Họ Biến tên Thái

Thứ Tư, 11/04/2012, 13:50
Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy…
Họ Biến tên Thái ra đời. Phương Đông xuất hiện mống vồng rực rỡ.
Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy...
Họ Biến tên Thái tập nói. Gà mái gáy trong kinh thành, chếch phía cổng Đông, đất sụt 3 tấc.
Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy…
Họ Biến tên Thái trở thành ca kỹ. Có nhật thực ban ngày, nguyệt thực buổi đêm.
Ngày ấy, tháng ấy, năm ấy…
Họ Biến tên Thái trở thành đệ nhất danh kỹ. Mưa gió dầm dề ba ngày ba đêm, sương phủ kín mặt người giữa trưa hè.

1. Biệt phủ của họ Biến tên Thái nằm ngay giữa chốn đô hội trong kinh thành. Biệt phủ tường xanh xanh, nóc vàng vàng, phía trước có cái tượng của họ Biến tên Thái nhìn rất kỳ dị.

Trên bức vách biệt phủ, họ Biến tên Thái mướn mười nghệ nhân nổi tiếng nhất trong kinh về, cơm ăn nước uống ngày năm lần, đêm ngủ nệm lông ngỗng, ngày nghe lời hát hay để chạm vào đó bức hoành phi có nội dung đúc kết lại Bát điều thiên cổ của họ Biến tên Thái.

Tiếp đến, họ Biến tên Thái mướn thêm hai trăm danh họa họa hai vạn bức tranh có cùng nội dung của Bát điều thiên cổ để phát tán cho người dân trong kinh thành. Trên nền bức tranh, là nhân ảnh với y phục thiếu trước hở sau của họ Biến tên Thái.

Nhân sĩ trong kinh thành chất vấn “Các hạ viết Bát điều thiên cổ nói dân phải làm theo Bái điều thiên cổ của các hạ, nhưng các hạ lại vận y phục ấy, không phải là phỉ báng thiên hạ sao?”. Họ Biến tên Thái cười rũ: “Bát điều thiên cổ là để dành cho những kẻ bất trí làm theo, không phải dành cho mỗ. Bọn văn nhân hèn kém như các ngươi thì làm sao hiểu được cái uy oai của người có ngân lượng”.

Nhân sĩ nghe câu trả lời của họ Biến tên Thái, họ biết là không thể cật vấn kẻ ấy, bèn buồn bã thở dài quay lưng về lại lều tranh.

Đắc chí, họ Biến tên Thái sai gia nhân, đứng ở bốn góc kinh thành, hét toáng: “Chính Ngọ ngày mai, lão gia họ Biến tên Thái sẽ phát chẩn tại gia phủ! Kẻ đói rách, người túng thiếu… cứ đến đó đợi nghe xướng tên mà nhận lãnh thực phẩm!… Kính cáo”.

Giờ Ngọ hôm sau, hành khất trong kinh thành nháo nhào tìm đến nhà của họ Biến tên Thái. Người câm thì hân hoan, người điếc thì rạng rỡ, người mù thì nhảy múa, người ghẻ lở thì xuýt xoa… tất cả đều tán tụng công đức của họ Biến tên Thái.

Vậy mà, một khắc, hai khắc, ba khắc… lặng lẽ trôi qua. Đến khi ánh dương chìm nghỉm trên tán cây cao trước nhà họ Biến tên Thái vẫn không thấy lương thực để phát chẩn đâu. Họ gào thét, họ phẫn nộ, họ hai hay hai đấm, hai mắt tóe lửa, mồm bật máu tươi đòi gà chó, người ngợm trong nhà của họ Biến tên Thái đều phải trở về cõi u linh. Họ muốn một cơn mưa máu phải diễn ra. Họ muốn dao vào thì trắng, dao ra thì đỏ. Họ quyết định làm thủng năm mươi ba lỗ trên người của họ Biến tên Thái.

Nghe gia nô cấp tập thông báo tình hình, họ Biến tên Thái ngồi trên ghế, cười hăng hắc: “Các ngươi chờ gì mà chưa gọi bổ đầu. Cái lũ phàm phu tục tử ấy không hiểu thế nào là đùa à. Không biết thế nào là giỡn à. Thóc lúa trong nhà ta có dư thì để cho chiến mã, trâu bò, gà lợn của ta ăn, chứ ta rảnh đâu mà cho cái lũ ấy ăn”. Dứt tràng cười, họ Biến tên Thái lại cúi đầu ăn món huyết yến chưng cách thủy, món ăn cực kỳ yêu thích của họ Biến tên Thái.

