Hắn, tôi và… bài học đầu đời

Thứ Ba, 16/04/2019, 15:55
Tôi và hắn là đôi bạn thân. Chúng tôi sinh ra ở làng, trong một thôn, đứa trước đứa sau rủ nhau chui ra khỏi bụng mẹ để chào đời chỉ cách nhau chưa đầy 3 tiếng đồng hồ, tại cùng một trạm xá xã. 

Bố mẹ hắn vẫn đùa với bố mẹ tôi và tôi rằng chúng mày kiếp trước chắc là anh em, kiếp này rủ nhau đi đầu thai để được ở gần nhau.

Mà lạ thật, chúng tôi thân nhau như hai anh em sinh đôi dù sinh ra và lớn lên ở hai gia đình có chút khác biệt. Tôi con nhà nông dân, bố mẹ thuần nông, cả đời cúi mặt trên đồng ruộng. Còn hắn con nhà gia giáo, cả bố cả mẹ đều là làm nghề dạy học ở trong làng.

So với hoàn cảnh của hai gia đình thì gia đình hắn thuộc tầng lớp trên, có tem phiếu mua gạo thịt, hàng năm có phân phối quần áo vải vóc, khung xe đạp. Còn nhà tôi mọi việc trông vào mấy sào ruộng của bố mẹ, tháng 3 tháng 8 mùa giáp hạt nhà hắn còn mì hột hầm với rau cải để ăn, còn nhà tôi thiếu thốn quanh năm. Đói rã họng.

Chúng tôi học với nhau từ bé, suốt 4 năm tiểu học hai đứa như hình với bóng. Tối tối, tôi cắp sách đến nhà học chung bài với hắn, được bố mẹ hắn dạy ké, và đêm khuya còn được nắm mì bột nắm lại như cái bánh khoai lót dạ mẹ hắn chuẩn bị cho hai đứa sau khi học xong. Ngon mê tơi. Đến nhà hắn học bài rồi ngủ lại, kiểu chi tôi cũng được bố mẹ hắn cho đánh chén một món gì đó làm yên ấm cái bụng lúc nào cũng rỗng réo rắt kêu đói. Vì thế tôi gần như ở nhà hắn mỗi ngày.

Bù lại, tuy con nhà nông dân nhưng tôi học giỏi không kém gì hắn, con nhà giáo viên. Đi thi học sinh giỏi Toán huyện rồi tỉnh khi nào cũng có mặt tôi và hắn. Bố hắn kèm đội tuyển học sinh giỏi Toán, kèm luôn hai đứa. Hắn bị áp lực vì bố là thầy giáo, đi thi học sinh giỏi, hắn luôn phải gồng lên để đạt giải nhất giải nhì.

Hắn than với tôi, "Ước chi tau đổi chỗ cho mi, mi làm con bố mẹ tau, còn tau làm con bố mẹ mi, được làm nông dân, tau không thèm đi thi học sinh giỏi Toán, tau chỉ cần đi chăn trâu nằm trên lưng trâu mà đọc sách thả diều cho sướng đời". Mỗi lần nghe hắn nói thế, tôi lại hào hứng. "Ờ đổi đi, tau làm con bố mẹ mi tau không bao giờ đói, tháng nào cũng có tem phiếu đi mua thịt được ăn thịt đã đời nhé".

Những câu chuyện thơ bé của chúng tôi là vô tận, kể không bao giờ hết được. Chúng tôi cất chúng vào kho ký ức lấp lánh kỷ niệm. Vô đại học, thân nhau đến nỗi chọn cùng trường đại học Xây dựng để thi. Đỗ đại học thì được học cùng lớp. Chúng tôi gắn bó với nhau còn hơn cả anh em ruột thịt.

Thế nhưng số phận đã thử thách tình bạn của chúng tôi ở ngay ngã rẽ đầu tiên của đường đời. Lên thành phố, học với nhau đến năm thứ 3 đại học, tôi bỗng học hành sa sút vì trót mải mê đánh bài với bạn suốt đêm nên thi trượt. 

Học kỳ năm đó tôi thi bị điểm thấp, trượt học bổng, tôi phải nộp học phí cả kỳ hai. Hồi đó học phí một năm đại học thời điểm năm 1991, 1992 chỉ mấy trăm ngàn thôi, nhưng với tôi đó là cả một gia tài lớn kinh khủng.

