Đầu xuân, bàn về triết lý say trong chầu văn quan Hoàng Bảy:

Lúc tỉnh, lúc say, Hoàng đố ai biết được?

Thứ Sáu, 20/03/2015, 11:40
Say, bất luận là say thơ, say phú, say rượu, say bài bạc… vốn là một đề tài kinh điển của nghệ thuật cổ điển phương Đông. Từ sân khấu tuồng qua chiếu chèo dân gian, từ những vần thơ mang mang hồn kẻ sĩ qua những điệu ca trù tan nát khách phong tình, ở đâu cảm hứng say cũng nghiêng xuống và để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người.

Trong cái ngả nghiêng, loạng choạng được tạo dựng bởi nguồn cảm hứng đặc biệt ấy thì cái say của quan Hoàng Bảy trong những khúc chầu văn có một chỗ đứng, một giá trị đặc biệt, khác thường. Sự khác thường mà ở đó, ông Hoàng Bảy say một cái say vừa rất đời, vừa rất mơ, vừa có sự phồn thực lung linh của vật chất lại vừa mang nét phong lưu, triết lý trong cốt cách tinh thần.

Ông Bảy trong quan niệm của tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là một thiên thần giáng thế. Ông giáng ở đời Lê Cảnh Hưng, và là vị con thứ bảy của một gia tộc họ Nguyễn. Trong bối cảnh mà giặc phương Bắc tràn xuống Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai hiện nay), khiến nhân dân điêu đứng, khốn khổ, ông Bảy được triều đình cử đi dẹp giặc. Với tài thao lược hơn người, ông Bảy đã đánh tan quân giặc, đem lại sự bình yên cho bách tính. Tuy nhiên sau này, trong một trận đánh quá chênh lệch với kẻ thù, ông Bảy đã bị giặc sát hại.

Tích xưa truyền rằng, khi ông bị giặc sát hại thì trời bỗng nổi cơn vần vũ, kết thành hình thần mã. Từ thi thể ông, một đạo hào quang vút bay lên, phi lên thần mã tới đúng vùng Bảo Hà (Lào Cai) thì dừng lại và biến thành tứ linh chầu hội. Sau này thì ông Bảy giáng thế trong dinh Bảo Hà, tiếp tục cai quản vùng biên cương. Ở lần giáng thế này, ông không chỉ được biết đến với tài điều binh khiển tướng, mà còn nổi tiếng bởi những thú chơi mê đắm như thú tổ tôm, thú đánh cờ, thú thẩm trà, thưởng rượu…

Điều đặc biệt là, với bất cứ thú chơi nào ông Bảy cũng say, và ở bất cứ cơn say nào ông cũng chiêm nghiệm, luận bàn về nhân tình thế sự. Xin đơn cử một đoạn phú mô tả thú bài bạc của ông:

Cuộc cờ xóa xóa bày bày
Ván bài tam cúc, xưa nay thật tức cười
Được - thua ván kết mà thôi
Khi suy Tướng - Sĩ cũng đi đời nhà ma

Khi bình địa lúc lại phong ba
Hiếu trung giữ tốt ấy là tài danh
Pháo kia nổi kiệu lôi oanh
Tốt không bảo vệ giữ mình được sao?

Nghe những câu phú như thế này, người ta hiển nhiên không chỉ nghĩ về một cuộc cờ, một ván tam cúc đơn thuần như bao nhiêu cuộc cờ, bao nhiêu ván tam cúc khác của chốn phàm tục. Ở đây, khi ông Bảy hiển linh và nhắn nhủ với con người: “Tốt không bảo vệ giữ mình được sao?” thì cũng là lúc con người  giật mình nhớ tới khả năng vun đắp và nuôi dưỡng những thứ giá trị đơn sơ nhất, tiểu tốt nhất trong cõi sống của mình.

Có thể nói, khi nhắm mắt tưởng tượng đến mỗi nước cờ, mỗi cây tam cúc của Quan Hoàng Bảy, lắng hồn mình trong từng lời, từng giọt chầu văn mô tả những cuộc cờ - ván đánh của ông, những kẻ hậu sinh chúng ta như được đốn ngộ với những bài học nhân sinh giản dị mà sâu xa, thiết thực mà uyên bác.

*

*   *

Không chỉ cận cảnh trạng thái say trong từng thú chơi riêng lẻ, chầu văn quan Hoàng Bảy còn tổng kết trạng thái say nói chung của quan Hoàng bằng những câu xứng đáng thuộc vào hàng tuyệt bút:

Say phú, say thơ, Quan Hoàng say câu hát
Say nợ tang bồng tỉnh lại say
Say cùng tuế nguyệt câu kim cổ
Say với non sông, mộng tháng ngày

Bốn câu phú cùng tạo nên một chủ điểm say nhưng lại khắc hoạ tới 3 thế giới say làm sững sờ, đê mê thính giác con người. Đầu tiên là thế giới say của đời thực, cái say đơn thuần bởi phú, bởi thơ, bởi từng lời ca tiếng hát. Cái say này thực ra không có gì đặc biệt, bởi mọi tao nhân mặc khách trên đời, từ cổ kim Đông Tây đều có thể say như thế.

