Gieo hạt nơi nào

Chủ Nhật, 15/11/2015, 11:48
Các loại hạt nông sản lẫn hạt hoa, trái có sức sống lạ kỳ. Chúng nảy mầm dù không đất, lăn bất cứ góc nào hạt cũng có mầm tách vỏ chui ra, kể cả trong đáy túi bỏ quên. Sức sống và vẻ đẹp của hạt mãi không thể mất.

Thương nhớ bà nội 5 năm vắng

Mùng Một tháng Chín Nguyệt lịch, tôi mua xôi gấc thắp hương. Mỗi lần mua, tôi đều nhắc cô hàng nhớ cho hạt gấc vào. Vì lâu quá rồi tôi không thấy giàn gấc nào. Xôi lẫn hạt gấc, cảm giác là xôi gấc thật. Người đa nghi lại nhắc: “Đừng cả tin. Kẻ bán còn thả sâu vào rau để lừa khách là rau sạch, cũng có thể lấy hạt gấc trộn vào xôi phẩm đỏ”. Cái này thì tôi biết. Màu của phẩm không thể như màu của gấc. Mấy năm nay, tôi thường xuyên mua những hộp dầu gấc cho mình và thân nhân uống, gửi sang Pháp quả gấc ương lẫn dầu gấc Việt Nam, người nhà quý lắm.

Hạt gấc như bánh răng cưa. Chiếc bánh xe - hạt này đang dẫn tôi chậm trên những con ngõ của khu tập thể phía Tây Hà Nội, nơi gia đình tôi đã sống gần 40 năm. Dốc Cầu Giấy thời ấy dốc hơn, bến cuối tàu điện. Mỗi chi tiết của cơn nhớ nhói hoài niệm ký ức, tựa một thứ hạt lấp lánh, vẫn sáng lên, nảy mầm, bất chấp thời khắc, thời tiết, thời gian.

Hạt là từ chỉ một bộ phận của thực vật, cũng là hình thái của sự vật kết tinh từ đá sỏi, đất, cát bụi thiên nhiên đến kim loại, trang sức. Loại hạt nào cũng có sức sống và giá trị riêng. Bây giờ tôi dành nhớ thương cho hạt cây. Đi chợ thời nay thật tiện, chẳng cần ra chợ lớn, chợ cóc, chợ tự phát, hàng rong len lỏi khắp nơi.

Những bà nội trợ nhàn hơn vì mọi thực phẩm đều được làm sẵn. Bầu, bí, mướp gọt hộ miễn phí. Tôi ít ăn mướp vì nhớ bà tôi. Khi quá nhớ người thân đã mất, tôi thường trốn cảnh huống, chi tiết gợi lại hồi có họ. Hai năm trước, tôi đã dặn cô bán rau kiếm cho tôi quả mướp khô, giống mướp hương để làm giẻ rửa bát, lấy hạt gieo. Mướp dễ sống, không cần chăm bón, chỉ cần có cành, giàn để leo, vừa cho bóng mát lại cung cấp rau sạch.

Từ bé, tôi đã được bà dạy về công dụng của nhiều cây trái. Cây mướp chẳng bỏ thứ gì, lá để chùi nhựa mít, quả khô để kỳ lưng, thứ “khăn tắm” dễ chịu. Bánh xe - hạt đang dừng trước khoảng sân ngôi nhà bà tôi, nơi bà trồng cây mướp hương, giàn trĩu quả thơm. Tôi thường leo lên mái, cắt mướp cho bà bán. Bà còn bán chè Thái Nguyên, dành những đồng tiền tảo tần để chắt chiu cho các chú học hành, cưới vợ... 

Một lần, bà cho tôi xem hộp sắt tây bà rất quý, trong có lá thư của chú Cương tôi gửi từ Sài Gòn ra, có một đoạn tôi đọc một lần nhớ mãi: “Mẹ ơi, những ngày này, ngoài Bắc lạnh lắm, con lo cho bệnh hen của mẹ. Sắp tháng Chạp rồi, mẹ chuẩn bị Tết đến đâu? Cứ vào cữ này, con lại nhớ những cái Tết từ ấu thơ bên bố mẹ. Bao nhiêu năm mẹ phải gom góp chuẩn bị các loại hạt từ mùa hè để lo cho Tết”.

