Hoa Nguyệt Phong

Thứ Ba, 29/09/2015, 13:20
“Muôn dặm thương thu làm khách lạ”.
                                                         (Đỗ Phủ)

Sau ngàn dặm mây, chiếc máy bay lượn thêm vòng cuối rồi hạ xuống. Như cánh nhạn chao giữa trời, một bên cửa sổ chỉ còn mây trắng, một bên là biển xanh. Mùa này không còn yên ả, gió đông khiến sóng bạc đầu xô đuổi, nối tiếp nhau chạy vào dải cát. Đường băng xây dựng từ thời chiến tranh, bê tông đã ngả màu hoang phế.

Tòa khách sạn cao tầng duy nhất của Phú Yên cho đến lúc này nằm cách sân bay chỉ vài cây số và chặng đường chục phút xe chạy đó đã xuyên qua Tuy Hòa bé nhỏ. Từ tầng trên nhìn xuống, bao quanh là đồng lúa đương thì con gái, xen kẽ các làng mạc trải dài tới rặng núi mờ xa. Thành phố thật yên bình, dân cư thưa thớt và hiền hậu. Khách đến miền đất này đa phần là từ phía Nam, Tuy Hòa cách Sài Gòn chỉ vài trăm cây số.

Ghềnh Đá Đĩa, một địa danh nổi tiếng và độc đáo mà nhiều người mơ ước một lần đặt chân đến nằm tại xã biển An Ninh Đông. Muốn đến đó phải vượt qua chặng đường dài, hai bên đồi núi hoang vu, chỉ cát trắng cùng phi lao và cây phong ba. Cây phong ba không cao, tán rộng với các cành khúc khuỷu nằm ngang, tì xuống mặt đất ngay từ gốc. Có lẽ, để đương đầu với gió bão của miền biển mà dáng cây phải như vậy. Phi lao ở đây cũng khác, không chĩa thẳng lên trời mà gần như mọc thành bụi. Nhiều cây cao vài mét đã gãy ngang rồi từ chỗ đó đâm ra các cành nhỏ trông như lùm, như bụi. Tôi cố quan sát xem đó là gãy tự nhiên hay do con người chặt để tránh cây mọc cao quá nhưng không tìm ra lời đáp.

Bên đoạn đường đi bộ ra ghềnh, nhiều em bé sạm màu gió cát bán đồ lưu niệm bằng san hô, vỏ ốc, mời chào với nụ cười tươi rói dưới nắng thu chan hòa. Các em ngồi một chỗ, nhẫn nại chờ đợi và hi vọng chứ không chèo kéo như nhiều vùng du lịch khác. Ngàn năm xưa nham thạch từ lòng đất ứa ra ở nơi này hình thành nên ghềnh. Những trụ đá đen hình lục lăng nằm sát nhau như tổ ong, trụ xiên trụ thẳng, chồng chất như chồng đĩa. Ghềnh rộng vài trăm mét, chỗ tà tà mặt biển, chỗ dựng đứng choáng ngợp.

Cuối chiều, ngoài ghềnh vắng, không phải chen chúc, chờ đợi. Có thể thoải mái tạo dáng chụp ảnh hoặc lắng xem tiếng biển rì rầm, sóng đánh vào chân ghềnh tung bọt trắng xóa. Trong khung cảnh giao hòa kì vĩ đó, nơi nước - lửa từng gặp nhau, ta dành cho mình phút an nhiên, tự tại. Tạo hóa vẫn ưu ái những người đến sau.

Trên đường về, chúng tôi ghé qua đầm Ô Loan. Khách đến Tuy Hòa thường thăm ghềnh vào buổi sáng và ăn trưa tại đây, về muộn như chúng tôi rất ít. Người xưa kể, tiên nữ xinh đẹp tên Loan cưỡi chim Ô Thước bay xuống trần gian dạo chơi mà không để ý chim đã mỏi cánh, nên khi ngang qua Tuy An, chim không đủ sức bay, hạ xuống dãy núi Từ Bi. Dân gian ghép tên Ô Thước và nàng Loan đặt tên cho vùng nước này. Xe từ đường chính rẽ qua rừng cây lưa thưa vào quán ăn bên đầm. Trời đã sẩm tối. Hàng phi lao lấp loáng trôi qua cửa sổ.

