Gian nan chuyện văn chương lên sóng

Chủ Nhật, 05/09/2010, 14:25
Chúng ta đang sống trong thời kinh tế thị trường, thời đại mà bất kỳ sản phẩm nào do con người làm ra - dù đó là sản phẩm tinh thần hay sản phẩm vật chất - cũng đều có thể và cần phải trở thành thương phẩm. Người ta vẫn nói vậy, và điều đó hẳn phải có cái lý của nó.

Khi tất cả đã là thương phẩm, điều tất yếu kéo theo là thương phẩm cần phải được đưa vào guồng máy tuyên truyền quảng bá, càng sớm càng tốt, càng rộng càng liên tục càng hay, cái đích chót cùng của việc này là tạo sự hấp dẫn cho thương phẩm, hút người tiêu dùng đến với nó.

Với loại thương phẩm vẫn được định tính là "đặc biệt" như tác phẩm văn chương, cứu cánh của việc tuyên truyền quảng bá, ngoài lợi nhuận kinh tế, còn có một ý nghĩa nhân văn: chắp đôi cánh cho sự kết tinh giá trị nghệ thuật và tư tưởng của người nghệ sĩ ngôn từ được bay cao hơn, xa hơn trên những khung trời tiếp nhận.

Đã nói tới cứu cánh ắt phải nói tới phương tiện. Không cần biện giải dài dòng thì ai nấy cũng đều biết một sự thực: trong số những phương tiện đã và đang được sử dụng vào việc tuyên truyền quảng bá cho thương phẩm (nói chung) hiện nay, truyền hình là phương tiện mang nhiều lợi thế nhất, và có thể nói là mạnh nhất. Một quan chức cấp cao của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có lần cho biết: Một chương trình bất kỳ của VTV, phát ở kênh nào và phát vào giờ nào, dù là giờ "dở hơi" nhất trong số 24 giờ của một ngày, cũng có ít nhất 5 triệu khán giả!

Minh họa của Lê Phương.

Không chắc đây đã là số liệu chính xác có được từ một thống kê xã hội học nghiêm chỉnh, nhưng theo cảm nhận chủ quan của tôi, số liệu này không cách xa sự thực là mấy. Vì thế, có thể nói, nó là một con số đáng thèm muốn đối với các tờ báo giấy: trong làng báo Việt Nam hiện tại, một vài tờ báo được coi là có lượng phát hành lớn, thì cũng chỉ "lớn" đến mức ba, bốn trăm ngàn bản/số là cùng.

Độ chênh lệch ấy chính là lời cắt nghĩa thuyết phục nhất cho việc bất kỳ người kinh doanh nào cũng coi chuyện tuyên truyền quảng bá sản phẩm của mình trên sóng truyền hình là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch PR. Nếu người kinh doanh không làm, chẳng qua là anh ta chưa đủ sức để làm, vì mức chi phí cho quảng cáo sản phẩm trên sóng truyền hình không nhẹ nhàng chút nào.

Nhưng, với tác phẩm văn chương, tạm gác bài toán lợi nhuận kinh tế của việc nó được tuyên truyền quảng bá trên truyền hình - tương quan giữa chi phí đầu vào và hiệu quả đầu ra - sang một bên, thì vấn đề khó khăn nhất là vấn đề của người làm truyền hình, mà cụ thể là những người chịu trách nhiệm làm chương trình để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phổ biến tác phẩm văn chương trên sóng. Xin hãy tạm hình dung như sau:

1. Tác phẩm văn chương quyết không phải là sản phẩm cùng loại với chai bia Heineken, bánh xà bông hiệu Lux, chiếc tivi Sony Bravia hay vỉ sữa chua Ba Vì v.v... Nó là một cái gì đó khác, rất khác- tôi sẽ không sa đà vào việc phân tích sự khác biệt này - vì thế mà người làm truyền hình không thể nghĩ đến việc thực hiện chương trình quảng cáo cho nó theo cách anh ta thường làm với những sản phẩm kia: những clip sống động, vui nhộn, ngộ nghĩnh, bốc lửa, giật gân, kỳ quặc, gây sốc v.v... chắc chắn là không phù hợp với tác phẩm văn chương.

Ai có ý định quảng cáo tác phẩm văn chương theo kiểu này, người đó nên chuẩn bị căng tai đón nhận những tiếng la ó phản đối từ phía công chúng khán giả nói chung và giới cầm bút nói riêng. Cần phải chậm rãi từ tốn hơn, và đó là cách mà chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách" của VTV đang làm.

