Lần này Ngô chịu hẳn

Thứ Bảy, 29/04/2017, 16:59
Dạo này, Sài Gòn nắng gay gắt quá, mới sáng sớm đã gần ba mươi tám độ, chiều muộn vẫn còn ba mươi bảy độ. Nắng đến mức cây kem vừa lấy ra khỏi tủ lạnh đã tan chảy ngay, ly cà phê đá cô nhân viên vừa đặt xuống bàn còn mỗi nước không vì đá tan gần hết rồi.

Trong trùng trùng điệp điệp oi bức và mệt mỏi ấy, những thông tin thời sự ầm ĩ còn khiến người ta mệt mỏi hơn.

Ở những xô bồ thông tin ấy, Ngô chọn anh Cục Nghệ thuật Biểu diễn để lạm bàn hầu chuyện quý độc giả.

1. Cái anh Cục Nghệ thuật biểu diễn này (Từ đây, Ngô gọi tắt là Cục) ban đầu làm được một vài việc đúng đắn. Đó là hồi ảnh mạnh tay xử lý mấy em người mẫu hot girl suốt ngày cứ khoe vòng một rồi khoe vòng hai, ảnh cấm mấy em này diễn một tháng, hai tháng, ba tháng vì vi phạm thuần phong mỹ tục gì gì đó. Đại loại, thời điểm nhốn nháo ấy ảnh làm rất tốt việc chấn chỉnh này.

Kế đến, ảnh xử lý mấy em mấy anh thi hoa hậu, thi người đẹp chui. Giả như có anh có em nào đi ra nước ngoài thi mỹ nhân, nam vương mà không xin phép ảnh, ảnh sẽ phạt sau khi em hay anh ấy về nước, bất chấp có giải hay không? Nhiều người cáu ảnh, giận ảnh lắm. Họ nói, người ta có giải đã không thưởng thì thôi mắc mớ gì mà phạt người ta. Nhưng riêng Ngô, Ngô đồng tình chuyện này.

Đó là vì người ta chỉ mới nhìn thấy giải thưởng thôi, mà giải thưởng nhan sắc ở nước ngoài thì chắc cũng như giải thưởng nhan sắc ở nước mình. Những cuộc thi tầm cỡ như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ thì thôi không phải bận lòng, chứ nhiều cuộc thì diễn ra ở casino, ở hội chợ triển lãm thì ai biết là hệ lụy của nó ra sao. 

Mà cá nhân tham gia những cuộc thi ấy luôn lấy danh nghĩa là người đại diện cho một quốc gia, đùa hoài, người đại diện cho một quốc gia thì ai muốn đại diện cũng được hay sao?

Giả như là Ngô, một hôm đẹp trời là lại chán đời bèn làm hộ chiếu, xin visa, mua vé máy bay miệng thì bảo là đi du lịch đâu đó. Sang đến nơi đùng đùng xưng danh mỹ nam tử của nước Việt Nam để thi thố làn da ngoại hình với mấy ông nội đến từ các quốc gia khác thì có chính danh hay không, thì có hợp lý hay không?

Muốn nói ngoa đi xa về mà nói, cũng muốn nói ngoa thì cứ đi đến nơi xa mà nói. Nơi xa thì ai biết mình là ai đây, lý lịch cá nhân, thành tích danh vọng muốn chém gió cứ chém gió, muốn tạo bão cứ tạo bão… Mà Ngô nói thiệt chứ trong những cuộc thi nhan sắc ngoại hình như vậy, ai tham gia cũng có giải hết trơn hết trọi à.

Không là hoa hậu thì là á hậu, không là á hậu thì là á khôi, không là á khôi thì là người đẹp ăn ảnh, không là người đẹp ăn ảnh thì là gương mặt khả ái, không là gương mặt khả ái thì là sứ giả thân thiện, không là sứ giả thân thiện thì là người mặc trang phục truyền thống đẹp nhất... Cứ vậy mà nhận thành tựu rồi về nước vinh quy bái tổ thôi.

