Gương mặt vỉa hè

Thứ Sáu, 27/11/2015, 12:38
Luôn tồn tại mặc định, việc buôn thúng bán bưng là của phụ nữ. Nên, những người đàn ông chọn đó làm kế mưu sinh thường rất đặc biệt. Họ, hoặc vô cùng hiền lành, kiệm lời ngồi thu lu ở một góc chợ, khản cổ rao hàng trên chiếc xe cọc cạch, hoặc cực khéo miệng và hài hước, câu trước chưa buông, đã thấy khách khoái trá cười ngặt nghẽo. Người đàn ông trong câu chuyện này thuộc kiểu tính cách thứ hai.

1. Anh chừng 50 tuổi, người to bè, kềnh càng, da sạm đen lưu dấu tháng ngày từng trải, gương mặt thoạt trông hầm hố, bặm trợn dễ át vía người đối diện. Bù lại, trời cho anh giọng nói rổn rảng, nhộn vô cùng. Và khi anh nở nụ cười thì cái ấn tượng e dè ban đầu trôi đi đâu mất. Giữa trưa oi nồng, nếu sực nhớ là vẫn chưa có gì trong bụng thì bạn có thể ghé qua gian hàng của anh bên hông siêu thị, đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu. 

Vài món nước đơn thuần, bình dân, dễ tìm nhưng sự ân cần của anh luôn khiến khách phải hài lòng và tủm tỉm cười trước độ vui tính của chủ quán. Gọi gian hàng cho sang, thực ra “cần câu cơm” của anh là một chiếc dream cà tàng, treo tủn mủn, nào chanh ớt, nào mỳ gói,… 

Phía sau yên chở cái thùng thiếc láng cóng hai bên kéo dài xuống cặp mé gác chân cho người ngồi sau. Anh tận dụng khoảng đó đặt tô qua sử dụng. “Tui bán ở đây, gom tô về nhà rửa cho sạch. Chứ rửa tại chỗ dơ lắm!”. Rồi anh chỉ vào cái giỏ nhựa to đùng đặt giữa cổ và yên xe: “Đó, ngày nào tui cũng chở theo mớ tô sẵn ở nhà”. 

Trong thùng đặt nồi nước lèo, nước trụng, bếp ga mini truyền ở phía dưới. Bên trên có lọ ớt xay sẵn, lọ hành phi tóp mỡ anh tự làm, chén để chanh. Kế bên là chiếc hộp đựng bánh canh được anh cẩn thận trụng sẵn ở nhà rồi rưới nước lèo lên để bánh canh không vón lại và thấm vào từng sợi. Ngoài cùng, anh kê chiếc tủ kính nhỏ đựng nào xương, nào thịt, nào bò viên. Một cái bảng nho nhỏ dựng cặp thùng, giới thiệu những món anh bán kèm giá tiền chung hết cho cả nui, mỳ, bánh canh.

Mọi thứ được anh bày biện thật hợp lý, tiện dụng và sạch sẽ. Anh vừa múc tóp mỡ cho khách vừa khoe với tôi bí quyết thắng sao cho đậm đà, cho thơm dẫu những múi hành không đẹp như ở chợ bày bán sẵn. Mắt anh lấp lánh tự hào: “Vầy nó mới ngon, hồi đầu đâu có biết mà rồi nghề dạy nghề”.

Nếu bạn không ngại đồ ăn vỉa hè thì có thể kéo chiếc ghế bất kỳ để quanh xe, gọi món thích nhất và có thể “thưởng lãm” cách anh chăm sóc khách. Ăn xương, thịt hay bò viên? Chanh ớt đầy đủ hen? Rồi anh sẽ “cướp” luôn cái thú bỏ ớt, vắt chanh của khách bằng cách tự làm để khách không dính tay và để đám vỏ chanh đi đúng chỗ. Khánh quen hay lạ, bình dân hay sang trọng đều được anh ân cần y vậy.

Có điều, khách nữ sẽ được anh ưu ái mời ngồi vào phía trong, khuất khuất chút để họ được tự nhiên. Húp một muỗng nước lèo trong veo, đậm đà và nức mũi mùi hành phi, mới cảm nhận được sự kỹ tính và yêu nghề của người bán. Những quãng vắng khách, anh sẽ tự thưởng cho bản thân cái thói quen ngồi xa xa, len lén chiêm ngưỡng độ hài lòng của khách. 