Sở dĩ tôi đi học đại học được là vì có học bổng, không phải mất chi phí tiền học, còn tiền ăn thì cứ đến tháng về nhà lấy gạo lấy khoai lên tự nấu ăn, ăn cơm với muối vừng do bố mẹ chuẩn bị cho từ đầu tháng. Hi hữu lắm thì có thêm cá khô, muối mặn mẹ làm sẵn. Giờ mất học bổng, phải nộp học phí cả kỳ 250 ngàn đồng tôi biết đào đâu ra tiền. Nếu báo với bố mẹ thì bố mẹ sẽ đánh tôi nhừ tử, và rất có thể tôi sẽ không được tiếp tục tới trường nữa.

Tôi gần như điên đảo với nỗi sợ trượt học bổng không biết đào đâu ra tiền để nộp học phí. Tôi mất ăn mất ngủ nghĩ kế đối diện với "tai họa" mất học bổng do mình gây ra. Tôi quyết định làm liều bằng mọi cách phải kiếm được tiền để nộp học phí, để giấu nhẹm bố mẹ việc học hành sa sút. Tôi không nói gì với hắn ý nghĩ đen tối trong đầu mình.

Trong phòng tôi có thằng Trí bí thư chi đoàn, Trí giữ quỹ đoàn của khoa, và quỹ khuyến học nên bạn ấy lúc nào cũng kè kè cái chìa khóa hòm đeo ở cổ. Tôi lên kế hoạch tỉ mỉ đợi một hôm tất cả các bạn đang lên giảng đường đại học thì tôi lén về mở cửa phòng cạy hòm của Trí lấy đủ 250 ngàn tiền đóng học phí. 

Tôi nhớ, tôi chỉ lấy đủ 250 ngàn đủ để nộp học phí, tôi không lấy hơn đồng nào mặc dù trong hòm của Trí lúc đó có hơn 1 triệu đồng các loại quỹ Trí chưa kịp nộp lên khoa và trường.

Phát hiện mất tiền, thằng Trí khóc như bố chết mẹ chết. Thôi thì đủ mọi cuộc họp kiểm điểm vụ mất tiền của Trí và tìm thủ phạm ăn cắp. Hết họp phòng rồi đến họp lớp, họp khoa, đủ mọi biện pháp thầy chủ nhiệm đưa ra dọa để thủ phạm phải khai nhận tội trộm cắp của mình mà trả lại tiền cho bạn.

Cả tuần đó, tôi như đứa luôn trong tình trạng lên cơn sốt rét. Nỗi sợ hãi khiến tôi lì mặt không hé răng nhận tội. Tôi đổ ốm luôn, người lúc nào cũng lên cơn sốt rét hoang mang. Cho đến khi thầy chủ nhiệm mời chú công an ở phường về họp để quyết tâm tìm ra thủ phạm thì bỗng nhiên hắn đứng lên nhận tội ăn cắp. 

Cả lớp đại học ớ người ra choáng váng vì thủ phạm có hành vi ăn cắp đê tiện xấu xa lại chính là hắn, lớp trưởng gương mẫu. Người choáng váng nhất là tôi, bởi tôi mới chính xác là kẻ ăn trộm tiền của Trí, còn hắn đâu phải là thủ phạm, hắn đứng ra nhận tội vì lẽ gì chứ, tôi không tâm sự việc ăn trộm tiền với hắn, hắn đâu có biết tôi ăn cắp tiền để mà nhận tội thay tôi. 

Tại sao, vì lí do gì hắn lại làm cái việc đi tự nhận mình là thằng ăn cắp trong khi tôi mới chính là kẻ cắp.

Nhà trường đuổi học hắn ngay tắp lự, cho dù chỉ còn hơn một năm cuối nữa thôi là chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Tôi run sợ không dám nói ra với hắn tôi mới chính là kẻ cắp vì tôi quá cần tiền nộp học. Tôi sợ bị đuổi học, sợ bố mẹ đánh, sợ mất tương lai, sợ mọi cánh cửa phía trước đường đời bỗng nhiên sẽ khép chặt lại khóa tôi trong nỗi tủi nhục sợ hãi. 