...Bước vào nhà, tôi thấy bà đang lăn chiếc chai thuỷ tinh vào mẹt đỗ. Những năm thiếu thốn, ông công tác Hà Nội, bà vất vả bốn con. Bà kể, một lần nọ đi tàu xuống Hà Nội, bìu ríu các con, mang cân chè, lạc cho ông, bà cũng bị nhân viên hoả xa suýt tịch thu. Mảnh vườn nhỏ trong sân nhà tôi trồng cây ổi, táo, me. Đất tốt, cây nào cũng trĩu quả, xanh tươi. 

Nơi mảnh vườn ấy, bà dạy tôi những bài học đầu tiên về gieo hạt. Giống ớt quả to, cay xé lưỡi, cà chua có múi, gieo xuống. Thật hãnh diện khi tự tay hái ớt cho bố, hái cà chua cho bà nấu canh. Lâu lâu được bà làm cho quả cà chua hấp nồi cơm, lúc ăn trộn với đường. Giữ hạt, chọn hạt, gieo hạt là ý thức quý cây không chỉ để cải thiện bữa ăn hay thêm thắt thu nhập mà là mở ra hiểu biết, gắn kết thiên nhiên sự sống về ý thức biết chăm sóc, chịu trách nhiệm. 

Để hiểu được những tục ngữ: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, “Trồng cây đến ngày ăn quả”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cần qua trải nghiệm thực tế. Cây lớn lên từ cành, từ rễ, từ hạt. Từ Liêm ngày ấy là huyện ven đô, có rất nhiều cánh đồng, dưới nền chợ xe máy bát nháo của quận Cầu Giấy (từ 1997) bây giờ là đồng lúa Dịch Vọng. Dưới nền Làng Quốc tế Thăng Long là lúa, đầm sen, bãi cỏ. May nhờ tuổi thơ thiếu vật chất ấy, bây giờ tôi mới được trù phú tâm hồn. 

Cuối Thu, hạt cốm cựa lòng lá sen nhớ những mùa lúa sữa, lúa tẻ, lúa nếp vào thì trổ đòng hạt đều toả hương. Chúng tôi tuốt đòng đòng dọc bờ ruộng, kề bên ao cá nay đang xây toà nhà Discovery 50 tầng. Lối ruộng cỏ có bụi duối quả vàng, với tay rút đòng đòng, cắn hạt non, sữa trắng. Bạn tôi, nhạc sĩ Tạ Giáng Son, đã tốt nghiệp đại học sáng tác bằng giao hưởng Đồng xa. 

Chúng tôi ở trong khu văn nghệ sĩ của Bộ Văn hoá tại Cầu Giấy và Mai Dịch. Khu Mai Dịch còn gọi là “Đồng xa”. Chục năm nay, đồng lúa từ Dịch Vọng đến Mai Dịch, Mỹ Đình, Mễ Trì đều bị xóa sổ; những chung cư, toà nhà, cầu vượt đã cướp các cánh đồng. Đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài sang Trần Thái Tông “xé đôi” làng cốm Vòng, Dịch Vọng hậu. Giờ tìm cánh đồng đúng là rất xa. 

Hơn 7 năm nay Hà Nội đã mở rộng lên tận Hoà Bình. Tôi không hãnh diện gì về một Thủ đô kềnh càng, ngổn ngang công trường, xô bồ, bụi rác. To về diện tích mà không đồng bộ về chất lượng sống, văn hoá, dân trí thì sự to ấy chỉ là cái áo thùng thình trên cơ thể thiếu chất. Qua Bát Tràng kề bên Hà Nội, khu đô thị Ecopark đang được dân giàu ưa chuộng, ngợi ca. 

Giếng làng. Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

NSND Hoàng Cúc, người đã mê hoặc khán phòng Nhà hát Lớn khi độc diễn Cánh đồng cứu rỗi tối 1/12/2012, mua căn hộ ở đây đã gọi Ecopark là một “thiên đường”. Còn Giáng Son và người chồng Mỹ cũng mới về đây định cư. Từ tầng 8 chung cư, chị vẫn được ngắm đồng lúa, rau. Thật may mắn. Son thích nơi này để tập trung sáng tác, dù mỗi ngày vẫn phải đi gần 25km/lượt để trở lại Đồng Xa, dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nơi bố mẹ và anh chị đang sống.

Thiên đường mới mọc lên từ cánh đồng - thiên đường sự sống ngàn đời. Nửa đêm 16/10, tôi xem VTV2, một phóng sự của Truyền hình Công an Nhân dân làm về sự ô nhiễm môi trường ở Hưng Yên. Cùng một tỉnh, có Ecopark thiên đường; lại có sông, kênh, cánh đồng “địa ngục”. 