Lâu lâu, anh cất tiếng thăm dò: “Bữa nay, xương nấu vậy mềm hông?”. Và nếu lần đầu khách ghé, anh sẽ tận dụng khoảng trống nào đó để “quảng cáo”: “Thứ 6 bánh canh cua nghe, ghé thử! Mấy ngày còn lại đều y vầy. Chủ nhật không có bán.” Rồi cười hề hề. Có bà khách quen, một bữa quở: “Hình như hủ ớt này, chú bỏ mới cay nhen. Bữa nào tui tự nêm, đỏ lừ tô mà không xi-nhê gì ráo”. Anh cười hề hề, nghĩ chắc khách thương nên nói vậy. Mấy hôm sau, một cậu nhóc là mối ruột của anh bảo: “Thôi chú nêm đi, con nêm nó không cay”.

Khách của anh, phần đông là giới lao động bình dân, nhân viên siêu thị và những cô cậu học sinh của ngôi trường cấp 3 gần đấy. Bọn trẻ rất thích và quý anh. Vì đồ ăn ngon, vì sự ân cần và cả sự vui tính của người bán nữa. Chừng ấy áo trắng mà đứa nào anh cũng nhớ mặt, nhớ cả thói quen, câu chuyện riêng rẽ. Một cậu trò khoái chí: “Chú ơi, chú nói chuyện vui quá trời quá đất hà!”. 

Anh cười, tay thoăn thoắt cắt thịt, múc bánh canh: “Bây hông biết chớ 3 phần 4 người vô Chợ Quán là do nghe chú nói đó nhen”. Cậu trò và đám bạn cười phát ngất: “Một phần tư còn lại đâu chú?”. “À, là bác sĩ với y tá đó!”. 

Tiếng cười của đám trò áo trắng tinh vút lên những ngọn cây cổ thụ bên vệ đường, trong veo như nắng sau mưa. Buổi trưa nào ở góc ngã tư này, dù nắng hay mưa cũng hồn nhiên tiếng nói cười. Những câu chuyện giản dị, đời thường, lúc nhanh lúc chậm như cuộc sống ngoài kia. Trống trường vang liền hồi, anh ngẩn ngơ nhìn theo bóng áo trắng khuất sau cổng. Chỉ còn anh cùng đám hoa nắng vương xuống lòng đường. Dội vào lòng anh mớ ký ức trong veo ngắn ngủi.

2. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong gia đình có 7 anh em, theo bao thăng trầm đổi thay của thời cuộc, chuyện học hành của anh nhanh chóng dở dang. Anh lao vào cuộc mưu sinh cùng mẹ, cùng anh chị em. Ở cái thời ai cũng như ai, mua chỗ này bán chỗ kia, tận dụng mọi tình huống để thoát khỏi ám ảnh của cái đói thì làm gì có chuyện đúng, sai. Miễn là không hổ thẹn, cắn rứt lương tâm. Thằng nhỏ mười mấy tuổi theo người lớn lên rừng buôn thuốc lá, ngược về xuôi buôn vàng từ Cần Thơ lên Sài Gòn. Lặn lội vào thâm sơn cùng cốc đốn gỗ. Chán bôn ba, trụ lại Sài Gòn buôn gạo.

Thằng nhỏ trở thành thanh niên hồi nào không hay. Dĩ nhiên, để tồn tại được trong bối cảnh ai cũng muốn tranh phần hơn, gã thanh niên ấy nhất quyết không phải dạng vừa. Thật may vì quãng đường lăn trải đã rèn cho gã cái tính xởi lởi, chất nghĩa khí, không khiếp sợ những kẻ ức hiếp nhưng biết cúi đầu trước lẽ phải. Bạn bè gọi anh bằng cái tên hào sảng, nức tiếng một vùng ngày ấy: anh Hai Bà Chiểu.

Để khi thời cuộc một lần nữa đổi thay, nhận thấy chẳng sống mãi được với nghề mua đi bán lại, anh nhảy qua đạp xích lô. Dành dụm được chút tiền, anh đi học sửa xe. Một người bạn ở Mỹ Tho thấy anh thạo nghề, đang sẵn có vốn, kêu anh về mở tiệm, tiền lời chia đôi. Không từ chối được sự nhiệt thành của bạn, anh gật đầu. Vốn liếng anh mang theo là vài thùng sơn từ tiền bán chiếc đồng hồ đeo tay. 3 năm sau, em của bạn thạo nghề, bạn đổi tính, anh bàn với vợ, ra mở tiệm riêng cách đó vài căn.

Góc bán hàng bên vỉa hè của anh Nguyễn Đình Dân.

