Khi Ngô Tất Tố dùng bút danh Bắc Hà

Thứ Sáu, 21/08/2009, 08:32
Chỉ vì thiếu tiền, An Nam tạp chí (1926-1927) phải tự đình bản. Tản Đà và Ngô Tất Tố đã vào Nam để tục bản tạp chí, nhưng việc không thành. Ngô Tất Tố nhất quyết ở lại và đã "trụ" được tại Nam Kỳ trong khi không ít ký giả Trung Bắc Kỳ lần lượt phải trở về bản quán.

Ngô Tất Tố mau chóng hoà nhập với người dân và xã hội Nam Kỳ. Giỏi chữ Hán, gặp nguồn sách báo chữ Hán phong phú tại "vùng đất thuộc Pháp", trước hết là Chợ Lớn Sài Gòn, Ngô Tất Tố thoả sức tiếp cận với tri thức và văn hoá thế giới, không chỉ với các nước đồng văn chữ Hán mà kể cả các nước phương Tây và các nước khác.

Giữa đất trời phương Nam, Ngô Tất Tố đã triển khai các thế trận văn chương sẽ theo đuổi sau này và vững vàng trở thành ký giả chuyên nghiệp, được công chúng và báo giới phương Nam chấp nhận và chịu "xài". Tám mươi năm trước, trở ra đất Bắc, Ngô Tất Tố lập tức vào cuộc và "dọc ngang" giữa đội ngũ báo giới hùng hậu của xứ Bắc.

Vốn tri thức và văn hoá cùng những trải nghiệm trường đời tích luỹ được của cây bút xuất thân từ "cựu học", "áo the khăn xếp", không có "Tây học", không qua một trường lớp nào đã có dịp đổ dồn, trải rộng trên ngòi bút của các bút danh: Bắc Hà (người Phương Bắc, người Đàng Ngoài - một bút danh từ trước tới nay ít được giới thiệu), Thiết Khẩu Nhi (Miệng Sắt), Lộc Hà (tên quê hương), Tân Thôn Dân (dân quê mới).

Giữa lúc trên báo chí và văn đàn đang đòi hỏi phải tìm lối viết mới cho chữ quốc ngữ thì những bài tản văn ngắn gọn của Thiết Khẩu Nhi đã lôi cuốn bạn đọc do cách diễn đạt hóm hỉnh dễ hiểu, lại đề cập kịp thời những chuyện thiết thực, có thật trong cuộc sống. Những bài viết đó đã mở đường cho "cách viết tản văn tạo sân chơi hấp dẫn, đấu trường sôi động trên mặt báo" mà tác giả đã phát triển lâu dài sau này.

Bắc Hà đã bất ngờ xuất trận, trực diện ra đòn phủ đầu, đối mặt nghênh chiến với nhiều chính khách, học giả, với các báo có thế lực đương thời..., đã công khai tranh luận chính diện về các vấn đề trọng đại trên chính trường như về "lập hiến", về bầu Viện trưởng Viện Dân biểu, về trừ tệ tham nhũng..., đã bàn luận về những chuyện thời sự nóng hổi trong đời sống văn hoá của xã hội như về gia đình phương Đông, về "bảo" Khổng hay "bài" Khổng, về thi ca đời nay và đời xưa...   

Trên cùng một trang báo, bài viết mang khẩu khí "đại luận" của Bắc Hà nhiều khi đứng ngay cạnh bài của Thiết Khẩu Nhi, nhưng ban đầu bạn đọc chưa nhận ra các bài đó đều là của Ngô Tất Tố.

Không thể tách riêng Nam Kỳ với Trung Bắc Kỳ được

Trong các bài phê bình về "Vấn đề lập hiến cho nước Nam" (trên báo Phổ thông tháng 11/1930), sau khi phân tích tình hình nước Mỹ, nước Pháp..., Bắc Hà vạch trần và kiên quyết phản đối ý định vẫn muốn chia rẽ Nam Kỳ với Bắc Trung Kỳ trong nội dung "cải cách chính trị" của Chủ bút tạp chí Nam phong.  

