Lạm bàn về tư cách

Thứ Hai, 19/10/2015, 15:25
Phạm giai nhân, danh vị Tân Hoa hậu Hoàn vũ vừa thốt lên, “Tôi tự tin mình có tư cách tốt”. Ngô nghe Phạm giai nhân nói câu này, ngẫu nhiên đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, nổi lên lòng ham muốn lạm bàn về điều ấy.

Hiểu một cách đơn giản nhất, tư cách từa tựa nhân cách, đều là làm những việc đúng với đạo trời, hợp với lòng người, trọn với phận mình.

1. Đất Thủ đô vừa nẩy thêm chuyện lạ, một tòa cao ốc trứ danh hiên ngang đứng cùng mưa nắng từ năm này qua năm khác đột ngột trở thành đề tài bàn tán trong suốt nhiều tuần liền.

Sau các lần kiểm tra, lục lại văn bản, người ta phát hiện ra đơn vị đầu tư cao ốc đã có nhiều sai phạm. Quan trọng hơn, phần đất của cao ốc này ban đầu đã nằm trong kế hoạch sẽ xây dựng một trường học. Không hiểu bằng cách nào, đề án xây trường học phải nhượng lại cho đề án xây cao ốc.

Thật ra, chuyện trường học nhường đất cho cao ốc ở nước ta không hẳn là chưa từng xảy ra. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, năm nào đó một trường trung học phổ thông lẫy lừng danh tiếng cũng đã từng suýt phải nhượng đất lại cho một trụ sở kinh doanh. May mà truyền thông lên tiếng dữ dội, các quan chức cũng mở dạ khoan dung mà xét đến.

Sẽ là rất hồ ngôn nếu chỉ lấy một tòa cao ốc sai phép mà luận tư cách của người làm quản lý. Thế nhưng, điều vô cùng ngạc nhiên là nếu người dân xây sửa nhà cửa, vừa đổ một đống cát hay ít xi măng, ngay lập tức những người có trách nhiệm sẽ xuất hiện để chất vấn. Còn nay, cả một tòa cao ốc vẫn có thể nghiễm nhiên tồn tại cho đến khi báo giới phanh phui.

Cách đây chừng hơn một năm, tại thành phố Đà Nẵng, biệt phủ với biệt điện trái phép cũng xuất hiện. Và biệt phủ với biệt điện ấy sẽ chẳng tạo nên một cơn ầm ĩ nếu không có thông tin từ truyền thông.

Bản thân Ngô không tin công tác quản lý đang có vấn đề, chỉ là bất cứ ai cũng có sơ suất. Thế nhưng, cái sơ suất to lớn bao giờ cũng xảy ra nhiều hơn so với những sơ suất bé mọn.

Ấy, gọi là nghi ngờ vào tư cách vậy.

2. Đài Truyền hình Quốc gia vừa đưa tin, những cánh đồng lúa ở tỉnh Thái Bình đang bị nhiễm sâu bệnh, bạc bông, cứ mười bông thì có đến bảy, tám bông lép.

Vì sao lúa bị bạc bông? Là vì bà con nông dân tin tưởng vào lời khuyên của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh chuyên chú dùng 2 loại thuốc bảo vệ thực vật.

Không biết thuốc có công năng tích cực ra sao, chỉ thấy những cánh đồng xác xơ như cỏ cháy.  Ấy vậy mà khi lên truyền hình, bà Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật vẫn kiên định, đây là vụ mùa bội thu trong lịch sử, những cánh đồng đẹp như tranh.

“Những cánh đồng đẹp như tranh”, là một câu cực kỳ lý thú.

Ngô tôi đọc sách, chỉ thấy văn nhân sử dụng phép so sánh này khi đứng trước những cánh đồng xanh mướt mát, lúa trổ đòng đòng căng đầy sữa, Ngô chưa thấy có cánh đồng nào đương xác xơ lại được miêu tả đẹp như tranh bao giờ? Nhưng không sao cả, vì con mắt phàm phu của Ngô thì không thể nào so sánh với mắt xanh của quan nhân được.

