Gặp bạn trên face...

Thứ Ba, 14/10/2014, 11:47

Một facebooker có nick ngộ nghĩnh: Cu Be, kèm avatar cực kỳ dễ thương đề nghị kết bạn. Thì add. Rồi sau những tếu táo đùa vui, sau những hồn nhiên chọc ghẹo thuần trên... facebook mới ồ, hóa ra bạn này không “ảo” tẹo nào, bạn ấy vốn là đồng môn, đã từng chung một khóa phổ thông, chung rất nhiều thầy cô; rất, rất nhiều bạn bè gái trai đủ cả...

Facebook đâu phải lúc nào cũng là tào lao “chém gió”, là vô thưởng vô phạt những “anh hùng” múa ngón tay trên bàn phím mà ơn trời, nhờ “nó”, vô vàn chuyện cũ xưa đã hiện hữu trở lại trong đời, vô vàn những cái tên, những gương mặt tưởng chìm vào quá khứ, đường hoàng thành một phần niềm vui, nỗi buồn rất thật của hôm nay...

1. Cứ thuần xem Cu Be trêu người này tán người kia, liên tục bày ra đủ chuyện tiếu lâm vui vui để ai nhỡ đọc những note trên face, đạo mạo cách chi cũng phải tủm tỉm cười nhẹ nhõm. Chẳng thể hình dung được bạn lại đang đảm trách một công việc cực kỳ cẩn trọng: Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Bộ Y tế). TS Trần Việt Hùng, lúc bạn bè Cu Be thế thôi, chứ khi vào việc, hoặc giả những thời khắc lên ti vi truyền thông cho dân chúng về cách sử dụng thuốc an toàn thì đích thị một nhà khoa học đương tuổi trung niên nghiêm túc, đầy hoài bão và khát khao cống hiến. Cũng tương tự, nhờ face rồi “sớt” thêm google, mới biết bạn Dũng Ngô Trung, ngày đi học vẫn gọi Dũng “Cao” vì kèm theo tên bố, chính là tác giả bộ 2 tập Từ điển bảo hiểm được biên soạn công phu, chỉnh chu, chứa đựng hàm lượng tri thức cực kỳ bổ ích cho những người hoạt động trong chuyên ngành đó. Rồi mới vài hôm cách nay, tiếp tục hớn hở như được nhận quà bởi phát hiện ra, tân Đại sứ Việt Nam tại UAE, bạn Phạm Bình Đàm, người đàn ông kính cận dáng vẻ thư sinh thường tháp tùng các lãnh đạo cấp cao trong những chuyến công du nước ngoài cũng là thành viên của nhóm “hội kín” “LHP 86-89”, cùng là cựu học sinh Lê Hồng Phong - Nam Định mà ngày tốt nghiệp ra trường, kết thúc đời phổ thông cũng đã tròn 25 năm, chẵn một phần tư thế kỷ.

Chẳng phải “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhưng ai cấm được mình hân hoan, tự hào, ai nỡ trách mình mắt sáng rỡ miệng ngoác cười khoe người này, nhân vật nổi tiếng kia, gương mặt đang được săn đón đó là bạn, cùng học một lớp một trường, cùng có những năm tháng giống nhau cả thời khóa biểu thời gian biểu, tương tư nhau màu bằng lăng tím ngắt se lòng hay cánh phượng chua chua chát chát mỗi lúc nhặt lên nhâm nhâm vào đầu lưỡi, mặc dù có khi bạn ấy, người quan trọng ấy chưa chắc đã kịp nhớ ra mình là đứa nào, không hẳn đã có ý niệm về mình trong bộn bề ký ức...

