Gửi lệ vào thiên thu

Chủ Nhật, 23/08/2009, 08:10
"Chim kia chết dưới cội đa/ Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà/ Mai ta chết dưới cội đào/ Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu". Thi sỹ Phạm Thiên Thư đã từng viết những câu thơ như vậy, những câu thơ hay và lạ, trong tập "Động hoa vàng". Ta có thể tự đặt những câu hỏi: Ai khóc? "Ta" là ai, liệu có phải là chính nhà thơ? Tại sao lại nhỏ lệ vào thiên thu?...

Sự trả lời sẽ khó khăn đến nỗi có lẽ ta đành phải nghe theo lời khuyên của Xuân Diệu: "Ai đem phân chất một mùi hương". Thế nhưng, cái giọt lệ thiên thu ấy vẫn cứ tồn tại như một nỗi ám ảnh dai dẳng. Giọt lệ, tiếng khóc. Có biết bao giọt lệ, bao tiếng khóc khi đã được chưng cất thành thơ thì đồng thời cũng ướp mùi vĩnh cửu. Khóc cho mình, khóc cho người, khóc cho nhân thế, những giọt lệ ấy ứa ra từ vết xước của trái tim, một lần cho mãi mãi.

Trước nhất, phải nói đến tiếng khóc trầm thống nhưng vô thanh của Đặng Dung, bài "Cảm hoài": "Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca/ Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa/ Trí chủ hữu hoài phù địa trực/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà/ Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỉ độ long tuyền đới nguyệt ma" (Vân Trình dịch: Việc thế lôi thôi tuổi tác này/ Mênh mông trời đất hát và say/ Gặp thời, đồ điếu thừa nên việc/ Lỡ vận, anh hùng luống nuốt cay/ Giúp chúa những lăm dựng cốt đất/ Rửa đòng không thể kéo sông mây/ Quốc thù chưa trả già sao vội/ Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chày).

Đặng Dung, con Đặng Tất, người làng Tả Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Đời Hồ, khi nước ta bị giặc Minh xâm chiếm với chiêu bài phù Trần diệt Hồ, cha con ông theo giúp Giản Định đế Trần Ngỗi. Về sau Trần Ngỗi giết Đặng Tất, ông bèn bỏ Trần Ngỗi theo Trần Quý Khoáng chống nhau với giặc Minh và thắng nhiều trận.

Sau cùng, nghĩa quân yếu thế, tan rã, ông bị giặc bắt và đưa về Yên Kinh, giữa đường ông nhảy xuống sông tự tử. Không rõ Đặng Dung sáng tác bài "Cảm hoài" trong thời điểm nào, song bằng vào cảm hứng phẫn hận thể hiện rất rõ trong bài thơ, ta có thể suy đoán rằng nó bật ra không phải trong thời điểm Đặng Dung thừa thắng xông lên đầy phấn khích, mà có lẽ vào lúc nghĩa quân đã ở thế tuyệt lộ, thậm chí lúc Đặng Dung đã bị giặc bắt.

Trong bài thơ, ở hai câu thực, tác giả đã ngậm ngùi rút ra một nhận thức có vẻ như nghịch lý nhưng thực ra lại là thuận lý: gặp thời vận thì một anh hàng thịt hay một anh câu cá vẫn có thể làm nên sự nghiệp, không gặp thời vận thì người anh hùng đầy mình tài năng và chí khí cũng đành nuốt chén hận thất bại mà thôi.

Tư tưởng về "thời" và "vận" ở đây thoạt cứ ngỡ như một tư tưởng duy tâm, nhưng có lẽ, nó được tổng kết từ vô số trường hợp đã xảy ra trong thực tế lịch sử, và được tổng kết từ chính cuộc đời của tác giả. Thất bại nhãn tiền, thất bại là điều không có cách nào thay đổi được, nhưng người anh hùng không cam tâm. Mâu thuẫn ấy đẩy tới cực điểm đã khiến toàn bộ bài thơ nhuốm một sắc sầu bi tráng.

