Hồn nhiên thành thị

Thứ Bảy, 02/04/2016, 15:46
Họ thầm lặng sống, thầm lặng làm những việc mà lắm lúc, nhiều người không hiểu, tại sao họ lại lo chuyện bao đồng như vậy! Chưa bao giờ họ nghĩ hay đòi hỏi bất kỳ ai phải ngợi ca, phải trả công. Họ ngại báo đài, họ ngại nói về bản thân. Mỗi khi có ai hỏi, họ chỉ biết cười thay lời đáp. Rồi chính họ, đem gieo nụ cười ấy cho đời thêm đẹp, thêm tươi.

Mấy hôm trước tại nhà hát Bến Thành, TP HCM, đã diễn ra một chương trình ý nghĩa và lạ lùng nhất từ trước đến giờ. Không phải đêm nhạc của những người nổi tiếng, không phải đêm trình diễn thời trang, bán đấu giá hay quyên góp vì hoạt động thiện nguyện; lại càng không phải là một giải thưởng nghề nghiệp của làng giải trí mà là đêm hội tụ và tôn vinh những gương mặt đời thường, tỏa sáng ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực. 

Không có tơ lụa, váy áo thướt tha, không có mùi nước hoa đắt tiền, trang sức lấp lánh, họ chọn cho mình bộ quần áo tinh tươm nhất và tỏa sáng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Ba gương mặt tôi chọn kể dưới đây là ba trong số 156 bông hoa trên hành trình 3 năm của “Tỏa sáng giữa đời thường” được phát sóng lúc 20h40 mỗi tối Thứ sáu trên HTV7 và phát lại trên HTV9 mỗi trưa Thứ bảy lúc 11h30 hằng tuần. Chương trình do Báo Công an TP HCM phối hợp với Đài truyền hình HTV, Hãng phim Người giải phóng với sự hỗ trợ của Sacombank thực hiện. Bước sang năm thứ tư, “Tỏa sáng giữa đời thường” tiếp tục mở rộng quy mô ra toàn quốc thay vì chỉ gói gọn ở địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận như trước đây.

1. Bà Mai Thị Tuyết, năm nay đã ngoài 60. 2016 là năm thứ 12, bà lặn lội đi khắp chiến trường miền Nam và Đông Nam Bộ để thăm dò thông tin của các liệt sĩ, ghi chép lại cẩn thận rồi về nhà tỉ mẩn biên thư cho gia đình các liệt sĩ ở ngoài Bắc. Xứ Bắc ấy, bây giờ xe tàu, máy bay, chỉ cần vài tiếng đến đôi ngày là có thể tới. Thế nhưng, với người quanh năm chạy ăn từng bữa, tôi tin đó là khoảng cách rất xa.

Bà Mai Thị Tuyếët - người cặm cụi suốt 12 năm đi và ghi chép, biên thư cung cấp thông tin cho gia đình các liệt sĩ.

Bà Tuyết người gốc Nam Định. Ngày chiến tranh miền Nam đang hồi ác liệt, chính bà là người phụ trách tuyển quân ở quê, tiễn các anh vào Nam chống Mỹ cứu nước. Về sau, bà được phân công vào Nam công tác và về thường trú ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. 

Một ngày, bà trở lại thăm quê, nghe trên đài thông báo gọn lỏn một câu với bất kỳ liệt sĩ nào nằm lại mảnh đất phía Nam “hi sinh tại chiến trường miền Nam”. Tôi không biết nên gọi đó là sự thiếu quan tâm hay là sự ác liệt của cuộc chiến, bởi số người chết quá nhiều. Nhiều đến nỗi người ta không còn sức để mà đếm, mà thống kê.

Bà trở về, chắt chiu tiền hưu. Năm 2004, hành trình của bà bắt đầu. Để có thêm chi phí, hằng ngày bà mở quán cóc, bán thêm hột vịt lộn. Lâu lâu, gom góp được kha khá, bà lại lên đường. Hỏi, sao bà muốn làm việc này? Mắt bà rơm rớm: “Vì hồi xưa, tôi là người tuyển quân, chính tôi đã chọn các anh vào chiến trường. Bây giờ tôi phải có trách nhiệm đưa các anh về!”. 

