Đời bóng… già

Thứ Tư, 11/01/2012, 14:10
Đời bóng, vốn dĩ đã buồn. Đời bóng già còn buồn đến thăm thẳm. Buồn như khi cho tay vào túi quần, nhìn người yêu cũ làm cô dâu trong đám cười. Buồn như tuổi hai mươi, chia tay mối tình đầu. Buồn như, chiều cuối năm nhìn mưa phùn ướt mặt phố… Có những nỗi buồn hắt hiu.

1. Bóng già số 1 vẫn hay ngồi cùng tôi ở quán cà phê khuya trên con đường sầm sập xe tải ở quận Bình Thạnh. Tôi gọi bóng già số 1 là cậu, bóng già số 1 xưng tên với tôi. Từ đây trở đi, tôi sẽ dùng danh xưng cậu cho bóng già số 1.

Cậu hay kể với tôi về những điều quá vãng. Cái thời mà cậu đùng đùng bỏ gia đình, đi theo đoàn hát. Đoàn hát, gọi cho sang trọng thôi, chứ đó là đoàn hội chợ tạp kỹ.

Hội chợ tạp kỹ trong miền Nam dựng lên giữa bãi đất trống ở vùng thôn quê xác xơ nào đó, để kiếm tiền lẻ từ những niềm vui thoáng qua. Hội chợ, có màn bọ chạy số, ném banh, phóng phi tiêu… Số tiền bỏ ra để tham dự mỗi trò chơi không nhiều, giải thưởng cũng không cao. Có khi là hộp sữa đặc có đường, lúc gói bột ngọt. Thi thoảng, là cái đồng hồ treo tường chạy bằng pin tiểu.

Màn đặc sắc nhất của hội chợ là quay số lồng cầu, hay còn gọi là lô tô. Để thu hút sự chú ý của đám đông, màn quay số lồng cầu luôn có những màn uốn éo pha lẫn hát hò của những người như cậu.

Họ hát đủ cả, hát từ nhạc sang cho đến nhạc sến, hát từ nhạc chế cho đến nhạc cải biên. Xen lẫn giữa bài hát ấy, là một đoạn bài hát khác để thông báo con số vừa rơi ra từ lồng cầu. Tuổi thơ mình, tôi ngồi mòn quần trên bãi đất trống những khi hội chợ về xóm. Ngồi nhiều đến mức, thuộc gần như trọn vẹn những bài hát thông báo con số, kiểu "Cờ ra con mấy, con mấy gì đây… Con số gì đây? Con số gì đây?.. Con hai gì đây… Chiều mưa tàn tàn, anh dắt cái xe Honda đưa tiễn nàng vô nhà hàng. Nhìn xuống mé sông thấy một người đang bận xà rông, đứng xa như đàn ông, lại gần... Ô, thằng bóng... Con hai mươi không, con hai mươi không… rồi cờ ra con mấy, con mấy gì đây?..". Cứ như vậy cho đến khi có người trúng thưởng.

Cậu, không là kép chánh trong đoàn tạp kỹ này. Cuộc sống của cậu rất bình thường. Sáng đi chợ, thổi cơm. Chiều son phấn, mặc những bộ đồ ngắn cũn cỡn, độn thêm hai bịch nước hay gì gì đó vào ngực, rồi lên hát.

Nơi nào khách đông, đoàn của cậu ở lâu. Nơi nào ít khách, đoàn lại nhổ neo bỏ đi. Giữa lưng chừng khoảng thời gian đó, cậu cũng có những mối tình với… trai làng.

Trai làng ham vui, nên cũng này kia kia nọ với cậu. Với họ là thoáng đến rồi thoáng đi thôi. Còn với cậu, lần nào ra đi cùng đoàn, là mỗi lần rơi nước mắt.

Cậu không về nhà nhiều năm, mà có về, thì cũng chỉ đứng tần ngần ngoài sân, nhìn vào bên trong một chút, xem mẹ cậu thế nào, rồi lại vội vã ra đi. Ba cậu từ mặt cậu từ lúc cậu thích vấn tóc, soi gương, ăn trộm son tô môi của mẹ…

Cậu có nhiều mối tình tưởng chừng son sắt. Nhưng những người đàn ông của cậu, ở với cậu vài năm, gối chăn còn đượm mùi, cũng dứt áo cậu mà ra đi. Cậu biết là không thể nào níu giữ được họ ở lại. Vậy mà, buồn thì cậu vẫn buồn. Nỗi buồn khiến cậu trở thành người nghiện rượu. Mà cậu uống khiếp lắm, phải uống được nhiều, thì cậu mới có cơ hội sở hữu một ai đó khi người ta đã quá chén.