Nỗi sầu của người anh hùng ở đây không phải nỗi sầu tầm thường, mà nó là nỗi sầu được đo bằng khoảng mênh mông của trời và đất. Tiếng hát cuồng ấy (hàm ca) phải chăng cũng là tiếng khóc? Cái chén hận mà người anh hùng lỡ vận phải nuốt ấy (ẩm hận) phải chăng cũng là chén lệ, là giọt nước mắt cay đắng lặn vào bên trong?

Nói về thất bại, nhưng bài thơ của Đặng Dung lại thể hiện khá đậm cái "hào khí Đông A" vốn đặc trưng cho tinh thần của con người Đại Việt thế kỷ XIII- XIV. Giọt lệ vô ảnh trong tác phẩm là giọt lệ của kẻ "tài cao, phận thấp, chí khí uất" (thơ Tản Đà), giọt lệ người anh hùng nhỏ xuống để khóc cho cái chết tức tưởi giữa chừng của những hoài bão to lớn mà mình hằng theo đuổi.

Nếu giọt lệ "Cảm hoài" của Đặng Dung khiến cho muôn đời sau phải nảy sinh lòng kính ngưỡng, thì giọt lệ "Ai tư vãn" của Ngọc Hân công chúa lại khiến cho bất cứ ai dễ xúc động cũng phải mủi lòng chia sẻ với nỗi đau mất chồng của một bà hoàng hậu.

Ngọc Hân công chúa là con gái vua Lê Chiêu Thống. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, với sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống đã gả Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Bất chấp những toan tính như thường thấy ở một cuộc hôn nhân vương giả, mối quan hệ giữa Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân chắc chắn được duy trì bằng tình bằng nghĩa chứ không phải bằng những lợi ích chính trị trước mắt hay lâu dài của cả hai bên.

Bởi thế, khi vua Quang Trung băng hà, Ngọc Hân công chúa đã viết "Ai tư vãn", một tiếng khóc chân thực và đầy thống thiết, tiếng khóc tiếc thương cho cái chết của phu quân - vị hoàng đế anh hùng, và cũng là tiếng khóc xót thương cho chính mình. Ngọc Hân tả tài năng và công đức của vua Quang Trung: "Nghe trước có đấng vương Thang, Võ/ Công nghiệp nhiều, tuổi thọ thêm cao/ Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước biết bao công trình/ Nghe rành rành trước vua Nghiêu, Thuấn/ Công đức dày ngự vận càng lâu/ Mà nay lượng cả ơn sâu/ Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần".

Tài năng ấy, công đức ấy có thể sánh ngang với Nghiêu, Thuấn, Thang, Võ, những ông vua hiền trong huyền sử Trung Hoa, vậy mà vua Quang Trung lại không được hưởng lộc trời như họ. Ngọc Hân đau xót, và bà ao ước đổi mạng mình để cho chồng được sống: "Công dường ấy mà nhân dường ấy/ Cõi thọ sao hẹp mấy Hóa công?/ Rộng cho chuộc được tuổi rồng/ Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi".

Tuy nhiên, thực sự lay động tâm can người đọc ở "Ai tư vãn" thì phải là những câu người viết tự nói về mình, tự bộc lộ mình trong nỗi đau mất mát không thể nào hàn gắn nổi. Sự sống động của những kỉ niệm về người đã khuất khiến cho có lúc bà rơi vào chập chờn ảo mộng: "Khi trận gió hoa bay thấp thoáng/ Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu/ Vội vàng sửa áo lên chầu/ Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng!/ Khi bóng trăng lá in lấp lánh/ Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi/ Vội vàng dạo bước tới nơi/ Thương ôi vắng vẻ giữa trời sương sa!".

