Ghét nhau thì…vẽ!

Thứ Sáu, 21/08/2009, 15:49
Ở thời nào và ở bất kỳ đâu, những người sáng tạo nghệ thuật, trong đó có các họa sĩ. vẫn được coi là nhạy cảm, dễ bị tổn thương "dù chỉ bởi một cành hoa" (mượn chữ của nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko). Thế nhưng, như tờ Komsomolskaya Pravda nhận xét, bản thân các họa sĩ dù chẳng có vũ khí gì ngoài bút lông và màu vẽ, cũng không dễ chịu "khoanh tay thúc thủ" khi họ cảm thấy họ bị "bắt nạt". Và họ ghét ai thì họ cũng biết cách "rửa hận" bằng nghệ thuật của mình.

Tháng 5 vừa qua, tại Anh đã xảy ra một vụ tai tiếng. Số là, đạo diễn  Guy Ritchie đã mời họa sĩ Peter Howson cùng tham gia vào một bộ phim mới. Howson đã mừng rỡ và thực hiện luôn một loạt những phác thảo.

Tuy nhiên, sau đó, Richie lại đổi ý và không thanh toán cho Howson tiền thù lao cho những bức phác thảo. Vốn tính cũng không vừa, Howson đã không chịu ngồi yên mà lập tức vẽ ngay một bức chân dung vợ của Richie, ca sĩ Madonna. Trong bức tranh đó, Howson không chỉ vẽ Madonna không một mảnh vải trên người mà còn ghép vào nhiều chi tiết  rất khó chịu.

Rồi họa sĩ cho treo bức chân dung này tại phòng tranh ở Glasgow cho khách tới thưởng ngoạn. Guy Ritchie tất nhiên đã nổi điên lên. Madonna cũng cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Nhưng họ không thể làm được gì để cấm Howson treo tác phẩm của mình ở phòng tranh.

Trong lúc đó, Howson nói tỉnh bơ rằng, nếu Richie không muốn để cho đông đảo người xem nhìn thấy vợ anh như thế thì anh có thể bỏ tiền ra mua về cất đi. Với cái giá là 15 nghìn bảng Anh, tức là bằng đúng số tiền mà trước đó Richie đã hứa trả cho phần mỹ thuật của bộ phim mà anh định làm cùng Howson!

Cũng cần phải nói rằng, đó không phải là vụ báo thù duy nhất của giới họa sĩ theo cách ghét nhau thì... vẽ!

Michelangelo đầy xuống địa ngục những kẻ đã xúc phạm tới mình

Một trong những thí dụ chứng minh rằng, không nên cãi nhau với các họa sĩ là câu chuyện đã xảy ra với danh họa Michelangelo trong thời gian ông đang thực hiện việc vẽ tranh tường nhà thờ Cappella Sistina ở Rome (1536-1541). Nhận được đơn đặt hàng từ Vatican, danh họa bậc nhất của thời Phục Hưng này đã tốn rất nhiều công sức để dựng nên cảnh tượng "Ngày phán xử cuối cùng". Đó là một công việc cực kỳ nặng nhọc và khổ nạn.

Michelangelo đã vẽ người xúc phạm tới ông thành quỷ Minos

Không có gì lạ nếu danh họa đã nổi giận khi vị cha đạo phụ trách lễ nghi Biagio da Chesena, cùng Giáo hoàng Paul III ghé vào xem ông làm việc, đã buột miệng chê bai tuyệt tác này:

- Những thân hình trần trụi này khiến tôi cảm thấy báng bổ và lạc lõng với một đền thờ thiêng liêng như thế này. Chúng có lẽ để ở trong tửu quán thì hợp hơn - Biagio da Chesena quở trách.

Giáo hoàng khôn ngoan không nói gì cả. Và khi những vị khách không mời ấy đã ra về rồi, Michelagelo đã cầm bút vẽ tại vòng khủng khiếp nhất của địa ngục hình ảnh con quỷ Minos với gương mặt trông y hệt như Biagio da Chesena.

Hay chuyện,  Biagio da Chesena vốn mê tín dị đoan đã chạy tới kêu ca với Giáo hoàng. Nhưng Giáo hoàng đã hài hước nói: "Nếu Michelagelo đày con xuống ngục luyện thì ta còn có thể tìm mọi cách đưa con ra khỏi đó, chứ còn đã xuống hẳn địa ngục rồi thì ở đấy ta hoàn toàn bất lực". Và thế là cho tới hôm nay con quỷ Minos với gương mặt của vị cha đạo phụ trách lễ nghi vẫn tiếp tục đối diện với khách tham quan nhà thờ Cappella Sistina. --PageBreak--

Shevchenko "cạo đầu" vị tướng

Thời trẻ, nhà thơ Ucraina vĩ đại Taras Shevchenko từng có giai đoạn phải là họa sĩ nông nô. Tài năng của chàng trai đã được thể hiện rực rỡ đến mức giới thượng lưu ở kinh đô Saint Peterburg đua nhau tới đặt vẽ chân dung. Trong số các nhà quý tộc muốn Shevchenko vẽ chân dung có một vị tướng, hứa hẹn trả thật nhiều tiền cho tác phẩm đẹp. Thế nhưng, khi nhận được tranh, không thích hình ảnh mình trong đó, vị tướng đã nặng lời quở mắng chàng họa sĩ nông nô và kiên quyết không chịu trả tiền để mang tranh về.