Quán rộng, dựng sát mép đầm, mái lợp bằng lá, xung quanh không có gì che chắn. Vài ngọn đèn vàng không thể xua tan bóng nhập nhoạng đang dần loang phủ. Bên dưới, nước dập dềnh qua khe gỗ. Trong bóng tối, quán trở nên rộng rãi đến lạ thường. Ánh sáng từ hiên hắt vào, vẽ lên khung sáng ngoài kia hình dáng vài cây cầu nhỏ với hàng cọc tre nghiêng ngả nhô cao.

Tôi bước lên một cây cầu và tim không khỏi rung rinh cùng những tấm gỗ nhỏ yếu. Tiếng kêu kẽo kẹt lẫn vào tiếng nước đánh ì oạp nơi chân cột. Mải để ý dưới chân, tôi va vào một người đã ở giữa cầu từ lúc nào. Một cô gái nhỏ nhắn nhìn tôi với ánh mắt trong veo, gương mặt còn đọng nụ cười duyên dáng. Sau khoảng lặng im đầy bối rối, tôi lúng túng hỏi sao em đứng chỗ này. Cô gái nhìn ra phía mặt đầm, khẽ nói:

Hoàng hôn.

Mắt em hướng về tầng không bao la đã chuyển màu đỏ tía, hắt chút ánh sáng cuối cùng xuống mặt đầm xa xa. Cùng tựa lan can trong khoảnh khắc cuối ngày ngắn ngủi với gió đông mát rượi, lúc này tôi có thể ngắm cô gái kĩ hơn. Em vận chiếc váy màu nâu nhạt. Và đẹp trong sự đơn giản ấy.

Em gái, tên gì? - Giây phút đồng cảm trước thiên nhiên, tôi hỏi.

Cô gái quay lại. Mái tóc bay ngang. Ánh nhìn sâu thẳm.

Em là… gió.

Tôi trở về thành phố, trong lòng vương vấn giọng nói nhẹ như cánh hoa rơi của người thanh nữ cùng màu áo xưa yêu kiều.

*

Hôm sau dậy sớm đi tìm một thứ dân dã nhưng cũng là đặc trưng của Tuy Hòa, món bánh hỏi lòng heo. Dọc các con phố, vài cây phượng cuối mùa vẫn nở đỏ rực, che lấp đi màu lá. Hoa giấy được trồng nhiều trên dải phân cách, có màu tươi thắm chứ không nhạt nhòa như ngoài Bắc. Còn nhiều loài cây lạ mà tôi không biết tên. Thành phố vẫn yên ngủ và quả thực rất nhỏ với chủ yếu là những ngôi nhà hai, ba tầng, nhà cao rất ít. 

Tuy Hòa đẹp, yên bình và tôi vẫn đùa rằng, nguyên sơ như hồi... mới giải phóng. Vẫn những chất liệu ấy nhưng qua bàn tay khéo léo của con người nơi đây, món bánh hỏi lòng heo có vị vừa quen vừa lạ, với nước chấm chế từ cốt me, để lại dư vị thanh thanh. Một bữa sáng nhẹ nhàng và đồ ăn ở Tuy Hòa rẻ hơn nhiều so với các vùng du lịch khác.

Thu đem từng giọt mưa lăn dài trên cửa sổ, không gian trở nên ảm đạm, lu mờ. Chúng tôi gác việc thăm tháp Nhạn sang buổi chiều. Đường lên núi đẹp như cổ tích với nhiều cỏ cây hoa lá còn ướt đẫm sau mưa. Thảm hoa hàm tu thảo lấm chấm hồng điểm xuyết hai vệ đường. Núi Nhạn nằm giữa thành phố, bên dòng Đà giang yên ả. 

Tháp cao vài chục mét, bề thế như tháp Bà ở Khánh Hòa nhưng đơn độc chứ không nằm trong một quần thể các di tích như tháp Bà. Vẫn vững chắc sau hơn 900 năm, tháp được xây bởi cách thức bí ẩn của người Chăm xưa với dáng thon vút hình bông sen nhiều tầng và cửa luôn quay về hướng mặt trời mọc. Đó là biểu tượng Linga của người Chăm.

Trong tháp chỉ có một am nhỏ thờ A Na Diễn Ngọc Phi, được xây dựng từ thời Hậu Lê. Ngoài khoảng sân rộng lát bằng gạch đỏ là bức tường bao thấp phủ đầy rêu mốc. Từ đó có thể nhìn toàn cảnh tháp lúc này đã được những ngọn đèn dưới chân hắt lên soi sáng màu gạch non. Mặt tháp không trang trí hoa văn, chỉ có một vài họa tiết hình rồng cách điệu bằng đá hoa cương đặt bên góc.