Sương khói của ảo mộng tan dần, nỗi nhớ về vị hoàng đế băng hà thu hẹp lại, nhường chỗ cho cái cảm nhận về một thực tại trần trụi là một nỗi cô đơn: "Giờ sao bỗng thờ ơ lặng lẽ/ Tình cô đơn ai kẻ xét đâu/ Xưa sao gang tấc gần chầu/ Trước sân phong nguyệt trên lầu sinh ca/ Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi/ Tin hàn huyên khôn hỏi thăm lênh/ Nửa cung gãy phiếm cầm lành/ Nỗi con côi cút nỗi mình bơ vơ!".

Đến đây, có thể nói giọt lệ và tiếng khóc trong "Ai tư vãn" không chỉ là giọt lệ và tiếng khóc của một bà hoàng. Nó đã "đời" hơn: nó là tiếng khóc và giọt lệ của một góa phụ, nó là lời ai oán tự thương cho cái cảnh mẹ góa con côi giữa biển đời nhiều giông tố. --PageBreak--

Và ở phương diện này, "Ai tư vãn" có lẽ khá gần với "Chinh phụ ngâm": tiếng khóc và giọt lệ của người vợ lính - nhân vật trữ tình trong "Chinh phụ ngâm" là tiếng khóc và giọt lệ của một phụ nữ phải sống trong cảnh "tạm" góa. (Nếu so sánh kỹ hơn, hai tác phẩm này còn trùng nhau cả ở những trường đoạn nhân vật trữ tình trải lòng mình bằng cái nhìn hướng ra không gian: trông Đông, trông Tây, trông Nam, trông Bắc).

Không dễ để một bà hoàng có thể bộc lộ nỗi niềm riêng tư và nhỏ lệ trước thiên hạ một cách thống thiết đến thế, không cần che giấu đến thế. Chỉ riêng ở điểm này có lẽ đã đủ để "Ai tư vãn" của Ngọc Hân công chúa trở thành một tiếng khóc thiên thu!

Khóc cho mình, khóc cho người. Giọt lệ gửi vào thiên thu còn có thể nhỏ xuống để xoa dịu nỗi đau của không chỉ một cá thể nào đó, mà là nỗi đau của phận người, của kiếp làm người nói chung. "Cung oán ngâm" của Nguyễn Gia Thiều là giọt lệ mang trong bản thân nó sức trĩu nặng như vậy.

Xuất phát từ dòng suy ngẫm triền miên của người cung nữ bị thất sủng, đang phải chịu cảnh cô đơn vò võ nơi thâm cung, "Cung oán ngâm" bật ra những câu khái quát về kiếp người, về ý nghĩa của tồn tại người cực kỳ u ám: "Trăm năm nào có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì". Con người không là gì cả trước Hóa công: "Quyền họa phúc trời tranh mất cả/ Chút tiện nghi chẳng trả phần ai". Con người sống giữa cuộc đời bấp bênh như bèo bọt giữa biển cả: "Sóng cồn cửa bể nhấp nhô/ Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh", và thê thảm như một bóng ma: "Đất bằng bỗng rấp chông gai/ Ai đem nhân ảnh nhuốm màu tà dương". Trong "Cung oán ngâm" có một tiếng khóc - tiếng khóc chào đời của đứa trẻ, nhưng cũng là tiếng khóc đưa ma một kiếp người: "Thảo nào khi mới chôn nhau/ Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra".

Tuy nhiên, như sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu, "Cung oán ngâm" là một tác phẩm mang đậm tính chất quý tộc, vì vậy có thể nói giọt lệ của "Cung oán ngâm" - tiết ra từ những tư tưởng siêu hình - khá xa cách với sự tiếp nhận của phần đông công chúng.

Cũng là sự xót thương cùng khắp như "Cung oán ngâm", nhưng gần gũi hơn, có lẽ phải kể tới "Văn chiêu hồn" của Nguyễn Du. "Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh lẽo xương khô/ Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuộm bạc lá ngô rụng vàng/ Đường bạch dương bóng chiều man mác/ Dịp đường lê lác đác sương sa/ Lòng nào lòng chẳng thiết tha/ Cõi dương còn thế nữa là cõi âm". "Văn chiêu hồn", ngay ở những câu mở đầu đã phác lên một không gian mất hết sinh khí, nó bàng bạc rờn rợn cái sắc màu và hơi hám của cõi âm.