Bốn khu công nghiệp đã lấy rất nhiều ruộng của các huyện ở đây. Đa phần các công ty nhà máy này không đặt quy trình xử lý nước thải tiêu chuẩn. Họ xả thẳng ra hệ thống nông giang. Chỉ một số rất ít bị bắt quả tang, xử phạt khi xả thải vào ban đêm. Bà con vẫn cố tranh thủ trồng cấy trên những thửa ruộng chờ quy hoạch. Bờ sông, kênh mương đen ngòm, cây cỏ chết, lúa lên xanh ngắt kỳ dị. 

Mấy bác nông dân ai oán: có mảnh ruộng lúa không hạt, nơi ra hạt thì cho thứ gạo đen xì, chúng tôi không ăn được, phải nấu cho lợn. Tất cả là do thuỷ lợi ô nhiễm nặng. Những con lợn ăn thứ gạo đen ấy bán chợ nào? Ai đã và sẽ mua? Bây giờ thực phẩm quê hay những gì gắn với chữ “sạch” thành một danh từ đầy sức nặng kham tải chức năng trấn an cho những thị dân thời công nghiệp hoá phát triển không bền vững, thời mà sự thực dụng tham lam chộp giật thành chuyện thường! 

Đâu chỉ lỗi tại các khu công nghiệp, ngay những người nông dân cũng ác với những cánh đồng. Vì lợi nhuận, một số đã phun thuốc sâu, thuốc độc hại để lúa, hoa màu nhanh cho thu hoạch, chừa lại lúa an toàn cho nhà mình. Thuốc phun chưa đủ ngày, vừa phun hôm trước, hôm sau đem bán; vỏ nhựa, nilon của các loại thuốc diệt sâu diệt cỏ vứt ngay bờ ruộng, ném xuống lòng mương. Côn trùng, ếch nhái, rắn, cua cáy, cá tôm ngày càng ít. Những thứ của đồng quê từ rau tập tàng đều thành đặc sản nơi thành phố và tất cả đều gắn chữ sạch, chữ quê như một thứ bảo đảm, sành điệu. Người ta tự ăn, lừa mị nhau và lừa mị mình trong sự âu lo lấp liếm.

Tình trạng biến đổi khí hậu, thiên nhiên bị tàn phá khiến xu hướng phát triển bền vững thành mối quan tâm liên kết toàn cầu. Còn nhiều người trong chúng ta, dân của đất nước nông nghiệp lâu đời, nông dân chiếm đa số thì ít lo lắng hay sự vất vả khiến họ không thể yêu đồng ruộng, tìm mọi cách - bằng mọi giá rời bỏ, thoát ly.

Thanh niên bỏ hết ra thành phố; nông thôn còn lại người già, trẻ con. Trẻ thành phố cắm đầu vào ipad, chơi game hơn là thế hệ bố mẹ ông bà say sưa đọc sách. Chúng có thể trồng cây, trồng hoa, trồng rừng hay thậm chí phá rừng bằng những cái lướt tay cảm ứng hay những cú click chuột. Trẻ con là tương lai nhưng người lớn thực dụng, đảo điên mấy ai nghĩ đến những cánh đồng, thiên nhiên đang hẹp, mất từng ngày?! 

Hà Nội có 401 xã nông thôn, các tỉnh đang bê tông hoá đường làng, ráo riết quá trình “nông thôn mới”. Khi đặt câu hỏi ái ngại, lo lắng về những đứa trẻ ngày nay sướng hơn thời xưa nhiều, song ít hiểu biết về thế giới tự nhiên, nhiều người úi giời cứ cho chúng về quê là biết hết. Trẻ thành phố học gần suốt mùa hè, những đứa trẻ thời fast food thông minh hơn, già dặn hơn, nhưng thế giới quan hẹp và nghèo hơn.

Hạt là giống của cây. Hạt luân hồi vòng đời. Hạt còn là thực phẩm đa dạng. Hạt gieo trồng bằng tay người, máy tra hạt và số ít nhờ các loài chim. Sự phát triển công nghệ làm nên nhiều thức, trái mùa. Những trang trại rau, hoa, trái hiện đại đáp ứng nhu cầu bằng công nghệ lai, ghép, biến đổi gen. Phát triển bền vững đòi hỏi sự cân bằng tự nhiên, muôn loài cần nương tựa và nhau để sống. Loài người tham - ác nhất, giết, hại, làm tận diệt và tuyệt chủng nhiều cây, nhiều loài thực vật và động vật. 