Thời gian đầu, hiệu quả của chuyên mục này là khá rõ: tác phẩm nào được giới thiệu ở đây ngay lập tức sẽ được người đọc tìm mua kìn kìn ngoài hiệu sách. Nhưng sau một thời gian vận hành thì nảy sinh bất cập, mà hẳn là những người làm cũng tự nhận thấy: sự đơn điệu về hình ảnh.

Vài phút trên sóng thực ra cần rất nhiều hình, thế nhưng người xem chỉ thấy hình ảnh của cuốn sách bị "vần vò" trước mắt mà thôi: hết bìa một lại bìa bốn, hết trang đầu lại trang giữa, lia ngang rồi lia dọc, zoom ra rồi zoom vào. (Nói vậy, nhưng với tư cách một người làm truyền hình, nếu tôi được cấp trên giao cho làm chuyên mục này, thú thực là tôi cũng chẳng thể nào làm khá hơn).

Nếu nói thêm, thì phải nói ý này: sự đơn điệu khó tránh về hình ảnh có thể được giảm nhẹ phần nào bằng sự đa dạng hóa và cá tính hóa của lời bình, nhưng có vẻ như những người làm chương trình lại bị phụ thuộc khá nhiều vào lời giới thiệu và những lời bình luận mà người làm sách đã chuẩn bị sẵn trên sản phẩm của họ. Có lẽ chăng, do khối lượng công việc nhiều quá, dày quá, liên tục, nên họ đọc không xuể?--PageBreak--

2. Đó là nói về tác phẩm văn chương với tư cách một xuất bản phẩm cần được giới thiệu tới khán giả. Nếu bỏ qua cái hình thức tồn tại vật chất ấy và xét nó chỉ ở giác độ của một sản phẩm nghệ thuật ngôn từ thì sao? Thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn gấp bội:

Nếu tác phẩm văn chương là một thi phẩm (một bài thơ hoặc một trường ca), ít nhất, việc phổ biến nó đã được những chuyên mục như "Đến với bài thơ hay" và "Câu lạc bộ những người yêu thơ" của VTV đảm nhận từ nhiều năm nay. Thực tế là nhiều bài thơ hay - cũng như không ít bài thơ dở - đã qua sóng truyền hình mà đến với đông đảo công chúng từ những chuyên mục này. Nhưng cái hay của thơ có nhiều loại.

Có loại thơ "hay" khi nó được đọc to lên, khi được ngâm ngợi, luyến láy và được phụ trợ bởi nhạc cụ (piano, sáo, tam thập lục). Đây là loại được lựa chọn để lên sóng truyền hình. Và với lựa chọn này thì ngay lập tức diễn ra sự gạt bỏ thẳng thừng một loại "hay" khác của thơ: loại chỉ có thể "hay" khi nó được đọc bằng mắt, khi câu chữ của bài thơ chỉ vang lên trong tâm tưởng người đọc và bất cứ một thứ âm thanh vật chất nào cũng chỉ có một công dụng là gây nhiễu loạn cho sự cảm thụ. (Xin nói ngay rằng tôi không xét tới ở đây trường hợp những tác phẩm thơ bị coi là "có vấn đề" về tư tưởng hay quan điểm này khác).

Hãy tưởng tượng xem sẽ thế nào nếu trường ca "Mùa sạch" của Trần Dần hay thơ trong tập "Gửi VB" của Phan Thị Vàng Anh được ngâm, được đọc ầm ầm trên sóng truyền hình? Đó là chưa kể đến việc, ngay ở nhiều bài thơ thực sự hay của loại được lựa chọn thì cũng mắc phải kha khá lỗi trong khâu thể hiện.

Lỗi của người ngâm/đọc chẳng hạn: không cảm nhận đúng thi phẩm, người diễn viên ngừng nghỉ, nhấn nhá "bất tử", những chữ có góc, có cạnh, có thần trong bài thơ bị làm cho "bẹp gí", những chữ thuộc loại chữ đệm, chữ lót, chữ "tiêu dùng" thì lại được "long trọng hóa" quá mức; rồi giọng điệu lúc vui lúc buồn lúc rầu rĩ lúc hùng tráng cứ loạn xạ như kiến bò trên chảo nóng.

Lỗi của người đạo diễn chẳng hạn: cũng là do cảm nhận không đúng thi phẩm mà nhiều khi đạo diễn làm hình ảnh minh họa cho bài thơ hoặc theo cách rập khuôn thô thiển (người trong nghề nói vui với nhau là "bò sát"), hoặc chẳng ăn nhập gì với nội dung của nó, thậm chí là hình ảnh minh họa xuyên tạc nội dung!

