Hồn làng trong cõi sống

Thứ Ba, 04/10/2011, 15:17
Những mảnh hồn làng trần trụi, những thân phận sần sùi nhựa sống, những khát khao ngọt ngào, liêu trai… như được "khắc ngọt" bằng "lưỡi đục" ngôn từ trong tập phóng sự "Về miền gái đẹp" của nhà báo Đỗ Hữu Lực.

Cái cõi sống mê mải trong người "thầy giáo làng" ấy bôn ba, khắc khoải mãi theo bước chân anh trên miền trung du đầy nắng gió, trong tiếng reo hoan của những ghềnh sóng Sông Đà hay những cuộc phiêu du đắm đuối nơi chân trời, cửa biển Vân Đồn.

Trong những cuộc "lấy đi làm lãi" này, những bức tranh bình dị của mỗi làng quê, mỗi số kiếp, mỗi khát vọng đã được phác họa bằng một vốn sống lịch duyệt, bằng một tình yêu nghề với nguyên niềm kiêu hãnh.

"Vác" làng kể chuyện

Đã từ lâu, cái vẻ thô ráp của nhà báo Đỗ Hữu Lực đã không khiến các đồng nghiệp hoặc những nhân vật trong các tác phẩm báo chí của anh còn e ngại nữa. Bởi lẽ họ đã đọc bài viết của anh về bí mật của làng Vũ Đại với những nhân vật có thực mà Nam Cao đã hô thần nhập tượng cho Chí Phèo, Đội Tảo, Bá Kiến, Thị Nở. Bởi lẽ, họ đã đọc bài báo của anh về cái khí tiết nông dân uất học trong phóng sự Thầy giáo thợ cày hay những cuộc "khảo cổ" cội nguồn người Việt tại những miền đất phương bắc xa xôi trong ấn phẩm Người chép sử Việt trên đất Trung Hoa…

Những trải nghiệm sống từ một một anh giáo làng tại Mê Linh (Hà Nội) đến khi làm phóng viên của báo Tuổi trẻ Thành phố HCM; báo Sài Gòn tiếp thị rồi sang bên báo Xây dựng đã khiến anh nhìn cuộc sống “ngọt” hơn với "mắt sắc dao cau", với cái tình, cái đời mà những nhân vật, những số phận, những cuộc phiêu lưu anh đã gặp, đã đi qua trong nghề báo đầy thử thách.

Nếu có duyên để đọc cả tập phóng sự Về miền gái đẹp với những giao cảm trên hẳn độc giả và những đồng nghiệp khó tính sẽ thấy thay vào vẻ dữ dằn ấy là một mảnh hồn làng khuất sâu trong những chuyến giang hồ vặt của anh. Đỗ Hữu Lực là người ưa kể chuyện. Cái cách viết của anh cũng như những câu chuyện làng quê dung dị, thấm đẫm chuyện đời, chuyện người.

Trên nhưng nẻo đường biên giới.

Cái ngân âm "chuông bạc, khánh đồng" ấy cứ day dứt trong anh ngay cả khi "giương kính chiếu yêu" để soi kỹ những góc khuất đen bạc của kẻ từng thách đố sơn thần, hà bá trong bài Lâm tặc trả nợ rừng hay nỗi xót xa với nhân vật Phạm Thanh Xuân trong Mất tuổi thanh xuân đi tìm công lý.

Tập phóng sự Về miền gái đẹp của anh mới xuất bản quý III năm 2011, nhưng đã khiến nhiều đồng nghiệp, nhiều độc giả ngẩn ngơ bởi ngoài cái tài kể chuyện của tác giả về  "tráng chí" mỹ nhân Nguyễn Thị Giang (ý trung nhân của anh hùng Nguyễn Thái Học) hay kẻ "ăn cơm nhà, vác tù và…kiện ngành giáo dục của thầy giáo làng Vi Công Thúy. Nghiền ngẫm mới thấy chuyện làng, người làng, hồn làng thật thú vị trong cách kể chuyện nhẩn nha, thong thả nhưng đầy kịch tính của Về miền gái đẹp.

