Hoa Lư ngoảnh lại

Thứ Sáu, 05/03/2010, 16:31
Bây giờ là chớm xuân của năm thứ mười thiên niên kỷ thứ III, nghĩa là đúng 1.000 năm kể từ mùa xuân năm Canh Tuất 1010 khi Lý Thái Tổ đặt chân lên Đại La Thành. Và tôi, đang đứng trên đất Trường Yên của kinh đô cũ Hoa Lư như mộ lần ngoảnh lại nghìn xưa và như để chứng kiến sự đổi thay trên mảnh đất cố đô lịch sử...

Sớm nay từ Ninh Bình, bạn tôi một nhà sử học trẻ nghe tôi đi viết về chuyện cũ Hoa Lư bỗng ra điều hờn dỗi bảo rằng: "Anh là người ngoại đạo sao dám nhảy vào lĩnh vực của em". Rồi như "cảnh cáo" cái người ngoại đạo dễ thương ấy, em đãi tôi bữa miến lươn với mấy chén rượu Kim Sơn làm chuếnh choáng suốt chặng đường về Hoa Lư. Đường về Trường Yên bây giờ rải nhựa đủ rộng cho xe to xe nhỏ ôm cua, chợt nghĩ ngày xưa thương mấy triều vua sống giữa núi non hiểm trở, không biết các hoàng đế vi hành ra sao. Rồi mùa Thu năm Canh Tuất ấy đoàn quân của vua quan triều Lý khởi hành từ đâu theo sông nào về Đại La?…

Hoa Lư đây rồi ẩn hiện giữa núi non. Cố đô xưa giờ nằm giữa khu dân cư sầm uất có tên Trường Yên. Nhà cửa phố xá đông đúc,  người xe qua lại nhộn nhịp có cảm giác một đô thị cổ đang hồi sinh với gương mặt hiện đại bởi kiến trúc, bởi nhịp đời. Dăm nhà hàng dê núi đặc sản Hoa Lư, mấy cái khách sạn nhà nghỉ… Và sự tươi mới trên mỗi gương mặt người Hoa Lư hôm nay nữa. Không thể hình dung đâu thành quách cung điện ngàn năm trước. Chỉ còn đây quần thể di tích đền miếu thờ các triều vua.

Ông Nguyễn Văn Trò có mặt tại Hoa Lư từ những năm đầu thành lập ban quản lý di tích cố đô, bây giờ gặp lại, ông vẫn là người dẫn chuyện. Bao vui buồn hưng phế ngàn năm giờ ký ức quên nhớ được kể như những truyền thuyết, những huyền thoại bởi một hậu duệ vong tộc. Đứng ở sân rồng hôm nay giữa trùng điệp núi non, Hoa Lư trong tôi bỗng vang tiếng trống chầu thuở nào hay tiếng trống trận thời Đinh - Lê vọng lại từ hang núi hay từ cõi hư vô. Và câu chuyện tình giữa Dương Thái hậu với Tướng quân Thập đạo Lê Hoàn cùng việc trao quyền bính vào tay người khác tộc ấy cho đến giờ vẫn là huyền thoại, giữa u minh. Chuyện xưa khói sương cũng đã hơn ngàn năm. Đúng sai ngang trái bây giờ ai tỏ?

Hình như lịch sử có sự sắp đặt ngầm nào đó để mỗi khi đất nước lâm nguy, mỗi lần tân triều sa đọa suy yếu thì lại có một tuấn kiệt đứng ra gánh vác việc non sông. Lịch sử Việt Nam là như vậy. Có nhiều logic khác với quy luật muôn đời "con vua thì lại làm vua". Hào kiệt vốn là người gánh vác sứ mệnh lịch sử khi ngàn cân treo sợi tóc và hình như trời Phật cũng đã xắn tay chuẩn bị cho đại vận nước Việt, nên giữa những ngày tháng ấy đã tôi rèn vị dũng tướng họ Lý dành để lúc cần. Rồi khi Điện Tiền đô chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua đã nghĩ đến tương lai cơ đồ xán lạn của Đại Việt mà xuống chiếu thiên đô. Mùa xuân ấy ai ngờ là mùa xuân cuối cùng Hoa Lư là kinh đô Đại Việt. Vị Thái tổ đã làm cái nghi lễ công bố Thiên đô chiếu vào mùa xuân. Không biết bữa ấy sân rồng có bày rượu ngự, nhưng lời văn bài chiếu thăng hoa sáng láng như thể ý trời như là lòng dân trăm họ vận vào, thể hiện một tư duy sâu sắc, mưu nghiệp lớn tính kế lâu dài cho con cháu. Nam nhi tự hữu xung thiên khí/ Hữu hướng Như Lai hành xứ hành, nghĩa là làm trai phải có chí hướng chọc trời khuất nước, không nhất thiết phải đi (Thơ của nhà sư Quảng Nghiêm).

