Làm sao có thể rẻ rúng chữ nghĩa(?!)

Thứ Tư, 02/01/2019, 10:51
Đã nhà văn thì phải viết. Đã họa sĩ thì phải vẽ. Cứ viết mỗi ngày, dù chẳng ai thèm kề súng vào đầu buộc phải viết. 


Khổ hay sướng? Muốn viết, ít ra phải cho chữ. Nhà văn không có chữ, chẳng khác gì anh chàng lái buôn không có vốn. 

Thế thì thời bé, tóc còn để chỏm mới ti toe đánh vần “A, b, c dắt dê đi ị/ A, á, ớ dắt vợ đi chơi” hoặc “Nhân chi sơ là sờ vú mẹ/ Tính bổn thiện là miệng muốn ăn” thì các nhà văn tài danh của nước Nam đã học văn ra làm sao để rồi về sau, có được vốn chữ ghê gớm?

Ông dế mèn lười học

Trước hết, y muốn bắt đầu từ Ông Dế Mèn. Dù học hành không nhiều, mãi đến năm 1938, lúc 18 tuổi “may mà đỗ được cái xéc-ti-phi-ca (bằng tiểu học Pháp - Việt) nhưng đọc sách Pháp không hiểu hết câu” như chính Tô Hoài cho biết, bù lại, ở ông là một nỗ lực tự học rất đáng khâm phục.

Ông học cái gì? Chuyện này ta bàn sau. Chỉ biết rằng, thuở hoa niên, Tô Hoài (1920-2014) là cậu bé lười học. Lúc ngồi trong lớp, cậu chỉ thích ngóng mắt ngoài cửa sổ đếm trong sân có bao nhiêu cây cau, cây nhãn; quan sát xem nơi nào có nhiều chim sẻ, thậm chí còn nhớ cả “Những lúc học trò vào lớp, sân hết người đứng, từng đàn chim sẻ trên hai mái nhà, trong hóc đình lại ríu rít xuống nhảy nhô nhốp, đánh đuổi nhau chí chóe”. 

Dế mèn phiêu lưu ký: tác phẩm định danh tên tuổi Tô Hoài.

Dù học hành chẳng ra làm sao, ham chơi thơ thẩn một mình vì tính tình nhút nhát nhưng Tô Hoài lại có trí nhớ tốt.

Vốn liếng học văn của ông chính là nhờ hồi bé đã nghe các dì đọc những câu thơ Truyện Kiều lúc bói Kiều, thế là ông tập làm thơ lẩy Kiều. Khi vớ được quyển Tứ dân văn uyển, Văn đàn bảo giám -  những tập tuyển các áng thơ cổ điển, truyện thơ Nôm Bà chúa Ba… là ông lại bắt chước làm theo. 

Chẳng hạn, bài thơ Đan áo được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy số 199 (năm 1938): “Một chiều dừng lại ghé thăm/ Thì ra mình đã nghi lầm cô em/ Cô em chăm chỉ ngày đêm/ Đan thuê nuôi mẹ, áo len cho người”. Nói cách khác, bước đầu đến với văn chương của nhiều người, trong đó có Tô Hoài chính là bắt chước theo người đã đi trước.

Đến với văn chương, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là người cha đi làm ăn tại Sài Gòn, lúc về quê có mang theo cái rương. 

Trong rương, lẫn lộn với quần áo còn có những cuốn “truyện Tàu” như Chinh Tây, Tam quốc chí diễn nghĩa, Tam hạ Nam Đường, Ngũ hổ bình Tây, Phong thần diễn nghĩa… do các nhà văn miền Nam dịch ra tiếng Việt. Ông đã đọc ngấu nghiến và chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng đến độ về sau khi ông cũng viết… truyện kiếm hiệp nhại theo những tình tiết ly kỳ đã đọc.

Tuy nhiên, ý thức luyện văn để trở thành nhà văn chỉ rõ nét khi lúc ông đọc được quyển Vô gia đình của Hector Malot qua bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục. 

Bấy giờ đang trọ học tại Hàng Mã, tình cờ tìm thấy được quyển này dưới gầm bàn của chủ nhà, Tô Hoài đã đọc say mê khóc cười theo số phận của cậu bé Rémy. Và nhớ mãi. Không những thế, còn thêm một vài tác phẩm văn học Pháp nữa đã tác động đến công việc viết văn của ông.

Từ năm 1938, sau khi thôi học, Tô Hoài đã làm nhiều nghề kiếm sống, trong đó có cả nghề viết văn. Ban đầu, Tô Hoài xuất hiện với tư cách người làm thơ. Ông có cả tập Dưới bóng trăng thanh nhưng sau đó chính ông đốt bản thảo vì thấy rằng, thơ không “tải” hết tâm sự của mình. Và cũng không phải sở trường. Từ đó, cũng như người bạn chí thân là Nam Cao, ông tìm hướng đi cho mình là chỉ chuyên về văn xuôi.

