Dũng khí của phê bình

Thứ Năm, 18/03/2010, 11:02
Lâu nay, khi nói tới phê bình văn học, người ta vẫn luôn không quên nêu ra một yêu cầu- nếu muốn diễn đạt cách khác: một niềm tin, một hy vọng, thậm chí một nghi vấn - được gói gọn lại bằng cụm từ "dũng khí của phê bình". Thực ra, trong mọi phương diện của đời sống xã hội, chẳng ở đâu không cần tới dũng khí, chẳng ở đâu dũng khí bị coi như một phẩm chất thừa. Tuy nhiên, câu chuyện về "dũng khí" của người phê bình thường là câu chuyện không mấy khi được đặt ra.

Với phê bình văn học (và phê bình nghệ thuật nói chung), mức độ "va chạm" và sự "nguy hiểm" dẫu sao cũng nhẹ hơn so với những lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, bởi thế mà người ta có thể lớn tiếng đòi hỏi (và tự đòi hỏi) về "dũng khí" của người làm phê bình bằng một thái độ đầy trách nhiệm chăng? Cần phải hiểu "dũng khí của phê bình" ở đây như thế nào?

Belinsky, nhà phê bình lớn của nền văn học Nga thế kỷ XIX, một chiến sĩ của cách mạng dân chủ, người thường xuyên được viện dẫn như một tấm gương của mẫu nhà phê bình dấn thân, hiển nhiên là người có thừa cái gọi là "dũng khí của phê bình". Khó có thể tách bạch ở "người Nga chân chính" này con người chính trị và con người văn chương.

Nói một cách chính xác, với Belinsky, phê bình văn học và phê bình chính trị là mối quan hệ hữu cơ giữa phương tiện và mục đích, giữa điểm xạ và sự nổ tung của vật bị ngắm bắn. Ông dùng phê bình văn học như một công cụ đấu tranh xã hội. Ông nhìn thấy ở tác phẩm văn chương hình ảnh của cái xã hội với tất cả những xung đột căng thẳng của nó, những tồn dư và quán tính của quá khứ, những hạt mầm tốt và xấu của hiện tại, những động lực và xu thế phát triển tất yếu để đi đến tương lai.

Ông ca ngợi các sáng tác của Dostoievsky và Gogol bởi chính cái khả năng tuyệt vời trong sự phơi mở diện mạo xã hội Nga thế kỷ XIX của hai thiên tài văn chương này. Ca ngợi, bởi vì đó là những dẫn chứng đắt giá cho xác tín chính trị của ông: xã hội này quá xấu xa, không thể chịu đựng nổi, nó cần phải bị xóa bỏ bằng mọi giá để xác lập một xã hội khác tốt đẹp hơn!

Ngòi bút phê bình văn học của Belinsky, do vậy, là ngòi bút phê bình giá trị xã hội được phản ánh trong tác phẩm văn chương. Nó cọ xát trực tiếp với quyền lợi và ý chí của các thế lực chính trị đương thời. Nó mang lại vinh quang cho nhà phê bình cùng lúc với sự rình rập của án tù khổ sai và giá treo cổ. Hơn ai hết, nhà phê bình là người ý thức đến cùng về hành động của mình và ông đã chấp nhận tất cả. Đó chính là "dũng khí của phê bình" vậy!

Trong văn học Việt Nam, mẫu nhà phê bình đầy dũng khí như Belinsky không phải không có. Hải Triều và Hoài Thanh chẳng hạn (tất nhiên là Hoài Thanh của "Văn chương và hành động" chứ không phải Hoài Thanh của "Thi nhân Việt Nam"). Nhưng đây cũng là điều khá trớ trêu: chúng ta hẳn chưa quên rằng hai nhà phê bình này từng đứng ở vị trí thủ lĩnh của hai chiến tuyến "nghệ thuật vị nhân sinh"- "nghệ thuật vị nghệ thuật" và làm nên một cuộc tranh luận khá sôi nổi trên báo chí công khai giai đoạn 1930 - 1945. Tuy nhiên, ở đây nảy sinh một câu hỏi: phải chăng "dũng khí của phê bình" là cái chỉ có thể được nhận ra qua sự kiện nhà phê bình dám đối đầu với quyền lực, ngoài ra không còn gì khác?

