Khi nghệ sỹ hứa cũng như không

Thứ Sáu, 08/01/2010, 09:14
Có lẽ, ai trong đời làm báo cũng sẽ gặp những chuyện không vui khi hành nghề. Nhưng với những người làm báo văn nghệ, thì có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Bởi, bây giờ cảm giác ai cũng có thể đi làm báo và ai cũng có thể làm nghệ sỹ, nên những nguyên tắc tối thiểu trong quan hệ công việc của cả hai giới đôi khi cũng bị xóa nhòa.

Và từ đó, có những nhà báo (phần lớn là cộng tác viên các tờ báo mạng) trở thành tay sai cho nghệ sỹ. Và từ đó, nghệ sỹ bỗng dưng thành… ông tướng, với đủ những yêu sách không giống ai…

Với mỗi phóng viên, việc hẹn gặp và phỏng vấn thành công một nhân vật để có được một bài viết tốt là quả là điều không đơn giản. Mà nói cho thành thật, số nghệ sỹ ở Việt Nam thực sự xuất sắc và có đủ trí tuệ để nói với công chúng những điều hay, lẽ phải không nhiều. Thậm chí, có những nghệ sỹ tưởng rất thông minh và uyên bác, nhưng trong cách hành xử lại trở nên kệch cỡm và có những phát ngôn không giống ai. Và đó là bi kịch của những người phải làm công việc luôn đi tìm kiếm nhân vật văn nghệ để phỏng vấn. Bởi không thể nhìn thấy trái đỏ mà đã tưởng chín, cũng không dễ để phân định được đâu là vàng ròng, đâu là vàng giả, khi mà công nghệ PR của nhiều nghệ sỹ đã ở mức thượng thừa. Sự trải nghiệm, những kỹ năng, và cả sự nhạy cảm của một người làm báo là những điều đầu tiên để bắt đầu cho một người làm công việc phỏng vấn.

Nhưng, mọi chuyện không xuôi chèo mát mái như vậy. Bởi ngay cả khi có đầy đủ những điều kiện ấy, thì nhà báo vẫn cứ bị nghệ sỹ quay cho như dế. Yêu sách và yêu sách. Đầu tiên là những nghệ sỹ "công thần". Khi phóng viên đến, điều đầu tiên là họ sẽ gọi cho nhân vật A - B nào đó, và thông thường sẽ là gọi cho lãnh đạo tòa soạn nơi phóng viên đang nhận lương, như một thứ áp lực ngầm. Sau đó, sẽ là những bài giảng về đạo đức nghề nghiệp và các hình thức tác nghiệp.

Cũng có những nghệ sỹ sẽ ngồi chỉ vẽ cho phóng viên nên viết về mình theo hướng nào, nên ca ngợi mình ra sao. Sau đó, khi về rồi, phóng viên sẽ được gọi điện hỏi là viết xong chưa. Sau đó sẽ phải mang bài qua để nghệ sỹ duyệt. Duyệt xong, lên báo rồi, mà cái tít bị sửa, một vài câu được cắt gọt lại cho vừa trang báo là sẽ bị mắng té tát.  Lẽ ra, người phóng viên phải nhận được lời cảm ơn từ nhân vật thì ngược lại, họ đành ngậm ngùi im lặng, vì "nói lại cho rõ" thì sẽ bị thưa lại với sếp trên, cũng kẹt đủ đường. Im lặng đúng là vàng trong những trường hợp ấy, nếu không muốn bị đuổi việc.

Một số nghệ sỹ thì thích chơi "mèo vờn chuột" với phóng viên, ấy là hò hẹn và cứ quên quên nhớ nhớ. Như ca sỹ T.L là một điển hình quên, để gặp được chị là phải mất vài chục cuộc điện thoại, và có thể lùi từ ngày hôm nay qua ngày mai, hoặc lùi đến tuần sau. Như nhạc sỹ V.A là chơi trò… trốn. Đầu tiên là "rất bận, tuần sau gọi lại". Qua tuần sau thì "đang bận chút việc, ngày mai gọi lại". Ngày mai đến khoảng 4-5 lần thì chính anh cũng tự cảm thấy ngại, anh không nghe máy nữa. Và khi phóng viên nhắn tin thì anh nói, dạo này tâm trí u ám, không muốn lên báo phát biểu linh tinh.

