Liên hoa tiên cốt

Thứ Tư, 12/08/2015, 16:26
“Khói mây ngày trước, hoa ngày trước”.
                                             (Thiếu Văn)

Sáng thu se lạnh, mưa bay giăng mắc, vạn vật trở nên ẩm ướt, tinh khôi. Đã rất lâu rồi mới có dịp thức dậy trong buổi sớm mai ở miền quê như vậy. Nhiều năm qua, bận rộn với công việc và cuộc sống thị thành, hình ảnh phố xá choán hết trong tâm trí nhưng những buổi sáng thu xưa vẫn là những kí ức đợi chờ được khơi dậy chứ chưa bao giờ có thể bị hoàn toàn quên lãng.

Những sáng thu đó sương đêm ướt đẫm mái ngói. Rêu mốc trở nên tươi tốt đến kì lạ trên nền gạch cũ và những tàu chuối trong vườn thì nhoang nhoáng nước. Bên kia bờ trúc, mặt ao được lớp mù phủ nhẹ do hơi ấm từ lòng nước bốc lên ngưng lại và bay lãng đãng trùm qua bờ cỏ lúc này đang đeo đầy những hạt móc long lanh. Cái ao đó đến bây giờ người xóm tôi vẫn ra gánh nước và đôi khi vẫn giặt chiếu trên cầu gạch rồi đập xuống mặt nước thùm thùm.

Đêm không ngủ. Phần vì hơi lạnh từ chiếc sập bằng gỗ lát từ thời ông tôi để lại. Cái sập mà thuở nhỏ tôi vẫn nằm khoan khoái những buổi trưa hè. Không gì có thể mát hơn vào thời đó khi quê nghèo còn chưa được kéo đường điện. Có chăng, là nằm thẳng xuống nền nhà bằng đất nện chứ chưa được lát những viên gạch chỉ như bây giờ. Không ngủ còn vì muốn lắng nghe những “khúc đêm”.

Mưa thu không sầm sập như mưa hạ mà rả rích, lê thê. Tàu chuối hứng từ tàn nhãn từng giọt, từng giọt rơi lộp bộp. “Chuông mưa” càng về đêm càng vang động, âm thanh của mưa và cây lá trong vườn. Tôi nằm trằn trọc nghe đêm và ngắm dòng chữ Nho viết bằng mực xanh trên câu đầu mà thời gian đã làm nét chữ trở nên phai nhạt. Lớp ngói chiếu xám màu như thời gian của trăm năm phủ xuống, xa xăm...

Trời khuya mang theo hơi giá. Không gian trở nên cô đặc, những ồn ào, náo nhiệt của mùa hè đã ra đi cùng cái nóng nực. Trong đêm yên tĩnh miền quê, những thanh âm từ đồng xa vọng về, len lỏi qua từng mái nhà, rặng cây trong xóm, lọt vào tai người lâu ngày bước chân trở lại. Xưa, cũng vào những đêm thu này, còn nghe thấy tiếng chim giá cô (đa đa) khắc khoải trong những ngày mới trở về nam mà người xưa ví như giọng buồn của người lữ khách vùng biên viễn phương bắc nhớ về quê nhà. Nay, tiếng chim giá cô không còn, nó đã bị săn bắn đến cạn kiệt hay vì sợ hãi mà dạt đi phương trời nào cũng không ai rõ.

Giữa chiều, mưa tạnh. Vào tiết lập thu, trời cao và trong hơn rất nhiều, sắc ngả sang lam. Cỏ triền đê cũng nhiều biến chuyển, không còn xanh mỡ, tươi non như ngày nào mà ngả màu vàng úa. Những ngọn lau từ trắng bông chuyển màu nâu nhạt. Những ngọn cỏ lông gà nhô cao, gầy guộc, lay động dưới gió chiều mà lúc này, nhiều khi, đã thổi từ phương bắc. Người ta gọi đó là gió heo may.

