Khổ tận, cam lai

Thứ Ba, 02/02/2021, 13:19
Chạp, mới chớm Chạp được dăm ba bữa mà đã thấy không khí Tết thật gần. Dù năm nay COVID-19 làm buồn cả xã hội, khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn thì cái không khí Tết nó vẫn cứ hiển hiện dần mỗi ngày. Nơi này một chút, chỗ nọ một xíu. Tết nó ngấm dần dần theo từng ngày của Chạp.


Buổi chiều tháng Chạp trời se lạnh nhanh. Chưa năm nào thấy thành phố phương Nam này lại lạnh đến thế. Nghe nói là cũng lạnh lịch sử trong suốt gần 50 năm. Kể ra vậy đời mình cũng may. Có phải mấy khi được chứng kiến chuyện xưa nay hiếm trong đời đâu. Đằng này lại hiếm mà đẹp. Cái lạnh vừa phải, đúng kiểu lạnh chớm đông của miền Bắc nhưng không khắc nghiệt đến vậy. Không buốt, không rét. Chỉ là lạnh thôi. Vừa đủ.

Xong công việc một ngày, ngồi đợi bè bạn tới lai rai cuối tuần ở một quán nhỏ, tôi mở facebook lên lướt vô hồn, như một thói quen chứ không phải có chủ đích gì. Rồi đập vào mắt là cái bài đăng kèm mấy tấm ảnh của cậu em. Cái bài đăng của nó từ tuốt... đêm hôm kia lận. Hôm nay có ai đó vào bình luận nên nó lại "trồi" lên trước mắt mình, một cái trồi lên rất hợp tình, hợp cảnh. "Nhậu đêm về nhà thấy Tết đến luôn rồi", cậu em viết có một dòng như vậy thôi, nhưng hai tấm ảnh của nó mới nói lên nhiều điều. Một tấm chụp nồi thịt kho hột vịt. Tấm kia, nồi canh khổ qua.

Thật lạ. Thịt kho hột vịt thì hôm nào chẳng gặp. Canh khổ qua dồn thịt băm với ít mộc nhĩ cũng là cái món canh thường ngày. Cứ thử một bữa trưa chui tạm vào một quán cơm bình dân nào từ Nhà Bè cho tới Hóc Môn, từ quận 3 cho tới Thủ Đức... mà coi. Hai cái món ấy, dám chắc là quán cơm nào cũng bán. Vậy mà lạ, cứ Chạp đến, thấy hai cái nồi như vầy thôi là người trong Nam lại nhớ đến Tết. Nó là món tiêu biểu của Tết phương Nam, không khác gì thịt đông và canh măng của người miền Bắc. Ngày thường nó là bình dân, ngày Tết nó... sang lên hẳn.

Nhìn cái nồi canh khổ qua kia, lại gặp đúng cô bé phục vụ đặt câu hỏi "anh có kêu gì trước không hay đợi bạn", tôi bâng quơ:  "Ừ, bé cho anh xin cái khổ qua chà bông nghe". Cái món khổ qua chà bông này thế mà hay thật. Nó cũng chẳng khác gì đĩa lạc luộc, lạc rang ở mấy quán bia hơi miền Bắc vậy. Kiểu như khai vị, khởi động lúc chưa đông đủ để gọi món, gọi mồi. Nó dễ dùng, ăn vào cũng hợp với ly bia lạnh lắm lắm.

Mấy miếng khổ qua cắt mỏng được bày trên một cái đĩa có bọc nước đá lạnh ở dưới. Thêm đĩa ruốc thịt (chà bông) bên cạnh, hoặc thích thì rải luôn chà bông lên khổ qua, thế là đủ đánh chén rồi. Gắp một miếng khổ qua, chiêu thêm ít chà bông, cái đắng thanh thanh của khổ qua đi cùng cái mằn mặn của ruốc thịt để lại một dư vị ngòn ngọt sau cùng. Phải nói là món này dễ lai rai, dễ nhậu. Tất nhiên là với ai chịu được khổ qua rồi. Chứ phải người không chịu được vị đắng, kiểu gì cũng chê ỏng chê eo không thèm đụng đũa.

Tôi đến với cái khổ qua này cũng thật lạ. Xưa mẹ tôi, ba tôi đều thích ăn mướp đắng (ngày còn ở Bắc vẫn gọi thế). Riêng tôi thì không. Mỗi lần mẹ nấu canh mướp đắng là y rằng tôi nhăn nhó. Ấy vậy mà đến khi tốt nghiệp, đi làm, tôi đâm ra lại khoái mướp đắng mới chết dở. Chẳng là làm cùng với các anh trong phòng, trưa đi ăn chung, đi công tác với nhau cũng nhiều, các anh gọi món gì thì mình phải tập mà quen món đó. Đàn ông với nhau, cảnh vẻ thế nào được.

Hơn nữa, các anh lại vừa lớn hơn, vừa là sếp trực tiếp của mình, cứ im lặng mà nghe thôi. Nghe rồi thành tập quen biết ăn mướp đắng. Biết ăn rồi thành thử bắt đầu thấy nó ngon. Thấy ngon rồi về ăn cơm nhà thỉnh thoảng lại nhắc mẹ nấu canh mướp đắng hoặc xào mướp đắng với trứng làm mẹ thời gian đầu cứ tròn mắt mà ngạc nhiên chẳng hiểu thằng con mình sao thay đổi vậy. Đúng là có bước ra đời mới lớn lên được. Kể từ khi đi làm, tôi mới tập ăn được mấy thứ từ nhỏ tới ngoài 20 là tối kỵ như nước mắm, ớt và tất nhiên... khổ qua.