Diễn viên múa T.D thì hẹn gặp, nhưng đến giờ hẹn thì nói là đang… ốm và chuẩn bị đi công tác, cứ gửi email. Gửi email xong, hai ngày sau phóng viên gọi thì nhắn là chị bận quá, hai ngày nữa sẽ trả lời. Hai ngày nữa thì nói, thôi đợt này bận quá, để đợt sau… Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Có rất nhiều nghệ sỹ thích chơi trò "mèo vờn chuột" ấy, nhiều khi vì không biết phải từ chối thế nào, nhưng nhiều khi là một thói quen sai hẹn.

Nói một cách sòng phẳng, chắc chắn nếu không nằm trong chiến dịch PR nào đó, thì việc nhà báo tự tìm đến nhân vật là điều bình thường, khi nhà báo thấy nhân vật xứng đáng và muốn khai thác một khía cạnh nào đó. Và, theo một cách cũng rất sòng phẳng, nhân vật có quyền từ chối, nếu không muốn. Không phóng viên nào nỡ dùng từ "chảnh" nếu nhân vật nói thật lý do ngần ngại của mình khi chưa muốn xuất hiện trên báo chí. Cái quan trọng là phải đối xử với nhau một cách văn minh. Vì công việc nên nhà báo sẽ phải nhã nhặn thuyết phục nhân vật của mình. Nhưng nhân vật cũng cần tôn trọng nhà báo, bởi đó là công việc của cả một tòa soạn.

Phía sau mỗi bài viết được xuất hiện trên báo, ngoài việc tác nghiệp của phóng viên, còn có công việc nhọc nhằn của biên tập, của họa sỹ trình bày, rồi việc in ấn phát hành. Nghệ sỹ có thực sự chia sẻ với nhà báo khi cứ bắt cả một tòa soạn chờ và "rượt đuổi" mình? Hơn thế, nhân vật có quyền đưa ra nguyên tắc làm việc của mình. Và nếu cả hai bên thấy hợp tác được thì sẽ cùng làm việc. Đây là mối quan hệ bình đẳng, không ai ban ơn cho ai. Rất tiếc, hiếm có nghệ sỹ nào thực sự hiểu được quan niệm này. Khi còn vô danh thì thích quan hệ với nhà báo để lên bài. Nhưng khi đã thành ngôi sao, thì nhà báo sẽ là đối tượng bị cho leo cây nhiều nhất…

Có một cách mà không ít nghệ sỹ nổi tiếng hay sử dụng, đó là tập hợp xung quanh mình một vài nhà báo thân quen. Và không ít trong số đó, là những cộng tác viên thân tín của một số tờ báo mạng. Hãy cứ dạo báo mạng, sẽ biết nghệ sỹ nào thân quen với nhiều nhà báo. Chỉ có thân quen thì mới nhất cử nhất động của họ đều được chụp hình và đưa tin tường tận đến vậy.

Đôi khi chỉ là một buổi đi chơi vô thưởng vô phạt cũng được chụp hình và đăng lên báo với những mỹ từ như quyến rũ, rực rỡ, tươi tắn, duyên dáng… Và, có những nghệ sỹ thao túng nhà báo đến mức, yêu cầu nhà báo đăng cho mình những câu chữ này, những bức hình này, nhằm vào những mục đích này… Có những vụ cãi vã trên báo, đôi khi được bắt đầu từ những mối quan hệ như vậy. Và các nhà báo có mối quan hệ thân thiết với nghệ sỹ đến mức, họ quên rằng mình đang bị biến thành một thứ công cụ để nghệ sỹ lợi dụng. Họ hoàn toàn quên vai trò đưa tin khách quan của nhà báo. Và, đôi khi nhà báo cùng kết hợp với nghệ sỹ để sản xuất hàng giả, những thông tin hoàn toàn không trung thực, nhưng vì đã được sự đồng ý của cả hai nên không xảy ra sự cố. Và bạn đọc sẽ là những người chịu thiệt.