Có thể liệt kê ra những phóng sự hay ngay trong cuốn "cẩm nang làng" như: Hoa hậu làng Giếng Tanh; Làng quê Việt trên đất Trung Hoa; Làng lương y dưới chân Tam Đảo; Làng công ghiệp giấy; Làng thi chim; Chuyện lạ ở làng dâu con - rể khách… Chuyện làng mà Đỗ Hữu Lực kể trong tập phóng sự này dễ nghe như chúng ta ăn một bữa cơm canh cua, cà pháo trong một trưa mùa hè đầy tiếng ve tàn.

Dùng búa tạ "hạ" máy báy

Bạn đọc sẽ ồ lên ngạc nhiên khi biết rằng tại Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có nhiều làng người Việt trải dài bên bờ biển Vạn Mỹ đầy nắng gió. Những làng quê ấy thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Họ tự hào nhận là người dân tộc Kinh, họ tự hào nói tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày. Trong cái cộng đồng luôn nhìn về quê mẹ ấy có những người con như ông Tô Duy Phương (nguyên Phó Cục trưởng Công an Phòng Thành) vẫn đau đáu dạy chữ nôm cho con cháu để gìn giữ một chút linh hồn người Việt nơi đất khách.

Hẳn bạn đọc sẽ cười khoái chá khi biết rằng trong tập phóng sự này, những chàng lực điền ít học tại xã Vân Môn, Yên Phong, Bắc Ninh ngày ngày đập vỡ đầu (đúng theo nghĩa đen) những máy bay chiến đấu một thời oai trấn trời xanh. Những con đại bàng sắt MiG 17, MiG 21 bị quai búa rã rượi cánh, bẹp như gián nằm la liệt tại cái làng đồng nát trứ danh ấy.

Thế rồi bất ngờ này đi đến bất ngờ khác, miền gái đẹp mà Đỗ Hữu Lực kỳ công lùng tìm ấy không phải là "Tuyên Quang trấn" như nhiều người nhầm tưởng. Với tác giả, miền gái đẹp Tuyên Quang đã thành huyền thoại trong bút ký của nhà văn hào hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn lạ lẫm với bạn đọc hiện đại nữa.

Miền gái đẹp của Đỗ Hữu Lực ấy là xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh nơi "suối Giải Oan, chùa Cầm Thực" mà nhà vua Trần Nhân Tông đi qua để tu mây, cưỡi hạc. Theo sưu tra của tác giả, những cô gái người Dao ở đây như là dòng dõi của các cung nữ, tài nhân, phi tần đã cắm lều hoa đợi một ngày nào đó đức vua rời động tiên, bén gót trần.

Họ trắng như bông bưởi, họ tươi như đòng đòng, ríu rít đẹp, ríu rít cười trên những nương lúa, bên những triền suối. Cô sơn nữ Đặng Thị May tay "đan" lúa, miệng "dệt" cười trong phóng sự khiến người đọc nao lòng về những cõi phiêu lưu tình ái.

Thị Nở có chồng

"Lấy đi làm lãi", Đỗ Hữu Lực lọc được cái láu cá của anh Nghị Bính (hình mẫu nhân vật Bá Kiến); cái chân chất của ông Trần Quý Đào (hình mẫu nhân vật lão Hạc); cái bạt mạng của anh Chí mổ lợn thuê và anh lính tẩy (hình mẫu nhân vật Chí Phèo) để đưa đẩy câu chuyện của mình sắc sảo hơn nhưng cũng nhuần nhụy hơn.

Như con dế trũi, tác giả đi về vùng chiêm trũng quê hương nhà văn Nam Cao để "bới" chuyện làng Vũ Đại. Ai đã từng cắp sách đi học cũng đều biết Nam Cao với những nhân vật bước ra khỏi trang sách đi vào cuộc đời như: Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở, Đội Tảo…

Thế nhưng mấy ai biết được những thân phận, những kiếp người, những mưu mô… có thật mà Nam Cao nhào nặn thành những nhân vật điển hình như trên. Mầy mò như đi cào hến, Đỗ Hữu Lực tìm ra được ông "Bắc kỳ nhân dân đại biểu Trần Duy  Bính" là nhân vật có thật được Nam Cao "hô thần nhập tượng" thành Bá Kiến gian hùng khét tiếng với những lý lẽ trị đời, trị người, ân ân, oán oán.