Trên cánh đồng quê, mặt trời lặn sớm hơn. Không gian nhanh chóng chìm trong nhá nhem, tĩnh lặng. Đâu đây chỉ còn vang vọng tiếng chão chuộc não nề gieo vào hư không cùng tiếng cuốc gọi đàn về tổ nơi cuối đầm. Người quê tôi còn gọi đầm là chuôm. Chuôm nằm giữa đồng để người làng tiện lấy nước tưới, nó cũng khá gần bãi tha ma mà bao thế hệ từ khi dựng nên ngôi làng ven sông này nằm xuống.

Sen mọc dày nhưng giữa đầm vẫn lộ ra từng khoảng trống, nước khá sâu và trong vắt, phản chiếu cái thăm thẳm của mây trời. Sen không nhiễm hơi bùn, ngược lại còn làm đầm trở nên thanh khiết, chẳng bao giờ đục. Bùn ấp ủ mầm sen, có những năm sen lụi nhưng mùa sau lại trồi lên mạnh mẽ. Khi vào đầm, phải dùng cây sào trúc để chống thuyền cái. Còn với thuyền “chòng cò” (một người ngồi) thì dùng hai mái chèo đẽo từ thân tre đực, dài cỡ một cánh tay. Chèo thuyền qua lá sen khó hơn chống thuyền vì rất vướng víu. Quê tôi ngoài bãi sông Hồng, không được sự che chắn của con đê nên ngày trước, vào mùa mưa lũ thường bị ngập. Bây giờ thượng nguồn sông Hồng có vài ba đập thủy điện rồi, nước không về nhiều nữa.

Tôi cùng người em họ thường chống thuyền lách qua đám lá sen cao lút đầu ra phần nước trống. Không có cái thú nào bằng ngồi trên thuyền câu, phía sau nép vào bụi sen với những chiếc lá to như cái mâm gỗ, chẳng khác gì lọng che trên đầu dẫu nắng mùa thu không còn gay gắt nữa. 

Ngày ấy sen không bị lẫn quỳ, đầm nào đã nở là hương thơm ngát. Hương sen bay khắp đồng, lẫn vào hương lúa, thơm vào tận trong làng. Việc câu cá đã mang chút gì đó rất tĩnh tâm, rất thiền. Câu cá giữa xanh ngắt của đầm sen, trong hương sen lại càng thiền hơn. Thu những năm xưa ấy, chim giá cô từ bắc đã trở lại nhưng những cánh nhạn lại rời nơi này mà về phương nam tránh gió đông. Bóng lướt nhanh qua mặt đầm. Nên, nhiều khi mây với hoa, chim với cá cùng hòa quyện làm một là vì thế.

Người làng khi ấy ít hái sen về cắm. Chỉ khi nhà ai có giỗ chạp hay ngày sóc, ngày vọng, các cụ cắt vài chục bông đem về lễ trên ban thờ thành hoàng làng. Không rõ có phải vì ngày đó người miền quê gắn quá nhiều với việc đồng áng và vì gần cỏ cây hoa lá đã nhiều nên không ai hái, không ai bán và cũng không ai phải trông giữ. Sen là của chung cả làng. Sen trong đầm cứ thế nở cho đến khi tàn. Ủ nụ rất lâu nhưng chỉ rực rỡ trong thoáng chốc rồi cánh rụng xuống mặt đầm trông như những con thuyền nhỏ và đài sen sẽ dần to như cái bát con để cuối mùa, người làng ra lấy hạt nấu món chè với đỗ xanh mà lũ trẻ chúng tôi rất thích.

Hoa sen đẹp và đầy tôn quý. Thi thoảng xuất hiện vài bông sen trắng nhưng đa phần là màu hồng. Đôi khi ngắm đầm mà thấy lẫn sen với hình bóng con người. Như trong truyện thần tiên, thái tử Na Tra được sư phụ Thái Ất hồi sinh bằng cách lấy bông sen làm thịt, ngó sen làm xương, lá sen làm da và nhập hồn vào đó. Rất đẹp nhưng chỉ có thể ở ngoài đầm xa, không ai mang về trồng trước sân nhà như hoa hồng, hoa cúc được. 

