Huyền hoặc mai vàng Panduranga

Thứ Hai, 13/02/2017, 14:48
Gần 40 năm, đổi nhà nhưng chưa một lần đổi lệ, năm nào tôi cũng cùng gia đình mình đón xuân tại miền đất bán hoang mạc Ninh Thuận.

Tết, ở xứ Panduranga khắc nghiệt gió như Phan(g) và nắng như Rang có hai thứ đáng để những kẻ ngụ cư ưa ruổi rong như tôi giữ mãi trong ký ức: đá núi cộc cằn và mai vàng rực rỡ. Những cành mai tùy phong da xù xì đốm nắng, vặn mình theo những trận gió cực Nam Trung Bộ suốt nhiều năm, cuối cùng cũng chỉ thành hương sắc dăm ba ngày Tết.

Niềm vui thường ngắn ngủi. Chỉ có đá núi mốc thếch những nỗi niềm vẫn triệu năm còn mãi, bền bỉ và vất vả, tôn vẻ kiêu hãnh mỗi mùa xuân. Chỉ mai vàng mọc trên đá núi mới đủ cho khách giang hồ mềm lòng xiêu đổ.

Những cây mai thế, mai bon sai được chăm sóc, tỉa tót kỹ lưỡng trong chậu cảnh, lá thân trơn mượt, cánh hoa mỡ màng dù cũng đẹp nhưng chưa đủ để nao lòng, chưa đáng để kẻ ngạo thế khinh đời phải thốt lên “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (một đời chỉ cúi đầu bái hoa mai) như Chu Thần Cao Bá Quát một thời. 

Tất nhiên rồi, phấn son xiêm áo thị thành không sánh nổi, không làm chao đảo, mê rất sâu và nhớ rất lâu như ánh mắt Chiêm nữ nồng nàn của bạn bè tôi một thời hoa niên cắp sách.

“Hoàng Mai ẩn hạ thu đông tiết
Rực rỡ trang hoàng một khắc Xuân”.

Mai tùy phong, mai núi, mai chà, mai đá, cây đỏ ngọn, gọi cách nào thì những lá, hoa, cành cũng là kết tinh của nắng, của gió, khốc liệt và kiêu hãnh.

Chừng phần tư thế kỷ trước, có dịp qua Ninh Thuận vào dịp cận Tết, lữ khách sẽ phải sững sờ. Hai bên đường thiên lý Bắc - Nam, nhất là đoạn qua Cà Ná núi thò chân ra biển, bạt ngàn là một rừng mai vàng rực.

Nhà văn Phan Cao Toại, rồi nhà văn Nguyễn Danh Lam, người vào từ miệt biển Nha Trang, kẻ xuống từ núi đồi Đà Lạt, mỗi người đã hơn một lần đến đây lấy đề tài mai núi, đoạn cả đường sắt lẫn đường bộ đều ôm núi cua vòng ra biển chỗ eo 41, mà viết thành văn chương nức tiếng.

Cà Ná, Quán Thẻ, Chà Bang ở phía Nam rồi Cà Đú, Vĩnh Hy ở phía Bắc vùng đất Panduranga xưa đều có mai núi, mai đá. Nhưng ngẫm lại mai Cà Ná vẫn đặc biệt hơn cả: mỗi bông mai luôn chẵn 12 đến 16 cánh, xếp đều hai lớp 6 đến 8 cánh chồng nhau, vàng rực rỡ.

Ngày mới lớn, ngụ cư giữa đồng bằng An Phước, cách Phan Rang 10 cây số,  tôi cũng có nhiều những mùa xuân vác rựa lên dãy núi Chà Bang chín ngọn chặt mai về chưng Tết. 

Vốn dĩ, rặng núi có tên gọi theo tiếng Chăm cổ là Cek Cambang – núi Cánh Ná, người Việt đọc trại mà thành núi Chà Bang. Đó là một rặng gồm toàn những tảng đá hoa cương vĩ đại xếp chồng nhau chạy dài, tạo thành một bức tường thành chục km hình cánh ná ngăn bớt những ngọn gió Thái Bình Dương thốc tháo tung bụi vào dải đồng bằng nhỏ hẹp.

