Hạt gạo thơm, bé bỏng, lạc giữa quê người

Thứ Bảy, 04/07/2015, 16:48
Nửa đêm, Kuala Lumpur, khu Changkat Bukit Bintan, sau những ly bia lạnh đủ loại từ chiều, người bạn đồng nghiệp người Mã Lai kéo tôi đi về phía khu chợ đêm kiếm gì đó lót dạ và lai rai. Kéo ghế ngồi xuống một tiệm ăn đồ Tàu, theo lựa chọn của anh bạn “thổ địa”, tôi chợt bần thần khi nhận ra cái mùi thơm rất quen phảng phất đâu đó.

Dường như một hốt hoảng; dường như một hối hả; dường như một vội vã; dường như một bàng hoàng cứ thế ập vào tôi. Đó là cảm giác gặp lại Sài Gòn ở miền đất lạ, dù tôi mới chỉ đặt chân đến Mã Lai chưa trọn một ngày. Nó y như cảnh giữa phương xa, toàn âm thanh lạ, tiếng nói lạ, gương mặt lạ, ngôn ngữ lạ, mình chợt nghe thoảng đâu đó có tiếng quê hương quen thuộc vang lên.

Không hiểu sao mùi thơm thân thương đó lại khiến tôi xao lòng nhớ Sài Gòn đến thế, dù cũng chỉ cách đó vài tiếng đồng hồ, trên đường tôi đi, tôi đã ba lần nhìn thấy những thứ gắn với Việt Nam giữa xứ người. Đó là hai quán café Việt, một tiệm bánh mì thịt đúng kiểu bánh mì đường phố đặc trưng quê mình. Vậy mà những thứ đập vào mắt tôi ấy lại không khiến tôi dựng lên được một thành quách nhung nhớ cồn cào trong lòng mình như mùi thơm phảng phất kia. Và tôi ngước nhìn xung quanh, để rồi như vỡ òa ra khi thấy đối diện quán mình ngồi là một tiệm ăn của người Việt, với phở và cơm tấm sườn.

Trên lò than hồng của quán ăn mà tôi không thể rời mắt khỏi ấy là những miếng sườn nướng tỏa hương ngào ngạt quyến rũ. Nó làm tôi nhớ đến những hàng cơm tấm đêm Sài Gòn, dưới cơn mưa bất ngờ, mấy thằng chúng tôi co ro ngồi nép dưới tấm dù cũ, sờn, lót dạ một dĩa cơm tấm trước khi trở về căn nhà ấm cúng. Dĩa cơm tấm ở thời khắc ấy, khi mà đứa nào cũng đã sương sương vì nhậu, nó bắt miệng kinh khủng. Những hạt cơm rời, bé bỏng, nhưng không cô đơn vì chúng vẫn quện sát vào nhau, được điểm tô thêm bằng miếng sườn nướng đậm đà, chút mỡ hành mươn mướt như một tác phẩm thực sự. Những hạt tấm ấy, có thời đã từng bị coi là thứ đồ ăn tầm thường, chỉ dành cho giới cần lao mà thôi. 

Nhưng thời gian đã vuốt ve tất cả, để những hạt tấm trở thành những hạt ngọc nhỏ mà bất kỳ ai đã ăn qua cũng sẽ nhớ mãi. Đối diện một dĩa cơm tấm thơm như thế, chẳng còn cần lao, chẳng còn tinh hoa gì cả mà chỉ còn lại một con người với câu hỏi vô hình, vô thanh nhưng đầy thách thức. Ấy là ăn rồi có còn lại cái tình với tấm hay không, cái tình để một ngày nào đó ở phương xa, nhớ về Sài Gòn, sẽ nhớ cơm tấm sườn da diết.

Giữa cái ồn ào của khu chợ đêm Mã Lai, với đủ thứ ngôn ngữ, đủ thứ âm thanh, đủ thứ màu sắc, đủ thứ hương vị khắp nơi, tôi chợt nhận ra rằng mùi cơm tấm sườn bên kia đường đã nhắc cho mình nhiều chuyện quá. Đã bao lâu rồi, mười năm có lẻ, tôi không còn dậy thật sớm mỗi ngày nữa. Để rồi cũng chừng đó thời gian, tôi đã xa hàng cơm tấm sườn non góc đường Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa - Thủ Khoa Huân, quận Nhất. Đó là hàng cơm tấm sườn non ngon nhất Sài Gòn trong suy nghĩ của tôi. Một dĩa cơm nhỏ, ít đồ chua, chút mỡ hành, vài miếng sườn non mới nướng, được rưới lên một muỗng nước mắm ớt, chừng ấy thôi là đủ để mở ra một ngày mới bình an cho một người chuẩn bị bước vào đời sống chật hẹp ngoài kia, đời sống vẻ ngoài thì êm đềm mà ẩn chứa không biết bao nhiêu là bất trắc. 

