Giamilia của tôi

Chủ Nhật, 02/04/2017, 08:26
(Như mối tình đầu tôi dã đánh rơi)

Mình ngày nhỏ có chút xíu nên tạm gọi là thằng chọi con. Chọi con học lớp 8 thì con nhỏ học lớp 5. Năm đó, trường 40 lớp, có cả thảy 4 học sinh xuất sắc, không hiểu sao con nhỏ cũng có tên. Mình thì khác, nếu chỉ có 1 đứa thì đứa đó vẫn chính là nó. Nói chung, riêng chuyện này thì từ bé chí lớn, mình lười thay đổi.

Lãnh thưởng chung nên quen. Nổi bật giữa đám học trò nhà quê đen đúa, da mốc thếch, chân đi dép nhựa tái sinh là một cô bé trắng bóc, tóc thắt nơ, mặc váy có dây chéo cổ, đi dép da quai đan, kẹp ngón. Quý tộc chết đi được. 

Tư duy thẩm mỹ lớp 8 khẳng định vậy là đẹp. Mà đẹp là thích. Nó học lớp 5 chứ lỡ đã lớp 10 thì cũng cứ thích. Dù hôm đó không phải Valentine, mình cũng vẫn ga lăng xé ngay gói phần thưởng, tặng con nhỏ nguyên…. hộp phấn, thước kẻ, chỉ giữ lại vở và bút bi. 

Thật tình không tặng nó thì chọi con cũng chẳng biết mớ phấn đó có tác dụng quái gì. Thước kẻ lại càng không hứng thú, ám thị một cuộc đời về sau chẳng khi nào ngay hàng thẳng lối.

Kỳ lãnh thưởng năm sau thì không tặng mà đổi. Mình không so đo gì, mang hai cuốn “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” và “Đội thiếu niên du kích thành Huế” của mình đổi lấy “Giamilia – truyện núi đồi và thảo nguyên” của nó.

Khi gã chọi con học lớp 11, bắt đầu có ria mép thì con nhỏ tự nhiên lớn phổng lên, ra dáng thiếu nữ lắm, nói năng cũng hoạt bát. Phải tội chân không dài. Buổi chiều, nó hay chở em gái đi tắm mương Nhật, đi ngang khu tập thể trường cấp 3 nơi bổn giang hồ tá túc. Đột nhiên, mình trở nên ưa… trèo cây. Buổi chiều, cứ đúng giờ đó là trèo tuốt lên cây phượng cao nhất trong trường và ngóng ra đường, chả biết để làm gì...

Mất nửa bao thuốc Mai và một nắm hạt dưa đãi lũ bạn, thằng chọi con biết được con nhỏ sinh ngay sau Tết. Năm đó chọi con học 12, sắp thành giang hồ, con nhỏ hóa thành… nàng, học lớp 9. Da vẫn trắng, má vẫn hây hây, tóc dài, mắt càng lúng liếng, dù học thì hình như đã thành dốt. 

Tóm lại, khi ta 17 tuổi, nếu để ý đến một con nhỏ lớp 9 thì chắc chắn cái mà ta nghĩ đến không phải là học bạ hay bảng điểm của con nhỏ ấy. Của đáng tội, học trên 3 lớp mà mình  lớn hơn nàng có 2 tuổi.

Nàng 15 tuổi, gã giang hồ nhà quê thu hết can đảm tìm đến nhà nàng vào buổi tối, gọi tên nàng vang xóm. Mặc kệ nàng đây đẩy chối: “Ba em thấy, ba em oánh chết”, gã giang hồ chọi con vẫn dúi vội vào tay nàng… 15 tấm thiệp, vừa chúc Tết vừa chúc sinh nhật. 

Trong mỗi tấm thiệp là một bài thơ. Thơ viết gì thì quên rồi, nhưng hương âm của cái hôn lén, chỉ kịp phớt lên má, thì hình như vẫn nhớ. Hôn chưa xong là chạy trối chết, vì mấy con chó nhà nàng và nhà hàng xóm dữ quá, sủa nhặng cả lên. Gã chọi con gọi nàng cũng to, rất to, nhưng chắc là không ỏm tỏi như tiếng bầy chó sủa!

Đó là lần đầu tiên mình tặng thiệp sinh nhật cho con gái.

Hết hè năm đó, 17 tuổi, mình vào đại học. Trước khi nhập trường, gã giang hồ tương lai lại tìm đến nhà nàng, lễ phép xin ba mẹ nàng cho con gặp em một chút. Hai ông bà, thật ra cũng chưa lấy gì làm già, nhìn mình có vẻ ngạc nhiên vì thằng nhỏ táo gan, nhưng rõ là không có ý định phản đối.

Nàng đang học nhóm với đám bạn để ôn thi chuyển cấp lên cấp 3. Nàng ra, vẫn là câu cũ: “Anh đừng vô nhà, ba em oánh chết”. Thu hết can đảm, bổn giang hồ nắm tay nàng, chìa cuốn “Giamilia…” ra và bảo: “Mai anh đi. Giữ cho anh nhé, cây phong non trùm khăn đỏ?”. Đó cũng là lời đề từ mà mình ghi ở trang đầu. Nàng bảo: “Em có lấy cái khăn đỏ khăn xanh nào của anh đâu?”. Rồi vội vàng chạy vụt vô nhà. Kinh nghiệm giang hồ nhắc mình biết: nàng vội chạy trốn cái mà nàng đang chờ đợi.

Đứng như trời trồng giữa sân, mình nghe đám con gái trong nhà đấm nhau cười khúc khích hỏi ai vậy, ai vậy, có mà giấu nghen, cái gì đưa coi coi… Rồi tiếng nàng nói, cho ai nghe hổng biết: “Bậy nà. Con ông thầy, đi trả sách. Chả bị… khùng!”.

Sợ bị chó cắn, mình từ tốn rút lui có trật tự, lòng cứ thắc mắc mãi không biết mình khùng từ bao giờ. Cũng không biết giữ một cuốn sách 3 năm, ghi đề tặng, rồi mang đi gửi lại thì đó có phải là biểu hiện của chứng khùng không?

Gần 30 năm, câu hỏi vẫn còn nguyên giá trị, có thêm phần thặng dư là những cảm xúc đã rơi vãi dọc đường đời.

Cách đây độ 5, 6 năm, có một buổi chiều mình không trèo cây mà hứng chí rủ ông bảo vệ một nhà xuất bản đi làm vài be cuối tuần. Uống đến chừng chai thứ 6, ngà ngà, ông bảo vệ ấy đột nhiên xẵng giọng bảo: “Mày là thằng cà chớn!”. Tròn xoe mắt, mình hỏi: “Sao chú mắng con”. Ổng bảo: “Nó nói mày khùng, tao đã mắng nó hỗn. Ai dè mày khùng thiệt”. Rồi ông thở dài: “Tại nhà nhỏ, chớ chú đâu có định nghe. Bữa đó nó nói gì kệ nó, mày thích thì mày cứ hôn đại đi. Nghe nó làm gì, khùng quá!”.

Trời ơi, ngụm bia trong cổ tự nhiên đắng nghét! “Con nhỏ” ngày xưa, khi đó con đã lớn bằng má nó hồi gặp bổn giang hồ lần đầu. Giả lả cười, không hiểu sao lòng héo rủ. Đã không quay lại thì ngày xưa trèo cây, tặng phấn để làm gì?...

Ừ, đôi khi, à mà không, có lẽ cả đời, mình vẫn cứ là một gã khùng…

Nguyễn Hồng Lam
.
.