Leo  núi độ nửa buổi sáng, lạc giữa rừng mai trên triền núi sừng sững, thế nào cũng tìm được một cội mai già vừa ý, gốc to, thân mốc thếch, cành lượn ngả nghiêng đã bắt đầu lấm tấm lộc chồi. Chịu khó đi sâu hơn, trèo cao hơn lên đỉnh núi, nơi mát hơn, vào mùa mưa còn vờn mây phủ có khi còn tìm được cả những gốc mai trắng, hoa nhỏ hơn, trắng muốt và thân cành cũng yểu điệu hơn.

Vác cành mai hạ sơn xuống chùa Trà Cang dưới chân núi ngồi lặt lá, cảm giác mãn nguyện tuyệt  không gì sánh nổi. Từ góc chùa nhìn xuống là một thung lũng trải dài, quanh năm gió đuổi nhau hun hút, giúp hình thành nên loài mai núi thế trứ danh không mấy nơi có được.

Đường đưa cội hoàng mai già về xuôi đón Tết thế nào cũng phải ruổi qua Plei Chăm Bachong, tức làng Hòa Trinh, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận bây giờ.  Người Chăm Panduranga không ăn tết Nguyên Đán, không có lệ chơi hoa mai ngày Tết.

Thập thò dưới những giàn nho, vườn táo, những cô Chiêm nữ che mặt khúc khích cười, những gã trai mới lớn đang hớn hở, say mê với cội “cây đỏ lá” mới đốn về. Dẫu mồ hôi đang nhễ nhại thì tiếng cười ấy, bóng Chiêm y e ấp áo khăn ấy cũng khiến lòng mát rượi và bay bổng. Gã trai xưa đâm mơ mòng như tráng sĩ hiệp hành vừa lạc chốn Virapura (Hùng Tráng thành) của mấy trăm năm trước!

Giờ thì kinh thành xưa đã là hồi ức, hoàng mai, bạch mai đều biệt bóng. Còn chăng chỉ đá núi trơ gan, trong nắng Chàm nhìn hoa cả mắt. Chiêm nữ ngày nào áo chồng con mấy bận cũng đã trĩu tiếng cười. Về ngang xứ cũ giữa  chiều xuân, chuông chùa Trà Cang buông nghe bơ vơ…

Đối diện với tham vọng chiếm hữu và tàn phá của con người, vũ trụ bao la rồi cũng đến ngày khánh tận. Những nhánh mai kiêu sa, rực rỡ cứ còi cọc, thưa dần. Tết này, quảng trường Phan Rang và dọc triền đê sông Dinh - những chợ Mai trứ danh - tìm đỏ mắt cũng không ra một cội mai đủ đẹp. Chỉ còn lại những bó mai khẳng khiu không đủ sức bung hoa như bàn tay mẹ thiên nhiên khô tận khua lên trời hoàng hôn, chới với và nhập nhoạng.

Chiều 30 Tết, khách mua không còn  ai, những cụm mai chà không đủ sức đơm hoa trở thành củi rã, nằm chất đống triền sông cạn rặc hoặc lề phố bụi mù, cam phận chờ đêm buông phủ dấu, không kịp đợi xuân về.

Đẹp, say đắm, mê hoặc, mà vẫn có gì đó bất nhẫn và đau đớn khi nhìn mai núi bừng nở trong độc bình vào sáng đầu xuân. Nhưng rồi, như quán tính, như thói quen không thể cưỡng, trong nhà tôi cứ mỗi Tết lại có một nhành mai. Mai núi trong nhà ngày Tết cứ bừng nở sẵn trong tư lự. 

Trước thì tự anh em trong nhà lên núi kiếm tìm, giờ thì mua của những tiều phu khốn khổ. Họ khổ như chính mình một thời từng đã khổ. Hễ gặp, ưng ý là mua, không khi nào trả giá. Cái đẹp tự nhiên toàn mãn vốn dĩ là vô giá.