Tự ái, Shevchenko đã xoá bộ quân phục và đôi gù vai trong tranh và vẽ vào đó cái khăn mặt, dao cạo và bọt xà phòng... Rồi thi sĩ tương lai đã bán bức tranh ấy với giá rẻ mạt cho tiệm cắt tóc mà vị tướng đó vẫn hay tới sửa đầu.

Nhìn thấy hình ảnh của mình ở một nơi tầm thường đến vậy, vị tướng tức tốc tìm tới nhà chủ nhân của Shevchenko để làm ầm ĩ lên. Thậm chí vị tướng còn đòi mua lại Shevchenko để mang về nhà mình trị tội. May mà có danh họa Carl Bryulov đã nhờ cậy nữ hoàng can thiệp để cứu Shevchenko thoát khỏi một tương lai đen tối để sau này viết nên những tuyệt tác thơ bất hủ của mình.

Picasso biến cô vợ người Nga thành một bà già

Picasso là một thiên tài hội họa nhưng cũng là người rất hay thay lòng đổi dạ trong quan hệ với phụ nữ. Ông từng nói rằng, sở dĩ ông sống thọ là nhờ làm việc nhiều và yêu nhiều. Chính vì thế nên ông thường xuyên thay đổi vợ và bạn gái với một tốc độ khiến những người bình thường rất dễ cảm thấy chóng mặt.

Picasso đã vẽ vợ mình khi yêu và khi đã hết yêu.

Năm 1917, phải lòng vũ nữ balet người Nga Olga Khokhlova, danh họa đã cưới nàng làm vợ. Rồi ông vẽ vợ mình trên các bức chân dung mà một trong những bức tranh đó từng được bán đấu giá với giá 18,7 triệu USD.

Tuy nhiên, lửa nồng hương đượm một thời gian ngắn, Picasso lại "có mới nới cũ" và muốn li dị Olga. Vợ ông dĩ nhiên là không muốn điều này. Thế là hình ảnh của nàng trên các bức tranh của Picasso đã thay đổi hẳn. Ngay từ năm 1921, Picasso đã vẽ vợ như những bà cụ già. Theo một số chuyên gia, thậm chí ông còn vẽ một số mặt ngựa na ná như mặt vợ mình! Thật là quá đáng!

Bánh quy "đồi trụy"

Vụ tai tiếng này, xảy ra trong thời đại của chúng ta, đã làm rung chuyển hãng bánh ngọt nổi tiếng của Anh Huntley & Palmer, có thể trở thành bài học đích đáng đối với các doanh nghiệp nỡ lòng xúc phạm tới các nhân viên sáng tạo của mình. Huntley & Palmer vốn rất được ưa chuộng bởi các loại bánh quy thường được bán trong các hộp sắt mà bên ngoài có vẽ những bức tranh sặc sỡ.

Vị họa sĩ sắp bị Huntley & Palmer sa thải, đúng khi đó phải thực hiện nhiệm vụ cuối cùng là vẽ nốt bức tranh trên vỏ hộp sắt đựng bánh quy. Để trả thù những ông chủ tàn nhẫn, họa sĩ đã sửa một chút họa tiết, thêm vào ở phần sau tranh cảnh mang nội dung đồi trụy, mờ ảo nhưng vẫn có thể nhìn thấy được nếu quan sát chăm chú và kỹ lưỡng. Cộng thêm vào đó là vài câu tục tĩu...

Trò chơi khăm này chỉ được phát hiện khi công ty trên đã bán được hơn 30 nghìn hộp bánh quy. Toàn bộ lô bánh quy đó đã bị thu hồi lại cấp tốc  và những vỏ hộp đã bán được về sau đã trở thành đồ hiếm và thường được bán tại các phiên đấu giá với giá khá hậu hĩnh...

Trả thù theo kiểu Van Gogh

Một trong những họa sĩ có tác phẩm được bán đắt nhất hiện nay là Vicent Willem Van Gogh (1853-1890). Sinh thời, Van Gogh đã phải sống rất túng thiếu. Những gã nhà giàu thời đó không muốn bỏ tiền ra để mua tranh của ông. Chính vì thế nên khi còn sống, Van Gogh chỉ bán được có độc một bức tranh. Và vì không có tiền để ăn nên Van Gogh lại càng không có tiền để mua những loại màu tử tế mà vẽ. Ông đành phải pha trộn những gì có sẵn trong tay để phết lên những tuyệt tác của mình.

Và bây giờ, những tỷ phú may mắn có đủ tiền để mua tranh Van Gogh đang đau đầu trước vấn đề: làm sao để gìn giữ lâu dài những khoản tiền khổng lồ đã đầu tư vào đó? Các kiệt tác của Van Gogh theo dòng thời gian cứ bị phai màu dần đi và hầu như không thể phục chế lại chúng.

Vậy hóa ra là, sau khi chết rồi, Van Gogh vẫn tiếp tục "trả thù" vì những bần hàn mà ông phải chịu đựng khi còn sống...

Hoàng Oanh
.
.