Mất một ông bầu

Thứ Năm, 23/07/2015, 19:42
Đấy là một ông bầu nổi tiếng “không sợ ai”, cũng là một ông bầu từng nhiều lần đụng tới những chỗ không ai dám đụng. Thật khó trả lời rành rọt xem tất cả là vì ông bầu ấy muốn “bóng đá Việt Nam phát triển” như ông nhiều lần tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, hay còn vì ông muốn chứng tỏ, muốn thể hiện, muốn gặt được một mục tiêu cá nhân nào đó. 

Chỉ có điều ông bầu ấy đột ngột rút chân khỏi làng bóng, và phần còn lại của làng bóng phải đặt ra câu hỏi: Với sự xuất hiện ngắn ngủi của những ông bầu như thế, bóng đá Việt Nam liệu có thực sự gặt hái được gì không?

Thời ông bầu Nguyễn Văn Đệ, phải công nhận là bóng đá Thanh Hoá ổn định hơn và bay bổng hơn so với trước rất nhiều. Thời ông Đệ, bóng đá xứ Thanh chào đón những HLV thuộc dạng lão làng nhất Việt Nam như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, cũng đồng thời chào đón sự xuất hiện của những cầu thủ tài năng như Mai Tiến Thành, Hoàng Đình Tùng, Mạc Hồng Quân... Sau mỗi mùa giải, dù không tránh khỏi việc người đi - người đến nhưng xét ở góc độ thành tích thì rõ ràng Thanh Hoá luôn tiến dần đều, mà vị trí thứ ba mùa giải 2014 là dẫn chứng điển hình.

Nếu như trước đấy, cũng giống như nhiều đội bóng Việt Nam khác, Thanh Hoá luôn gặp khó trong chuyện quản lý tư tưởng cầu thủ thì đến thời bầu Đệ, cả một hội đồng tư vấn chuyên môn được thiết lập để quản lý hiệu quả vấn đề này. Thế nên mới có chuyện những cầu thủ bất ngờ xuống phong độ hoặc bất ngờ thi đấu “không đúng sức mình” đã bị kỷ luật, và khi nhận án kỷ luật thì tất cả  đều phải tâm phục khẩu phục, thay vì có thể hỏi ngược lại một câu quen thuộc: bằng chứng đâu?

Vẫn dưới thời bầu Đệ, Thanh Hoá là một trong hiếm hoi những đội bóng duy trì được sự ổn định tài chính trong bối cảnh nền kinh tế lao đao suy thoái, và nhiều đội bóng vì sự lao đao, suy thoái ấy mà “chết non”.

Thực ra có được điều này là vì chính sách xây dựng bóng đá của Tỉnh khi CLB không còn được “khoán trắng” cho một ông bầu, để rồi lên đỉnh - xuống vực theo cảm hứng của một ông bầu giống như thời bầu Lý trước đây, mà được hoạt động bởi sự chung sức của nhiều doanh nghiệp, trong đó ông Đệ được phân công là người đứng mũi chịu sào. Nhưng rõ ràng là không phải ai cũng có thể đứng mũi chịu sào một cách bền bỉ và hiệu quả như ông. 

Không chỉ tạo ra một Thanh Hoá ổn định, ông Đệ còn tỏ ra gai góc trong tất cả những vấn đề liên quan tới làng bóng, tới đại cuộc nói chung. Ông gai góc tới độ không ngại động chạm vào những khu vực nhiều người muốn tránh. Chẳng hạn như khi làng bóng cứ nâng lên đặt xuống về sự đi - ở của một cầu thủ sao số như Lê Công Vinh thì bầu Đệ gây sốc với phát biểu: “Công Vinh ấy à? Có cho không tôi cũng không lấy”.

Rồi lại là bầu Đệ đã bất ngờ trảm “Mourinho Việt Nam” Lê Thụy Hải, rồi “bắn” thông tin “trảm” cho truyền thông trước khi cho ông Hải. Sau này ông Hải giận ông Đệ tới mức hai người gặp nhau, ông Đệ chìa tay ra nhưng ông Hải đã lắc đầu quay đi. Nhiều lần ông Hải chia sẻ với người viết: “Tôi không thèm bắt tay với những người mình không thèm quan hệ”, rồi  “Ông ấy (bầu Đệ - PV) trước mặt thì cứ gọi tôi một tiếng “thầy”, hai tiếng “thầy” nhưng sau lưng tôi thì không như thế”. 

