Hội ở giữa làng…

Thứ Ba, 05/03/2013, 14:45
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Có lẽ, Việt Nam là một trong rất ít những quốc gia trên thế giới có hẳn một câu ngạn ngữ để nói về mùa lễ hội – thời điểm khi mùa xuân vừa mới bắt đầu, muôn cây đâm chồi nảy lộc, những hạt giống đã được gieo xuống đợi chờ một mùa thu hoạch. Con người được lúc thảnh thơi, nhàn tản để hòa nhập vào nhiều lễ hội của các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Những đám hội làng đã được mang theo suốt bao thế hệ, như là một món quà đầu năm mới của đất trời, của tâm linh dành cho người Việt.

1. Ký ức thơ bé của tôi mấy chục năm về trước khi nghĩ về hội làng, đấy là sự háo hức, chờ đợi… xen lẫn cả nỗi sợ hãi. Háo hức, đấy là chờ đợi đến ngày làng mở hội, nghe tiếng trống cái dội từ xa vọng lại cũng đủ rung cả lồng ngực; mong được nhìn thấy cờ phướn tung bay trong gió, cảnh đoàn người rước hội rồng rắn từ đầu làng đến cuối làng…

Háo hức, đấy là chờ đợi phút giây đón nhận một món quà của bà đi trảy hội làng xa, mua về cho một chiếc khánh đeo toòng teng trên cổ, một chú tò he nặn đất màu, hay một món đồ chơi làm bằng sắt tây, nhuộm phẩm đỏ trông giống một cái trống bé xíu, có tay cầm, lắc kêu rung reng rất vui tai… Sợ hãi, ấy là cảm giác bị lạc trong một đám hội lạ, bị dòng người nườm nượp cảm giác như nhấn chìm, dù tay đã không quên nắm thật chặt vạt áo của bà…

Buổi sáng ngày làng khai hội, bà tôi dậy từ rất sớm, nhen mồi rơm đun ấm nước chè xanh, vùi vào giành tích ủ ấm cho ông tôi dậy có nước uống sáng. Bà vấn tóc thành một vòng tròn trên đầu, lấy từ trong đáy hòm gỗ ra chiếc quần xa-tanh quả táo, chiếc áo nhung may theo kiểu dáng áo bà ba không có cổ bẻ, chỉ có hai túi hai bên, và một chiếc khăn nhung chít khéo léo trên đầu, không ra dáng vấn khăn mỏ quạ của các liền chị vùng quan họ Kinh Bắc, nhưng cũng bắt chéo thành một hình tam giác mà khi đó tôi rất khó gọi tên, nhưng nếu bảo tôi vẽ lại, chắc tôi sẽ không quên một chi tiết nhỏ.

Tôi biết, đấy là bộ quần áo đẹp nhất đời của bà, và một năm, bà chỉ bận nó vào những ngày rất trọng đại, trong đó có ngày hội làng.

Khi trang phục đã xong, bà gói những chiếc oản lá mít đã sắp cẩn thận từ tối hôm trước vào một chiếc tay nải vải đen, mang theo một xấp lá trầu, chục quả cau, một chiếc đũa quệt vôi, con dao nhỏ bổ cau… trong tay nải rồi bước qua gióng cửa gỗ. Hình như bà nhai trầu, nên cơn gió ngoài cửa khi bà vừa bước qua, phả vào trong căn phỏng nhỏ bé và ấm áp mùi trầu thơm ngai ngái. Bà tôi sinh hoạt trong hội các cụ cao tuổi, ngày hội làng, các cụ lo chuẩn bị nước chè xanh, têm trầu… đãi khách nên bao giờ cũng phải đi sớm.

Bà đi chừng mươi phút thì cậu tôi cũng thức dậy. Ngày ấy, cậu tôi vẫn là thanh niên chưa vợ, ở tuổi bẻ gãy sừng trâu, cao to, khỏe mạnh nên được xung vào đội rước kiệu. Chiếc kiệu bát cống nặng và dài, tám người khiêng. Trai làng có tên trong đội khiêng kiệu, phải khiêng đủ ba năm, sau đó mới được giã đám để lập gia đình. Lệ làng tôi là thế. Bây giờ, hình như lệ này cũng đã bỏ đi rồi.

Lễ hội như là một món quà đầu năm mới của đất trời. Ảnh: Minh Trí.

Đình làng tôi nằm ở vị trí trung tâm, và cũng là trung tâm dân cư trù phú, khác hẳn với chùa nằm ở cuối làng, yên tĩnh và khuất nẻo. Bốn lối vào làng được đặt tên theo hướng: cổng Đông, cổng Tây, cổng Nam, cổng Bắc. Đình thờ thành hoàng làng – người có công khai hoang khẩn đất, lập nên làng.