Tại đây, tôi gặp lại màu áo bên đầm Ô Loan. Tóc em hôm nay búi cao, lộ cổ trắng ngần, thon nhỏ. Em mải ngắm về thành phố, đôi mắt ưu tư, thoáng buồn, toát lên nét cổ điển, quý phái như con gái nhà tư sản Hà Nội thời Tô Ngọc Vân.

Bỗng, em hỏi: “Tên anh là gì?”.

Nhớ chủ đề một bài hát của Lâm Tâm Như, tôi trả lời em: “Anh là cát. Em là gió còn anh là cát” rồi mỉm cười với màn đối đáp của mình. Em gái không nói thêm gì, ngập ngừng một chút rồi đi về phía lòng tháp.

*

Đêm cuối, cảm giác thật bâng khuâng. Tôi muốn dạo một vòng, ngắm lại những gì mấy ngày qua từ xa lạ đã trở thành quen thuộc. Có nhiều nơi để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhưng khi rời đi, ta biết gần như không bao giờ có dịp trở lại. Trăng Vu Lan như phủ lụa. Vườn cây muôn sắc lúc này im lìm, đổ bóng. Vài khóm hoa nở đêm tỏa hương ngào ngạt. Cuối lối đi quanh co, rải sỏi là bể bơi, nửa ngoài vườn, nửa dưới mái vòm tầng trệt. Lúc chiều nơi đây hút gió đến độ nước có thể bắn tung từng hạt nhỏ lên thành bể và những cây to trong khu vườn sau nhiều năm đã thành dáng xiêu bạt theo hướng gió. Nhưng đêm nay gió lặng. Tôi đặt mình xuống chiếc ghế dài. Trên trần, ánh trăng phản chiếu qua mặt nước gợn sóng lăn tăn.

Có bóng ai lướt qua. Tôi giật mình nhỏm dậy. Vẫn vóc dáng nhỏ nhắn, thanh thoát. Vẫn chiếc váy nâu suôn dài cổ điển. Vẫn ánh mắt thông minh và hàng mi cong vút mà tôi luôn thấy rõ dù trong bóng tối. Quá bất ngờ, tôi trân lặng nhìn em. Em không tỏ gì trước thái độ của tôi, nhìn trăng rồi đọc mấy câu thơ như trêu chọc: “Quỳnh hoa khoe sắc cười trăng sáng. Tự cổ cô đơn bên thế nhân” và cười tươi tắn.

- Em cũng ở khách sạn này sao?

Em gật đầu.

- Ở tầng nào vậy?

- Dạ… tầng mười tám.

Chúng tôi ngồi bên nhau rất lâu, thời gian như ngưng đọng. Bất giác, em đưa cánh tay ngọc trắng lên vân vân lọn tóc. Tôi đùa rằng: “Vườn đêm nhiều muỗi, đốt em đó”.

- Em là gió. Đốt em sao được.

Lời em vừa dứt, bỗng gió dậy bốn bề, vườn thu xao xác, không gian se lạnh. Sóng trăng nhảy múa, ảo diệu lung linh...

Tỉnh dậy khi ánh ban mai đã xuyên qua hàng cây. Nhìn ghế bên trống trải, tự hỏi lòng chuyện đêm qua có phải chỉ là mộng ảo. Thấy hơi cộm trên ngực áo, tôi lấy ra một tấm thiếp nhỏ xinh được cài vào từ lúc nào. Tấm thiếp màu trắng ngà, trong kẹp một chiếc lá hình sao, nâu như màu áo. Một chiếc lá thu phong!

Bìa trái thiếp có mấy hàng chữ được viết bằng mực xanh, rõ nét:

“Ngâm thơ, ta cao giọng
“Chỉ tiếc người không hay
“Sớm mai buồm đi mất
“Man mác lá phong bay”.

                                    (Thanh Liên)

Tôi vội bước vào sảnh hỏi lễ tân:

- Tầng mười tám đoàn nào ở? Họ còn hay đã đi rồi?

Cô bé lễ tân trả lời:

- Khách sạn chỉ cao đến tầng mười bảy thôi, anh ạ.

*

Mây trắng, trăng thanh luôn gợi nỗi nhớ quê nhà với người xa xứ. Cảnh sắc mỗi nơi mỗi khác nhưng mây và trăng không thay đổi. Hình bóng quê hương ở đó. Dù đang hạ nắng hay gió bấc mưa phùn, tấm thiếp ấy vẫn mang lại sự dịu ngọt của người đã cho tôi cả mùa thu.

Đặng Giang
.
.