Minh họa: Lê Phương.

2. Khuya, trời không trăng. Sau khi cạn mười vò mỹ tửu, họ Biến tên Thái thét gọi gia nhân: “Cho đòi hai đứa có miệng có mồm, không cần sức khỏe!”.

Ngay tắp tự, hai gia nô phủ phục ngoài cửa chờ họ Biến tên Thái sai phái. “Hai đứa mày, ngay ngày mai dán cáo thị khắp kinh thành. Trên cáo thị viết, họ Biến tên Thái ta ngày này, tháng này, năm này… nằm mơ thấy tiền nhân quở phạt vì cái tội không phát chẩn hôm nào. Tiền nhân hạ lệnh cho ta trong vòng bảy ngày phải bán gấp biệt phủ này để thực hiện trọn vẹn cái nghĩa tương sinh. Nếu không, tính mạng khó toàn an. Vì vậy, nay ta dán cáo thị khắp kinh thành, mời các đại tài chủ đến nhà để thương lượng việc mua bán. Chỉ có vậy thôi, hai đứa mày lui được rồi”, tài chủ khoát tay bước vào thư phòng, gia nô dập đầu cúi lạy lùi ra ngõ.

Hôm sau, gia nô dán cáo thị khắp kinh thành. Thêm lần nữa, dân trong kinh thành bàn tán xôn xao về tấm lòng đại thiện nhân của họ Biến tên Thái.

Tài chủ bắt đầu thay xiêm y, đốt hương trầm, ngồi xe tứ mã, tay cầm ngân lượng tìm đến nhà họ Biến tên Thái.

Tài chủ thứ nhất, nói: “Thiệt là may mắn. Ngay trong thời điểm gạo châu củi quế, người đói đầy đường mà họ Biến tên Thái lại làm điều kinh thiên động địa, phúc đức nghìn năm như vậy”.

Tài chủ thứ hai, nói: “Lòng người quả nhiên khó đoán. Mới hôm nào, nhân dân còn oán thán họ Biến tên Thái là uống máu thiên hạ, bỡn cợt nghèo khó. Nhưng nay, họ Biến tên Thái đã minh chứng thiện tâm của mình”.

Tài chủ thứ ba, nói: “Mấy hôm trước, mỗ nghe tiếng chim khách kêu vang dội bốn cửa trong thành. Lại nghe lũ trẻ trong nhà đồn rằng phía Nam, trên tán cây ngô đồng có tiếng phượng hoàng gáy. Mỗ đoán sẽ có người nhân nghĩa xuất hiện. Thật bất ngờ, người nhân nghĩa ấy chính là họ Biến tên Thái”.

Tài chủ dứt lời, hai tay vái dài, ra chiều cửu ngưỡng. Họ Biến tên Thái vòng tay đáp lễ, mời tất cả các tài chủ vào nhà dùng trà.

“Họ Biến tên Thái ta sinh ra trên đời là để làm những việc vô tiền khoáng hậu. Một nghìn năm trước, sử sách không có người như ta. Một vạn năm sau, hậu sinh phải chép miệng nhắc về ta. Đức Khổng, Đức Lão… bàn chuyện đạo, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ta cho đó chỉ là lời nói ủy mị, hão huyền. Cũng như người đòi hái sao trên trời, vào động tìm thuốc trường sinh, cỡi gió đạp mây mà bay, đưa tay vớt trăng dưới mặt nước.

Ta không lấy lời nói làm vật để vinh danh. Ta không lấy sự huyền ảo làm vật phòng hộ. Ta chỉ lấy việc thiên hạ chạm được, vật thiên hạ nếm được để làm điều nghĩa. Quý tài chủ nãy giờ ngợi khen, thật khiến ta đỏ mặt. Nhưng, đó không phải là điều không có cái lý của nó”, họ Biến tên Thái cất tiếng.

Trà Tuyết Sơn được hái khi búp còn ngậm sương, được sao khi lửa vừa ấm tay, được hãm trong bình sứ già, được ngâm nước sôi đủ nhiệt tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp thư phòng. Nghe họ Biến tên Thái nói, tài chủ quên bẵng dư vị trà quý đang chờ tài chủ thưởng lãm.

