Làm gì có sự phân chia vùng miền trong tâm thức

Thứ Tư, 09/03/2016, 14:05
Những ngày này thật thong dong. Đã cho phép không phải tuân theo thời khóa biểu nghiêm ngặt của mỗi ngày. Được tự do. Không còn phải bó buộc vào khuôn khổ. Được thoát ra ngoài. Thoát khỏi bàn phím. Đi xuống phố. Mua sắm nhì nhằng. Ngắm cảnh đường phố. Nhìn lá vàng bay. Và mỗi tối, đọc sách.

1. Quyển sách đang đọc là Địa chí Phan Rí Cửa (NXB Hội Nhà văn), Nhà văn Đoàn Thạch Biền tặng hôm trước. Anh có góp phần thực hiện, bởi lẽ từ năm 1971, anh từng dạy học ở Phan Rí. Người ban đầu giúp anh nhận nhiệm sở nơi đó là ông Trương Gia Kỳ Sanh. Anh dạy lớp 12 môn Triết tại Trường Trung học Hòa Đa. Chính tại đây anh đã viết được những tác phẩm “để đời” như Trái tim bằng gỗ thông, Mùa hè khắc nghiệt, Ví dụ ta yêu nhau, Những ngày tươi đẹp… Vì thế, anh bảo: “Xin nhận nơi này làm quê hương”.

Hôm nào sẽ đố anh Biền chơi. Đố rằng, ông Trương Gia Kỳ Sanh là con của ai? Xin thưa, con của cụ Nghè Trương Gia Mô (1866-1929) - một chí sĩ yêu nước. Ông nội của Trương Gia Mô, quê Gia Định là Trương Thừa Huy, giữ chức quan Chiêm sự thời vua Gia Long, tức người chuyên cung cấp mọi việc cho thái tử; bác là Trương Phác - Án phủ sứ Hà Tiên; thân phụ là Trương Gia Hội, cũng giữ chức quan lớn dưới triều Tự Đức. 

Cụ Nghè Trương Gia Mô từng có thời gian sống ở Phan Rí, hoạt động chính trị ở Bình Thuận. Cuối năm 1929 do bế tắc trong việc cứu nước, cụ lên đỉnh núi Sam (An Giang) gieo mình tự tử. Cụ Huỳnh Thúc Kháng có câu đối viếng:

Trống đánh ngược, kèn thổi xuôi, nước mất nhà tan, trăm kế cũng thua cơ tạo hóa;

Núi toan dời, thời không gặp, trời cao, đất rộng, ngàn năm để hận khách anh hùng.

Ông Trần Bạch Đằng cũng thuộc dòng dõi cụ Nghè Mô. Đọc quyển Địa chí Phan Rí Cửa, thú thật, lần đầu tiên biết rằng: Phan Rí bắt nguồn từ tiếng Chăm, nằm trong vùng đất Tam Phan: Phan Rang (Parang), Phan Rí (Pảrik) Phan Thiết (Lithit). 

Tại sao gọi Phan Rí Cửa? Nhà văn Đoàn Thạch Biền giải thích: “Phan Rí Cửa, chữ Cửa dịch thoát từ tiếng Pháp “port” là hải cảng. Tôi đã ở Cảng Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn nên biết cư dân lập nghiệp ở cảng từ tứ xứ đến, theo những chuyến tàu thuyền cập bến. Họ sống không có óc hẹp hòi địa phương mà thường phóng khoáng. Hằng ngày đối diện với biển cả và sóng gió, họ hiểu “sinh tử thị ba” (sống chết như một đợt sóng). Do đó, họ sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn” (tr.453).

Về yếu tố cảng tại một vùng đất, có ảnh hưởng đến tâm tính con người nơi ấy là lẽ tất nhiên. Trong quyển Phong trào Duy Tân, ông Nguyễn Văn Xuân còn lý giải thêm rằng, tinh thần đổi mới, mạnh dạn đổi mới, hiếu học, hay cãi của người Quảng Nam là hình thành từ thời chúa Nguyễn mở cửa tiếp đón các thương thuyền nơi xa đến làm ăn, buôn bán, kinh doanh tại cảng biển Hội An, Đà Nẵng. 

Nói cách khác, vùng đất đó có điều kiện giao lưu với nhiều nguồn văn hóa, họ được “mở mắt” nhìn ra thế giới, chứ không phải “ếch ngồi đáy giếng”. Phan Rí Cửa cũng là vùng đất như thế.