Tôi đi tìm nơi xưa xa giá đưa vua đến bến nào để lên thuyền ngược về Đại La thành. Non nước Hoa Lư thanh bình và thơ mộng, nhưng dẫu là người nặng lòng bao nhiêu thì rồi cũng nghĩ đến lúc cần một nơi trung tâm trời đất để mà mở mang bờ cõi. Hoa Lư nặng về thế thủ, núi dựng trường thành, sông mở đường huyết mạch, sông suối hang động lợi hại vô cùng nhưng cũng chỉ là thiên đô… Hẳn ngàn năm trước khi từ bến nước Ninh Bình, Lý Thái Tổ đã ngoái lại Hoa Lư bùi ngùi chắp tay cúi đầu bái biệt cố kinh. Trước mắt vị hoàng đế trẻ còn cả một cơ đồ chưa biết dựng ra sao.

Đất Trường Yên mấy năm nay sôi động bởi nhiều dự án du lịch với đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Hang động Trường Yên đã thành tuyến du lịch hấp dẫn nối với Tam Cốc Bích Động. Một vùng trời nước ngày xưa, nay đã thênh thang đường sá hang động được mở mang thuyền bè như lá tre đầy bến đón đưa du khách. Bao biến thiên sau ngày Vua Đinh dấy nghiệp ở Hoa Lư. Hưng phế là chuyện quy luật, nhưng đất nước cần thái bình thịnh trị. Bao nhiêu vật đổi sao dời trong ba triệu sáu trăm năm mươi ngàn ngày ấy. 41 năm, kể từ năm 968 đến 1009, Hoa Lư là kinh đô mở đầu là triều Đinh 12 năm, tiếp đến 29 năm là triều Lê mở đầu là Lê Đại Hành. Dẫu là chỉ bấy nhiêu niên, nhưng Hoa Lư đã kịp nguy nga giữa núi rừng trùng điệp, bên dòng Hoàng Long như rồng uốn lượn quanh Nho Quan, Gia Viễn bát ngát núi hào…

Cái kinh thành khép kín ấy chỉ rộng độ 300ha gồm ba vòng thành Nội, thành Ngoại và thành Nam bao bọc bởi bốn phía núi cao hiểm trở. Khu đền Đinh - Lê bây giờ là thành nội xưa, nơi Đinh Tiên Hoàng dựng cờ mở nước, là trung tâm trời đất bấy giờ. Đây thành Nội ở thôn Chi Phong có tên là Thư nhi xã, nơi ở của người giúp việc triều đình và nuôi dạy trẻ em. Đây thành Nam nằm phía Nam kinh thành bảo vệ phía sau có thể tiến, thoái bằng đường thủy. Phía Đông kinh thành là núi Cột Cờ nơi cắm Quốc kỳ Đại Cồ Việt, gần Ghềnh Táp nơi vua duyệt đội thuỷ quân. Đây Hang Tiền nơi giữ ngân khố quốc gia, đây động Thiên Tôn tiền đồn Hoa Lư có hang nhốt hổ báo để hành quyết tội phạm.

Lê Hoàn lên ngôi, kinh đô có nhiều cung điện uy nghi lộng lẫy như điện Bách Thảo Thiên Tuế, Điện Phong Lưu ở phía Đông, điện Vinh Hoa ở phía Tây, điện Bồng Lai bên tả, điện Cực Lạc bên hữu, lầu Hoà Vân và điện Trường Xuân, điện Long Lộc mái ngói lợp bằng bạc…

Tôi theo đoàn khảo cổ lên núi Mã Yên đi tìm nơi cất giấu 99 ngôi mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Chuyện kể rằng, trước khi băng hà, người cho dùng 99 quan tài để an táng mình ở nhiều nơi, đến bây giờ đâu là nơi có tàn cốt tiên vương vẫn còn là một bí ẩn lịch sử. Bao cung điện thành quách đã hoang phế nắng mưa và thời gian nay chỉ còn lại những đền thờ hai vua Đinh - Lê hậu thế dựng lên ghi công người tiền liệt. Đền vua Đinh kiến trúc nội công ngoại quốc dựng trên nền cung điện xưa uy nghi ngọ môn, hồ sen non bộ Nghi môn nội, Ngọ môn ngoại… cùng ba toà Bái đường, Hậu cung và Thiêu hương. Bái đường có long sàng là đá nguyên khối chân kê là đôi nghê đá sống động. Tòa Thiêu hương thờ những vị có công khai quốc công thần; tiếp đến hậu cung nơi đặt tượng vua Đinh cùng các con trai. Kiến trúc tại đây cầu kỳ tinh xảo rồng phượng múa bay, tiên nữ, hoa lá... Cách đó chừng 500 mét là đền thờ vua Lê Đại Hành. Đền vua Lê nhỏ hơn, gồm bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng - người có công đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, toà chính cung thờ Lê Hoàn, bên phải thờ Lê Ngọa Triều - con trai Lê Hoàn, bên trái thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga. Điều bí ẩn là tượng Hoàng hậu Dương Vân Nga tuy thờ ở đền Lê nhưng mặt lại hướng về đền Đinh như còn ngậm ngùi thương nhớ Tiên vương. Một ngụ ý hay là một tình cờ? Và thêm nữa, bức tượng ấy có đến ba tâm trạng. Nhìn thẳng thì tươi tắn thánh thiện, nhưng nhìn nghiêng thì mang vẻ nghiêm nghị khắc khoải một điều gì, còn nhìn phía sau lại có một nét gì như muộn phiền, trắc ẩn…