Chiếc cờ hội dựng cao nghễu nghện, từ xa cũng nhìn thấy. Đám trống hội thậm thình, thậm thình, lúc giục giã mời gọi, lúc nhẩn nha như nâng bước người đi trảy hội. Những chiếc thuyền nan đánh cá của các nhà dân vẫn neo ao đình được dẹp từ hôm trước, để bắc một chiếc cầu kiều cho đám người chơi hội đi thi. Những hàng quà bánh, đồ chơi, đám nặn tò he, khu đất trống cho đám đá gà, đám chơi cờ người… cũng được sắp xếp nền nếp…

Khi mặt trời mới ló rẻ quạt ở trời đông, từ các ngóc ngách, dân làng tôi đã đổ về sân đình để dự hội. Hội của làng. Hội ở giữa làng. Người làng tôi là thành viên của lễ hội, nên ai cũng đặt cho mình một tâm thế là những chủ nhà, là việc chung của làng, dù không có chân trong đám khiêng kiệu, không có chân trong đám tế, hay cầm trịch trong các đám chơi, thì cũng có bổn phận có mặt để làm đông ngày hội, cho khách từ các làng khác đến chơi hội, khi ra về phải nắc nỏm một điều: hội làng tôi là to nhất!

Giờ, bà tôi đã xa khuất. Cậu tôi cũng đã trở thành một lão nông tri điền, sắp vào chân trong đám tế nam của làng. Đám hội tuổi thơ cũng rời xa tôi theo những ngày xa xứ, đi làm ăn xa, đến mức, có những lúc con tôi hỏi bố: “Ngày nào làng mở hội…”, tôi cũng phải bần thần yên lặng trong giây lát, nhưng cũng chỉ biết trả lời một khoảng thời gian ước lượng: chừng ấy, tiết tháng Ba, khi hoa xoan bắt đầu râm ran tím dưới những cơn mưa mùa xuân thưa thớt, và lúa ngoài đồng đã bắt đầu mớ ba mớ bảy…

2. Tôi làm báo nên được đi đến nhiều vùng đất, mảnh miền. Tôi cũng đã được tham dự nhiều lễ hội của các làng khác, vùng khác, những lễ hội có tên và không có tên, những đám hội mà ngày tháng của nó được ghi vào lịch, vào ca dao, tục ngữ, nhưng cũng có những đám hội làng vô tình trên đường xuân tôi gặp, những đám hội làng mà tên hội không được phổ biến nhiều người biết.

Dù có tên hay không có tên, hội nào cũng đông và người nào cũng vui. Nam thanh nữ tú chọn ngày hội làm nơi hò hẹn, chàng trai khéo léo thể hiện mình để chiếm trọn vẹn trái tim cô thiếu nữ mình yêu… Cũng nhiều người thành đôi thành cặp từ những đêm hội làng xao xuyến ấy.

Hội mừng mùa mới của người vùng cao phụ thuộc vào mùa thu hoạch và mùa gieo cấy. Thu hoạch sớm và gieo cấy sớm, đồng nghĩa với mùa hội sớm, và sẽ kéo dài quá giêng. Tôi đã từng dành cả một buổi chiều giữa vùng đất Sa Pa để ngồi cùng với hai mẹ con người Mông ở bản Cát Cát.

Từ bản Cát Cát lên chợ Sa Pa chừng hai cây số, và ngày hội xuân ở Sa Pa đồng nghĩa với cảnh đông vui tấp nập của khách du lịch từ khắp nơi ùn ùn đổ về đây chơi xuân. Như thế, nghĩa là lúc nào lên chợ cũng được, và lúc nào chợ cũng như thế. Đêm thì có khác một chút, khi có vài đôi thổi khèn và nhảy lò cò trước cổng nhà thờ biểu diễn cho khách du lịch xem, sau đó bán hàng lưu niệm cho khách…

Ấy thế mà, mẹ con Mùa Thi Khu lên chợ từ rất sớm. Họ mang theo một chiếc gùi to, nhưng là gùi không, như là một thói quen cố hữu khó bỏ, là đi đâu, làm gì cũng không thể rời chiếc gùi khỏi vai. Trong gùi lỏn lẻn duy nhất một cây mía, hình như vừa mới bẻ từ khóm mía trong góc vườn nhà, vì những gióng cuối gốc vẫn còn đám đất mìn mịn đỏ dính trên đám rễ chưa được róc. Mẹ con Khu ngồi trên vỉa hè ở chợ trung tâm, nhìn người đi người lại không biết chán mắt.