Đã từng đi đây đi đó, từng đến Phan Rí nhưng bây giờ mới biết, tính đến năm 1954, trước khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, có đến 3 tên gọi được sử dụng chính thức trong văn bản hành chánh: “Phanri Cham (vùng Phan Rí có người Chăm), Phanri - Citadelle (Thành Phan Rí) và Phanri - Port (Cửa Phan Rí)” (tr.57). Đọc kỹ chương viết về nghề nghiệp, thích lắm, đơn giản vì có viết đến nghề làm nước mắm. Xin trao đổi rằng, làm nước mắm, chế biến mắm là do người Việt học từ người Chăm. Ý kiến này, nếu có cuộc tranh luận thì vui quá, phải không?

Ghi lại một vài từ ngữ “Nước mắm để lâu năm gọi là nước mắm lú” (tr. 64). Không rõ, ở Quảng Nam, nổi tiếng với nước nắm Nam Ô, gọi là gì? Tất nhiên “nước mắm đầu”, hàm lượng đạm cao, ở đâu cũng gọi là “nước mắm nhỉ”. Nước mắm không pha chế, nguyên chất, “nước mắm cốt” người miền Nam còn gọi “nước mắm đậm”; và bây giờ, thế hệ của y gọi đùa là “nước mắm zin”. Zin hiểu theo nghĩa “hàng còn zin”! “Nước mắm chanh dành ăn bánh hỏi/ Anh thương nàng theo dõi mấy năm”; “Nước mắm ngon dầm con cá đối/ Em biểu anh chờ để tối em qua”.

Đọc lại Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, những vở kịch đầu thế kỷ XX, thấy rằng, để phê phán ai đó “mất gốc” người ta thường cho nhân vật đó… chê nước mắm. Cứ như thể, không thích nước mắm là đánh mất cái căn bản “quốc hồn quốc túy”. Nói như thế để thấy, trong ẩm thực của người Việt thiếu cái gì cũng có thể châm chước nhưng dứt khoát không thể thiếu nước mắm.

Nước mắm ngon dòm sâu đáy hủ
Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình
Mù u nhuộm thấm bông huỳnh
Bao nhiêu gái đẹp không nhìn
Dạ anh chỉ để thương mình em thôi!

Về bánh tráng, cái bánh tráng này thì cả dãy đất miền Trung đều mê tít thò lò, nhưng chỉ Phan Rí mới có “bánh tráng mắm ruốc”. “Mắm ruốc là ruốc được phơi héo, tuyệt đối không dùng nước lã để rửa vì sẽ thối rữa, đem giã và hòa với nước muối (độ mặn vừa phải) trở thành khối mắm đặc, sau đó ủ kín, có thể dùng trong 6 tháng” (tr.64). 

Trong sách có đoạn viết về Công ty nước mắm Liên Thành, năm 1910, mở nhà lều làm nước mắm tại làng Hải Tân (nay đường Phạm Ngũ Lão). Công ty này đã quá lừng danh khét tiếng rồi, không nhắc thêm nữa. Có điều chưa mấy ai giải thích vì sao các chí sĩ của phong trào Duy Tân như Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Thông, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trương Quang Nghiêm… đặt tên Liên Thành? 

Chừng mươi năm trước, y biên soạn bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, khi viết về nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi, bố của nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi, có được gia đình cụ Chi cho mượn một vài tài liệu. Rằng, Liên Thành có nghĩa là thành Sen, là tên của Hà Tĩnh xưa. Các cụ đặt tên công ty nước mắm theo nghĩa đó. 

Tra cứu Bách khoa toàn thư mở Wikipedia lại thấy giải thích: “Tên Liên Thành được lựa chọn với ngụ ý bảo tồn truyền thống, có ý nghĩa là thành hoa sen, nguyên là tên cũ của tỉnh Bình Thuận, xuất phát từ một hồ sen nằm ở quận Hòa Ða”.

Viết đến đây, nhận được tin ông vua vọng cổ Viễn Châu (1921-1/2/2016) vừa qua đời, thật ngẫu nhiên lại lật đúng trang 87: “Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo/ Trăng hôm nay dìu dịu cả không gian/ Tôi và em gánh nước tận đầu làng/ Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng”.

Bài vọng cổ Gánh nước đêm trăng của Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu, được trích nhằm minh họa cho giếng làng ở Phan Rí. Chi tiết này hay: “Nổi tiếng nhất là cụ Phó Chà (Phan Thâu) ở làng Hải Tân tự bỏ kinh phí xây nhiều giếng làng”. 

Đời người, cần gì phải lấp đá vá trời, chỉ làm mỗi việc ấy cũng đáng hoan nghênh lắm rồi. Và cái này nữa, cũng nghe lạ tai quá: “giàn hát”. Rạp hát trước nhất xuất hiện ở Phan Rí vào năm 1910. Tại sao nơi đây gọi là “giàn hát”? Trong khi đó, từ thường nghe vẫn là “gánh hát”. Ban đầu tưởng sai morat, nhưng đọc bài của anh bạn Phạm Thùy Nhân, vẫn thấy anh dùng từ “giàn hát”. Lạ chưa?