Tôi run sợ đến hèn nhát và vô lương tâm khi không dám nhận tội trước lớp, trước các thầy cô giáo và bạn bè, mà im thin thít mặc cho đứa bạn thân nhất của tôi chịu án kỷ luật nặng nề vì đã nhận tội thay tôi…

Hôm tiễn hắn về quê, tôi vác cái lương tâm rách nát của tôi đưa hắn ra bến xe về nhà. Chúng tôi đi bên nhau mà không ai nói với ai lời nào. Tôi đông cứng vì dằn vặt, vì hèn nhát, vì sợ hãi, vì sĩ diện. Còn hắn, hắn cũng chẳng nói điều gì cả…

Chỉ đến khi đưa hắn lên tàu xong, xếp đặt cái hòm gỗ chặt đầy quần áo sách vở của hắn xong, tôi buồn bã đi xuống ga, hắn mới gọi tôi quay lại giọng hắn lạc cả đi: "Mi phải chịu khó học, bằng mọi giá phải học cho tốt, đừng để xảy ra điều gì mà rồi không tốt nghiệp được đại học thì đời mi sẽ xuống vũng bùn đó. Nhớ lời tau".

Tàu chạy rồi tôi thất thểu trên sân ga và ngồi thụp xuống khóc như mưa như gió. Tôi kết thúc năm cuối đại học trong mặc cảm và nỗi buồn vô tận. Một nỗi mặc cảm giày vò khiến cho tôi đủ tỉnh táo để không bao giờ lặp phải sai lầm nào nữa trong cuộc đời mình, nhưng nó cũng khiến cho tôi không còn cất lên nổi nụ cười sảng khoái vô tư lự như những ngày xưa…

Tôi ra trường rồi chuyển lên thành phố làm việc. Lễ Tết, tôi vẫn về làng và sang nhà thăm bố mẹ hắn để tìm hắn. Tôi tự nhủ phải tìm bằng được hắn để quỳ xuống xin lỗi hắn vì chuyện năm xưa mà tôi đã gây ra cho hắn quá lớn… 

Nhưng tôi không tìm được hắn. Gặp tôi, mẹ hắn khóc như mưa. Bố hắn thì vằn mắt lên giận dữ. Bố hắn nói nhà này không chứa chấp quân ăn cắp. Tôi đau đớn bặt tin hắn từ đó…

Nhưng quãng 5 năm sau, thật bất ngờ trong một cái Tết, hắn bỗng dưng lù lù xuất hiện ở nhà tôi. Hắn tìm tôi. Gặp được tôi hắn lao vào ôm chầm lấy tôi mừng húm và cười sảng khoái. 

Còn tôi, gặp lại được hắn, lần thứ hai trong đời thằng đàn ông trong tôi bật khóc như một đứa trẻ. Hắn thấy tôi khóc thì cười ha hả. Hắn kéo tôi đi sang nhà hắn. Mâm cơm bố mẹ hắn đã soạn sẵn chừng chỉ đợi hai đứa chúng tôi bước vào. 

Hắn trịnh trọng mang tấm bằng tốt nghiệp đại học Sư phạm loại giỏi ra khoe với tôi, và khoe với bố mẹ. Hóa ra từ ngày hắn bị đuổi ra khỏi trường đại học, và bị bố mẹ từ mặt, hắn đã tự đi làm thuê, chủ yếu là đi dạy gia sư để lấy tiền nuôi sống mình và tiếp tục quay trở lại ôn thi vào đại học Sư phạm.

Hắn nói, hắn đã có lỗi với bố mẹ, gây đau khổ cho bố mẹ nên hắn muốn thi lại vào đại học Sư phạm, và nối nghiệp bố mẹ để tạ lỗi với bố mẹ, báo đáp bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm loại ưu, hắn được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Hôm nay hắn cầm bằng đỏ về và báo đáp với mẹ về việc hắn đã được ở lại trường làm việc.

Suốt cả bữa cơm có đông đủ bố mẹ hắn và chú bác cô dì, tôi nâng chén rượu mà nước mắt cứ trào ra. Tôi mừng quá mà khóc, ân hận quá mà khóc, hèn nhát xấu hổ quá mà khóc. Thương bạn vì tôi mà chịu bao nhọc nhằn vất vả, nước mắt đàn ông của tôi không kìm giữ được cứ ứa ra.

Còn hắn thì cười phớ lớ: "Đàn ông đàn ang gì, mới có dăm năm không gặp mi mà giờ mi mau nước mắt như đàn bà. Cái thằng đàn ông trong mi biến mô rồi". Tôi im lặng ngửa cổ uống rượu, nước mắt cứ thế nuốt ngược vào trong, nghẹn ngào không nói thành lời.

Tan cuộc rượu, tôi và hắn ra bờ sông ngồi. Bóng tối đen thẫm trước mặt... Tôi và hắn cứ thế ngồi lặng bên nhau không nói nên lời, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ. Hồi lâu, tôi cất tiếng hỏi hắn: "Tau nợ mi cả cuộc đời này, tau muốn lạy sống mi".

