Không phải vì kiêu hãnh

Thứ Tư, 09/05/2012, 14:52
Nếu còn sống hẳn ngày 10/4 vừa qua nữ sĩ Nga Bella Akhmadulina đã có một lễ sinh nhật lần thứ 75 rất thú vị của mình. Thế nhưng, bà đã qua đời từ hơn một năm trước, vào cuối tháng 11/2011, để lại trong lòng những người yêu thơ một nỗi tiếc thương vô cùng tận.

Người Nga không tự nhận đất nước mình là cường quốc thơ nhưng ở đây thực sự luôn hiện hữu những nhà thơ lớn. Tình yêu của công chúng Nga đối với thơ cũng luôn luôn nồng nhiệt, ngay cả ở thời kinh tế thị trường như những thập niên cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Trong số những nhà thơ Nga được kính trọng và tìm đọc nhất luôn có nữ sĩ Bella Akhmadulina. Và bà cũng là một trong những nhà thơ được Điện Kremli tôn vinh nhất.

Bà từng được nhận giải thưởng  quốc gia VHNT Liên Xô năm 1989, giải thưởng Tổng thống LB Nga năm 1998, giải thưởng quốc gia Nga năm 2004 cũng như nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác. Khi hay tin mình được nhận vinh dự cao quý của nước Nga năm 2004, Akhmadulina đã khiêm tốn nói rằng, phần thưởng dành cho bà có thể được trao cho những người làm nghệ thuật khác thì xứng đáng hơn.

Bà còn nói thêm: “Tôi xin cảm ơn tất cả những ai có thiện chí tới như vậy đối với tôi và đánh giá cao tới như vậy đối với những gì tôi viết. Giải thưởng này là niềm vinh hạnh lớn đối với tôi”. Bà cũng thổ lộ: “Tôi đã cố gắng để phục vụ cho văn học Nga và chỉ thế thôi. Tôi không phải lớp người chủ định làm một cái gì đó để nhận giải thưởng”.

Trong quyết định về giải thưởng quốc gia Nga năm 2004 do ông Vladimir Putin, lúc đó đang là Tổng thống ký, nữ sĩ Bella Akhmadulina được đánh giá cao như một nhà thơ đã tiếp nối và phát triển thành công truyền thống cổ điển thanh cao của nền thơ Nga nói riêng và văn học Nga nói chung. Khi bà qua đời, những nhân vật ở vị trí chính trị cao nhất nước Nga đều gửi tới gia đình bà những lời chia buồn sâu sắc và thấm thía nhất...

Bella Akhmadulina sinh năm 1937 ở Moskva và từng tốt nghiệp Trường Viết văn Gorky năm 1960. Bà cũng đã là một trong bốn gương mặt nổi bật nhất trong “thế hệ 60” ở Liên Xô cũ (cùng Yevgeny Evtushenko, Andrei Voznesensky và Robert Rozhdestvensky), có công hàng đầu trong việc đưa dòng thơ đích thực lại gần hơn với công chúng rộng rãi.

Các tác phẩm của bà thấm đẫm chất “thượng lưu tinh thần” vì bà biết cách “thanh cao hóa” cuộc sống đời thường, hướng tới những lý tưởng nhân văn muôn thuở. Akhmadulina là tác giả của các tác phẩm nổi bật Dây đàn (1962), Bài học âm nhạc (1969), Ngọn nến (1977), Khu vườn (1987), Một lần trong tháng 12 (1996)... Nhiều năm liền, bà có tên trong danh sách các ứng cử viên giải Nobel về văn học. Thơ của bà từng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có cả tiếng Việt.

Một điều rất đáng nói là Akhmadulina thường chỉ viết về những điều rất giản dị trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng, tâm thế và câu chữ trong thơ của bà đã nâng ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất lên thành thanh cao và đầy mỹ cảm. Những tâm sự riêng tư trong thơ bà luôn vang lên như những lời khẩn cầu chung nhất và da diết nhất  của mọi kiếp người muốn sống đời hướng thiện:

Bao năm rồi trên phố tôi vang
tiếng những bước chân - bè bạn dần khuất bóng.
Cuộc ra đi bạn bè tôi chậm rãi
với màn sương ngoài cửa sổ tương đồng.

Mi quá chừng nghiệt ngã đấy, cô đơn!
Mi bất chấp những nguyện thề vô ích
tay lăm lăm cái com pa sắt
lạnh lùng xoay kín một vòng tròn.

Thì hãy gọi và thưởng ta đi chứ!
Ta, kẻ mi chiều chuộng đã bao lần,
ngả đầu vào ngực mi, ta sẽ nguôi mọi sự,
ta sẽ chìm trong giá buốt mờ xanh.

Hãy cho đứng kiễng chân trong cánh rừng mi nhé,
ở cuối hành vi chậm chạp này đây
tìm chiếc lá và nâng lên mặt
cảm thấy nỗi bồ côi như khoái lạc dâng đầy.

Hãy tặng ta những bình yên thư viện,
những mô típ nghiêm trang các đêm nhạc của mi
và anh minh rồi, ta sẽ quên tất cả,
những ai đã không còn, những ai sống mà chi.

Tôi sẽ ngộ anh minh và buồn tủi,
ý nghĩa mật với tôi, mọi vật sẽ tâm tình.
Thiên nhiên sẽ ngả vào vai tôi đấy
truyền cho tôi bí ẩn tuổi thơ mình.