2. Người dân Phan Rí rành đi biển, tất nhiên. Mỗi lần đóng thuyền mới có Lễ khai trương xuất hành, mâm cúng, ngoài dĩa tam sên, còn có cả miếng cá đuối khô nướng? Tại sao như thế, chỉ là giả thuyết: “Theo quan niệm của tiền nhân vùng đất Phan Rí là đất Chămpa bên phải có một miếng cá khô đuối nướng?” (tr.212). 

Ngoài ra còn có cúng tống mộc (tẩy mộc), lễ vật như cúng xuất hành nhưng có thêm món gỏi và dăm cây gỗ nhỏ rồi làm bè chuối tựa như chiếc xuồng, khi cúng xong tất cả lễ vật đều để vào bè chuối ấy đem thả xuống nước. Chưa hết, khi hành nghề trên biển, nếu gặp các vị “thủy tộc” liên quan đến cá ông như cá đẻn, đuối, đú thì phải cúng thế lớp, tức cúng bằng giấy vàng bạc, vì theo quan niệm tâm linh là ghe bị “động”. Lúc ra biển, hành nghề không hiệu quả thì phải cúng sửa lưới, nhờ các thầy cúng đọc bùa chú, yếm bùa…

Tất nhiên không thể bỏ qua phần tư liệu về hát bả trạo. Bả là cầm, trạo là chèo, là vừa hát vừa cầm mái chèo. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho biết, từ năm 1971 nghệ thuật hát bả trạo ở Phan Rí đã được Giáo sư - kịch tác gia Vũ Khắc Khoan công bố trong một công trình nghiên cứu nghệ thuật sân khấu dân gian tại Viện Đại học Đà Lạt. Kiểm tra lại từ Tìm hiểu sân khấu chèo (NXB Lửa Thiêng 1974) của ông Vũ Khắc Khoan, thấy tác giả có đề cập đến trong phần viết về chèo đưa linh.

Thơ ca dân gian ở Phan Rí, có nhắc nhiều đến cá mòi. “Quan đòi mặc kệ quan đòi/ Chờ ăn hết trã cá mòi mới đi”. “Trã”, Việt Nam từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) giải thích: “Thứ nồi đất nhỡ, miệng rộng, nông đáy, thường dùng để kho nấu”. “Cô kia bới tóc cánh tiên/ Ghe bàu đi cưới một thiên cá mòi/ Không tin giở thử ra coi/ Rau răm ở dưới, cá mòi ở trên”, “Văn chương không bằng cái xương cá mòi” v.v… 

Có thể tìm đọc nhiều bài vè liên quan đến nghề đi biển của ngư dân vùng đất này. Nếu tỉ mỉ, có thể liệt kê ra hàng trăm loại cá khác nhau, cực kỳ phong phú: “Lưỡi trâu, mắc méo, cá phai/ Đuối ghim, đuối gián, đuối dơi, đuối lồi/ Cá nứt có điện từ trường/ Đụng vào nó giựt bắn người tâng tâng/ Nục sồ, bạc má, cá ngân/ Chỉ thịt, trang trác, cá cân, cá kình” v.v… Ít ai biết, cá đuối loại màu đỏ, đầu có chữ vạn, đuôi không “ghim” (gai), ngư dân Phan Rí xếp vào loại “thủy tộc”, không dám ăn, gọi là “Bà Lớn”.

Cái thú đọc sách thuộc loại “chí” như Đại Nam nhất thống chí, Trảng Bàng phương chí, Địa chí Đại Lộc, Địa chí Phan Rí Cửa v.v… là gì? Là có dịp du lịch qua vùng đất, tiếp cận lịch sử, văn hóa, con người vùng đất đó bằng ca dao hò vè, cổ tích, chuyện kể của người trong cuộc, dấu vết năm tháng lưu lại bằng hình ảnh, ký ức người dân địa phương… Lúc rảnh đọc đoạn này, lúc vội đọc đoạn kia, chẳng phải theo lớp lang gì mà vẫn thấy hứng, thấy thú. 

Thành công của người biên soạn còn là khi viết về nơi mình sinh ra, chôn nhau cắt rốn, gắn bó nhiều năm tháng tưởng rằng riêng lẻ nhưng rồi, người địa phương khác đọc vẫn thấy thích. Ừ, nơi nào trên dãy đất hình cong như chữ S không là quê hương, là quê cha đất tổ? Sự gắn kết, thống nhất của một dân tộc, dân tộc “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một bọc “đồng bào”, làm gì có sự phân chia vùng miền trong tâm thức?

Lê Minh Quốc
.
.