Trên màn hình ti vi hôm đấy, bà Chi cục trưởng còn xuất hiện với phong thái đầy tự tin, ngón tay thon hý hoáy trượt trên màn hình điện thoại cảm ứng loại cực xịn.

Dẫu không phải là loại hoài cổ, nhưng Ngô cũng không thể nào không bật lên liên tưởng về vị quan đương đánh tổ tôm bất chấp đê sông Nhị Hà đã vỡ trong truyện ngắn Sống chết mặc bay của cụ Phạm Duy Tốn.

Từ chuyện này, lại không thể không khiến Ngô nghĩ đến một điển tích cũ liên quan đến Tấn Huệ Đế.

Tấn Huệ Đế là người kế vị triều Tây Tấn, Tây Tấn cũng mất trong tay của kẻ này. Tấn Huệ Đế được miêu tả là kẻ trí óc không bình thường, khi lên ngôi nhân nghe ếch kêu, từng hỏi triều thần rất thành thật, “Con ếch nó kêu là vì việc công hay việc tư đấy?”.

Đế như vậy, nên quan nhân trong triều mặc sức ăn thịt hút máu người dân, bòn rút tận xương tủy. Không đừng lại ở đây, Tấn Huệ Đế khi thấy người dân nhà Tấn chết đói đầy đường đã cất miệng nói một câu vô cùng “vĩ đại”, “Bọn họ không có gạo ăn, sao không đi ăn yến sào. Lại để chết đói thế này, nhỉ?”.

Thế nên, không lạ lùng gì chuyện dưới thời của Tấn Huệ Đế đã xảy ra tình trạng loạn bát vương gia.

Ngô nghĩ, thân phụng sự cho dân giúp nước, lại chuyên chuyện đồng áng, mà không nhấc được thân ra khỏi phòng lạnh để xem cây lúa xấu đẹp ra sao, thì đúng là không còn bút mực nào tả được về độ quan liêu nữa.

Ấy vậy mà không hiểu sao các bậc lãnh đạo của vị Chi cục trưởng này vẫn chưa có động thái gì? Hay là các bậc lãnh đạo cũng đang mải mê ngắm cánh đồng sâu bệnh đẹp như bức tranh kia.

Ấy, gọi là chưa có tư cách vậy.

Minh họa: Lê Phương.

3. Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Vinaconex khẳng định, “Mất nước một ngày thì có làm sao”.

Vinaconex chính là đơn vị được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án dẫn nước sông Đà với nhiệm vụ rất quan trọng trong kế hoạch cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đường ống của dự án này đã vỡ đến lần thứ mười mấy.

Mỗi lần đường ống của dự án vỡ, là mỗi lần người dân Hà Nội lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Không phải là cơ quan chức năng chưa từng sờ đến trách nhiệm của những người thực hiện dự án này. Thậm chí, có người đã từng bị bắt tạm giam, truy tố. Thế nhưng, đường ống vỡ cứ vỡ.

Đường ống vỡ một lần, người dân ùn ùn phẫn nộ. Đường ống vỡ lần thứ hai, người dân uất ức kêu than. Đường ống vỡ lần thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu… cho đến lần thứ mười mấy thì người dân đã sức cùng lực kiệt, tàn hơi khản giọng mất rồi. Vậy mới có chuyện ông Tốn tự tin nói, “Mất nước một ngày thì có làm sao”.

Đúng là mất nước một ngày thì chẳng có làm sao cả, người dân vẫn có thể ăn cơm bụi thay vì nhóm lửa thổi bếp, người dân có thể không đánh răng rửa mặt, người dân có thể mướn khách sạn để sử dụng nhà vệ sinh… Người dân có thể làm tất tần tật mọi việc trong một ngày với sự xáo trộn do mất nước mang lại.