Nếu tác phẩm văn chương là một truyện ngắn, không lẽ những người thực hiện chương trình phải biến truyền hình thành một kiểu "truyền thanh có hình": tìm một phát thanh viên xinh đẹp, giọng tốt, cứ thế ở trên màn ảnh đọc truyện từ đầu đến cuối? Chẳng ai dại gì mà đi con đường ngớ ngẩn như vậy. Và những người làm truyền hình đã tìm ra một lối thoát khả dĩ, đó là tiểu phẩm hóa các tác phẩm truyện ngắn. (Bản thân người viết bài này cũng đã từng thử sức với công việc này qua chuyên mục "Thưởng thức truyện ngắn", tồn tại khoảng 2 năm trên sóng VTV1).

Thế nhưng ở đây cũng có những rắc rối riêng của nó. Tiểu phẩm hóa truyện ngắn đặt ra yêu cầu bắt buộc là phải chọn những truyện ngắn thuộc loại có nhân vật, có cốt truyện, có tình huống thắt nút mở nút rõ ràng hợp lý, tức những yếu tố cần thiết để có một câu chuyện và để các diễn viên có thể "kể" câu chuyện đó qua hành động sân khấu của mình.

Yêu cầu ấy đồng nghĩa với sự bỏ qua dứt khoát loại truyện ngắn không nhân vật, không cốt truyện, hoặc có nhân vật có cốt truyện nhưng không rõ ràng. Oái oăm là không ít truyện ngắn vào loại cực hay lại nằm trong số này - "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam hoặc "Người đàn bà ngoại tình" của Albert Camus chẳng hạn.

Chưa hết, để biến một tác phẩm truyện ngắn thành một tiểu phẩm truyền hình - tức là biến một "cái để đọc" thành một "cái để xem" - người chuyển thể bắt buộc phải tiến hành thao tác cắt xén chỗ này, đắp điếm chỗ kia trên văn bản truyện ngắn, cốt tạo ra sự liên lạc hợp lý cho tiểu phẩm (ví dụ, những đoạn trữ tình ngoại đề hay những đoạn phân tích diễn biến tâm lý trong truyện ngắn chắc chắn là những phần văn bản không có quyền tồn tại trong tiểu phẩm). Kết quả là, về thực chất, khán giả truyền hình không "thưởng thức truyện ngắn", anh ta chỉ được xem một "dị bản truyện ngắn" mà thôi!

3. Hãy xét tiếp tới trường hợp tác phẩm văn chương là đối tượng để những người làm truyền hình có thể góp một tiếng nói, một quan điểm của mình vào dư luận chung về nó, khiến cho xã hội quan tâm hơn đến nó. Cách thích hợp và có hiệu quả nhất ở đây là làm talk show: mời dăm ba người tới trường quay (hoặc một địa điểm nào đó) để cùng trao đổi, thảo luận về các phương diện của tác phẩm.

Việc này thoạt tưởng là dễ nhưng thực ra không dễ như người ta tưởng. Nó đòi hỏi biên tập viên của chương trình truyền hình phải là người có vốn "văn hóa về văn học" tương đối thâm hậu, thêm nữa, anh ta phải liên tục cập nhật đời sống sáng tác đương đại. Từ góc nhìn chủ quan của tôi- tôi đã nói tới vấn đề này trong một  bài viết về văn hóa đọc của giới công chức văn hóa hiện nay - tôi không tin lắm vào sự hùng hậu của đội ngũ những biên tập viên truyền hình có khả năng chạm tới những đòi hỏi nói trên.

Vả lại, quyết định chọn tác phẩm nào để làm talk show, thì ngoài ý chí của biên tập viên còn có ý chí của lãnh đạo ở các cấp cao hơn, mà thực tế là không phải bao giờ hai loại ý chí này cũng gặp nhau. Và cho đến cùng, nếu việc tổ chức talk show truyền hình về tác phẩm văn chương để nhằm đạt tới một mục đích cụ thể là khiến xã hội quan tâm hơn đến nó, thì đây là một thực tế nhãn tiền: ai đã không quan tâm tới văn chương thì dù có làm cách nào cũng không thể khiến lòng dạ của họ bớt "trơ như đá, vững như đồng".

Còn với những con mọt sách thứ thiệt, loại người mỗi tuần phải đảo qua hiệu sách ít nhất một hai lần thì mới yên tâm, có vẻ như họ chẳng cần tới truyền hình để biết mình nên đọc tác phẩm nào, của tác giả nào!

Điểm qua vài nét như vậy để thấy rằng đưa tác phẩm văn chương lên sóng truyền hình quả là công việc còn lắm gian nan. Theo tôi, không phải không có những giải pháp, trước mắt cũng như lâu dài, để vượt qua những trở ngại này. Nhưng đó sẽ là nội dung của một bài viết khác

Hoài Nam
.
.