Đỗ Hữu Lực "khảo cổ" được lão Hạc có nguyên mẫu của lão nông nghèo Trần Quý Đào. Ông Đào này là hàng xóm của Nam Cao. Vào năm đói kém, ông Đào phải đặt vườn, đợ đất để lấy miếng ăn. Tài sản của một bần nông lúc đói lòng dần rơi vào tay những kẻ đàn anh hào lý trong làng.

Khi sạch nghiệp, ông Đào cũng như lão Hạc đã uống bả chuột chết, rồi vợ con cũng ly tán cả. Không dừng lại ở đó, Đỗ Hữu Lực phát hiện ra nguyên mẫu của Thị Nở. "Người tình cháo hành" không có trong tiểu thuyết này cũng có tên là Trần Thị Nở. Bà này có chồng, chỉ thích nấu ăn.

Khi bị chồng mắng tội cơm nhão, cháo khê, bà Trần Thị Nở cũng nói gàn, nói dở như người tình nơi bờ chuối của Chí Phèo. Thú vị hơn, Nam Cao còn "nhào" hai số phận khác là bà Trần Thị Thìn (con cụ Phó Thả) và một người đàn bà đi buôn trầu bị hiếp dâm thành cái cơ cảnh của Thị Nở.

Với cách viết "phân kim" như thế, Đỗ Hữu Lực cũng tìm ra các nguyên mẫu của Chí Phèo là anh mổ lơn thuê; làng Vũ Đại cũng là làng Đại Hoàng trong nguyên mẫu với những âm khí các cuộc đua tranh hào lý của cánh Nghị Bính, Bát Tụ, Nghị Hợp, Lý Bật. Những con cá trong bức "quần ngư tranh thực" của Nam Cao được Đỗ Hữu Lực tách riêng ra và đem so sánh với người thật, việc thật ở nơi người dân đã từng đau khổ vì cường hào ác bá ấy.

Rất dung dị nhưng những chuyện làng, chuyện đời của Đỗ Hữu Lực trong tập sách này bao giờ cũng có kịch tính: Thị Nở thì có chồng (Chuyện bí mật về làng Vũ Đại); thầy giáo làng được mời đi hội thảo sửa sách giáo khoa (Thầy giáo trong khe núi); lâm tặc trồng rừng (Lâm tặc trả nợ rừng); dạy chữ Nôm trên đất Trung Hoa (Người chép sử Việt trên đất Trung Hoa); con rể được mẹ vợ hầu rượu (Chuyện lạ ở làng dâu con - rể khách); lấy búa tạ "hạ" máy bay (Ai bán máy bay tôi mua)…

Rồi những câu chuyện làng ấy cứ buồn hiu hắt nhưng có những lúc bừng sáng lên tráng chí, hùng tâm của mối tình lẫm liệt Nguyễn Thái Học - Nguyễn Thị Giang. Khi đọc những câu thơ mà liệt nữ viết cho người tình chung Nguyễn Thái Học: "Thân không giúp ích cho đời/ Thù không trả được cho người tình chung" rồi "Quốc kỳ phấp phới trên thành/ Tủi thân không được chết vinh dưới cờ"… hẳn bạn đọc khó nỡ rời tay những tư liệu quý giá mà Đỗ Hữu Lực đã dày công sưu tầm ấy.

Hồi ức làng

Cầm trên tay cuốn Về miền gái đẹp, những câu chuyện bình dị ấy cứ khiến mọi người đều nhớ về làng quê đã sinh thành. Nơi đó có những mảnh hồn làng, có những thân phận, có những hoài niệm của những cuộc đời u uất hoặc vinh danh.

Chuyện làng, chuyện quê trong tập phóng sự này như níu bước những người con hoài vọng về mái trường, về tuổi thơ, về những miền thương nhớ, về đất mẹ cội rễ sinh thành. Tính sáng tạo, công tìm tòi, sự chân chất ấy đã trả công cho tác giả những "ruộng" ngôn ngữ thơm mát như những cánh đồng làng ăm ắp trong tâm khảm mỗi con người

Mỹ Anh
.
.