Kỷ niệm với đạo diễn Lộng Chương

Thứ Ba, 30/03/2010, 16:17
Những năm 70 của thế kỉ XX, giai đoạn giao thời của đất nước với hàng loạt biến đổi từ sự chia cắt hai miền, từ chiến tranh, giặc giã chuyển sang non sông liền một khối, đất nước thanh bình với nhiều cuộc cải tạo. Tuy vậy, nổi nhất trong thập kỉ này là sự vất vả đời sống nhân dân nói chung và dân văn nghệ sĩ nói riêng.

Vào những năm chớm nửa cuối của thập kỉ đó, anh cán bộ nào may mắn có được chuyến công tác vào Nam thì có thể coi là một bước ngoặt lớn trong đời. Anh, chị nào có chút khả năng kinh doanh thì quả là đổi đời, nếu không chí ít sau chuyến công tác đó trong nhà cũng có đôi ba vật dụng để tự hào khoe với hàng xóm chả khác gì chuyện công du nước ngoài thủơ ấy. Nhưng có phải ai cũng có được chuyến công tác lý tưởng đó nên sự vất vả trong đời sống như một tấm lưới vô hình chụp lên đại đa số cán bộ, nhân dân.

Để phần nào bớt đi những khó khăn thường nhật thì tùy khả năng từng người. Kẻ không nghề nghiệp thì đi phe tem phiếu; anh cán bộ, viên chức, chị công nhân thì nhận dán hộp giấy, cánh nghệ sĩ thì đi viết thuê. Cũng là may dạo ấy nở rộ hội diễn văn nghệ quần chúng. Thế là các nhạc sĩ, đám nhà văn, dân đạo diễn tha hồ nhận đơn đặt hàng sáng tác, chỉ có điều hoàn thành xong tác phẩm thì phải quên ngay đứa con tinh thần của mình.

Tôi còn nhớ nhạc sĩ, ca sĩ tiếng tăm Thịnh Trường, rồi nhạc sĩ lừng danh Lưu Bách Thụ, tác giả ca khúc nổi tiếng "Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ" của Đài TNVN "đẻ" cho xí nghiệp nọ, nhà máy kia mấy ca khúc tự biên tự diễn. Tôi dạo đó trong nhóm của vợ chồng nhạc sĩ Công an vũ trang Trần Danh, tác giả nhạc múa "Ong vò vẽ" và đạo diễn truyền hình Danh Liên, đạo diễn phim "Hoàng Lê nhất thống chí".

Theo phân công, tôi viết ca từ, Trần Danh làm nhạc, Danh Liên dàn dựng. Không dưới một chục ca khúc tự biên tự diễn cho các cơ sở công nghiệp Hà Nội của nhóm tôi đã ra đời đoạt không ít huy chương vàng, bạc cho những tác phẩm đội lốt văn nghệ quần chúng đó. Nhưng có lẽ do bị hình ảnh Danh Liên bụng chửa vượt mặt vẫn tối tối đến dựng ca khúc cho Xí nghiệp Kẻ giấy Ngọc Xuân ám ảnh nên cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in nhịp điệu và ca từ của ca khúc "Ngọc Xuân hành khúc": "Nỗi nhớ em bay ngang. Dòng kẻ em đi thẳng. Ở giữa là tình ta...".

Tôi còn tham gia nhóm kịch tự biên với những kịch bản ngắn dưới sự đạo diễn của NSƯT Phạm Bằng. Cho đến bây giờ, hình ảnh bàn bạc, sửa chữa những kịch bản tầm xí nghiệp dưới bóng cây roi sân nhà nghệ sĩ ở phố Hàng Giầy cùng bà vợ phúc hậu tảo tần của Phạm Bằng vẫn in đậm. Rồi hình ảnh tôi bồn chồn ở hậu trường sân khấu rạp Đại Nam khi chỉ đạo đêm diễn kịch bản của tôi viết cho Trường Trung cấp Thủy Lợi Cầu Giấy là những kỉ niệm khó quên…

Bên cạnh những tác phẩm kiếm sống đó, những năm tháng của thập kỉ 70 đó, tôi vẫn cố loay hoay để làm sao có được vở diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Chính sự loay hoay, vất vả với nghề sân khấu trong những năm tháng đó, tôi mới có vinh dự tiếp xúc và nhận được những lời dạy dỗ, chỉ bảo của hai tượng đài sân khấu Việt Nam mà tôi luôn luôn coi là hai bậc đại sư trong nghề. Đó là nhà thơ, nhà văn kiêm đạo diễn, kịch tác gia Thế Lữ và nhà viết kịch kiêm đạo diễn Lộng Chương.  

Khi đó, tôi đang ở tuổi dưới 30, độ tuổi ăn không biết no, làm không biết mệt. Dạo đó trong lĩnh vực kịch không kể hàng chục vở ngắn, dành cho tự biên tự diễn của các hội diễn quần chúng cùng xấp xỉ từng ấy câu chuyện truyền thanh viết cho Đài, tôi viết khá nhiều kịch bản dài hơi.