Và khi ấy, tự trong nước mắt
và bóng đêm và quá khứ vô tri
những hình nét bạn bè tôi tuyệt diệu
sẽ sáng lên rồi mới nhòa đi...

Thơ tình của Akhmadulina rất trong sáng nhưng cũng hàm chứa nhiều bi kịch. Bản thân bà trong đời sống cũng từng là một phụ nữ đa đoan. Bà từng là người vợ đầu tiên của thi sĩ lừng danh Evtushenko và nhờ tình yêu này mà cả hai người đã có được những vần thơ trác tuyệt. Tuy nhiên, họ đã không có được một người con chung nào. Chỉ vì Evtushenko mà Akhmadulina đã phải nạo thai và từ đó, không thể nào có mang thêm một lần nào nữa (theo những thông tin xuất hiện gần đây trên báo chí Nga, người con gái đầu Ania, năm nay 43 tuổi, mà trong các bản tiểu sử chính thức cho rằng là kết quả của tình yêu giữa bà với con trai của nhà thơ dân tộc Balakaria, Kaisyn Kuliev, thực ra là một người con nuôi!). Rồi bà cũng đã trở thành vợ của nhà văn Nga nổi tiếng Yuri Naginin. Trong những thập niên cuối đời, Akhmadulina là vợ của họa sĩ Boris Messerer…

Khi còn rất trẻ, Akhmadulia đã viết về tâm trạng của một cô dâu trẻ như sau:

Em muốn làm cô dâu
lộng lẫy như tranh vẽ
với mảnh voan e lệ
trắng tinh phủ lên đầu.

Để ngón tay run run
đeo nhẫn vàng lạnh buốt,
để li cụng vào nhau
mừng lứa đôi hạnh phúc.

Để ai cũng tới chúc
em sinh nhiều con trai,
để bạn bè chật cửa
ôm quà mừng đầy tay,
nào áo còn nguyên gói
nào chén đĩa, đăng ten...
Rồi hôn lên má em
trước lúc em thành vợ.

Tấm váy em trắng muốt
giọt rượu lỡ dây vào
em sau bàn rạng rỡ
và thẹn thùng làm sao!

Những điều đang đợi ta
thật hãi hùng! Cám dỗ!
Mẹ em bật khóc to,
mẹ thân yêu, gượm đã!

...Bộ y phục cô dâu
rơi xuống giường hết cả,
em lúc đó chao ôi
thích sợ hôn anh quá!

Tiếng xếp đặt bàn ghế
bên kia tường vang lên,
cái việc ấy sẽ đến
với anh và với em???

Cũng phải nói rằng, giọng điệu hồn nhiên trong sáng như trên không phải là phổ biến trong thơ Akhmadulina. Thường là những bài thơ tình của bà luôn bị giằng xé giữa những mâu thuẫn:

Tôi đã nghĩ anh là tai họa
Là kẻ thù lớn nhất đời tôi
Hóa ra không, anh chỉ là chú Cuội
Hèn nhát thay trò giả dối anh bày.

Anh đã ném đồng xu xuống tuyết
Trên quảng trường Ma-nhet người đông
Anh đã dùng đồng xu ấy bói
Xem là tôi có yêu hay không

Và ở trong vườn hoa Aleksandr
Anh đã lấy khăn ủ chân tôi cho ấm
Và sưởi tay tôi nhưng anh luôn lừa dối
Luôn nghĩ rằng tôi cũng đang lừa anh

Gian dối ấy cứ quanh tôi lồng lộn
Chẳng khác chi đàn quạ đen ngòm

Và đây lần cuối anh cùng em từ giã
Trong mắt nhìn không nông không sâu
Anh sẽ sống không hề buồn bã
Còn em ư, cũng chẳng hề sao

Nhưng tất cả sao mà vô nghĩa vậy
Sao mà vô lý vậy anh ơi
Anh cứ việc đi về bên phải
Còn em đi sang bên trái đây này…

Những trải nghiệm đắng đót trong tình yêu đã khiến Akhmadulina đã có những giai đoạn trở nên “lãnh cảm” với cả những người yêu thương mình nhất. Và tâm trạng đó cũng đã được thể hiện trong thơ bà:

Xin anh chớ phí thời gian thế
Và cũng đừng nên hỏi em thêm
Những cái nhìn dịu dàng tha thiết
Cũng xin đừng chạm phải tay em.

Đừng theo sát gót chân em như thế
Giẫm cả lên vũng nước lúc xuân về
Em biết lắm, chẳng có gì thêm nữa
Sinh ra từ gặp gỡ của hai ta.

Anh cứ nghĩ rằng em kiêu hãnh
Bước đi, không kết bạn cùng anh.
Không phải vì kiêu hãnh, - vì đau đớn
Em bước đi chỉ nhìn thẳng trước mình…

Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Akhmadulina vừa qua, trên báo chí Nga đã xuất hiện một số những thông tin đi sâu vào đời tư của Akhmadulina từ những góc độ không hẳn là tích cực. Như bất cứ một người sáng tạo nào, Akhmadulina đã trải qua những tình huống đời sống không đơn giản và lắm khi rối lẫn.  Và nếu nhìn vào chúng từ những góc độ không thiện chí, rất dễ suy diễn theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”. Thế nhưng, giá trị của một nhà thơ không phải ở những cuộc tình (có thật hay không có thật) đã qua mà ở những dòng thơ làm lay động lòng người mà họ đã để lại. Xét theo hướng này, Akhmadulina là một nhà thơ lớn.

* Các bản dịch thơ trong bài đều do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga

Linh Vân
.
.