Lắng thấy tiếng thở dài

Thứ Ba, 09/02/2016, 20:14
Tiếng thở dài từ tấm lòng những lương dân, lương tri bao giờ cũng khởi sinh ra từ  niềm lo âu, điềm báo về sự bất toàn, băng hoại đang manh nha xảy ra trên con đường đó, trong xã hội đó. Xin hãy lắng thấu.
Nhà văn Đỗ Trong Khơi

Nơi ở hiện nay: Nhà 10, ngõ 329, tổ 11, p. Phú Khánh, TP Thái Bình.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Đã in: 16 tập thơ, văn, tiểu luận văn học.

Đã được: 15 giải thưởng, tặng thưởng văn học của Trung ương, ngành và địa phương.   

Kính thưa cha!

Hôm nay không phải là ngày Thương binh liệt sỹ hay ngày kỷ niệm đặc biệt nào của đất nước mà lòng con bỗng nhớ cha vô cùng. Nỗi nhớ, có lẽ bị khơi dậy từ hai cái chết của hai người bạn văn. Một nhà văn thứ thiệt, ông đã có những thành tựu đáng kể đóng góp cho nền văn học nước nhà. Và sự ra đi của một cây bút văn nghệ tỉnh, thành công của ông còn khiêm tốn nhưng với con sự mất mát này là không nhỏ. Ông nhà thơ này đồng cảnh bệnh như con và đặc biệt, ông ấy cũng là con trai liệt sỹ, cha ạ. Hẹn dịp khác con sẽ nói với cha nhiều hơn về thơ và đời của người thơ đồng cảnh phận này.

Với nhà văn xuất sắc kia, ông hưởng thọ trên 70 tuổi, con được biết ông cũng từng làm người lính thời kháng chiến. Nghĩa là ông từng là một đồng đội, chung chiến hào chiến đấu với cha. Nhớ thời những năm tháng khói lửa mịt mùng đó, một vài truyện ngắn của ông đã được đánh giá cao, tác phẩm này sau ngày hòa bình con mới được đọc. Và nhờ vậy con thêm biết về chiến trận và không khí một thời đại. Những người lính trận như cha, như ông nhà văn dũng cảm và cao đẹp biết bao. Thế hệ cha, những người đồng đội của cha một thời là những con người cao cả. Con vô cùng khâm phục. Qua những tác phẩm văn học thời chiến đó mà con thêm yêu kính cha vô cùng. Con có quyền tự hào về cha.

Lại nói về nhà văn chiến sỹ nọ. Khi hòa bình lập lại, ông xuất ngũ về làm việc ở một nhà xuất bản lớn. Và ông vẫn sáng tác khỏe, tác phẩm của ông vẫn gây được tiếng vang, trong đó có cuốn tiểu thuyết được xem như một trong những thành tựu của nền văn học một thời. Cha biết đấy, con cũng là nhà văn. Con mơ ước trong sự nghiệp sáng tác của mình viết được một tập sách giá trị tầm cỡ vậy. 

Nhưng… thưa cha, phải nói thật với cha điều này, cuốn tiểu thuyết của nhà văn khả kính đó từng một thời bị nghi là “có vấn đề”. Con thì không hiểu vì sao cuốn tiểu thuyết đó lại có vấn đề được? Nội dung nói về những sự cố, tình huống, sự bất toàn của một dạng vấn đề trong đời sống chiến trường. Trên đường đời gian nan, nhiều ngả ngang lối dọc, nhiều cám dỗ, mà Phật gọi là cõi vô minh này thì sự thất bại, bất toàn cũng là điều dễ gặp. 

Minh họa: Lê Phương.

Dù vậy, trên đoạn đường đời gian nan đó mà con người chúng ta để lại được dấu ấn của mình về tinh thần hy sinh, lao động, về tình yêu thương, sự cưu nâng lấy kiếp phận con người thì con đường ấy, sẽ trở thành một ý nghĩa trong tình sẻ chia, chị ngã em nâng, sâu đậm tình dân tộc, tính nhân bản. Nó không vô ích. Nó đã góp phần làm nên diện mạo thời đại một thời. Nó luôn là một bài học quý giá cho việc gây dựng một nhân cách, một đời sống nhân văn hơn cho tương lai. 

