn tao, hơn mày nữa,
Chết đi chưa có một mối tình.

Giá có thể đỡ đạn cho nhau được
Như uống giùm chút rượu cho nhau,
Những vì sao đường Láng rơi đầy chén
Thấm vào lòng chắc đỡ khiến lòng đau...”.
 

3. Cá nhân tôi luôn nghĩ, có thể chúng ta không  cần sử dụng tới khái niệm cựu chiến binh? Đã từng là người lính thì đến trọn đời vẫn mang trong mình phẩm cách của người lính. Và vẫn mang trong mình mãi mãi một tình yêu không bao giờ cũ dành cho Tổ quốc. Một tình yêu không cần những lý do đao to búa lớn nhưng không phải vì thế mà kém phần mãnh liệt. Trong trường ca Những khúc hát đi tìm đồng đội của tôi có một đoạn nói về tình yêu Tổ quốc như thế:

“Và tôi yêu Tổ quốc
dường như không lý do

không phải vì ấm no
không phải vì hạnh phúc
thế giới bao vùng đất
có thể đẹp giàu hơn

nhưng yêu lắm giang sơn
thấm mồ hôi và máu
mấy nghìn năm chiến đấu
mấy nghìn năm nhọc nhằn
dẫu một kiếp nông dân
dẫu một đời lam lũ
nhưng chết cùng phải giữ
dù chỉ một tiếng chim

một tia nắng bình minh
hừng lên trên ghềnh đá
tiếng ầm ào sóng vỗ
những ngọn gió khơi xa
yêu Trường Sa, Hoàng Sa,
vì đấy là Tổ quốc
đời này sang đời khác
đâu có cần lý do

một tình yêu âu lo
một tình yêu lặng lẽ
một tình yêu chiến sĩ
cho đến lúc bạc đầu...”.

Tính tới mùa hè này tôi đã tròn 35 năm trong lực lượng vũ trang. Và dẫu đã rất nhiều thời gian trôi, trong tôi và những người đồng đội thế hệ tôi vẫn luôn tâm nguyện làm sao giữ được ở trong mình vẹn nguyên trái tim chiến sĩ, như khi ở lứa tuổi hai mươi lần đầu ghép lại cùng nhau thành đội ngũ...

Hồng Thanh Quang
.
.