Thời gian này vì mới ra lò từ Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Văn nên tôi bị ảnh hưởng khá lớn các kịch tác gia thế giới theo dạng học trò thuộc bài như chùm kịch dài bộ ba "Bản giao hưởng kiến thiết mở đầu như thế nào?" viết sau chuyến công tác ở thủy điện Thác Bà vào giữa năm 1971 do Bộ Xây dựng tổ chức với hàng loạt cây bút đã nổi danh trong giới văn nghệ sĩ như Nguyễn Văn Bổng, Huy Phương, Lưu Công Nhân… Ảnh hưởng khá đậm hành động ngầm trong ngôn ngữ của Chekhov, tác giả "Vườn anh đào".

Ngay đầu đề vở hài "Chuyện như thế thì cần phải nói?" là nhại lại nhan đề vở hài "Chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ thế" của William Shakespeare. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi viết vở này vào năm 1973, 1974 gì đó nhân có một chuyện lình xình tham ô, mất dân chủ ở một số nhà máy ngành công nghiệp Hà Nội thì phải. Viết xong lấy làm tâm đắc lắm nhưng nhìn vào các đền đài sân khấu như Đoàn Kịch Hà Nội đang diễn "Hoa Pháo" của Trần Vượng, hay Đoàn Kịch nói Trung ương (Nhà hát Kịch Việt Nam bây giờ) đang diễn bộ ba kịch ngắn "Đồng chí" của Chu Nghi... thì thấy thật xa vời.

Thế là viết xong đành lôi ra đọc rồi nhấm nháp một mình. Nhưng có lẽ cũng do quen thuộc một số diễn viên khi làm kịch tự biên tự diễn nên loanh quanh thế nào vở hài của tôi rơi vào Đoàn Kịch Công nghiệp Hà Nội (CNHN). Trưởng đoàn hình như là Ủy viên thường vụ Công đoàn Hà Nội tên Thể, một đàn ông cao to, đẹp trai, tính tình mềm mỏng. Tên thì có vẻ nghiệp dư như vậy nhưng vào thập kỉ 70 đây là một đoàn kịch được quản lý chặt chẽ với không ít diễn viên có tay nghề mà các đoàn chuyên nghiệp mơ ước, nhất là số diễn viên công nhân Nhà máy Cơ khí Đống Đa như chị Hạnh, anh Đạt, anh Đức…. Thế hệ của đoàn kịch đó ngày nay còn sót lại cây hài có lối diễn rất tự nhiên là chị Ngọc Tuyết.

Một hôm đi làm về (nhà tôi dạo đó ở khu tập thể của Trường cấp 2 Xuân Đỉnh), tôi nhận được giấy mời kiêm thông báo kịch bản của tôi được Đoàn Kịch CNHN chấp nhận dưới sự dàn dựng của đạo diễn Lộng Chương. Đọc đi đọc lại mấy dòng trên tờ giấy đánh máy mà ngợp thở vì niềm vui quá lớn đột ngột đến với tôi. Dạo đó đang độ cuối xuân, trời se lạnh vào tối, Câu lạc bộ Lao Động cách nhà tôi hơn 10 cây số, ăn vội vàng bữa chiều, tôi hăm hở đạp xe. Đến nơi thấy diễn viên đã tề tựu đông đủ quanh một người đàn ông tầm thước, mặt mũi phương phi, lộ rõ nét tinh anh, hào hoa, tay cầm be rượu. Tôi rụt rè đi vào. Có thể do lúng túng nên chân tôi va mạnh vào thành ghế đau điếng. Tất cả mọi người quay lại khiến tôi càng ngượng nghịu.

Người đàn ông mà sau này tôi mới biết là bác Lộng Chương mỉm cười giơ tay vẫy vẫy tôi. Tôi hít mạnh một hơi dài mạnh dạn đi lên. "Cậu là tác giả đúng không? Trẻ. Rất trẻ. Nhưng mà này. Cái này cậu đề là hài kịch. Nhưng đúng ra là náo kịch. Được đấy. Tôi sẽ dựng theo cách của tôi. Nhưng cậu phải chịu khó. Tối nào cũng nên đến, nếu có cái gì không đúng ý, cậu cứ nói. Gì thì gì cũng phải hiểu nhau thì vở diễn mới khá được". "Dạ dạ, cháu sẽ cố". "À này, sau đây tôi sẽ phân vai. Mấy hôm nay đọc vở, tôi đã tìm ra chìa mở hành động kịch rồi".