Nhớ vị cơm tấm sườn non nơi đó, thi thoảng buổi trưa tôi lại ghé ra Nguyễn Phi Khanh để mua cơm tấm sườn, chả cua của quán bà già. Đó cũng là một quán cơm ngon, lừng danh và nghe nói đã tồn tại cũng vài chục năm rồi. Quán nhỏ xíu, vỉa hè nhỏ xíu, muốn ăn cơm, nhiều khi phải chịu cực đi gửi xe ở hẻm bên cạnh rồi lội bộ dưới trời nắng trưa ran rát. Vậy mà thực khách vẫn đông kín. Chắc tại họ có tình với vị cơm tấm góc phố nhỏ ấy, vị cơm tấm mà có thể đã nuôi sống cả tuổi thơ hồn nhiên của mỗi con người.

Chợt nhớ rất xa, những ngày còn chưa vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi đã từng mê mẩn khi ăn dĩa cơm tấm Sài Gòn đúng nghĩa được bán ở gần Ga Hà Nội. Cái khách sạn cũ rích, tồi tàn có tên 30/4 ở góc Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn ấy đã từng là nơi người Sài Gòn ở Hà Nội vẫn ghé qua để tìm miếng thương, miếng nhớ. Dĩa cơm tấm ấy khác hẳn với cái thứ cơm gạo tấm những ngày bao cấp, được chan thêm chút nước kho cá nóng hổi mà ba vẫn làm cho tôi ăn.

Nó đã thay đổi hẳn suy nghĩ của tôi về tấm, thứ hạt gạo mà từ nhỏ người ta vẫn được dạy rằng chỉ là thứ phẩm. Thế mà cái thứ phẩm đó, bước qua tay những con người biết trân trọng nó, đã trở thành một đặc sản định danh cả một thành phố trẻ trung. Cơm tấm, bởi thế, dù có được thêm vào cái tên bằng một địa danh nào khác, như cơm tấm quận Tư, cơm tấm Trần Quý Cáp hay thậm chí là cơm tấm Cali của anh bạn có tên biệt danh “Linh chuyển tiền lẹ” của tôi đi nữa thì vẫn chỉ là cơm tấm của Sài Gòn, từ Sài Gòn, đúng chất người Sài Gòn mà thôi. Nó không còn là món ăn nữa, mà đã thành văn hóa, thành nỗi nhớ, thành thứ để nhắc nhở về nơi mình đã sinh ra, đã lớn lên, đã trải qua hay thậm chí là đã phải rời đi khỏi nó vì biến thiên thời cuộc nào đó.

Vậy mà kể cũng lạ, không có mấy ai viết về cơm tấm Sài Gòn như họ viết về phở, về mì Quảng hay về hủ tiếu. Phải chăng, với họ cơm tấm đã gần quá, thân quá, quen quá đến mức họ mặc định rằng chẳng cần phải viết thêm gì về nó nữa. Có lẽ là vậy. Cơm tấm được tạo ra từ nhu cầu của người bình dân, được chính những người bình dân nuôi dưỡng, để rồi nó cũng bình dân như chính những ai đã chăm bẵm nó bao nhiêu thời. Và chính sự bình dân ấy không cần đến một tôn vinh hoa mĩ nào cả. 

Chỉ cần mỗi lần đói lòng, hay cần khoả lấp đi chút cồn cào nhớ hương, thương vị nào đó, lao ra bất kỳ một tiệm cơm tấm nào đó, ở góc phố nơi mình đang ở cũng được, kéo lấy chiếc ghế con, đón lấy dĩa cơm nóng hổi, khe khẽ xúc từng muỗng nhỏ để nhấm nháp cái bùi của gạo, cái ngọt của sườn, cái thơm khe khẽ của chút bì đi kèm, cái ngầy ngậy của những vuông tóp mỡ xíu xíu là đủ rồi. Nhớ nhau thì kiếm đến với nhau, chứ nhớ nhau mà chỉ thốt ra vài lời, cái thương-nhớ ấy có khi cũng chỉ là thương nhớ mượn vay mà thôi.