Không gian ấy như một vùng đệm, từ đó người đọc bị dẫn thẳng xuống thế giới của những hồn ma, và ở đây, chúng ta nghe thấy tiếng khóc của Nguyễn Du cho những người đã chết, và có thể, cả những người đang sống (vì có ai trốn được quy luật sinh tử?): "Trong trường dạ tối tăm trời đất/ Có khôn thiêng phảng phất u minh/ Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người".

Thập loại chúng sinh là những ai? Là "kẻ tính đường yêu hãnh, chí những lăm cất gánh non sông", là "kẻ màn loan trướng huệ, những cậy mình cung quế phòng hoa", "kẻ mũ cao áo rộng", "kẻ bài binh bố trận", "kẻ tính đường chí phú", "kẻ rắp cầu chữ phú".

Và dưới nữa, là "kẻ vào sông ra bể", "kẻ đi buôn về bán, đòn gánh che chín dạn hai vai", "kẻ mắc vào khóa lính", "kẻ nhỡ nhàng một kiếp, liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa", "kẻ nằm cầu gối đất", "kẻ mắc đoàn tù rạc", và có cả "những đứa tiểu nhi tấm bé, lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha". Nghĩa là tất thảy các hạng người hợp thành cõi người. Nhìn cõi người qua thế giới quan Phật giáo, Nguyễn Du đã khóc cho cõi người lầm lạc trong ảo cảnh, ngập ngụa trong bến mê, không sao thoát khỏi luân hồi.

Với thi sĩ Đinh Hùng, tiếng khóc ấy đem lại cảm giác: "Ai mà không thốt nhiên rùng mình, ít nhất cũng thấy lòng se lại trong một niềm tê tái thoáng qua, giữa đêm khuya chợt nghe tiếng khóc đám ma hoặc tiếng đóng cá quan tài từ đâu văng vẳng" (Người thơ thuần tuý Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh, in trong "Chân dung Nguyễn Du", Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1971).

Và, để nói về sức sống vĩnh cửu của tiếng khóc - giọt lệ Tố Như tử trước những người đã chết, có lẽ cũng ít ai nói hay hơn tác giả của tập thơ "Mê hồn ca": "Thiếu Văn tế thập loại chúng sinh, những "cô hồn thất thểu dọc ngang", những "đoàn vô tự không hương không khói", những "hồn đơn phách chiếc", những "hồn xiêu phách lạc", những "hồn đường phách xá", những "hồn mồ côi lang thang trong trường dạ"... tóm lại, tất cả những cô hồn nheo nhóc đang tìm hóa sinh trong cõi âm huyền mờ mịt sẽ thiếu một nguồn bác ái tuyệt vời làm phương thuốc siêu sinh tịnh độ, thay giọt nước cành dương cứu khổ giải mê, ít nhất cũng thiếu một bản nhạc giao cảm dành riêng cho âm hồn. Trên đường thiên cổ, những vong hồn không nơi nương tựa sẽ bơ vơ biết bao nhiêu! Và thế giới của người chết, nếu vắng cung đàn chiêu niệm của Tố Như sẽ còn thê lương tịch mịch đến chừng nào?" (Đinh Hùng, bài đd).

Tôi không thể đoan quyết trong thơ Việt Nam tự cổ chí kim đã có bao nhiêu giọt lệ thơ được gửi vào thiên thu, như những giọt lệ thơ kể trên. Tôi chỉ chắc chắn rằng chúng phải tận độ chân thực, chúng tiết ra từ những trái tim đầy ắp tình người và những ngọn bút đầy ắp tài năng

Hoài Nam
.
.