Cũng phải thôi. Người đàn bà tài sắc thế, lại đa đoan nên mới là Hoàng hậu mấy triều. Nhưng bà lại cũng là người biết hy sinh quyền lợi gia tộc vì vận nước khi trao quyền phụ chính vào tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, cho dù đời sau còn có nhiều dị nghị, thị phi…

Chao ôi miệng thế gian biết làm sao. Chuyện lịch sử vẫn là những gì sương khói, thì tiếng đời có cũng như không! Tại ngôi đền này đã tìm thấy dấu tích cố cung cùng một số cổ vật gốm sứ… Những ngôi chùa thờ Phật như chùa Nhất Trụ có từ thời Lê Đại Hành, có cột đá khổng lồ bát giác khắc bài kinh Lăng Nghiêm do nhà vua làm dâng Phật. Còn đó đền Phất Kim thờ công chúa vua Đinh vì cự tuyệt đi theo chồng phản lại vua cha, nàng đã nhảy xuống giếng tự vẫn. Còn đây dấu tích của nhiều ngôi chùa khác như chùa Đìa, chùa Tháp, chùa Bà Ngô cùng bao nhiêu đền đài cổ kính trầm mặc giữa thôn dã bình yên…--PageBreak--

Trường Yên gần chục năm nay có thêm quảng trường đủ rộng cho các hoạt động lễ hội hàng năm. Nơi được xem là bến thuyền vua Lý chia tay Hoa Lư ngàn năm trước, có một kiến trúc mới mang tính tôn vinh đó là nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ. Đây là công trình do thành phố Hà Nội đầu tư, là món quà của người Hà Nội. Văn bia do cụ Vũ Khiêu soạn sau 990 năm để tôn vinh xuất thân cùng công trạng Lý Thái Tổ: "Thuở thơ ấu trong làng Cổ Pháp: nương cửa từ bi; Buổi trưởng thành thẳng lối Hoa Lư: gặp thời đại dụng. Đạo trị binh đủ phép kinh luân; Tài thao lược hơn đời trí dũng. Lên ngôi Hoàng đế Triều đình một dạ kính yêu; Xuống chiếu dời đô dân chúng mười phương hưởng ứng. Nhìn ra phía trước tiền đồ vạn thế thênh thang. Ngoảnh lại đằng sau: sự nghiệp ba triều lồng lộng".

Ngàn năm trôi qua, mấy lớp luỹ thành hoang phế cùng năm tháng. Bây giờ trước kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, người Ninh Bình đang nỗ lực tôn tạo Hoa Lư với dự án hàng trăm tỷ đồng bao gồm hệ thống giao thông đường bao hào nước. Ba cổng chốt Đông - Nam - Bắc trung tâm kinh thành xưa cũng được phục dựng cùng với dự án tôn tạo một số di tích LSVH xếp hạng quốc gia và chưa xếp hạng trong khu vực bảo vệ đặc biệt, bên cạnh một dự án dân sinh xây dựng chợ Trường Yên mô phỏng Phủ chợ kinh thành ngàn năm trước.

Ông Bùi Xuân Cử, Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình, người có sứ mệnh mười năm nay cùng cộng sự lo việc tôn tạo Hoa Lư kể: Việc khảo cổ có thể còn kéo dài, trước mắt tập trung khai quật khu vực trung tâm cố đô để có cơ sở phục dựng một vài cung điện cổ… Hoa Lư là một phần của nghìn năm Thăng Long và người Ninh Bình đang làm hết mình vì sự kiện trọng đại ấy…

Ngoảnh lại Hoa Lư, chiều nay mưa xuân rắc lên áo người lữ hành lòng chợt bâng khuâng ngậm ngùi trước phế thành nghìn tuổi. Nhà sử học trẻ bạn tôi thì ước gì mai kia phục dựng thành trì, khai quật cung điện cổ làm bảo tàng cố đô, chắc nơi đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn hơn bất cứ nơi nào. Thế mới là đầu tư cho du lịch cũng là đầu tư giáo dục lịch sử cho con cháu muôn đời hơn đi xây chùa mới trăm tỷ đồng mời chào lừa khách đến lễ bái vô duyên như có nơi làm. Rồi mai xây dựng thành phố Hoa Lư nối từ thị trấn Thiên Tôn vào Trường Yên nữa, thì đất này là chốn lý tưởng để làm du lịch hơn là đi xây khu công nghiệp, đi phá đá nung vôi…                                                                                                                                                    

Tân Linh
.
.