Tôi thần người để ly bia cứ đầy mãi. Người bạn Mã Lai nhận ra sự thay đổi ấy của tôi và khẽ khàng hỏi nhỏ, “Có mệt không vậy?”. Tôi nhoẻn cười, “Tự nhiên thấy tiệm ăn Việt Nam kia, đâm ra thấy thèm mà thôi”. Người bạn ý nhị băng ngang sang đường, ngó nghiêng một lúc, kéo về một dĩa cơm tấm sườn, vài cặp chân gà nướng. Dĩa cơm tấm nằm đó, trong ánh sáng của một thành phố đêm khác hẳn, nhưng vẫn ánh lên cái hình ảnh đặc trưng đúng nghĩa của nó. Tôi chỉ len lén ăn từng miếng nhỏ, bởi tôi muốn nhìn ngắm nó nhiều hơn, để cảm thấy rằng Sài Gòn vẫn luôn ở bên cạnh mình, dù cho thân xác mình đang còn dạt trôi ở nơi nào đi nữa.

Thế rồi, từ dĩa cơm được đặt giữa bàn nhậu kia, tôi lại nhớ những ngày ở Paris, ở gần Place d’Italie, nơi có một quán ăn Việt đông khách và nổi tiếng. Người chị định cư ở Pháp có nói “nhớ ghé ăn phở ở đó nghe em, để xem có khác gì phở Việt Nam không” và tôi đã ghé nơi đó, để biết rằng họ không chỉ bán phở mà còn bán cả cơm tấm.

Nhưng lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, tôi không bao giờ ghé lại quán ăn đó nữa. Hình ảnh tôi gặp một đêm cuối thu Paris năm xưa đã ám ảnh tôi đến tận hôm nay, và có lẽ là đến hết cả cuộc đời này. Đó là cảnh cậu chủ trẻ thay cha quản lý quán buổi tối mắng xối xả một người phục vụ già hiền lành. Người phục vụ đó, qua cách ăn mặc và nói năng, tôi đoán chắc cũng là trí thức. 

Ông mới sang Pháp định cư, và làm thuê trong nhà hàng đồng hương kia để kiếm sống. Nhưng chỉ vì hơi chậm chạp một chút, nửa do tuổi tác, nửa do chưa quen việc, nửa do ngôn ngữ cũng chưa rành, ông đã phải nhẫn nhịn, ngân ngấn lệ khi “thằng ranh con” bằng tuổi cháu ngoại ông nó chỉ vào mặt ông mà gằn giọng “ông có tin là tui đuổi thẳng cổ ông ra đường được không. Tui mà cho ông nghỉ thì ông chỉ có chết”. Miếng cơm tấm hôm đó là miếng cơm tấm duy nhất tôi ăn mà đắng ngắt. Tôi không thể ăn trọn dĩa cơm ấy chỉ bởi vì đôi mắt long sòng sọc đối diện đôi mắt ngấn lệ ngay trước đôi mắt ngỡ ngàng của tôi.

“Nếu mà đang ở Sài Gòn, mày có tin là tao đấm ngay vào mặt mày không?”, tôi đã nghĩ thế mà không thể nói ra. Tôi hèn, hay tôi sợ hãi gì? Tôi không biết nữa. Tôi chỉ biết là tôi sợ cảm giác hạt tấm quê nhà bỗng trở nên bé nhỏ, lạc lõng, cô đơn giữa xứ người để rồi những hạt tấm cô đơn ấy không thể gắn quện vào nhau cho ra được cái thần của quê hương bản quán.

Cũng may cho tôi là chỉ sau đó một năm hơn, đối diện cái quán lừng danh nọ có một quán mới, mang tên Ba Miền. Lần trở lại Paris thứ hai của tôi đã có Ba Miền để làm nơi trú chân mỗi khi thèm vị cơm tấm, bún bò hay phở. Và tôi đã thích thú rất nhiều khi thấy những người ngoại quốc gật gù bên dĩa cơm tấm sườn đậm hương vị Việt. Hạt gạo thơm, bé bỏng, lạc giữa quê người đó đã không còn cô đơn nữa. Nó đã được là chính nó, hạt tấm, với vị thơm bùi, ngọt ngào, sắc trắng trong, giản đơn mộc mạc mà cuốn hút lạ kỳ.

Bây giờ, tôi sống lại với không gian của chợ đêm xứ Mã. Tôi lại nói cười, lại ngả nghiêng, lại quậy tưng bừng với người bạn đồng nghiệp bên ly bia sóng sánh. Tôi thấy an toàn mà. Vì dĩa cơm tấm đang còn ở đó, như một chỗ dựa thực sự cho kẻ xa nhà, một chỗ dựa mà tôi hiểu rằng, có rất nhiều “hạt gạo Việt” như tôi cũng đã phải dựa vào nó, cho được dịu xoa đi những cồn cào của nhớ, của yêu, của mong, của thương thân, của cam phận, của xót xa, của nước mắt, của buồn nản, của cả một đau thương khi phải sống kiếp lưu lạc xứ người…

Hà Quang Minh
.
.