Đang nói bình thường, đột ngột giọng bác Lộng Chương cao vút lên. "Cảnh nhấn trong vở, tớ sẽ cho cha giám đốc nhân vật ngồi oai nghiêm sau cái bàn giữa sân khấu, trước mặt có cái gạt tàn phóng to, điếu thuốc lá đang hút tỏa khỏi lên lơ mơ, ngoằn ngoèo như bình hương. Hình tượng đó là sự phê phán về độc quyền và mất dân chủ. Cậu thấy thế nào?". "Dạ, dạ. Cháu chưa được xem nên chưa thể nói được ạ?". "Chà. Thế là được".

Vậy là từ buổi tối hôm đó hơn hai tháng trời khi vào buổi tối ở CLB Lao Động khi đạo diễn tổng thể các màn, khi thì vào ban ngày ở nhà bác Lộng Chương (một căn nhà ở giữa phố mà bài trí hệt nhà ở nông thôn. Có cả tấm dại nứa che cửa) để chỉnh sửa một vài vai, tôi đều có mặt. Đang chỉ đạo cho diễn viên, thỉnh thoảng bác lại quay về phía tôi, như có ý hỏi. Vào thời gian tạm nghỉ, bác lại rót chén rượu ra, thấy tôi từ chối, bác gật gù vừa nhấm nháp rượu vừa nói chuyện về rất nhiều đề tài bằng cách nói điềm đạm khác hẳn chất hài khi bác thị phạm cho diễn viên. Nhưng nói gì thì nói, cuối cùng câu chuyện vẫn quay về kịch.

Cho đến bây giờ, tôi còn nhớ những nhận xét về hài kịch của vị đại sư này. Bác cho kịch là một thể loại khó nhưng hài kịch còn khó gấp bội. Moliere mới là thiên tài nhưng hài kịch của Moliere không thể bằng Shakespeare. Ông này là đệ nhất viết bi kịch nhưng cũng là đệ nhất hài kịch. Hài của Shakespeare thâm ra thâm, cười ra cười, mà cười của cha viết kịch người Anh hoạt lắm, đời lắm mà tự nhiên. "Cái Quẫn của bác cũng chưa nhuyễn hẳn. Nhưng tay Hoạt giỏi nên lão ta tìm ra được nhiều miếng cù khá ra phết".

Tôi rụt rè xin bác nhận xét vở của tôi. Bác nâng chén rượu lên xoay xoay: "Muốn viết hài cho ra hài phải có năng khiếu. Cái này của cậu tôi thấy được nên tôi mới nhận dựng. Cũng từ cái này tôi thấy mừng vì có thêm một tay viết hài. Thế mạnh của cậu là có học hành đàng hoàng. Nhưng muốn viết hay phải quan sát kĩ cuộc sống. Cuộc đời nhiều tình huống hài bất ngờ mà không cây bút nào nghĩ ra nổi đâu. Nhưng vào kịch anh phải biết chọn lọc và dùng nhiều hình thức. Chứ cứ bê nguyên cuộc sống bình thường lên thì khó mà hấp dẫn người xem lắm. Người xem bao giờ cũng thích lạ, phát hiện. Từ đó mới hấp dẫn được họ. Nói vậy là tôi tin cậu. Tiếc là bây giờ không phải đoàn nào, đạo diễn nào cũng chấp nhận sự sáng tạo lạ".

Ròng rã hơn hai tháng, hai bác cháu tôi làm việc cùng dàn diễn viên nhiệt tình để chờ ngày ra công diễn. Bất ngờ vào hôm tổng duyệt, một ông mặt trắng, bé nhỏ, bây giờ tôi còn nhớ tên là Y. mới từ Moskva về sau chuyến công tác. Mới xem vài cảnh của vở diễn, ông đã lắc đầu tay xua xua, giọng ráo hoảnh: "Dẹp đi. Vở này công diễn làm sao được. Ai lại bôi xấu giám đốc, đề cao công nhân như vậy. Làm thế dễ bị hiểu lầm lắm".

Tôi nhớ lúc đó bác Lộng Chương rất điềm tĩnh giải thích nhưng ông Y. vẫn dứt khoát giữ ý. Sau tuyên bố của ông Y, dàn diễn viên chán nản bỏ về hết. Hội trường chỉ còn hai bác cháu. Bác Lộng Chương vỗ vỗ vào vai tôi nói khẽ giọng như một người cha: "Bác thì không sao. Nhưng với con… Tác phẩm đầu tay, đúng không. Thiệt cho con quá. Nhưng biết làm sao. Người ta có quyền. Bác mong con, sau vụ này con đừng nản chí là được. Còn yêu kịch thì còn viết. Nhớ chưa?". Tôi lặng lẽ gật đầu, chào bác, tôi thui thủi ra về giữa đêm cuối xuân lạnh giá. Lặng lẽ đạp hơn mười cây số về đến nhà. Vợ tôi ra mở cửa. Tôi im lặng không nói câu gì, nhưng thấy buồn buồn. Đêm ấy, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được

Nguyễn Hiếu
.
.