Muốn thế, phải học chữ. Quả đúng như thế, nhà văn Tô Hoài kể ngày nào ông cũng viết. Và khi đi thực tế, dù bất kỳ mục đích gì nhưng lúc nào cũng không quên “tác nghiệp”. Đi là ghi chép. Đi là quan sát. Đi là chiêm nghiệm. Đi là liên tưởng. Đi là thu thập lời ăn tiếng nói của bà con vùng miền khác. Đi là làm giàu thêm vốn từ.

Ông Tô Hoài ham học

Năm 1994, khi ra Hà Nội tham dự Đại hội Nhà văn trẻ lần IV (1994), y được nghe nhà văn Tô Hoài kể về nghề văn. Ông cho biết vẫn thích nhất là Dế mèn phiêu lưu ký in năm 1941. 

Và cho biết tác phẩm này phảng phất, lẫn lộn không khí của Guylive du ký, Đông Kisốt, Télémac phiêu lưu ký mà ông đã đọc qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Cho đến nay, nó vẫn là tác phẩm tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng và đã làm nên “thương hiệu” Tô Hoài.

Lúc đó, trên diễn đàn ông hào hứng kể lại quá trình sáng tác trên 50 năm, đã có nhiều truyện ngắn in trên Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Hà Nội tân văn… mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Tô Hoài có biệt tài viết về truyện loài vật.

Ông viết hay đến nỗi khi đến chơi tòa soạn báo Ngày nay, nhà văn Khái Hưng bước ra tận cửa bắt tay khen: “Tác giả truyện ngắn Con gà trống ri còn trẻ nhỉ?”. 

Khen thì khen thế, nhưng nhuận bút vẫn không trả một xu teng nào, bởi thời đó có lệ chỉ trả nhuận bút cho những tên tuổi mà tòa báo mời viết. Kể xong, ông cười tủm tỉm với cánh anh em viết trẻ đang há hốc ra nghe.

Có thể nói, Tô Hoài vốn rất ý thức “tu luyện” chữ nghĩa. Ông bảo: “Trong Truyện Kiều có chữ “áy” (Một vùng cỏ áy bóng tà) không biết nghĩa chữ “áy” thế nào, mới đọc đã cảm thấy man mác, thấy buồn. 

Phải đến dịp, tôi về Thái Bình, nghe người trong làng nói: “cỏ áy, mạ áy” mới biết tiếng “áy” là của bà con đồng ruộng Quỳnh Côi, quê vợ của Nguyễn Du ở Thái Bình - khi thất thế, Nguyễn Du đã nhiều năm ở quê vợ”. Lại dịp khác, thay vì nói “mạ nhú” ông cho biết đã học được của bà con nông dân Bắc Bộ một từ khác, ấn tượng hơn, tình cảm hơn: “mạ ngồi”.

Trong túi áo của ông thời ấy cho đến lúc đã thành danh, bao giờ cũng có sẵn cuốn sổ tay ghi chi chít những từ đã thu nhặt. Ngày kia, mấy bà đi chợ ngang xì xào không rõ nhà ai nấu món gì mà thơm nức mũi, một bà buột miệng: “Úi dào! Gần mũi xa mồm quá!”. 

Thế là ông “chộp” ngay vì câu nói đã lấy từ câu “Gần đất xa trời” mà sáng tạo ra. Lại nữa, ông cũng thích thú với câu phê phán về thói tham ô của cán bộ xã mà người dân thì thào: “Ngữ ấy, cứ móc tay vào họng là thấy thịt” v.v…

Không những thế, ông còn có thói quen là gặp gì đọc nấy, vì biết đâu cũng nhặt nhạnh được dăm từ mới. 

Chẳng hạn, Khóa lễ Cầu bình an và cầu siêu của chùa Quán Sứ có câu: “Cúng dàng rồi, nay con ngắm Phật… Đánh chuông mạnh quá thì nghe tiếng rẳng, đánh khẽ quá thì nghe tiếng trầm trề”. Ông đã học được các từ “cúng dàng”, “ngắm Phật”, “rẳng”, “trầm trê”ì làm giàu thêm vốn từ để rồi có lúc vận dụng vào trang văn. 

Trong tác phẩm Miền Tây, có câu: “Những con lũ gối lên nhau, miên man gầm thét, đuổi theo nhau”. Với từ “gối” mới lạ này, ông cho biết không chỉ từ quan sát mà còn do ngày kia đi thực tế ở Thái Bình, nghe bà con nông dân nói: “Đặt dây khoai lang thì đặt thưa, dây nọ gối đầu vào dây kia”…

Một khi đã viết xong trang văn nào, Tô Hoài thường có thói quen đọc đi đọc lại và chỉnh sửa nhiều lần cho đến lúc nào ưng ý mới thôi. 