Ngô Tất Tố đã nêu những lý lẽ thực tế rất cụ thể do chính mình khảo cứu được trong những năm tháng hành nghề tại Nam Kỳ (điều này giúp bạn đọc nhận biết Bắc Hà là bút danh của tác giả):

"Trước đây, trong hồi viết báo Thần chung, tôi đã được có nhiều dịp đi chơi các miền từ thành thị đến thôn quê, cứ như tôi thấy thì xã hội Nam Kỳ đại để cũng như xã hội Bắc Kỳ. Tại nơi thành thị cũng có nhiều người khuynh hướng về văn hoá Tây phương, song cũng còn nhiều người vẫn cố giữ văn hoá Đông phương, tại thôn quê cũng nửa theo Khổng giáo, nửa theo Phật giáo, tuy không có văn miếu văn chỉ, không nhiều đình chùa sãi vãi như ngoài này, song về cách cư xử hàng ngày, cũng vẫn phảng phất cái không khí của đạo Khổng; những việc ma chay tang tế, phần nhiều cũng pha mùi đạo Phật, cả đến sự thờ phụng tổ tiên, việc sắp đặt ngôi thứ ở làng xóm, hầu hết giống như Bắc Kỳ; sau nữa sự giáo dục ở nhà trường, tuy không giống hẳn như Bắc Kỳ, song cũng không khác là mấy.

Tóm lại Nam Kỳ với Bắc Kỳ chẳng có khác nhau bao nhiêu..., dù có khác nhau, cũng chỉ "đại đồng tiểu dị" chớ không có gì là trái hẳn.             

Vả lại, theo luật tiến hoá, nước Nam mà còn được đến nay..., mà nỡ chia rẽ cái đất của tổ tiên đã có công hộn hợp lại được bao đời nay thì tiền đồ của nước nhà sau này sẽ ra sao, chẳng nói cũng hiểu vậy.

Một nước, đồng một chủng tộc, đồng một tôn giáo, đồng một tiếng nói, đồng một trình độ tiến hoá, mà nào lớn lao gì cho cam, cắt dài và ngắn, chẳng qua có hơn ba chục ngàn cây số vuông, vậy mà... phải dùng đến hai nền chính trị mới cai trị được, cái chính trị ấy thật cũng kỳ khôi lắm vậy..., cái hiến pháp xướng ra không thể nào thi hành được".--PageBreak--

Trước cảnh "quái lạ", "còn tám ngày nữa là bầu Viện trưởng Viện Dân biểu mà tất cả 103 ông dân biểu chưa ông nào nói rằng mình định ứng cử", gặp bài của Pháp Việt tạp chí "cổ động" cho ông chủ bút Nam phong, "cổ động bằng cách phản đối", sau khi phê phán kiểu cổ động "ranh ma" và điểm lại lai lịch của đương sự, Bắc Hà lên tiếng trước công luận, kiên quyết không nên bầu ông ta làm Viện trưởng.

Khi Phạm Huy Lục, người của phe "trực trị" trúng Viện trưởng, Thiết Khẩu Nhi vạch trần thủ đoạn "đó là nhờ trời, cái trời của ông Lục rất lớn, đó là trên sáu chục ông dân biểu kéo xuống Khâm Thiên, luôn trong hai ngày, được uống lại ăn, đã say lại no".

Khái quát ngay sau đó, Ngô Tất Tố sắc sảo nhận định: từ khi sắp bầu nghị trưởng cho đến khi bàn việc cải cách, hai ông đại diện hai phái "bảo hộ" và "trực trị" tuy mỗi ông một ý, cứ tưởng họ đánh nhau, nhưng không, họ không "đánh bốc" với nhau đâu mà họ "đánh bài Tây" đấy, "đánh bài tây" để cùng phục dịch cho một "chủ cái chung" nhằm xoa dịu, "đánh lừa" công chúng mà thôi!".

Vì sao thi ca đời nay không bằng thi ca đời xưa

Sau khi đánh giá tình hình thi ca đương thời (tính đến những năm 20 của thế kỷ XX) là "không hay", "có phần bát nháo", hiếm có thi tài..., Bắc Hà kết luận "về đại thể, thi ca đời nay thua kém thi ca đời xưa, điều đó đúng với sự thiệt, không nên chối cãi làm chi" (Báo Công luận. Số đặc biệt-1932).

Có ý cho rằng thi ca đời xưa "hay" là nhờ Hán học thịnh hành, thơ phú được liệt vào "môn văn khoa cử", mỗi ông nghè, ông cử đều có thơ để lại cho đời, nhất là thơ chữ Hán, có người có tới hàng trăm bài. Bắc Hà cho rằng nguyên nhân làm cho thi ca đời nay không hay không phải chỉ tại Hán học bị bỏ.       