Cũng có thể một đôi người, như tôi, không muốn mặc cả, so kè với tuổi mình. Và vẫn biết, giữ mãi niềm mê ấy là đang tiếp tay cho sự tận diệt một loài mai, tận diệt những mẩu hương sắc cuối cùng của rừng còn sót lại. Vậy mà rồi vẫn gật đầu và chìa tay đón lấy. Đành thôi, không làm thế, có lẽ cả gia đình gã tiều phu kia có khi sẽ không có Tết.

Với kẻ này, một gốc mai chỉ là một nét xuân tô điểm, mà với  người kia, đó lại là mưu sinh cho dăm đứa trẻ con suốt cả một mùa.  Không đạp nổi lòng trắc ẩn phận người, ta đành buốt lòng tặc lưỡi mà tàn nhẫn với tự nhiên. Niềm say mê nào cũng ẩn sâu một phần đau đớn. Như “Những con chim ẩn mình chờ chết”, tôi cứ lao vào vì không thể  nào thoát nổi mớ gai nhọn bủa vây của sự phi lý và bất nhẫn. “Chúng ta biết nhưng chúng ta vẫn làm, chúng ta vẫn làm...”!

Chơi mai núi, trước khi cắm vào độc bình chưng Tết, cội mai thường được đốt sơ phần gốc để ngăn thân cây chảy nhựa. Không đốt, lộc, hoa sẽ nhỏ. Đốt sơ, phần gốc thân cây khô nhựa sẽ dễ hút nước hơn để nuôi hoa. Trước buổi rực rỡ nào cũng luôn là phút giây đau đớn. Nỗi đau như cái bóng của niềm hân hoan, cứ lẩn quẩn, đeo bám mọi phần đời.

Nhiều năm trước, hồi ở nhà cũ, còn có vườn, đã có năm sau Tết, xót thân mai đang mơn mởn lộc non, tôi đã từng đem đào hố dặm trồng. Chăm bón, tưới tiêu đầy đủ, cẩn thận, cội mai cũng không thể bén rễ đâm chồi, cứ lụi tàn dần. Cái đẹp không tồn tại khi đã bị cắt lìa khỏi cội nguồn, dù cội nguồn đôi khi chỉ là cộc cằn đá núi. Không cội mai rừng nào tươi nổi đến tuần trăng tròn của tháng Giêng, chỉ bảng lảng mãi không tan trong mỗi chiều tháng tận năm cùng một hồn sương tháng Chạp... Lòng dẫu không còn trẻ, vẫn mơ hồ buồn một bóng Huyền Trân buổi phân ly về miền tháp cổ xa xôi:

“Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt
Về đấy sen tàn lỗi cỏ hương”.

(Đế dụ Vương Tường giá Hồ - Hồng Đức Quốc âm thi tập)

Bữa nay, đã sắp rằm tháng Giêng, ở nhà cũ chắc cội mai vàng rực hôm Tết đã được rút ra khỏi độc bình. Và ngọn mai tùy phong Panduranga vĩnh viễn chia tay với mùa rực rỡ. Có tiếc nhớ cũng đành thôi. Cái đẹp thường thoáng qua, niềm vui thì ngắn ngủi. Nồng nàn, say đắm nào rồi cũng chỉ một thời, có khi nào vĩnh cửu? Không ai níu được hương sắc đã qua mùa. 

Lẽ nào đời người mãi cứ ngâm câu “biển sáp thù du thiểu nhất nhân” (Buồn bẻ thù du thiếu một người - Vương Duy)?  Không biết rồi Tết năm sau, năm sau, và lâu hơn thế nữa... có còn duyên được hạnh ngộ một sắc mai vàng kiêu hãnh tỏa nắng trên đá núi bạt ngàn những gió?

Mùng 10 Tết Đinh Dậu 2017

Ký của Nguyễn Hồng Lam
.
.