Nên cũng chẳng có gì là ngạc nhiên khi lâu lâu lại phát hiện có một em đoạt giải hoa hậu quốc tế đang hiện hữu tại nước mình, mà Ngô chẳng biết đó là em nào. Nên cũng không có gì là hoang mang khi thi thoảng lại biết một anh đoạt giải nam vương toàn cầu đang hoạt động giải trí tại nước mình, mà Ngô tuyệt nhiên không biết anh nam vương đấy là ai.

Minh họa: Lê Phương.

Ấy là còn chưa kể đến những điều tế nhị khác, đại khái đi tour kẹp kem nhận tiền buôn bán niềm vui. Mà thôi, đèn nhà ai nấy sáng, chỉ là đang khẳng định anh Cục, ảnh cứng rắn chuyện này Ngô không phản đối.

2. Trời đang yên đang lành, đất đang yên đang lành, nắng đang yên đang lành, mưa đang yên đang lành, gió đang yên đang lành, mây đang yên đang lành, bò đang yên đang lành, gà đang yên đang lành… Đại khái, mọi thứ đều rất đang yên đang lành thì anh Cục ảnh lại không chịu đang yên đang lành.

Đầu tiên, ảnh đùng đùng một phát cấm năm bài hát, mà mấy bài hát này cũng bình thường về nội dung, cũng không có phản động xuyên tạc chống phá khơi gợi gì cả. Ảnh thích thì ảnh cấm thôi. Ảnh cảm thấy cấm thôi là chưa đủ thỏa mãn, ảnh ra thêm một quyết định cứng rắn hơn là cấm vĩnh viễn. Cấm vĩnh viễn thì kinh rồi, hệt tru di cửu tộc ngày xưa, một mống cũng không cho thoát.

Báo chí làm rần rần, dư luận làm rần rần, ảnh một mực kiên quyết, cấm là đúng quá rồi, ai biểu sai lời so với bản chính làm gì? Gia đình của mấy nhạc sĩ có lời thưa, dạ có khác lời so với bản chính đâu chẳng qua sửa vài từ cho nó hợp với cuộc sống mới. Mà ai sửa, chính nhạc sĩ sáng tác bài hát sửa. Cái này, thuật ngữ gọi là hiệu đính.

Ảnh nghe gia đình nhạc sĩ nói, ảnh cũng nghĩ lại. Ảnh phán, thôi thì có đơn gửi ảnh rồi ảnh xem xét lại chuyện cấp phép. Gia đình các nhạc sĩ toàn cười, vì họ không hiểu được tư duy của ảnh. 

Có điều lạ là ai phản ứng cứ phản ứng, còn ảnh cương quyết ảnh không có sai chút nào. Mãi cho đến lúc thủ trưởng của ảnh có ý kiến, ảnh mới ra văn bản thu hồi văn bản cũ, rồi ảnh xin lỗi, xin rút kinh nghiệm sâu sắc.

Ảnh phải xin lỗi, phải rút kinh nghiệm sâu sắc thôi vì cái chuyện ảnh chưa cấp phép cho hàng loạt ca khúc của hai cố nhạc sĩ vô cùng tài hoa của đất nước là Văn Cao và Trịnh Công Sơn là chuyện không ai chấp nhận được, kiểu như nó vượt quá ngưỡng chịu đựng của mọi người. 

Nhất là ca khúc Nối vòng tay lớn, một trong những ca khúc ngoài giai điệu và ca từ thì còn ẩn chứa trong đó một thời khắc lịch sử, đó là bài hát được vang lên trên sóng phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày ba mươi tháng tư năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm.

Còn chưa kể đến ảnh lẫn lộn một loạt tác phẩm của các nhạc sĩ, sáng tác của nhạc sĩ này gắn với tên của nhạc sĩ kia, rồi trong các ca khúc cấp phép lại viết sai chính tả, gõ nhầm dấu.

Mà thôi, chuyện ảnh xin lỗi rồi không lạm bàn nữa, Ngô chỉ xin nói về thái độ tiếp cận và quản lý văn hóa của ảnh.