Với một truyện ngắn, ban đầu ông viết: “Một giàn sao sáng rợn từ chập tối: Mặt trăng tròn vành vặc đỉnh đầu, tưởng với tay được”; bản 2, sửa: “Một giàn sao sáng rợn từ chập tối, dần dần mờ đi, khi cùng trăng lên vành vặc đỉnh đầu, tưởng với tay được”; bản 3, sửa lại: “Một giàn sao sáng rợn mắt cua chập tối…”. 

Sở dĩ, có được từ “giàn sao” đắc địa, mới lạ này, Tô Hoài cho biết là đã học từ cách nói trẻ con mà ông đã tình cờ nghe được; còn cụm từ “sao sáng rợn mắt cua”, ông vận dụng từ cách nói của bà con làng Cát Động đã gọi “sao mắt cua” nhằm chỉ ngôi sao mọc từ chập tối, cứ thây lẩy như mắt cua.

Lại nhớ, mở đầu chương 2 bản thảo tiểu thuyết Nhớ Mai Châu, ban đầu ông viết: “Tây nhảy dù xuống Vân Đình. Mới hôm nào con đường này còn tấp nập người tản cư, người về khuân đồ đạc ra bán ở chợ Đình”.

Qua bản sửa 2, ông đã xóa sạch các từ thừa, chỉ còn lại: “Tây nhảy dù Vân Đình. Mới hôm nào đường này còn  tấp nập người tản cư về khuân đồ đạc ra bán ở chợ Đình”. Đại khái thế, đã viết, đọc lại thì sửa, nếu chưa ưng ý.

Thời công tác ở Tây Bắc, ông được những câu từ lời ăn tiếng nói của bà con lao động, lấy làm đắc ý. Thử đọc lại vài dòng ghi chép này xem sao? Tất nhiên. 

Đó là những câu: “Rễ cây ngắn, rễ người dài, đi đâu cũng thấy họ hàng người Mán ta. Mong cho đất nước yên vui để quần áo được phơi chung một sào. Nóng quá, bồ hôi mẹ bồ hôi con bò ra khắp người. Gió to vụt ngã mất nhiều lúa. Lúc làm cỏ thì cỏ bết xuống, vài hôm sau cỏ lại ngồi lên. Nhà nó trâu dắt ra, bò dắt vào, nồi năm nồi bảy có cả”...

Trở lại câu hỏi, Tô Hoài đã học gì trong nỗ lực tự học? Xin thưa, ông đã học lời ăn tiếng nói không chỉ của người dân ở làng Nghĩa Đô quê ông, mà còn đi đến nơi nào hễ nghe được từ mới thì “chộp ngay”. 

Khi trao đổi với nhà văn Nguyễn Công Hoan, ông lý giải: “Anh tưởng đã là người Việt Nam thì biết hết tiếng Việt Nam à? Không phải đâu. Gì mà chả phải học. Không học thì làm sao biết được. Có cái là tiếng nước mình thì hàng ngày mình vẫn học mà không biết đấy thôi… Tôi cố gắng không bao giờ bỏ rơi một tiếng mới, một tiếng hay, hoặc một câu nói, một lối nói lạ tai”. Ấy mới là sự nghiệp của một nhà văn, chứ còn gì nữa?

Ai đó đã nói, sau lưng người đàn ông thành đạt luôn có một người đàn bà thủy chung, khoan dung. Điều này hoàn toàn đúng với nhà văn Tô Hoài. Còn nhớ, năm nọ Công ty văn hóa Phương Nam tổ chức lễ ký kết bản quyền với nhà văn Tô Hoài tại Hội Nhà báo TP HCM, y may mắn được ngồi kề cụ bà. 

Cụ nhỏ nhắn, có nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội xưa. Cụ mặc áo dài đen nền nã, cổ đeo xâu chuỗi ngọc thạch và hầu như chỉ mỉm cười, không nói bất kỳ một câu nào. Tất nhiên, y không bỏ lỡ cơ hội trò chuyện với cụ. 

Cụ bà kể: “Ông nhà tôi viết khỏe lắm, ngày nào cũng vào bàn viết. Người ta nhặt thóc, sạn ở gạo kỹ từng hạt thế nào, ông nhà tôi cũng viết xong thường đọc lại từng trang, lại chữa tiếp, chữa đi chữa lại nhọc công lắm”. Mà nào chỉ mỗi Tô Hoài. Các nhà văn tài danh khác cũng vậy thôi.

Mà này, liệu chừng có lẩn thẩn, lẫm cẫm lắm không nhỉ? Giữa cái thời văn chương như bèo lại bàn chuyện “tu luyện chữ nghĩa” há chẳng phải vô tích sự lắm sao? Ai đã nói thế kia? Kệ họ. Đã sống bằng nghề viết, làm sao có thể rẻ rúng chữ nghĩa?

Lê Minh Quốc
.
.