Ngồi nhấm nháp khổ qua chà bông đợi bạn, tự dưng nghĩ chính ra cái anh khổ qua này hay thật. Bữa trước, con gái tôi, mới 7 tuổi, nói với mẹ nó "mẹ ơi hay mẹ mua khổ qua về nấu đi cho cái khổ nó qua". Tôi đã bật cười khi đó. Trẻ con học của người lớn nhanh lắm. Nó thì biết gì là khổ mà nói. Cha mẹ có vất vả thật nhưng vẫn đủ sức cố để nó không thiếu cái gì. Nhưng tôi cũng để ý, có mấy lần đưa nó đi siêu thị, hỏi: "con muốn mua gì không?" nó đều lắc đầu. Gặng mãi thì chị chàng cũng nói lí nhí: "Mắc lắm. Tốn tiền ba". Thật ra là trẻ con rất tinh. Có ai nói gì với nó về một năm kinh tế buồn ba mẹ mất rất nhiều khoản thu thường lệ đâu. Nhưng chắc nó cảm được, nên mới nghĩ là cần khổ qua cho qua khổ...

Không biết người Việt mình ăn khổ qua từ khi nào nhưng tôi cứ đinh ninh nó là món từ miền Nam du nhập ra ngoài Bắc. Xưa tôi chỉ thấy người Bắc lấy mướp đắng để tắm cho trẻ con mát da, mát thịt, chống rôm sảy mùa Hè chứ mấy khi thấy ai ăn đâu. Những người ăn khổ qua mà tôi biết cũng đa phần là gia đình tập kết như mẹ tôi vậy. Nhưng giờ thì khổ qua phổ biến rồi. Bởi ăn nó thú thực là rất thích. Vượt qua được cái nhân nhẩn đắng ban đầu là rất nhiều cái ngọt lành sau nó. Mà khổ qua lại làm được nhiều món. Ăn sống được, bóp gỏi được, xào được, nấu canh cũng được mà đặc biệt nhất phải là nấu với chả cá thác lác. Đượm vị vô cùng.

Cái trái khổ qua/ mướp đắng ấy vốn lành như thế, ấy vậy mà từng bị coi là thứ chẳng ra gì. "Tình cờ chẳng hẹn mà nên/ Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường", cụ Nguyễn Du chẳng đã viết như thế ư? "Mạt cưa - mướp đắng", nghe nó cũng chẳng khác gì "mèo mả - gà đồng", nói chung đều chỉ phường chẳng đàng hoàng. Rõ ràng, đã có thời các cụ không nhận thấy hết được giá trị của mướp đắng. Thật là thiệt thòi cho các cụ vô cùng.

Nhưng cái lạ hơn cả, mà tôi vẫn mong là đinh ninh của mình sai, là tại sao mướp đắng lại thành món ăn phổ biến của miền Nam trù phú? Cái trù phú của một xứ từng thò tay xuống nước là vớt được cá, cái bông, cái hoa quanh miệt quanh nhà cũng thành đặc sản ẩm thực được lẽ ra phải khiến con người ta tìm ngon tìm ngọt mà dùng. Đằng này, ở xứ trù phú đó, những gì đăng đắng lại được lựa chọn.

Từ khổ qua cho tới cái nhân nhẩn đắng của rau đắng, của bông điên điển, tất cả bỗng trở thành đặc sản. Thậm chí, nó còn trở thành món truyền thống của Tết, như là canh khổ qua dồn thịt vậy. Phải chăng, giữa bạt ngàn màu mỡ và phì nhiêu, người Việt vẫn không muốn quên đi vị đắng ban đầu để nhắc chính mình về một thời cơ cực?

Cái vươn lên ấy trong mâm cơm Việt của khổ qua cũng y như cách cây khổ qua sống vậy. Mấy lần trồng khổ qua, tôi đều thấy khó hiểu là sao cây mau cằn chỉ sau một lần ra trái. Mãi mới được một ông anh chỉ cho bí quyết rằng phải chọn trái chín nứt, bỏ nguyên trái ấy xuống đất mà trồng. Từ buồng hạt sẽ có nhiều cây mọc lên và cuối cùng, chỉ có cây khoẻ nhất sẽ sống và sống dai nhất, với cái thân khoẻ mạnh nhất. Hóa ra, nó chính là sự chọn lọc tự nhiên. Từ cay đắng, cũng chỉ có con người mạnh mẽ nhất mới hồi sinh được sau khi qua bao thử thách của đời.

Và giờ có lẽ tôi cũng hiểu hơn tại sao món khổ qua lại là hồn tuý của người phương Nam mỗi khi đón Tết. Cũng có thể là ước cho cái khổ nó qua, đúng như câu khổ tận cam lai. Nhưng nó cũng là một mong mỏi về một năm mới với nghị lực có thể vượt qua mọi thách thức. Vả lại, có nếm chút đắng, chút cay thì mới hiểu rằng vị ngọt sau này nó giá trị đến nhường nào.

Mà năm Tân Sửu này, đúng là chúng ta cần "nghị lực khổ qua" lắm. Cả một năm dài COVID giày vò, bao nhiêu vất vả dồn lên đủ mọi thành phần xã hội rồi, từ trí thức cho tới bình dân, từ người bác sỹ cho tới người làm nông hai sương một nắng. Giờ chỉ mong một năm Tân Sửu, mọi nỗi khổ ấy nó qua nhanh, cho bình thường trở lại, mỗi người mỗi tươi mới hơn, vững chãi hơn khi nhìn thấy mình đã từng đi qua nỗi khổ ngoạn mục cách nào...

Hà Quang Minh
.
.