Băng tan, nước biển dâng, Trái đất nóng lên đe dọa về nguồn thực phẩm cho loài người. Tương lai về sức sống Trái đất không khiến số đông bận lòng. Những công dân, người tiêu dùng xanh, biết tôn trọng hệ giá trị đích thực, tự nhiên, bảo vệ môi trường - một tiêu chí để đánh giá con người văn minh - chỉ là thiểu số. Người ta ngày càng giàu lên về vật chất mà đang thiếu thốn về tinh thần. Thiếu cây xanh, cánh đồng, rừng, tâm hồn con người sẽ cằn cỗi.

Ngày mai của con cháu chúng ta, còn bao nhiêu cánh đồng để gieo hạt?

Các loại hạt nông sản lẫn hạt hoa, trái có sức sống lạ kỳ. Chúng nảy mầm dù không đất, lăn bất cứ góc nào hạt cũng có mầm tách vỏ chui ra, kể cả trong đáy túi bỏ quên. Sức sống và vẻ đẹp của hạt mãi không thể mất.

Cây mướp sân nhà bà tôi cứ héo rồi lại mọc. Ngâm hạt gấc chín, tôi ra khoảng sân nhỏ nhà mình, những chậu đất chờ áp Tết mới trồng hoa. Tôi vùi hạt gấc bằng xót thương. Những đứa trẻ đọc gì, xem gì, hiểu biết gì lệ thuộc vào người lớn. Có bao nhiêu cặp cha mẹ dạy cho con về tình yêu với những hạt mầm?

Nhà thơ Phạm Hổ trìu mến kể Chuyện hoa, chuyện quả. Những bài thơ về cây cối, động vật, của nhiều tác giả yêu quý thiếu nhi đều có trong giá sách nhà tôi. Con là thứ hạt quý nhất của kiếp người, tôi sẽ gieo vào con vô hạn yêu thương, nhân hậu. Con vật, cái cây, cọng cỏ, hạt cây đều có linh hồn. Sức sống bền bỉ của những loại hạt tự nhiên vẫn nảy mầm chồi và lớn lên trong mỗi người biết nhớ. Tôi sợ một ngày hạt cỏ héo khô trên những đồng cỏ trụi trơ bị bỏ hoang cát bị vùi lấp bằng phế thải, vật liệu vẫn cố ngoi lên sau mỗi trận mưa. Trùng Khánh, Cao Bằng quê nội của tôi là nơi duy nhất Việt Nam có rừng hạt dẻ. Trong truyện cổ tích châu Âu, hạt dẻ kỳ diệu linh ứng ước mơ. Ngay tại Cao Bằng, người sống tại Cao Bằng kỳ công mới mua được hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu. Người ta chặt phá dẻ, dừa, thốt nốt cho lợi nhuận ngắn hạn trước mắt.

Hạt hạt nức nở, tức tưởi được vỗ về bằng hạt mưa - nước mắt trời, bằng hạt lệ - nước mắt người. Kiếp hạt đời hẹp khe khẽ bài ca diệp lục li ti. Bánh xe - hạt gấc chồng hình con nước ruộng bậc thang, đồng hồ thời gian đang mơ những cánh đồng đừng mất thêm nữa! Cánh đồng của tâm hồn tôi ôm ấp hạt mầm con, mỗi ngày sống tôi đều hát và đọc cho con những câu về thiên nhiên yêu quý. Mỗi ngày tôi lại hoà dầu gấc vào cháo cho con. 

Những hạt ngũ cốc - ngọc thực nuôi sống người. Thầm mong người tốt với người, đừng bạc, bạo tàn với hạt thóc, những loại hạt của đời. Giá đừng mất thêm những loại hạt cây. Giá những bộ não khô cứng, những tâm hồn bê tông không tăng ngùn ngụt như những công trình chiếm đoạt cánh đồng. Tôi gieo vào con tôi niềm tin mùa hạt phồn sinh kỳ diệu. “Nếu một ngày chẳng còn gấc, thị/ Mẹ vẫn gieo hạt bằng màu, hương/ Tặng Con tuổi thơ đầy cây trái!”(*). 

Vi Thùy Linh
.
.