Không nướng được tôm, thôi thì giữ tép?!

Thứ Ba, 30/06/2015, 21:38
Thưa, Ngô sức yếu tài thấp, diện mạo lại hèn kém, thập phần không xứng là một trang nam tử, chỉ là phường bỏ đi. Khi Ngô theo nghiệp viết, chọn nghề báo, Ngô chỉ có một tâm niệm duy nhất đó là viết sự thật theo những gì Ngô nghĩ. Ngô không có thói quen đong đưa, Ngô lại càng không có thói quen tháp ngà trau chuốt.

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Ngô chỉ viết những điều mà Ngô cho là cần phải viết, nếu Ngô có sai là bởi Ngô ngu muội, Ngô hoàn toàn không có ý hay động cơ gì khác. Mọi người đừng áp đặt hoặc cố hiểu sai ý Ngô, tội nghiệp cho Ngô lắm lắm.

Thưa, hôm nay Ngô muốn bàn một chuyện mà các Đại biểu Quốc hội đang tranh luận. Đó là chuyện có nên cho tội phạm tham nhũng đóng tiền để thế mạng hay không? (Đầu tiên, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam xin cho Ngô gửi lời tri ân đến thư mà các ông, các bác đã gửi về tòa soạn cho Ngô.

Thú thật, Ngô đọc mà vô cùng cảm động. Vì Ngô nghĩ, ở thời đại thông tin internet, rồi mạng xã hội facebook đang soán ngôi của báo in mà Ngô vẫn nhận được thư của các ông, các bác gửi về để động viên, trao đổi thì thật là quý giá. Các ông, các bác rộng lượng mà đại xá cho Ngô, bởi tình cảm các ông, các bác dành cho Ngô, Ngô luôn tạc dạ ghi nhận. Phiền vì nỗi xa xôi, tiếc vì sự cách trở mà Ngô không thể đáp từ, vấn an. Mong các ông, các bác luôn tin rằng Ngô một lòng vì bạn đọc mà phụng sự, một lòng vì cái chung mà làm việc. Kính chúc các ông, các bác cùng gia đình luôn mạnh khỏe, an yên, vạn sự hanh thông).

Ngô đọc trong Ba phút sự thật của cố tài hoa Phùng Quán có chương viết về nhà thơ Đoàn Phú Tứ, trứ danh bởi bài thơ Màu thời gian với “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát”. Vì đây là chương viết có liên quan đến điều Ngô sắp lạm bàn, nên xin phép trích lại để hầu bạn đọc.

“Mùa đông năm 1949, Đoàn Phú Tứ ở chiến khu Việt Bắc. Là nhà thơ, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa I. Ông cùng với một đoàn nhà văn đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội vừa đánh giặc trở về. Ông đã khóc nấc lên khi thấy các chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men, bông băng, và hầu hết chiến sĩ đều rách rưới, “võ vàng đói khát”, “chỉ còn mắt với răng”, mà mùa đông năm đó tiết trời chiến khu lạnh tới mức nước đóng băng… Ông trở về cơ quan chân ướt chân ráo thì nhận được thiệp mời của Trần Dụ Châu, đến dự lễ cưới mà hắn đứng ra tổ chức cho cán bộ cấp dưới đặc biệt thân cận, phụ trách công tác vật tư, tên là Lê Sĩ Cửu.

Ông bước vào phòng cưới mà cứ ngỡ mình nằm mê. Cái hội trường dựng bằng tre nứa, lợp lá gồi, sáng trưng những dãy bạch lạp to bằng cổ tay. Trên những dãy bàn dài tít tắp, xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, nấm hương, giò chả, thịt bê thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Ban nhạc sống của nhạc sĩ Canh Thân được mời từ khu 3 lên tấu nhạc réo rắt…

Minh họa: Lê Phương.

Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá choáng lộn, cưỡi ngựa đến dự cưới, theo sau hắn là một vệ sĩ cao lớn, súng “côn bạt” đeo xệ bên hông. Tân khách ngồi chật kín hội trường, mắt hau háu nhìn bàn tiệc. Rượu vang đỏ rót đầy các cốc. Vị chủ hôn Trần Dụ Châu oai phong, đỏ đắn, đầy quyền uy bước ra tuyên bố làm lễ thành hôn cho đôi vợ chồng mà hắn đỡ đầu, và trịnh trọng mời tân khách nâng cốc… trong tiếng nhạc vang lừng. Nhìn thấy nhà thơ ngồi ở bàn đầu, hắn liền tươi cười giới thiệu: “Đám cưới hôm nay có một vị khách đặc biệt là ông Đoàn Phú Tứ, nhà thơ cự phách của nhóm Xuân Thu Nhã Tập. Xin mời nhà thơ nổi tiếng lên đọc một bài thơ mừng cô dâu chú rể và quý vị tân khách”.