Tuy nhiên, người dân sẽ rất vui lòng nếu như sự xáo trộn ấy nhằm góp phần cho cái chung. Ví dụ, người dân sẵn sàng chịu cảnh kẹt xe tắc đường nếu các tuyến phố chính buộc phải trưng dụng cho lễ duyệt binh kỷ niệm; ví dụ, người dân sẵn sàng chịu mất nước sinh hoạt một ngày nếu như đường ống nước cần được bảo trì hay súc xả.

Đằng này, người dân phải chịu mất nước sinh hoạt vì thói làm ăn tắc trách thì e rằng không sòng phẳng đối với người dân một tẹo nào cả.

Đã vậy, còn ráo hoảnh: “Mất nước một ngày thì có làm sao” thì không ai có thể chịu đựng được. Nhất là việc xây dựng đường ống dẫn nước Sông Đà đối với Vinaconex là một dự án sinh lợi.

Không đời thuở nào có chuyện, chủ một dự án sinh lợi lại nói giọng kỳ lạ ấy với khách hàng. Ngô thật lòng không sao hiểu nổi.

Chỉ thử hỏi, nếu gia đình ai đó trong chúng ta (gồm cả gia đình ông Tổng giám đốc) có người thân không may lâm bệnh liệt chiếu liệt giường, một ngày không có nước sinh hoạt thì người bệnh sẽ ra sao? Ấy là chưa kể đến phương diện nước sạch là một trong những điều kiện tối thiểu để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Ông Tốn nói vậy, nghiễm nhiên đã minh chứng cho câu “cả vú lấp miệng em”, mà tiền nhân đã đúc kết không hề sai lệch.

Ấy, cũng có thể gọi là mất hẳn tư cách vậy.

4. Đoàn công tác Bộ Nội vụ sau buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư trẻ nhất nước khi mới 30 tuổi đã có kết luận ban đầu, đại loại tóm gọn trong mấy chữ quen thuộc, “đúng quy định và quy trình”.

Đây không phải là điều gì đó quá ngạc nhiên. Trong số báo An ninh Thế giới Cuối tháng 9, bài Phải cố vui lên mà sống, Ngô đã tiên liệu trước chuyện tỉnh Quảng Nam hoàn toàn có lý và có tình khi đề bạt ông Lê Phước Hoài Bảo. Yếu tố mà dư luận nghi ngờ chính là việc vì ông Hoài Bảo là con trai của ông Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh Quảng Nam nên được ưu ái.

Ông Lê Phước Thanh cũng vừa lên tiếng rất bi ai, “Tôi nghĩ đến bây giờ Bảo đã thể hiện chứ không cần thời gian nữa và tôi tin là Bảo sẽ làm được. Thực tế tôi rất buồn và như đã nói, tôi mong muốn cơ quan nào đó về để công bố cho dư luận đúng sai rõ ràng chứ không chuyện này sẽ còn nói dài nữa”.

Bây giờ thì ông Lê Phước Thanh đã thập phần toại ý, khi mà đoàn công tác của Bộ Nội vụ đưa ra kết luận rất hợp lòng ông Thanh.

Trong rất nhiều bài viết của mình, Ngô luôn ủng hộ những nhà lãnh đạo trẻ có năng lực, có nhiệt huyết. Ngô nghĩ, Ngô không hồ đồ khi cho rằng một lãnh đạo trẻ có năng lực cùng nhiệt huyết lại đứng trên đôi vai người khổng lồ thì sẽ có thêm nhiều điều kiện để làm việc, để cống hiến.

Tuy nhiên, trong bất cứ công việc hay vị trí hoặc nhiệm vụ nào thì tính chính danh là điều hệ trọng. Tính chính danh đảm bảo cho cá nhân đủ uy tín để cầm cân nẩy mực trong vạn sự.

Chuyện cũng không thể khác, Ngô chỉ hy vọng là ông Hoài Bảo sẽ vì tâm niệm của cha mình, vì sự kỳ vọng của nhân dân mà giúp kinh tế tỉnh Quảng Nam phát triển.

Đây cũng là cách để minh chứng với dư luận về năng lực của mình cũng là minh oan cho lãnh đạo tỉnh đã yêu thương mà đề bạt.

Ấy, gọi là mong có một tư cách vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.