Người viết bài này, bằng vào những quan sát mang nặng tính chủ quan, cho rằng ít ra thì chúng ta cũng có nhiều hơn một dấu hiệu để nhận diện cái phẩm chất tối quan trọng này của người làm phê bình văn học. Xin được hình dung như sau:

Giữ im lặng. Việc đơn giản nhưng xem ra không đơn giản như người ta thoạt tưởng. Hoạt động trong văn giới, như bất kỳ một ai khác, người làm phê bình nào cũng có những mối quan hệ riêng của mình: quan hệ do quý mến chân tình mà có, quan hệ do công việc mà có, quan hệ do lợi ích qua lại, quan hệ do đủ các thứ ràng buộc không tên khác.

Thế rồi, một cuốn sách ra đời, một sự nhờ cậy (hữu ngôn hoặc vô ngôn) được gửi đến, nhà phê bình sẽ ứng xử ra sao đây? Không có gì đáng phàn nàn- thậm chí phải coi đó là một cơ duyên- nếu cuốn sách ấy là tác phẩm mà, một cách vô tư nhất, anh ta thấy nó thực sự hay, thấy nó thực sự có chuyện để viết (thế nào là "thực sự hay" và "thực sự có chuyện" lại là một chuyện khác, không tiện bàn đến ở đây).

Vấn đề sẽ trở nên rắc rối hơn rất nhiều nếu đó là một cuốn sách tầm thường, vô vị, tóm lại là chẳng có gì để nói. "Chẳng có gì để nói", trên thực tế, chính là diễn ngôn phê bình ngắn gọn nhất, chính xác nhất có thể và cần phải "dán" vào nhiều cuốn sách thay cho những bài viết dài lòng thòng kêu xủng xoẻng. Không nên ngây thơ tin rằng có nhiều người viết đãng trí đến độ nhầm lẫn giữa cái nọ và cái kia, mà đây là câu chuyện "đã nói thì phải nói cái gì đó cho bùi tai người nghe". (Người ta đặt tên cho kiểu phê bình này là "phê bình cánh hẩu", hoặc "phê bình bốc thơm").

Dĩ nhiên nhà phê bình có thể công khai nói ra cái sự thật như mình nghĩ, hoặc ít ra, anh ta có thể không nói- anh ta có quyền giữ im lặng. Im lặng để khỏi phải nói không thật. Vấn đề "dũng khí của phê bình" nằm ở đây: anh có dám chấp nhận giữ im lặng hay không khi biết trước rằng sự im lặng bé nhỏ ấy sẽ, không đem lại lợi lộc gì đã đành, mà còn ít nhiều gây ra tổn hại trong một vài mối quan hệ cụ thể? Câu hỏi, tự nó đã là câu trả lời.

Giữ im lặng. Trong lịch sử của phê bình văn học Việt Nam- một lịch sử tương đối ngắn nếu đặt cạnh nhiều nền phê bình văn học ở châu Âu - có những giai đoạn người ta đánh đồng giữa hoạt động phê bình văn học với hoạt động quản lý văn hóa văn nghệ (trên thực tế, nhiều nhà phê bình văn học ở những giai đoạn này chính là những cán bộ làm công tác quản lý văn hóa văn nghệ). Tính tự trị tương đối của văn chương bị đưa vào, bị tan vào tính mục đích cụ thể của hoạt động quản lý. Tất nhiên, trong bối cảnh xã hội đặc thù, điều này có cái lý của nó. Song dù muốn hay không thì sự "nhập nhằng" ấy cũng khó tránh khỏi cái hậu quả đáng tiếc là một số giá trị văn chương đích thực bị phủ nhận và một số giá trị vào loại "á văn chương" lại được tôn xưng.