3. Rõ ràng, ảnh đang có vấn đề nghiêm trọng về nhận thức, nếu không muốn nói là cẩu thả, không có chuyên môn. Một trong những nguyên tắc lớn nhất của người quản lý văn hóa là phải chấp nhận những dị bản, nếu như những dị bản đó không bị phản ánh từ cá nhân được thừa nhận bản quyền. 

Quan trọng hơn, người làm quản lý văn hóa phải hết sức để tâm đến cảm xúc của tác giả, của gia đình tác giả đã tạo ra sản phẩm văn hóa ấy.

Vừa rồi, đích thân Thủ tướng Chính phủ phải đề nghị thêm bảy tác giả để Chủ tịch nước xem xét trao tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" gồm: nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, đạo diễn Trần Bảng, nhạc sĩ Thuận Yến, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, nhà thơ Thu Bồn. 

Thật sự Ngô tôi không hiểu được rằng tại sao một việc này những nhà làm quản lý văn hóa của chúng ta phải để Thủ tướng Chính phủ nhọc lòng, trong lúc Thủ tướng Chính phủ còn bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu thứ phải lo.

Nguyên tắc lớn nhất trong ứng xử đối với các tác phẩm là không được phép cứng nhắc, đặc biệt phải xóa bỏ hẳn cơ chế xin cho. Đảng, Nhà nước, Chính phủ không ngừng khuyến khích các nghệ sĩ sáng tác, thì đằng này ông quản lý lại ngồi phòng lạnh khề khà văn bản xin cái này, xin cái kia. Tính chủ động trong quản lý văn hóa là điều có vẻ đang không tồn tại.

Trước đây, nhiều nghệ sĩ tài danh của nước mình đã phản ứng rất dữ dội xung quanh chuyện xin được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Họ nói, nếu thấy họ xứng đáng thì phải đề nghị chứ làm sao bắt họ xin. Nghệ sĩ có sự kiêu hãnh và lòng tự trọng riêng, mà trong mấy chục triệu dân thì có được bao nhiêu nghệ sĩ thành danh đâu. Ấy vậy mà, phản ứng cứ phản ứng, còn xin cho thì cứ xin cho.

Làm quản lý văn hóa có khó không? Ngô tôi nghĩ rằng làm quản lý văn hóa là khó. Làm quản lý văn hóa còn khó hơn nữa là vì mỗi nghệ sĩ là một cá tính, mỗi tác gia là một thế giới cảm xúc ngút ngàn. Thế nên, phải cố gắng dung hòa cá tính ấy, cảm xúc ấy so với luật định.

Người nghệ sĩ phải được tôn trọng trong mối tương quan giữa nhà quản lý và nghệ sĩ, cách làm hiện nay của anh Cục là không tôn trọng nghệ sĩ.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh từng đúc kết, "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Vậy thì người chỉ huy mặt trận này phải có đủ kiến thức, phải có đủ chuyên môn, phải có sự trân trọng từng chiến sĩ trên tuyến đầu. Chứ nhẽ nào nhà quản lý lại chỉ ngồi đó rồi dùng chữ ký và con dấu để khẳng định uy quyền của mình.

Cái chuyện dễ nhất là chuyện có một danh sách các bài hát không được phép phổ biến mà còn làm không được thì Ngô tôi chịu hẳn. Có bản danh sách ấy, các đơn vị kinh doanh, các đơn vị truyền thông cứ căn cứ vào đấy mà thực hiện thôi. Điều này có gì khó đến mức không làm được.

Còn giả như thấy khó quá mà phàn nàn, thì cứ gọi Ngô tôi một tiếng. Ngô tôi sẽ cố gắng ngồi trích lục, đi hỏi han thêm các nhà nghiên cứu âm nhạc làm bản danh sách ấy gửi cho các anh ở Cục.

Xem như, vì cái chung mà ra sức vậy. Chứ kiểu quản lý như hiện nay thì Ngô cạn hết cả lời.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.