Đoàn Phú Tứ đứng lên, mắt đăm đăm nhìn cốc rượu vang đỏ như máu đầy tràn trước mắt… Ông bỗng thấy giận run lên với ý nghĩ: “Bọn võ biền đốn mạt đầy quyền uy này, đã quen coi thi sĩ là kẻ nô bộc, và thơ là món đồ trang sức, một thứ gia vị cho bữa ăn tội lỗi của chúng thêm ngon miệng… Chúng sẽ được thơ dạy cho một bài học đích đáng!…”. Ông ngẩng lên, nhìn thẳng vào mặt Trần Dụ Châu, nói lớn, nhấn mạnh từng từ một cho tất cả những người dự tiệc cưới đều nghe thấy: “Tôi xin đọc tặng vị chủ hôn, cô dâu chú rể và tất cả các vị có mặt hôm nay, một câu thơ hay nhất mà tôi vừa chợt nghĩ ra”… Khắp các bàn tiệc dậy lên tiếng xì xào tán thưởng: “Hoan hô Xuân Thu Nhã Tập! Hoan hô thi sĩ Đoàn Phú Tứ!”. Chắc phải hay hơn câu nghìn trùng e lệ phụng quân vương… Chờ cho tiếng xì xào im hẳn, nhà thơ nói tiếp: Câu thơ đó như sau: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ! - “Láo”, Trần Dụ Châu mặt vụt tái nhợt quát to. Tiếp liền theo đó là tên vệ sĩ của hắn xông tới tát bốp vào mặt nhà thơ. Nhà thơ lặng lẽ rút khăn tay lau mặt, ném khăn xuống đất, rồi nhổ vào cốc rượu đỏ như máu đầy tràn trước mặt, và đĩnh đạc bước ra khỏi phòng cưới.

Ngay đêm hôm đó, nhà thơ viết một bức thư dài gửi lên Hồ Chủ tịch, trình bày toàn bộ sự việc. Một tuần sau tòa án quân sự được thiết lập cũng tại khu vực hội trường đó. Trần Dụ Châu bị điệu ra trước vành móng ngựa, cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, và lãnh án tử hình vì tội tham nhũng. Trần Dụ Châu viết đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước, nhưng Hồ Chủ tịch đã bác đơn và y án tử hình”.

Người được Bác Hồ ủy nhiệm để điều tra và tuyên án về hành vi của Trần Dụ Châu chính là Thiếu tướng Trần Tử Bình, khi đó đang là Phó Tổng thanh tra quân đội, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Ai mới đủ quyền năng để thực hiện hành vi tham nhũng, chắc chắn đó phải là quan chức. Người dân dẫu cho trăm phương nghìn kế thì vẫn không thể thực hiện hành vi tham nhũng.

Quan chức của chúng ta có đang tham nhũng không? Chắc chắn rằng có. Nhưng cá nhân Ngô vẫn tin rằng, không phải quan chức nào cũng tham nhũng. Bởi nếu đọc lịch sử, thì sẽ thấy một điều rất hiển nhiên giúp dân tộc trường tồn, đó chính là trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn có những rường cột của quốc gia toàn tâm toàn ý phụng sự cho xã hội. Chứ quan nhân nào mà cũng phá thì còn gì nữa để mà bàn.

Thế nhưng, xử lý quan chức tham nhũng luôn là vấn đề rất dềnh dàng, khó khăn. Bởi một cá nhân làm quan luôn có những cái ô che trên đầu, ô to trùm ô bé cứ vậy mà lũy tiến. Nên nhiều lúc muốn cất chiếc ô bé ra khỏi đầu một người còn phải liếc nhìn thái độ của rất nhiều ô to.

Bấy nhiêu năm rồi, sau vụ Trần Dụ Châu thì không thấy xử tử bất kỳ ai liên quan đến tham nhũng. Tất nhiên, ý của Ngô đang nói đến những quan nhân mang hàm cực phẩm kiểu như quan nhân Trần Dụ Châu đang mang.

Thời Mãn Thanh (bên Tàu), Hoàng đế Càn Long cực kỳ sủng ái Hòa Thân. Càn Long thừa sức biết Hòa Thân đã trục lợi, đã mua quan bán tước, đã đội trên đạp dưới, đã vơ vét tài sản cho cá nhân như thế nào. Thế nhưng, Càn Long vẫn cứ miệng tươi như hoa mỗi lúc nhắc về Hòa Thân. Càn Long không yêu Hòa Thân không xong, bởi Càn Long liếc mắt Hòa Thân đã hiểu ý, Càn Long vung tay Hòa Thân đã biết Càn Long muốn gì.

Càn Long truyền ngôi cho Gia Khánh, Hoàng đế Gia Khánh rất muốn xử lý Hòa Thân nhưng lại không dám bất tuân lệnh của Thái thượng hoàng Càn Long. Hòa Thân cứ nhơn nhơn như vậy cho đến khi Càn Long băng hà. Phải đến lúc Càn Long băng hà thì Gia Khánh mới có thể luận tội Hòa Thân. Đây là khối tản sản đã được quy ra bạc của Hòa Thân, “Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu”.

Ngô vẫn hay bị mắng là lẩn thẩn, suốt ngày lấy chuyện xưa, chứ chuyện nay thì một việc cũng không dám lên tiếng. Biết làm sao được, vì cái tính Ngô vậy rồi. Ngày nhỏ thì sợ ma, lớn lên thì sợ công quyền.

Nhưng Ngô nghĩ, đến cả hoàng đế được tập trung toàn bộ quyền lực trong tay muốn bảo vệ vương pháp thông qua hành động bắt một cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi theo luật định còn khó, huống hồ ra ngõ gặp anh Bảy, về cơ quan thấy anh Tám, vừa đến nhà ngó nhìn anh Chín như ở nước mình.

Thế nên, quan điểm cá nhân Ngô cho rằng rất nên ủng hộ việc cho đóng tiền đối với những quan chức tham nhũng. Bởi như Ngô vừa viết phần phía trên, không thực hiện được hành động này thì cố mà vớt vát bằng hành động khác. Đấy là lẽ thường, tiền tham nhũng thì phải trả lại cho dân, đó chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Nhưng việc xét xử hình sự thì vẫn phải làm còn để răn đe kẻ khác chứ.

Không nướng được tôm thì bắt được tép mà?!.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.