Hà Nội của ngày xưa

Chủ Nhật, 26/10/2014, 14:51

Từ lúc tôi có ý thức về thế giới quanh mình, tôi thấy thời gian biểu của gia đình là 9 tháng Hà Nội, 3 tháng Sầm Sơn. Xen kẽ với những ngôi nhà ở Sầm Sơn, là những ngôi nhà Hà Nội.

Ngôi nhà xa nhất trong ký ức là ở phố Tám Mái. Trộn lẫn với hiện tại, tôi hình dung cái tên Tám Mái là một khu chung cư cao tầng, nhưng màu xám xấu xí. Ngược lại, người lớn nói với tôi rằng đó chỉ là 1 dãy nhà kéo dài, tám gian. Ở phố này, tôi chỉ có mỗi một ấn tượng mạnh: đó là xem Bà Bé Tí ngồi trên xe tay đi qua phố. Con phố đã nổi danh vì có nhà Bà Bé Tí – một má mì mà đám lính Tây rất thích đến đó mua vui. Bà Bé Tí – chính là tên của Tây đặt cho bà. Có lẽ họ thích của lạ, mà thời đó chân dài chưa là tiêu chuẩn của vẻ đẹp như thời nay. Một lần, ước mơ được chiêm ngưỡng người đẹp của tôi được thực hiện: tôi thấy bà đi qua trong chiếc xe tay kéo, bé tí, trắng nõn, môi tô son đỏ hình quả tim… Kiếm được bộn tiền nhờ hành nghề ấy, bà ban phát từ thiện, lại còn xây một hương án thờ các vị vua có công đức. Thật đúng với câu vè dân dã thường được gắn với tên bà: “Làm đĩ mà có tàn có tán, có hương án thờ vua”…

Ở Hà Nội cũng như Sầm Sơn, ba tôi luôn thuê nhà để ở… Lại một đứt đoạn. Tôi chỉ nhớ tiếp đó là một nhà to hơn, hai tầng, với dãy nhà phụ. Tôi nhảy lò cò giữa sân, còn ba tôi đứng trên gác ném xuống cho tôi loại đường để ba uống cà phê. Đó là loại đường vuông bọc trong giấy bóng mờ - thứ đường đó ngày nay chỉ còn đóng trong hộp. Hồi nhỏ tôi bị coi là đanh đá, vì luôn phải đối phó với các anh học trò của ba tôi (ba mẹ tôi luôn chu cấp cho dăm bảy anh học sinh nghèo, ở dãy nhà phụ). Lúc họ đi học về, thường hay trêu chọc tôi nếu gặp tôi ở sân. Một dàn cây hoa pháo màu da cam leo trên cánh cổng sắt màu xanh: cánh cổng ấy đồng thời cũng khép lại toàn bộ hình ảnh về ngôi nhà (có lẽ ở phố tên Tây là Duvigneau?). Không thấy chị Hạnh của tôi nhắc đến trong hồi ký Cô bé nhìn mưa dù chị viết nhiều về ngôi nhà ở phố Phạm Phu Thứ. Ảnh giữ lại ở album: U em, như người mẹ thứ hai của tôi bế tôi đứng trước một cổng sắt mà tôi nhớ là xanh lá cây, rất đồ sộ trong ký ức của trẻ con. Tôi được cho ra chợ Hàng Da mua kẹo thuốc bào. Chợ ở một vuông đất không có mái. Kẹo thuốc bào được người bán rút ra từ bắp kẹo kéo (không có lạc), bọc vải, to như một cái bắp chuối. Phải đứng đợi bàn tay cực khỏe của người bán kẹo bẻ gãy một đoạn to bằng 4 đầu đũa cả, rồi lại dùng 2 tay cứ thế mà xoay như người ta đánh guồng tơ, chốc chốc lại quật xuống khay bột trước mặt bay ra trắng xóa, cho đến khi nó thành một cuộn tơ màu trắng ngà, thơm mùi quế, ngon nhất trong mọi thứ kẹo.

Phố Hàng Bè.

Cũng như những cái gì quá hoàn hảo, giờ đây nó không còn tồn tại trên đời này nữa. Tôi đã ở nhà ấy có lẽ vào khoảng từ 4 đến 6 tuổi, và đã hiểu biết hơn, thậm chí đã vô tình được “giác ngộ lý tưởng”, vì lớn lên tôi được biết đó là thời kỳ Mặt trận Bình dân. Tòa soạn báo Le Travail và Notre Voix xuất bản bằng tiếng Pháp có 4 trụ cột thanh niên mà tôi luôn nhớ do một trật tự trầm bổng nào đó của phát âm: Khanh, Kỳ, Tri, Quản. Anh Kỳ thì nhăn nhó, anh Tri thì cao lớn, vui vẻ nhưng rất bận rộn, chỉ cười cười khi gặp chúng tôi. Còn anh Khanh, anh Quản là hai người cực kỳ vui tính, yêu trẻ con. Cả bốn anh đều ở dưới tầng hầm nhà chúng tôi. Riêng hai anh Khanh và anh Quản, buổi tối, tôi được nằm bên các anh, đắp cái chăn len gai rẻ tiền vì nó cứ gai gai đâm vào da tôi.