Bắt đầu từ sự khởi xướng của “bà bầu” sách mát tay Hà Nguyễn Thanh (gọi theo cách thường tình trên facebook) - Phó Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa truyền thông Phương Đông, đám bạn cùng khóa cùng trường cùng bước vào cái tuổi sồn sồn, trẻ vừa qua già chưa kịp tới đang lang bạt trên mạng xã hội tụ về, tìm đến nhau qua thế giới ảo để kịp nhận được những thông tin rất thật của nhau, để ngớ ra, ừ có người 25 năm rồi bặt vô âm tín chưa hề gặp mặt mà chính ra họ vẫn gần đâu đây, vẫn chung một thành phố, thậm chí địa chỉ cơ quan này, địa chỉ văn phòng kia cách nhau chỉ vừa chẵn một ngã tư đường... Hà líu ríu bận rộn đủ thứ việc công ty không trực tiếp nhúng tay vào không xong, lại toan lo làm “mụ mối” để thuận buồm xuôi gió cuốn tiểu thuyết Lời thề về chủ đề biển đảo của nhà văn Nguyễn Quang Vinh kịp đến tay độc giả trước mùa mưa bão, vẫn xăng xái đứng mũi chịu sào, kết nối người này, năn nỉ người nọ, cốt cũng giúp các bạn gần bên nhau, xích vào nhau, về cùng nhau trong ngày hội khóa gần kề, mở lòng với nhau, bất chấp những khoảng cách ngăn thời gian không gian và biết bao tâm tư chưa chắc đã cùng dấu.

Hà cùng Nguyễn Phương Liên xưa hoa khôi khóa, nay là nhà văn công tác tại Báo Nhân Dân, Trần Văn Toàn đương kim tiến sỹ ngữ văn đình đám của Đại học Sư phạm (Đại học Quốc gia Hà Nội), thêm Đỗ Xuân Bình cũng nức tiếng thơ thuở hội bút Hương đầu mùa báo Hoa học trò ngày đang còn “hot”, cả Trần Kim Liễu, tiến sỹ Luật nhỏ nhắn xinh tươi, học giỏi là bản chất, rồi Thịnh “Nghi”, tức Trần Nam Thịnh làm marketing, lên ý tưởng sáng tạo, nhưng cực rành về đồ họa, chẳng hiểu ăn gì, uống gì, sống kiểu gì mà 25 năm vẫn một điệu cười hề hề thơ trẻ, vẫn ánh nhìn tươi vui ấm áp khiến bạn bè mãi lưu luyến cảm giác yên tâm..., đã xúm xít vật lộn với nhau ra cho bằng được cuốn kỷ yếu trĩu nặng ân tình và năm tháng..., tỉ mẩn tận tâm cốt sao kỷ yếu không sót tên một bạn nào, không bỏ lỡ cả một thầy cô nào dù ít nhiều trong số đó, có những thầy cô chẳng kịp nán lại trên cõi đời để vui vầy cùng đám học trò giờ đã y chang tuổi mình ngày xưa cũ... 

2. Bỏ qua những “ảo tung chảo”, những thực thực hư hư vô phương kiểm chứng, những tuyên ngôn lập ngôn thùng rỗng kêu to rào rào của hàng đống chồng các nick name trên facebook, vẫn có chỗ tĩnh lặng cho bạn bè, tri kỉ, đồng môn, đồng tuế, đồng hương, cả những thân phận từng đồng cam cộng khổ bất chợt gặp được nhau, hiểu về nhau, biết thêm về nhau rồi vững lòng vững dạ vì từ khắc này, mình đã có thêm bằng hữu. Vô tâm tính đến độ thấy tin thấy ảnh Phạm Việt Khoa - doanh nhân thành đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty cổ phần nền móng và công trình ngầm FECON nhận giải thưởng Sao đỏ danh giá vào tháng 8 vừa rồi cũng chỉ tặc lưỡi, trẻ quá, trẻ như mình. Vậy mà không vạch vòi tìm xem và tha hồ ngỡ ngàng, bạn này cựu học sinh chuyên Lý cùng khóa mình.

Sau 25 năm ra trường, cựu học sinh LHP 86-89 gặp lại nhau nhờ Facebook.