Rất nhiều người trong khán phòng lúc ấy khóe mắt cay cay. Bởi, giữa cuộc sống tấp nập này, lời hứa là điều không dễ giữ. Còn bà, bà có hứa gì đâu mà cứ lặn lội, cứ mải mê trên những chặng đường heo hút, trong khi lưng bà đau, chân bà vẫn dai dẳng nhức do vết thương tự năm nào.

12 năm, đủ để một đứa trẻ lớn lên cũng là hành trình của bà. Hơn 14.000 lá thư đã bay đi, hơn 10.000 gia đình đã tìm được bia mộ, thông tin của những người nằm xuống. Hơn 10.000 nụ cười và cả những giọt nước mắt. Chẳng những vậy, bà còn gói ghém ra Bắc 7 lần để giúp đỡ và hướng dẫn gia đình các liệt sĩ tìm mộ dù đó là những nơi bà lần đầu đặt chân đến. 

Tôi đi nhiều, gặp nhiều người làm việc lạ lùng, nhưng tình thật, vẫn không thể nào hình dung được sự kiên trì của bà. Sức của một con người đã ở cái tuổi chiều nghiêng bóng xế, làm cái việc mà đáng lẽ, nó thuộc về một tổ chức, một đoàn thể có trách nhiệm.

Bà kể, lúc một ngàn lá thư bay đi, bà bắt đầu nhận được những cuộc gọi, những tin nhắn đe dọa. Rằng, sẽ cho bà biết tay vì đã khơi lại vết dao. Rằng, sẽ đến phá nát quán hột vịt của bà. Hôm ấy, trước mặt rất nhiều người, bà run run giọng: “14.000 lá thư đã bay đi rồi, bây giờ, có chết tôi cũng cam lòng!”. Khán phòng lặng đi. Nhiều giọt nước mắt không kiềm được.

2. Chị vóc người nhỏ xíu, dáng mảnh mai, gương mặt đẹp, giọng nhẹ như nắng chiều đang tan. Biệt danh của chị là “dũng sĩ diệt xăng gian”. Năm 2014, tỉnh Đồng Nai liên tục đối mặt với nạn ăn gian xăng tại các trạm bơm. Là Chi cục trưởng Chi cục Đo lường, chị quyết tâm chấn chỉnh nạn gian thương. 

Vậy là, chị đóng giả khi thì là khách giữa đường hết xăng, khi thì làm lái buôn xăng, lúc khác lại là người lái xe,... Từ số xăng đó, chị và đồng nghiệp tiến hành đo đạc. Xác định có gian lận, Cục sẽ tiến hành kiểm tra đặc thù, kiểm tra ngoại quan và trinh sát bắt quả tang. Luôn có một thành viên đi theo quay bằng chứng đề phòng chủ kinh doanh chối tội.

Chị kể, xăng kém chất lượng, bồn ở phía sau không trinh sát được. Chị và các đồng nghiệp phải trườn, phải bò vào tận nơi chẳng khác nào rình trộm để tiếp cận. Một lần, đang tiếp cận công tắc điện ở phía sau cây xăng, chị bị chủ cây xăng phát hiện, hai bên giằng co một mất một còn. Thấy chủ bị người lạ giằng kéo dữ dội, con chó tung xích lao ra cắn chị. Chị thừa cơ, tiến tới công tắc điện, tri hô anh em tiến vào lập biên bản sai phạm. Về, mới nhớ là bị chó cắn. Ra viện Đồng Nai tiêm phòng, hết vaccine, chị nén đau chạy ngược lên Sài Gòn tiêm ngừa!

60 cây xăng bị phát hiện và xử lý cũng là lúc hàng loạt tin nhắn, điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần chị. Cả những chiêu bẫy, người trong cục ăn tiền, có tay trong được tung ra hòng gây lục đục nội bộ. Bằng niềm tin và lập trường vững vàng, chị cùng đồng đội vượt qua hết thảy. 

Hiện tại, nạn gian lận xăng và xăng kém chất lượng tại Đồng Nai đã giảm rõ rệt nhờ có thêm sự hỗ trợ từ phương pháp đo tần số IC của doanh nghiệp - một trong những sáng tạo của chị. Hỏi chị tối ngày ở ngoài đường, chồng có giận không? Chị cười hồn nhiên: “Giờ lên tivi, biết rồi chắc hết giận!”. Khán phòng cười ồ lên và vỗ tay rần rần.

Tên chị là Đỗ Ngọc Thanh Phương.