Tôi đã thấy nhiều người trồng sen trong ao nhỏ tại vườn nhà nhưng sen không thể đẹp. Lá và hoa đều nhỏ và úa như không được thỏa sức giữa mây trời bát ngát, giữa gió đồng đầy khoáng đạt. Nay sen cũng xuất hiện nhiều trong phố, được cắm vào những bình gốm hình khum nơi phòng khách và mỗi sáng trên Hồ Tây, dễ bắt gặp những thiếu nữ xinh đẹp ôm bó sen to được người dân mang từ đâu đến bán. Thật như mấy câu thơ của Tiêu Dịch:

“Hoa sen hòa má phấn,
“Lá ngát lẫn áo hương”.

Cuối hè, sen đã tàn rất nhiều, chỉ còn vài nụ sen nhỡ lứa còi cọc, thâm sì, lấp ló cùng những chiếc lá ngả màu vàng đen, rách tướp và gục dần xuống mặt đầm. Những chiếc lá đó sẽ mục nát và chìm xuống bùn, lại trở thành chất màu nuôi dưỡng những mùa sen sau. Cá trong đầm sen nhỏ nhưng rất khó câu, nhiều khi ngồi đến chiều muộn mà chưa câu được chút nào đáng kể. Với tôi thời đó, việc lăn lộn nơi bờ tre, bến nước, nơi bãi lúa, tha ma đến tận đêm xuống là chuyện bình thường.

Có việc ở ngoài đê về muộn, qua con đường nhỏ nằm ngay bên chuôm nước, cảm thấy rất dễ chịu với âm thanh của các loài sinh vật sống trong đầm vốn đã gắn chặt với tuổi thơ tôi, với những kỉ niệm thời ấu dại. Sống ở quê tới năm 6 tuổi thì phải lên phố ở với bố mẹ và đi học vỡ lòng nhưng mỗi khi tết đến hoặc hè về, tôi được sống trọn khoảng thời gian đó với ông bà, với làng quê thân thuộc. Cảm giác lúc này thật êm đềm.

Bỗng, trong vùng lá sen trước mặt như tỏa ra một vầng sáng nhẹ. Tôi thoáng nghĩ, giờ này chắc có ai ra đầm hái sen nhưng chợt nhớ khi sáng đi qua nơi này, đã hầu như không còn thấy bông sen nào cả. Càng lại gần, luồng sáng phát ra càng rõ rệt, màu hồng nhạt, lúc như chuyển ánh xanh. Ngang qua chỗ đó, thấy thật rõ một đóa sen rất to, nở rực rỡ và tỏa sáng. Lại nhớ đến câu chuyện “Liên hoa yêu cốt” mới đọc cách đây chưa lâu viết về một đóa “lam liên” (đóa sen màu lam) tỏa sáng giữa đầm. Một thoáng gai lạnh lan khắp thân mình.

Nhưng đây không phải đóa “lam liên” như trong truyền thuyết, mà là một đóa sen hồng, tỏa sáng huyền ảo, mê hoặc và ấm áp, xua tan cảm giác lạnh lẽo. Sững sờ ngắm thêm giây lát rồi ngập ngừng rời bước, lòng như muốn ở lại mà chân vẫn bước về phía ánh điện xa xa nơi đầu làng. Đi thêm một đoạn, ngoảnh lại nhìn thì không còn thấy vầng sáng đó đâu nữa. Đầm sen đã chìm trong bóng tối, đâu đó vài chiếc lá chao nghiêng theo nhịp thở của gió mùa. Tít xa, con đê sông Hồng cũng đã chuyển màu xanh thẫm dưới dải mây tím ngắt cuối trời. Tự hỏi lòng rằng, mình tỉnh hay mơ?

Quê hương yêu dấu, cũ xưa và huyền bí, vấn vương, tinh khôi trong mắt người.

Đặng Giang
.
.