Có lần vì bức xúc chuyện trọng tài công nhận một bàn thắng mà theo mình là “bàn thắng ma” của Xuân Thành Sài Gòn trong một trận đấu trên sân Thanh Hoá, bầu Đệ còn kéo cả một lực lượng hùng hậu lên Hà Nội họp báo, tố cáo BTC giải hoạt động “giống một tổ chức mafia”. 

Lại có lần, trong một cuộc họp tổng kết V.League, bầu Đệ bất ngờ đứng dậy đấu lý với bầu Đức, rồi không ngại rủ bầu Đức “ra ngoài nói chuyện riêng”. Phải nói sự xuất hiện của một ông bầu lắm chiêu như bầu Đệ đã khiến bóng đá Việt Nam nhiều phen xôm tụ bất ngờ.

Những người làm việc với bầu Đệ, có người khen “ông ấy nói được làm được”, có người ta thán: “Tôi không bao giờ muốn hợp tác với một người như thế”, lại có người tỏ ra điềm tĩnh, ôn hoà: “Với một người như thế, thật không biết đâu mà lần”. Đúng là không biết đâu mà lần thật, khi Thanh Hoá đang bay cao, bay xa trên bảng tổng sắp V.League 2015 thì bầu Đệ lại đột ngột rút lui và một ông bầu mới bất ngờ vào cuộc. Ông rút lui sau rất nhiều ồn ào ông tạo ra trong 4 năm làm bóng đá. Rốt cuộc thì ông đã thực sự làm được những gì cho bóng đá xứ Thanh và đóng góp được gì cho một nền bóng đá nói chung? 

Ở vế thứ nhất, 4 năm trời ổn định, và có những khoảnh khắc bay cao trên bảng tổng sắp V.League có thể đã khiến người hâm mộ xứ Thanh hài lòng, còn ở vế thứ hai, sự đóng góp có chăng chỉ là một chút ồn ĩ, một chút “đánh động”, dù thật khó trả lời chính xác xem sự “đánh động” ấy nhắm đến động cơ thực sự nào.

Mất một ông bầu như bầu Đệ, chúng ta lại sực nhớ đến những lần mất bầu Thụy (Sài Gòn Xuân Thành) hay bầu Trường (The Vissai Ninh Bình), dù cái di sản mà bầu Đệ để lại không đến nỗi tan hoang và trắng trơn như hai ông bầu còn lại. Mất một ông bầu như bầu Đệ, chúng ta lại nhớ về tồn tại trong ồn ào, bóng loáng của những “ông bầu ngắn hạn”, và đã có lúc mù quáng tin rằng những “con người ngắn hạn” có thể thực hiện những mục tiêu đường dài.

Bóng đá Việt Nam rồi sẽ còn những “ông bầu ngắn hạn” tiếp theo, và với những ai thích ồn ào, tranh cãi thì sự xuất hiện của những ông bầu dạng này sẽ đem tới cho họ những thoả mãn ít nhiều.

Những ông bầu dài hạn

Cũng may là bên cạnh những “bầu ngắn hạn”, bóng đá Việt Nam đã và đang chứng kiến sự xuất hiện của những “bầu dài hạn” như bầu Đức - Hoàng Anh Gia Lai, bầu Thắng - Đồng Tâm Long An hoặc một người mà về danh nghĩa không còn là “bầu” nhưng vẫn mang hình ảnh của một “ông bầu chính hiệu” như bầu Hiển. Người thứ nhất đã tạo ra cả một Học viện bóng đá với những thế hệ cầu thủ trẻ giàu triển vọng kế tiếp nhau, người thứ hai đã ngồi lên ghế Tổng giám đốc VPF để lèo lái cuộc chơi chung cấp CLB còn người thứ ba được cho là đang bền bỉ xây dựng những kế hoạch phát triển cầu thủ trẻ dài kỳ.

Trong số những “ông bầu dài hạn” thì bầu Kiên - cựu chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội, cựu phó chủ tịch VPF có lẽ là một trường hợp dị biệt. Vào đúng lúc chuẩn bị thực hiện một chiến lược mà theo mình là “chiến lược đổi mới, phát triển bóng đá Việt Nam” thì ông bầu này lại rơi vào vòng lao lý, và thế là không chỉ các chiến lược, mà ngay cả đội bóng mà ông quản lý nhiều năm qua cũng... tan tành khói mây. Có thể nói mất bầu Kiên, VPF đã không thể đi đúng, đi trúng con đường như mình vạch ra từ đầu.

Và vì thế, nhiều người trong giới bóng đá vẫn tin rằng nếu không mất bầu Kiên thì cuộc chơi V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sẽ khác lúc này nhiều lắm.

Phan Đăng
.
.