Cũng có không ít nghệ sỹ chỉ đạo cho phóng viên phải thực hiện theo ý mình để "phản pháo" lại những bài báo mà có ý chê chương trình của mình, đĩa nhạc của mình. Cũng không ít nhà báo bị các nhân vật yêu cầu không được sửa bất cứ chi tiết nào trong bài viết và phải có cả tên… nhà tài trợ, những người thân quen mà nghệ sỹ muốn đưa tên. Tất nhiên, chỉ có những phóng viên thiếu bản lĩnh mới dễ bị rơi vào những trường hợp này. Và nghệ sỹ cũng dư sức biết, ai là người mình có thể sai khiến được.

Nhà báo Hải Miên (cựu phóng viên Báo Thanh Niên), người đã có không dưới 10 năm làm trong mảng văn hóa giải trí,  trong một lần trả lời phỏng vấn nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam than rằng: "Khởi đầu của mọi bài báo đều phải là những cuộc phỏng vấn - sự đối thoại, bao gồm cả đối thoại với chính mình. Làm mãi rồi thấy không có gì để đối thoại với nhân vật của mình. Đó là chưa kể, khi nhân vật cũng chẳng có gì để đối thoại với mình - như hai quả chanh kiệt nước đang gắng gỏi giúp nhau vắt tiếp. Nhiều nhân vật trong làng giải trí này, ngực đầy những danh hiệu, nhưng ta nhìn thấy gì sau bộ ngực lấp lánh đó? Ngược lại, nhiều khi ta nhìn thấy đâu đó ánh lấp lánh của một vỉa vàng, thì ta làm được gì cho cái vỉa vàng đó để nó phát lộ, được thừa nhận?

Chân tài - thực học của cả đôi bên là điều kiện tốt cho những cuộc đối thoại. Tiếc là không phải chúng ta luôn được đối thoại trong điều kiện đó. Tiếc hơn nữa những đối tượng này ngày nay ít được lựa chọn để phỏng vấn nếu họ không nổi tiếng. Cái này dễ dẫn tới nghịch lý "người đáng thì không gặp, người gặp thì không đáng"… Nhưng, có một số bạn mới vào làm, mà hầu như không được/không tự trang bị những kĩ năng và nhận thức nghề nghiệp tối thiểu, thì việc bị nơi này nơi khác, người này người khác xỏ mũi dắt đi là chuyện dễ hiểu. Đôi khi họ đứng sai, đứng nhầm vị trí vì không biết thực sự vị trí của mình ở đâu. Tôi không thấy tính phản biện của họ trong việc tác nghiệp và viết bài. Về biên tập, đôi khi bài báo đã lên trang mà ta không thấy dấu vết của người này. Nghề báo bao dung lắm, ai yêu thích nó cũng vào làm được, không quá đòi hỏi bằng cấp chuyên môn khắt khe như nhiều nghề khác. Nhưng đôi khi chính sự bao dung này đang làm hại chính nó"…

Ở thời điểm hiện tại, có thể chỉ cần tiền và những mối quan hệ thân thiết với báo chí, ngôi sao có thể hiện diện liên tục trên các mặt báo mà không cần có một sự kiện nghề nghiệp nào. Khi công nghệ PR quá phát triển, không ít nghệ sỹ coi việc đánh bóng bản thân là chuyện đương nhiên phải làm và bỏ không ít tiền cho chuyện đó thì mọi chuyện đã đổi khác. Khi có tiền là bắt đầu yêu sách. Và nhà báo, nếu không đủ khôn ngoan và bình tĩnh, sẽ chỉ là những con rối cho người khác giật dây mà thôi…

Thạch Lựu
.
.