Bắc Hà đặc biệt chú trọng và bàn nhiều đến "hứng thi" (bao gồm thi gian, hoàn cảnh và tâm tính) trong nghề thi ca, cho đó là nguồn gốc tạo ra thơ hay, thơ thực là thơ.          

Bắc Hà nhấn mạnh: Nguyễn Khắc Hiếu là "thi tài" giữa lúc thi ca đương thời "hiếm thi tài" nên để bàn về "đời nay với thi ca", Bắc Hà "xin mượn ông Nguyễn Khắc Hiếu làm cái phản lệ", Bắc Hà rất tự tin bởi lẽ "tôi biết ông Hiếu lắm" (điều này càng giúp bạn đọc dễ nhận ra nguồn gốc của bút danh Bắc Hà).

Theo Bắc Hà, ông Hiếu trở nên một "thi sĩ thiệt tài" vì ông Hiếu có bốn cái đặc điểm về nghề thơ: "Một là tính ông rất đa cảm, gặp "trái thường thất ý" ông nghĩ tới cả tháng. Hai là thời giờ của ông không bị nghèo ngặt, ông làm được thơ hay thường trọn ngày uống rượu và ngủ hoặc chơi chỗ này chỗ kia.

Ba là óc ông là óc lãng mạn, ở đời mà ông mơ màng hầu trời hầu tiên, biết mơ không thể được mà vẫn cứ mơ. Bốn là óc ông chỉ rộng chỗ cho chứa tình cảm, chỉ sẵn chỗ chứa cho những tài liệu tốt về nghề thi, không cho chứa các thứ khác.

Cay nghiệt là bốn cái đặc điểm ấy đều trái với sinh hoạt hiện nay. Nay người ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dùng hết tâm lực vật lộn với sự sống, còn lo chưa đủ, lấy đâu được nhiều người như ông Hiếu, nên có ít thi ca hay".       

Bài Khổng và bảo Khổng

Nhân bàn về "Trận xung đột của hai ông Tản Đà và Chương Dân", bạn đọc có dịp biết thêm về "tài rút tít" (đặt đề bài) súc tích, hóm hỉnh của Ngô Tất Tố nhưng quan trọng hơn là thấy được suy nghĩ của "ông Đầu xứ" về Khổng giáo (Báo Công luận ngày 28/4/1932).

Bắc Hà viết: "Hán học bị bỏ đã gần hai chục năm nhưng xã hội chưa thể quên được câu chuyện Khổng giáo. Về cái luân lý "bắt buộc gái goá giữ tiết", ông Chương Dân Phan Khôi thì công kích, ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì tán thành.

Xin tạm bầu hai ông làm đại biểu cho hai phái thuộc hai luồng tư tưởng, ông Chương Dân về phái "bài Khổng", ông Tản Đà về phái "bảo Khổng".

Bắc Hà không xen vào nội dung của "trận xung đột" mà chỉ nêu mấy "điều thiết yếu trong Khổng giáo" để góp phần trả lời "bảo Khổng phải hay bài Khổng là phải?".

"Khổng giáo tôn quân quyền, trọng đẳng cấp nên Khổng giáo lợi cho sự cai trị xã hội; Khổng giáo lợi cho đạo đức cá nhân, không lợi cho đạo đức của đoàn thể khiến cho người bình dân chỉ biết phục tùng; Khổng giáo trọng về bảo thủ, lấy sự hoà làm chính, không ưa sự cạnh tranh nên ngăn trở cho tiến hoá.

Tệ hại hơn nữa là cái nạn "Khổng giáo giả hiệu", là cái nạn đã có ngay sau đời Khổng tử. "Cái Khổng giáo" lưu hành ở ta bây giờ, thuần là Khổng giáo của Tống nho, trộn lộn với Khổng giáo của Hán nho, chớ chân tướng của Khổng giáo có còn đâu nữa.

Khổng giáo của Khổng tử lưu truyền thì ít mà Khổng giáo của Tống nho và Hán nho thì lại càng nhiều, như thuyết tam cương và câu "ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại" (chết đói là việc nhỏ, không giữ tiết của gái goá là việc lớn) đều của Hán nho và Tống nho đặt ra, chứ Khổng giáo của Khổng tử đâu có quá đáng thế!

Từ nay trở đi, các nền đạo đức của xã hội - từ đạo đức của đoàn thể đến đạo đức của cá nhân - phải tựa vào tình hình sinh hoạt mà xây, dầu nó hợp với Khổng giáo hay trái với Khổng giáo, đều không cần hỏi".

Cao Đắc Điểm
.
.