Thỉnh thoảng nghe tiếng rao “Lạc (kì) Tàu, Lạc (kì) Tàu, bố cu boong!” (Lạc Tàu, lạc Tàu, rất ngon) bằng cái giọng Việt lơ lớ Tàu lại nói tiếng Tây, một anh lại đút tiền qua cửa sổ, tóm lấy mấy gói lạc nóng rẫy, cùng nhau xoa vỏ rồi ăn nóng, bùi. Rồi cả lũ nằm co chân lên dậm thình thịch xuống ván tấm thảm để đánh nhịp, hát cả bài ta lẫn bài Tây. Bài ta lúc ấy còn có giọng cải lương:

Phố Hàng Mắm.

Dậy dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn là đèn khai sáng, rạng khắp hoàn cầu
Sỹ nông  công thương ngàn dặm
Xe tàu điện, tàu nước, tàu bay…

Hai bài Tây tôi thuộc nhất là Quốc tế ca (L’Internationale) và Đội cận vệ trẻ (La Jeune garde). Lời bài hát trên có một câu không giống hẳn lời Việt:

Debout les damnés de la terre
Debout les forçats de la faim
…Du passé, faisons table rase (Với quá khứ ta hãy san bằng)
…L’Internationale sera le genre humain

Còn bài sau đây thì không thấy dịch ra tiếng Việt:

La Jeune Garde, la Jeune Garde qui descend sur la pavé.
C’est la route finale qui commence
C’est la renvanche contre les coquins…

(Đội Cận Vệ trẻ, Đội Cận Vệ trẻ đang xuống đường
Đây con đường đi tới kết thúc đang bắt đầu
Đây là sự trả thù bọn quấy đảo…)

Những bài hát này thường là hành khúc của những người biểu tình lúc đó còn được Pháp cho phép. Tôi chỉ được dắt đi xem, làm cái đuôi của đoàn biểu tình.

Tàu điện.

Sau đó, tôi còn nhớ đến hai ngôi nhà gần chợ Hàng Da nữa. Một nhà có hai cầu thang từ sân dẫn lên hai phía khác nhau, một bên là nhà tôi, một bên là nhà bác Hoàng Minh Giám. Thỉnh thoảng tôi lại ghé mắt nhìn sang bên kia vì nghe thấy có tiếng cung đàn nhã nhạc: bác Giám gái đang lên đồng, múa rất đẹp và thay đổi những bộ quần áo sặc sỡ… Ở một nhà khác, tôi chỉ nhớ cái lan can ở tầng trên, nơi ba tôi ngồi làm việc. Tôi vẫn là cục cưng của ba, đi đâu cũng được đi theo, và được lên gác, nơi ba làm việc cho yên tĩnh. Tôi tha hồ túm lấy cái lan can nhảy theo nhịp của một con bé ở nhà đối diện, cũng xây dựng theo kiểu có lan can gỗ ở cửa sổ không chấn song. Cho đến lúc hăng hái quá, đập mồm vào lan can chảy cả máu mới khóc lóc chạy xuống nhà.

Hồi ấy, bác Phan Thanh, cũng dạy Trường Thăng Long với ba tôi, được Đảng chọn để tranh cử Nghị viện: thời Mặt trận Bình dân, thực dân Pháp phải theo phong trào của chính quốc, mới xảy ra chuyện đó. Nhưng bác Thanh ốm nặng, đề nghị thay vào chỗ bác là ba tôi, và ba tôi đã thắng cử. Tôi chỉ biết chuyện đó khi đọc Tóm tắt tiểu sử của ba tôi khi ông đã mất. Còn tôi chỉ giữ lại một hình ảnh về bác Phan Thanh: bác ngồi trên giường, cởi trần, bắt tay ba tôi và nhìn tôi cười hiền hậu, không một dấu vết của nỗi đau thể xác. Ra về, ba tôi giải thích: Bác bị bệnh “hậu bối” (có nghĩa là bác có một khối ung nhọt rất to ở sau xương sống), không thể nằm được, rất đau đớn… Tôi chưa từng thấy đám tang nào thời ấy lớn như đám tang bác. Cả một rừng người, đặc biệt là học trò, đi theo linh cữu bác. Một nhà giáo lẫy lừng, dũng cảm, khi ra đi làm cho ba tôi đau đớn vô cùng. Tôi lại thấy ba ngồi trầm ngâm với điếu thuốc lá, có lẽ lúc ấy không phải để nghĩ về văn chương…

Hà Nội, tháng 10/2014 (Trích Hồi ký)

Đặng Anh Đào
.
.