Thêm 9 năm nữa ở Mỹ Tho thì má của anh gọi về. Thương má già yếu, phần xa Sài Gòn đã lâu, nghĩ bụng có nghề nên ở đâu cũng vậy, anh bán tất cả về lại Sài Gòn, thuê mặt bằng mở tiệm. Rủi thay, trong vòng một năm, vốn liếng dành dụm bao năm lần lượt ra đi. Anh trả mặt bằng, thuê xe ra chạy xe ôm. Dần dà, gom góp cũng mua được cái xe cho bản thân.

Trời không phụ lòng kẻ khó, ít lâu sau anh xin được chân thợ sơn tại một phân xưởng. Anh thạo nghề, tính tình nghĩa khí, được chủ thương quý như bạn hữu, cất nhắc lên làm quản đốc, bảo: “Khi nào tao còn, mày còn”. Lại cảnh trâu buộc ghét trâu ăn, lòng người thay đổi, 3 năm sau anh trở lại rong ruổi đưa đón khách vãng lai. Trong số đó, có những cô gái ăn sương.

Cậu em vợ thương ông anh, xin giúp một chân giao hàng tại siêu thị Coopmart. Mỗi chuyến, dù xa hay gần, người giao hàng được 6 ngàn đồng và không được thêm bất cứ chế độ nào nữa. Giá xăng nhảy lô tô, bụng người giao hàng cũng đánh trống theo. Chẳng biết lấy lòng người giao hàng, bất bình trước việc thiếu công bằng trong việc phân công những chuyến xa, anh thôi việc sau 6 năm không quản nặng nhọc.

Dường như, ở anh chưa bao giờ có khái niệm ngơi nghỉ và sự bế tắc. Một cuộc đời quá nhiều biến thiên, chứng kiến quá nhiều sự đổi thay của lòng người, vậy mà anh vẫn lạc quan, yêu đời. Anh nói: “Có gì đâu mà buồn, làm chuyện này không được thì làm chuyện khác. Người tốt với mình vẫn đầy. Ăn thua là ở mình thôi!”. “Ăn thua là ở mình”, với anh là ai tốt, ai vui thì chơi, không tốt không vui thì tránh đi một chút.

Vậy là, anh đóng thùng đi bán bánh canh. Một ngày của anh bắt đầu từ 4 giờ rưỡi sáng, ra chợ đầu mối lấy hàng. Chế biến xong xuôi cho 70 tô thì đồng hồ điểm 10 giờ rưỡi sáng, anh cho hết lên xe, chạy một tiếng rưỡi từ Hóc Môn về quận 3. Chỗ “neo” xe này là một tình cờ, hay cũng là một duyên phận. Bởi hồi đầu anh nghĩ bụng, kiếm chỗ nào quen quen cho có khách, ai ngờ lại gắn bó luôn với chỗ siêu thị ngày xưa. 

Ngó quá ngó lại, đã hơn 5 năm rưỡi. Tôi cà rỡn: “Chà, anh cưng vợ quá hen? Giành làm hết…”. Anh cười hề hề: “Bả ở nhà phụ tiệm cơm cho người ta, chỗ quen mấy chục năm rồi. Mấy cái này nhẹ hều, tui làm cái một, có gì đâu!”. “Ủa, anh chị đi suốt vậy chắc con cái cũng lớn?”. “Ờ, thằng lớn 28 tuổi có gia đình rồi”. “Có một người hả anh?”. “À, 3 đứa, mỗi bà một đứa!”.

Chuyện riêng của anh hết sức thú vị. Thoáng nghĩ, cái tính vui vẻ, nói câu nào mắc cười câu đó, được nhiều người thương gần như là lẽ đương nhiên, có muốn tránh cũng không tránh được. Anh đáng quý ở chỗ, người phụ nữ nào anh thương đều được chu toàn. Chưa bao giờ anh mang nỗi vất vả, khó khăn của cuộc đời trút lên vai họ. Đàn ông, như vậy, đã được xem là bậc trượng phu. Anh tên Nguyễn Đình Dân. Ông nội anh đặt cho cháu cái tên này, hy vọng sau này cháu trở thành dân biểu. Bạn bè anh vẫn ghẹo: “Thì mày thành dân biểu rồi đó, ai kêu gì cũng dạ”. Còn anh cười lớn: “Ai cũng hỏi tui sao đứng đây bán được? Tui nói chắc tại tui cháu ông Nguyễn Đình Chiểu”.

Một bà khách Nhật ghé Sài Gòn ăn món vỉa hè, tình cờ qua chỗ anh. Rồi bà trở lại viết cả một cuốn sách về món ăn lề đường, quay video, trong đó, bà trang trọng dành cho anh cả một trang báo. Đám học trò thấy clip trên youtube, nhận ra anh, ào ào chạy ra khoe: “Chú Dân ơi, chú ở trên youtube nè!”.

Lê Phan
.
.