Họ ngồi rất lâu, và rất yên lặng, đôi mắt bình thản, vô ưu… không có bất kỳ dấu hiệu của sự vội vã. Mặt trời chênh chếch đuổi sương sớm lả lả ngang tán cây… Mặt trời lên quá con sào, đám sương sớm, sương móc đã tan chỉ còn bảng lảng thành những lọn nhỏ trên những hẻm núi không có người qua lại, chứ ở khu vực chợ trung tâm, sương sớm đã bị mặt trời và chân người quấn hết đi từ lâu rồi.

Mẹ con Khu ngồi chán mới bắt đầu lôi cây mía trong gùi ra gặm. Hai mẹ con gặm ngon lành, mỗi người một đầu, không cần bẻ đôi, nhưng rất nhịp nhàng không ai làm lỡ nhịp của ai. Tôi lặng lẽ chứng kiến cảnh tượng ấm áp và ngồ ngộ ấy, rồi lẩn thẩn nghĩ một điều nho nhỏ, rằng mùa xuân và đi chơi hội, mỗi người có một cách tận hưởng riêng, miễn sao để mình cảm nhận được mùa xuân một cách “ngon lành” nhất…

3. Thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là nơi tọa lạc của khu đền thờ và lăng mộ thủy tổ người Việt, Kinh Dương Vương, tương truyền là người sinh hạ Lạc Long Quân. Lễ hội truyền thống của làng Á Lữ có hàng trăm năm nay, nhằm trúng ngày 18 tháng Giêng, để tưởng nhớ đến công đức của Thủy tổ có công sinh thành tổ tiên của người Việt.

Tôi đã được tham dự lễ hội làng Á Lữ mở nhân dịp làng kỷ niệm 4889 năm tuổi Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương.

Từ sáng sớm, trên dọc triền đê của con sông Đuống hiền hòa của vùng quê Kinh Bắc, những dáng người già vừa nhẩn nha, vừa vội vã áo thâm, nón trắng tìm hướng lá cờ phướn đang bay phấp phới trong gió sớm, hướng tới.

Thoảng nghe trong gió xa, tiếng trống hội thì thùng, càng giục lòng người rộn rã. Đôi khi, trong những điếm canh đê còn sót lại dọc khúc đê sông, những đứa trẻ trâu mải mốt buộc trâu vào gióng. Hôm nay, làng có hội. Tất cả mọi việc đều có thể được gác lại, vì một lý do chính đáng như thế.

Đám rước kiệu và rước hội rồng rắn dài ngót cây số. Màu cờ lễ rực rỡ. Tiếng thanh la, chũm chọe, tiếng kèn nam, kèn đồng, đàn bầu…, tiếng trống cái, trống con… rộn rã hòa nhịp. Cả khúc đê rộn rã. Con đường làng thêm chật hẹp vì đám rước, và bởi những người xem.

Hội của làng. Hội ở giữa làng, nên người xem cũng chủ yếu là người làng.

Đám múa tứ linh có anh hề rối, có ông phỗng “bụng phệ” đeo mặt nạ làm trò càng làm cho đám hội thêm linh đình. Những ông chủ trò áo the, khăn xếp; các cụ trong đội múa trang phục lễ hội, dẫu tuổi già cũng vẫn làm nắng cuối xuân thêm đượm, bởi nụ cười đen bóng hạt na, với đuôi mắt dài của thời son trẻ, vẫn còn lưu luyến trên những gương mặt đã bắt đầu loang dấu chân chim.

Đám rước từ giữa làng qua đê, vòng vèo qua những ngõ xóm hình xương cá. Chưa trông thấy người, đã rộn rã tiếng trống hội và màu sắc rực rỡ của cờ phướn.

Á Lữ là làng quê cổ kính nằm giữa cái nôi của vùng văn hóa Kinh Bắc. Chếch thêm một đoạn đê non nửa ống tay áo là Trung tâm Phật giáo Luy Lâu với chùa Dâu, lùi lại một chút là chùa Bút Tháp. Chếch bên phải theo hướng triền đê là làng tranh Đông Hồ. Dừng chân vào xem tranh, mải chụp ảnh phiên chợ Hồ, chợ Sủi mà làm nguội cả bát nước trà ban nãy bà hàng rót ra còn nóng hôi hổi.

Những đám hội ở giữa làng giờ đã xa xôi như mùa nắng cũ. Nhưng, nó sẽ mãi tưng bừng trong tâm trí của cậu trai làng nhỏ bé là tôi ngày trước, trống ngực đập rộn rã khi nghe tiếng trống hội… Những đám hội ở giữa làng tôi. Những đám hội ở giữa lòng tôi...

Di Linh
.
.