Điều liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn ở đây là: nếu người làm phê bình văn học không nói bằng "giọng" như vậy, tiếng nói của anh ta khó có cơ hội được cất lên; mà nếu được cất lên, nó cũng khó có cơ hội được nghe ra, đó là chưa kể tới nhiều sự "bất an nghề nghiệp" khác. Trên thực tế, đã có không ít nhà phê bình "hòa giọng" vào dàn đồng ca này. (Đã có người gọi lối phê bình này là "phê bình cơ hội" hoặc "phê bình xu phụ").

Rồi vài ba chục năm sau, trong một bầu khí quyển văn hóa xã hội đã trở nên khác đi rất nhiều, chính những cây bút ấy, khi viết về chính những đối tượng văn chương (tác giả, tác phẩm) nọ, lại viết như thể xóa bỏ tất thảy những gì mà mình đã viết, như thể mình chưa hề dính dấp với cái lấm lem của một thời. Người ta có thể biện hộ rằng nhận thức là một quá trình, và sự thay đổi kia là kết quả của một quá trình nhận thức. Người ta cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tình thế bất khả kháng của hoạt động nghề nghiệp.

Vậy thì ở đây một lần nữa đặt ra câu chuyện "dũng khí của phê bình": anh có dám chấp nhận không viết, không làm nghề hay không? Anh có quyền giữ im lặng- im lặng để khỏi phải nói trái với những gì mình nghĩ- và cái giá phải trả là sự vô danh. Liệu anh có đủ dũng khí trở thành vô danh hay không? Câu hỏi, tự nó đã là câu trả lời.

Và nói ra. Sự thành công (hay dấu ấn) của một người làm phê bình văn học trong lịch sử có thể được đo trên nhiều mức độ. Với các "đại nhân" của phê bình văn học ở châu Âu, thường thì đó là đóng góp của họ trong việc đề xuất hoặc phát triển một lý thuyết, một phương pháp phê bình văn học mang tính năng sản cao, có sức phổ biến rộng và lâu dài.

Hàng loạt ví dụ sáng giá có thể được dẫn ra: S. Beuve với phương pháp phê bình tiểu sử, H. Taine với lý thuyết địa lý- chủng tộc, Y. Lotmann với phê bình cấu trúc- ký hiệu học, G. Bachelar với phê bình phân tâm học, P. Bordieu với lý thuyết trường văn học v.v và v.v... Kiểu nhà phê bình như vậy, vì nhiều nguyên nhân, chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng ít ra thì chúng ta cũng có thể và có quyền khẳng định rằng chúng ta đã có những nhà phê bình mang năng lực "nói trúng phóc" về một khía cạnh của hiện tượng văn chương nào đó chỉ bằng một từ. Dấu ấn đáng kể của họ là như vậy. Nhưng xin thưa, đây là điều hoàn toàn không đơn giản. Bởi lẽ, "gọi sự vật bằng tên của nó" là việc không chỉ đòi hỏi ở nhà phê bình một tầm vóc nhận thức nào đó, mà còn là một dũng khí nào đó…

Đã, và sẽ có nhiều định nghĩa khác nhau về phê bình văn học. Nhưng chắc chắn rằng định nghĩa "Phê bình văn học là sự tự ý thức của văn học" sẽ là một định nghĩa chính xác và có sức sống lâu bền. Tự ý thức trong văn học, cũng như sự tự ý thức trong bất kỳ lĩnh vực nào khác, đòi hỏi những người làm nghề phải có dũng khí. Dũng khí để nhận chân sự thật về mình. Thiếu phẩm chất này, sự tự ý thức trong văn học rất có nguy cơ sẽ đưa văn chương đến điều không ai trông đợi: đó là sự tự mê, tự huyễn

Hoài Nam
.
.