Cái trường Lê Hồng Phong khu B độ ấy còn ngổn ngang vừa xây vừa sửa, vừa học, chả hình dung nổi lớp Lý 86-89 ở tầng nào, chỉ mang máng rằng lớp đó đông, đông hơn một lớp chuyên bình thường. Dân tự nhiên nên mặt mũi văn minh, nhìn đã thấy thiên tư dài lâu bền vững, chả lạ khi FECON - vừa chẵn 10 tuổi, thành lập được đúng 10 năm đã nằm trong top 50 doanh nghiệp hàng đầu được niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán, cũng đứng thứ 3 trong danh sách 50 công ty hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam năm 2014 do tạp chí Nhịp cầu đầu tư bình chọn. FECON được biết đến như doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có viện nghiên cứu riêng, quy tụ rất nhiều chuyên gia hàng đầu và đặc biệt hơn nữa, rất đông các bạn trong lớp chuyên Lý của Khoa, nhiều bạn trong khóa cũng đã tề tựu, chung tay sát cánh, bảo bọc chăm chút nhau ngay từ giây phút đầu lập nghiệp tới lúc vinh hoa phú quý bây giờ. Những điều ấy đã được cập nhật trên face, được chia sẻ rầm rì qua những note, những status, những đoạn chat đầy rưng rưng hãnh diện...

Facebook đã khiến người ở tít xa như Đăk Nông đã xích lại gần, Hà Nội - Đăk Lăk cũng chả còn là quãng đường mênh mông gì quá. Một bức ảnh được post lên, một tiếng reo vui, một lời cảm thán, thậm chí cả một sự im lặng không động tĩnh gì cũng lập tức khiến mọi người băn khoăn, trầm tư lo lắng, hoặc nhao nhao tìm hiểu. Gặp Thủy Hướng Dương ở buổi lễ kết nạp Hội viên mới của Hội Nhà văn Hà Nội, bạn rất thời trang và cá tính. Hỏi hay về trường không, ngác ngơ ậm ừ, để rồi lên face, vào “hội kín”, xấu hổ kinh khủng vì nữ nhà văn từng có một đoạn đời cuộc sống rất thăng trầm, tác giả những cuốn sách tràn trề niềm lạc quan Cát bụi nơi thành phố, Chúng tôi và Mig 17 cùng tập thơ Hãy yêu đi khi ta còn có thể cũng là bạn mình. Bạn chứ, chắc chắn bạn vì chỉ cần có tên chung trong hội nhóm “LHP 86-89” là đã thấy nhẹ nhõm, bình an lắm rồi, thấy vững dạ hơn nếu thảng hoặc chẳng may từ nay trong đời mình lỡ có gì buồn vui xáo trộn. Cuộc sống đôi khi chỉ thế thôi, mong manh và yếu đuối, nên có người bận tâm đến tiếng thở dài của mình, có người chăm chú khi mình theo thói quen lỡ chép miệng buồn bã, đã là thêm một điểm tựa để bình an lắm rồi. Huồng hồ cũng nhờ face, biết thầy giáo của mình hồi ấy đẹp trai phong độ lắm, giờ nghỉ hưu cũng vẫn nhớ tên bọn mình, biết và quan tâm đến bọn mình nhiều hơn là mình nghĩ.

Thầy Trần Bá Giao, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục, tóc phơ phơ sợi đen sợi bạc, vóc dáng tráng kiện nhoay nhoáy lướt face, đọc báo, dõi theo từng bước của đám học trò mà thầy bao dung quên đi những chuyện “nhất quỷ nhì ma” chúng từng gây ra để chỉ giữ riêng ấn tượng đẹp... Thầy Đỗ Thanh Dương vẫn nguyên khí chất ông đồ, điệu cười hiền, vô tư không toan tính, nhớ thầy là nhớ cây ngọc lan sân nhà ngào ngạt hương và um tùm lá. Thầy Trần Trung, Quang Trung vẫn điệu đàng hào hoa thế, vẫn đắm đuối thơ và vẫn cặm cụi với công việc giảng dạy vì đam mê, vì muốn tìm vui trong bận rộn hàng ngày dù theo lẽ thông thường thầy cũng đã vào tuổi hưu...

May nhờ có face, gặp được bạn, gặp được thời gian, gặp được ký ức, gặp được bao điều tưởng mới đấy mà đã rất xa xôi...

Ngô Hương Sen
.
.