3. Ông Phạm Văn Tân, năm nay gần 80 thì phân nửa cuộc đời, ông miệt mài vớt rác bên dòng kênh Cầu Mé đen ngòm dù chẳng ai trả công. Ông kể, những năm đầu sau giải phóng, quận vận động các hộ dân quanh khu vực vét kênh, dọn rác, mỗi người vét sẽ được cấp 3 kg gạo hằng tháng. 

Thời điểm đó, ăn độn bo bo, với người nghèo như ông, 3kg gạo là cả một gia tài. Thế nhưng, được đâu chừng tháng rưỡi thì không thấy gạo xuống nữa. Dân quanh vùng ngong ngóng rồi chẳng ai còn mặn mà việc dọn kênh, vớt rác. Duy mình ông, quen cái mùi nước cống, thấy rác trôi lều bều không chịu nổi nên ngày nào cũng ra vớt rác ném lên. 

Suốt từng ấy năm trời, ngày mưa cũng như ngày nắng, trời còn chưa tỏ, ông lại chồm dậy ra ngoài đốt rác đã được thu gom phơi khô. Sáng tỏ mặt người, ông cọc cạch trên chiếc xe đạp cà tàng đi thu gom ve chai ở các khu vực lân cận về bán, kiếm đồng ra đồng vào. Buổi chiều, ông lại về vớt rác gom thành đống. Nhiều khi đang vớt, người đi đường chạy ngang tiện tay ném rác vèo vèo xuống, thậm chí trúng cả ông. Ông cười hiền queo: “Chắc tại người ta hổng thấy mình”.

Trong trí nhớ của người dân quanh khu vực, ông còn là cứu tinh của họ. Trước đây, bắc từ bờ này qua bờ kia kênh, chỉ có mấy tấm ván, ai đi qua cũng sợ sập bất thình lình. Thấy không ổn, ông đi xin tiền khắp nơi, về làm cái cầu bê tông. 

Cầu xây xong mà không có lan can, không có lưới sắt, mỗi lần mưa, xe chạy qua tránh nhau thì người và xe lăn kềnh xuống con kênh hôi rình. Ông lại lần hồi để dành tiền mua gạch, mua xi măng, mua lưới B40 về xây từ từ, rồi cũng thành hai bờ lan can. Mấy đứa trẻ trong xóm giờ tha hồ tung tăng đi học, khỏi sợ chạy giỡn lọt kênh. “Người ta nói tui ăn cơm nhà mà suốt ngày lo chuyện ngoài đường không hà!” - ông kể. “Mà người ta nói gì kệ, tui hổng có buồn”.

So với hồi báo chí mới phát hiện, bây giờ ông quên nhiều, rất khó để hỏi chuyện nhưng hỏi tới kênh, tới nghề vớt rác không lương, ông đều cười móm mém: “Không bỏ nghề, tui làm tới khi chết thì thôi”. Quận, phường hiện đã cải tạo kênh Mé, làm rào ngăn người dân ném rác. Ông tình nguyện giữ chìa khóa cái rào đó.

“Có mấy bà ghé qua hỏi tui, giữ cái kênh đó, vớt rác đó có tiền không? Tui nói không. Vậy là lâu lâu mấy bả ghé lại mua bánh, mua nước cho tui” - ông móm mém cười.

4. Tôi hay ngồi vỉa hè. Thi thoảng, bắt gặp nhiều chuyện vui vui và ấm lòng. Chẳng hạn như, tuần rồi tôi được chứng kiến cảnh đùn đẩy mười lăm ngàn giữa người bảo vệ và vợ chồng người bán bún gà. Hai vợ chồng vì thương hoàn cảnh của người bảo vệ già, muốn tặng ông tô bún. Người bảo vệ thì nhất quyết khước từ vì “tụi nó cũng có khá gì cho cam”. Lòng tốt, sự tử tế hồn nhiên thường khởi nguồn từ những hành động nhỏ nhất mà cũng xúc động nhất giữa những con người chẳng quen biết.

Hôm kết chương trình, tình cờ tôi hỏi một chị: “Hôm nay chị có vui không?”. Chị cười: “Vui lắm! Vì lâu rồi mới có dịp gặp lại mọi người trong chương trình và gặp cả những nhân vật trước giờ chỉ thấy qua tivi”.

Hoàng Linh Lan
.
.