Hắn trả lời: "Mi điên à, 5 năm mới gặp, không có chuyện chi vui hơn để nhắc sao. 5 năm qua tau không gặp mi vì tau bận quá, giờ mới xong việc mới có thời gian đi tìm mi. Mi biết đó, tau phải làm lại mọi thứ, phải ôn thi, phải đỗ đại học và học xong cầm tấm bằng đỏ về cho bố mẹ khỏi khổ vì tau, có thời gian mô mà đi tìm mi nữa".

Tim tôi nhói lên đau đớn: "Mi tha lỗi cho tau nhé, tau quá hèn nhát, tau không xứng với tình bạn của mi".

Hắn phá lên cười: "5 năm chưa đủ cho mi quên hết chuyện cũ sao. Tau biết, chỉ có cách xa mi hẳn luôn 5 năm, may ra mi mới quên được mọi chuyện, sẽ yên tâm mà học mà sống tốt... 

Mọi việc đã được giải quyết ổn rồi mà. Tau không gặp mi trong 5 năm qua là tau cố ý để cho mi có thời gian mà quên đi những giày vò ân hận, để tiếp tục học tập phấn đấu. Tau không thể để mi ngã chết bởi cái lỗi hồ đồ nhỏ nhặt của tuổi trẻ dại dột. 

Tính mi yếu đuối tau biết, thế nên tau phải đứng ra đỡ hộ. Mà mi nhắc lại làm chi, tau quên chuyện đó lâu rồi. Thôi mi quên hẳn chuyện đó đi, tau chỉ chậm mất có 3 năm sau mi thôi, giờ đã đuổi kịp mi rồi đó. Cẩn thận không khéo tau còn cưới vợ trước mi".

Trong bóng đêm hắn quàng lấy cổ tôi và cứ thế hai thằng ôm lấy nhau. Tôi vẫn không kìm được cơn xúc động, nước mắt chảy ra... Trong bóng đêm tôi thấy vai hắn rung lên, những giọt nước mắt ấm nóng rơi xuống chạm vào tôi. Giờ thì hắn mới khóc thật. Những giọt nước mắt nóng hổi của chúng tôi hòa lẫn trong nhau.

Hắn nói: "Tau nhận tội thay mi thì tau chỉ mất 3 năm học, các bạn không ai bị đuổi học vì nếu không có đứa nào nhận, thầy sẽ đuổi cả 5 đứa ở phòng ký túc xá. Bản thân tau không bị tâm lý giày vò ám ảnh vì tau không phải là người có lỗi. Còn mi, việc mi phải chịu nỗi ân hận giày vò đã là quá lớn cho mi rồi, tau không nỡ để cho mi khổ thêm. Tau sợ khi mọi chuyện vỡ lở ra, mi bị đuổi học thì chắc chắn mi sẽ không đủ tinh thần để học lại, thi lại... với lại nhà mi nghèo, bố mi dữ dằn, ông sẽ đánh mi chết". 

Thương mi, tau không nỡ để mi rơi vào vực thẳm. Bạn bè mà, đỡ nhau khi gặp khó. Có thế thôi mà cũng phải nói lời to tát". 

Từ kỷ niệm nhớ đời đó và bài học đầu đời khá khốc liệt của tôi, cho đến giờ chúng tôi đã có thêm 30 năm ở bên nhau. Vậy là hơn 50 năm, chúng tôi gắn bó với nhau. 

Cũng thật lạ, nhiều khi ngồi uống rượu với nhau, cả hai thằng đều bật cười tự hỏi: "Hay là kiếp trước bọn mình là anh em thật đấy, nên kiếp này mới dính phải nhau như của nợ thế này".

Nhưng phải thú thật, thi thoảng trong giấc ngủ chưa lúc nào bình yên, tôi vẫn mơ mình bị truy đuổi vì tội ăn trộm tiền của bạn. Những giấc mơ khiến cho tôi đổ mồ hôi khi thức dậy... Những giấc mơ đã dạy tôi trong suốt cuộc đời mình phải sống thật điềm đạm, chuẩn mực, nghĩ trước nghĩ sau để không bao giờ có cơ hội một lần nữa phạm phải lỗi lầm...

Nhưng thằng bạn tôi mỗi lần cà phê sáng, nghe tôi kể về giấc mơ toát mồ hôi hột kia thi thoảng vẫn lần về truy đuổi tôi, hắn lại cười khơ khớ... hắn nói may cho tôi, nhờ lỗi lầm mà tôi mới nên người thành đạt như hôm nay.

Phụ trách trang: Nhà văn Như Bình
.
.