Tài chủ tranh nhau nói, có tài chủ, vì ham tán tụng công đức của họ Biến tên Thái nên nhai mất luôn lưỡi của mình lúc nào không biết, máu tươi nhểu ướt cả vạt áo gấm vàng.

“Công đức của họ Biến tên Thái quả thật là vô lượng. Chúng tôi chỉ là dân con buôn, lấy lãi làm tính mạng. Nên mời họ Biến tên Thái mau mau nói giá của ngôi biệt phủ này cho chúng tôi suy tính”, tài chủ đáp lời họ Biến tên Thái.

“Không vội, không vội… để ta nói sơ qua về căn biệt phủ này đã. Các tài chủ đều biết, nhà ta nằm ở nơi đô hội phồn hoa, đất có long mạch, quanh năm đón gió mát, không sợ nước lụt bão táp. Công phu cất dựng thì không phải bàn, thợ khéo tay phải làm ròng rã ba mươi tám tháng mới hoàn tất. Đó là không tính đến, bức tượng của chính ta và Bát điều thiên cổ, ta đã kỳ công tạo nên. Vì vậy, giá cả không phải bàn đi tính lại. Ta nói một giá duy nhất, năm vạn lượng hoàng kim”, họ Biến tên Thái trả lời.

3. Tài chủ nghe dứt câu, tâm thần vô định, tim đập tay run, mồ hôi đổ ròng ròng trên trán. “Họ Biến tên Thái nghĩ lại, cái giá mà nhà ngươi đưa ra quả là quá cao. Tại hạ không thể sống trong biệt phủ quái đản của nhà ngươi, thứ mà tại hạ muốn giao dịch chỉ là phần đất thôi. Sau khi mua được đất, tại hạ phải phá bỏ hoàn toàn căn biệt phủ đi để cất lại”, tài chủ kỳ kèo.

Nghe dứt câu, họ Biến tên Thái cười như ngây như dại: “Ta đoán trước các ngươi sẽ không thể mua nổi ngôi biệt phủ của ta. Bởi không ai cuồng dại đến mức bỏ năm vạn lượng hoàng kim để mua vật chỉ hợp với lòng ta. Ta đã nguyện rồi, có ai mua biệt phủ thì ta sẽ dùng hết số ngân lượng ấy để phát chẩn cho thiên hạ. Nay, không ai mua thì ta lại tiếp tục sống trong căn biệt phủ này. Gia nô đâu, dán cáo thị công bố khắp kinh thành, giao dịch của ta và các tài chủ thất bại, nên người đói không có gạo, người rét không có áo như ta đã dự tính. Đừng ngồi mơ đến chuyện không thật nữa”.

Sau khi cuộc giao dịch ngôi biệt phủ bất thành, dân trong kinh thành không tin lời của họ Biến tên Thái nữa. Dẫu có lần họ Biến tên Thái đã cất công vào trong hiệu thuốc của quan đại phu, để thương lượng việc kính dâng thi thể họ Biến tên Thái cho đại phu mổ xẻ.

Tháng trước, họ Biến tên Thái quyết định lấy xiêm y của thân mẫu mình để khoác lên người, rồi mời danh họa đến biệt phủ họa hình dán kín các bức tường trong kinh thành cho thiên hạ thưởng lãm.

Lần này, thiên hạ không thể không nổi giận. Họ chỉ mặt họ Biến tên Thái nói như rít: “Các hạ là cái đồ quái đản, bệnh hoạn. Không còn ra cái giống người nữa. Đến thân mẫu của các hạ, mà các hạ còn lấy ra để bỡn cợt, thì còn điều vô pháp vô thiên, bất nghĩa bất đạo nào mà các hạ không dám làm. Mỗ thương hại cho các hạ, bấy lâu khoác danh đệ nhất ca kỹ chỉ để làm những điều xằng bậy rồi tự cho là khoái lạc”.

Họ Biến tên Thái nghe thiên hạ mắng một cách chăm chú, nghe mà như nuốt từng lời. Mãi lúc lâu sau, họ Biến tên Thái mới thủ thỉ với chính mình: “.. Hắc..hắc… Vốn dĩ mỗ họ Biến tên Thái, thì việc gì mà mỗ không dám làm… hắc…hắc”.

Từ ấy trong kinh thành, thiên hạ gọi họ Biến tên Thái một cách nhanh gọn là Biến Thái

Ngô Nguyệt Hữu
.
.