Nhưng với 4 tín hiệu thẩm mĩ được tạo nên bởi 4 con chữ, 4 hình ảnh “say - nợ - tang - bồng” nối tiếp ngay sau đó thì thế giới say không còn là thế giới thực nữa rồi. Hình ảnh “tang bồng” gợi lên một bầu trời mây khói nhẹ thênh thang. Giữa mông lung mây khói ấy, dấu ấn con người hiện lên qua chữ “say” - một tín hiệu ngôn ngữ gợi cảm giác chếnh choáng và chữ “nợ” - một tín hiệu ngôn ngữ gợi cảm giác vương vấn. Thế thì ai chếnh choáng ai, ai vương vấn ai bây giờ? Con người vương vấn cảnh hay cảnh đang vương vấn cái chếnh choáng thoát tục của con người?

Hầu đồng giá ông Bảy. Ảnh: Phan Đăng.

Từ cái say đơn thuần với cầm kỳ thi họa cho đến cái say chếnh choáng của một bầu trời mây khói “nợ tang bồng”, thế giới say đã chuyển từ thực sang mơ, từ đời sang mộng, từ cái say vật chất sang cái say tinh thần, rồi từ cái say tinh thần sang cái say thoát thế. Say đến như vậy là say đến đỉnh đương, say đến tận cùng, say không thể say hơn nữa.

Nhưng trạng thái say đỉnh đương trong giấc mộng tang bồng vẫn chưa phải là sự kết thúc của một cơn say. Nó – cơn say đặc biệt của quan Hoàng còn được phóng chiếu, được mở rộng, được nhân lên với hình ảnh “tỉnh lại say”. Hình ảnh này khắc họa những cơn say nối tiếp nhau, những cơn say chồng chồng lớp lớp, những cơn say thực thực mộng mộng, những cơn say như những ly rượu đổ tràn cả cái hồ lô vũ trụ đời.

Say đến cỡ ấy, con người ta còn có thể biết gì về mình, về đời, về người, nữa đây? Vậy mà không, ở tận cùng của một cơn say tưởng như quên trời đất chúng ta chợt thấy thẳm sâu nơi tâm khảm ông Hoàng vẫn là một chữ “đời” sâu nặng. Không phải là một cõi đời phồn thực, dễ thấy như khi “say phú say thơ say câu hát” nữa, mà lại là một cõi đời sâu kín, một cõi đời của sự chiêm nghiệm thanh tao:

Say cùng tuế nguyệt câu kim cổ
Say với non sông mộng tháng ngày

Ở đây, nếu như trạng thái “say nợ tang bồng”  dẫn dụ, mê muội chúng ta vào một thế giới hư vô thì trạng thái “say với non sông” lại làm chúng ta bừng tỉnh với một thế giới rất đời, rất trầm luân thế sự. Cái thế giới mà với nó chúng ta hiểu rằng cho dù có khoác lên đôi cánh của sự thoát thế, thì quan Hoàng vẫn luôn một lòng, đau đáu vận nước non. Nói theo ngôn ngữ phê bình văn học thì câu phú “say nợ tang bồng” giống như một nhịp buông, còn câu phú “say với non sông” giống như một nhịp dội, và từ nhịp buông đến nhịp dội thì thế giới cảm nhận của người đọc, người nghe đã bị xé toang đến bất ngờ.

*

*   *

Nhìn nhận, nghiền ngẫm lại trạng thái say của quan Hoàng chúng ta thấy rằng trước tiên là cái say thông thường của một người đời, sau đó là say của một bậc tao nhân mặc khách đắm đuối cùng tang bồng, thi tửu, và cuối cùng là cái say của một ông quan đau đáu vận nước non. Với tất cả những cảm giác say, những trạng thái say, những thế giới say chồng chồng lớp lớp, rốt cuộc thông điệp mà cái say gửi gắm là gì?

Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày
Say cũng lụy, không say thời cũng lụy

Ồ, hóa ra có rượu (hãy cứ hiểu một cách giản dị như thế) thì con người ta say đã đành, nhưng ngay cả khi không rượu, không thơ, con người ta vẫn có thể túy lúy mà… đổ cơn say. Vì sao thế? Vì phải chăng cuộc đời này tự nó đã là một men say? Vì phải chăng sự sống này tự nó đã là một thứ dung dịch khiến con người điên đảo? Một khi đã hiểu rõ bản chất thật của một “kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày” như thế, cái kiếp đời mà “say cũng lụy, không say thời cũng lụy” như thế thì con người ta sống bon chen, sống tính toán, sống tà đạo, sống sát hại nhau làm gì!? 

Chữ Đức anh linh ông Bảy soi đời vời vợi
Ai mất chữ Tâm thì tội phải mang
Lưới trời tỏa khắp bốn phương
Chữ Tâm mà đánh mất, ông cho khôn đường thoát thân.

*

*   *

Phân tích về triết lý say trong chầu văn quan Hoàng Bảy mà chỉ có thể đụng tới phương diện ngôn ngữ, chứ không thể trực tiếp thẩm thấu phần âm thanh với những điệu lẩy, điệu ngân lay động hồn người thì cái hay, cái đẹp đã mất đi tới tám, chín phần. Bởi chầu văn xét cho cùng không phải là thơ ca, nghĩa là không phục vụ cho nhu cầu đọc và viết, mà chỉ phục vụ cho nhu cầu hát và nghe. Chính vì thế, khi thực hiện bài viết này, tôi tự thấy ngòi bút mình nhiều chỗ gượng ép và bất lực!

(*) Trích từ câu chầu văn: “Lúc tỉnh lúc say, Hoàng đố ai biết được/Hương thơm lan tỏa, ngút trời mây…”.

Phan Đăng
.
.