Thưa cha, con sẽ lấy làm mạnh mẽ hơn, tự tin hơn nếu con cũng từng được như cha, như đồng đội năm xưa của cha bước ra từ chiến tranh với vòng nguyệt quế chiến thắng, cả với những hờn tủi, đau thương của vết thương chiến trận. Và đây chính là điều thật đáng nghĩ/bàn cha ạ. Bàn cho thuận nhẽ, cho ánh sáng được thắp lên trên mọi ngọn đèn.

Khi ngòi bút văn chương viết ra những con chữ như bác nông dân gieo hạt giống mẩy, như làn mây tích hợp sự mát lành trong khí quyển để làm ra những hạt mưa và khi con chữ văn chương đó được đảm bảo bằng nhân cách, tài năng, một bản lĩnh đã trải nghiệm qua sự khắc nghiệt nhất của đời sống con người là chiến tranh, thì đó là ngòi bút máu. 

Một thứ máu mang trong nó tình yêu lớn lao của con người đòi đạt tới sức hóa thân, sự phục sinh. Thật đáng lắng nghe cây bút đó, cho dù khi nó lên tiếng về nỗi buồn, hay về một tư tưởng nghệ thuật mới mẻ. Hãy lắng nghe như người mẹ hiền nghe con thơ líu lô tiếng trong ngần ở một thực tại, như đứa con thơ nghe người mẹ hiền trò chuyện về tương lai của nó. Sẽ không có đứa con thơ nào líu lô điều dữ, không có người mẹ hiền nào truyền dạy cho con sự bất hiếu, bất trung. Bổn phận và lý tưởng văn chương cũng là vậy.

Một lộ trình cuộc sống mới tươi sáng đã mở ra. Một tương lai đang được đi đúng hướng. Và điều này thật vui mừng biết bao, phải không cha? Và về phương diện cộng đồng xã hội, con nghĩ, con đường đi lên của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc thảy đều mang mơ ước đi về phía tiếng cười vui, hạnh phúc. 

Và trên con đường đó con người chỉ có thể đi lên, đi dài lâu được khi biết lắng thấu “tiếng thở dài” của từng cá thể. Tiếng thở dài từ tấm lòng những lương dân, lương tri bao giờ cũng khởi sinh ra từ  niềm lo âu, điềm báo về sự bất toàn, băng hoại đang manh nha xảy ra trên con đường đó, trong xã hội đó. Xin hãy lắng thấu.

Và vì vậy, đêm nay con viết thư này giãi bày cùng hương linh cha.

Kính thưa cha,

Những đứa con của con, cháu nội của cha hiện còn thơ ngây, bé nhỏ. Con hiểu, vì chính các thế hệ con cháu mà lớp cha ông đã phải chiến đấu hy sinh. Nước Việt ngàn năm vì nền độc lập, tự do mà phải băng qua rừng chông, biển lửa, mà điểm khởi thủy, nhen nhóm cho ý chí quật cường dân tộc đó hẳn cũng bắt đầu từ dòng lệ bị áp bức, từ những tiếng thở dài não nề bị dồn nén của bao con người trong nghèo khổ, lầm than, trong sự nô dịch hà khắc của giặc giã ngoại bang. 

Ngoảnh lại quá khứ phía cha từng qua, nhìn lên tương lai phía đường đang tới của các cháu, lòng con xen lẫn sự vui mừng nhưng còn không ít niềm lo âu cha ạ. Hiện thực còn nhiều nỗi bộn bề, phiền tạp chen lấn bước chân người. Những ngọn đèn đã được thắp lên và ngọn đèn trong tay con cũng có phần lấp lánh. Con mơ ánh sáng sẽ được thắp lên trên mọi ngọn đèn, cho mỗi con dân nước Việt. Và trên ngọn đèn của các cháu nội cha sẽ được tỏa ánh sáng lung linh rực rỡ. 

Để được vậy, thưa cha, con mong thế hệ chúng con được mang một tâm hồn tinh tế, dịu dàng mà mãnh liệt của các lớp cha ông để lắng thấu lấy tiếng thở dài trong tâm hồn dân tộc mình. Đặng mà lo liệu, mà gây dựng sao cho như lời người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi xưa từng mong: “Không còn thấy tiếng ca thán vang lên nơi hang cùng ngõ hẻm…”.

Vâng, tiếng nói từ tấm lòng những lương dân, lương tri mới linh và quý giá biết bao, thưa cha!

Ất Mùi, những ngày cuối tháng Chạp

Đỗ Trọng Khơi
.
.