Cậu biết như vậy là không hay, cậu cũng hiểu như thế là không tốt. Nhưng mà, cậu biết làm sao?

Ngoài năm mươi tuổi, cậu về lại Sài Gòn. Đoàn hát không cần một người luống tuổi như cậu, mà cậu cũng chẳng còn sức khỏe để nhảy nhót mỗi đêm. Cậu ở trọ trong con hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy, rồi phút chốc, cậu trở thành trung tâm chú ý của cả xóm trọ. Cậu kiếm sống bằng nghề bói toán, bữa có tiền, bữa không.

Tải sản lớn nhất của cậu bây giờ là cái vòng cẩm thạch đeo trên tay, đã lên nước sáng bóng. Cậu hay đùa với tôi, mày nhìn bảnh vậy, xài gái hao lắm. Tôi cười cười, trả lời, hồi xưa chắc cậu xài trai cũng hao hả?

Thấy cậu thoáng có nét vui.

Cậu ở một mình, cơm bụi qua ngày. Thi thoảng có tiền, cậu sẽ có cuộc vui với mấy tay làm nghề tay chân trong xóm trọ. Họ uống vừa vừa rồi về, cậu cũng biết là cậu không thể chạm vào họ. Nhưng mà, cậu mừng. Mừng vì còn tiếng cười nói của đàn ông trong căn phòng ấy.

Cậu, cứ như người gõ tay xuống mặt bàn, hát ư ử một giai điệu xa vắng, rồi chờ ngày dần tắt.

Cậu đêm nào cũng như đêm nào, 22 giờ là mặc đồ bà ba, ra quán cóc ngồi uống cà phê sữa đá. Đến tang tảng sáng thì về. Đi một mình, về một mình.

Tôi ngồi chung bàn với cậu nhiều lần, duy có lúc, không hiểu sao cậu nắm tay tôi một chốc, buồn buồn. Hơi bối rối, nhưng cũng không nỡ rút tay lại…

Vài năm nữa cậu sẽ ra sao, ai mà trả lời được(?!).

2. Bóng già số 2 đã gần 60 tuổi. Da nhăn nheo, vết đồi mồi đầy trên mặt, răng giả hai hàm đều tăm tắp, tóc bạc phơ phất trên đầu. Bóng già số 2 tôi gọi là cậu Tư.

Nhà cậu Tư gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM. Mà lâu rồi, cậu Tư không ghé qua. Cậu mướn nhà trọ ở riêng trên đường Bạch Đằng, cách nhà cũ không xa.

Cậu Tư hay hát đoạn nhạc chế của dân bóng trước năm 1975,.. Từ ngày mẹ sinh con ra, tính thằng này kỳ lạ, đàn ông tính thì đàn bà… Trai chẳng ra trai, gái nào phải gái, đồng tính hay luyến ai, mà sao nó thích con trai… Tui yêu anh rồi nhưng lấy được gì anh đâu, tôi yêu anh rồi mà có lấy được đâu… Tui hát lên khúc nhạc, tui thấy buồn gì cho tui… Tui hát lên khúc nhạc, tui thấy buồn cho pêđê… Chừng nào tui có chết, làm bia đá cho mình...

Cậu Tư có hội, hội của cậu Tư toàn bóng già như cậu Tư. Ngồi với họ, nghe họ kể chuyện ngày xưa yêu đương như thế nào, dễ cảm thấy cuộc đời bàng bạc lắm.

Cậu Tư khoe, ngày xưa cậu Tư còn trẻ trai, cậu đắt kép lắm. Đắt đến độ, có lúc cậu cặp với mấy anh một lúc. Anh nào anh nấy đẹp trai, phong lưu tài tử. Bạn cậu Tư nghe cậu Tư nói, đế ngang: "Tại hồi đó mày có tiền". Cậu Tư giật mình, gật đầu lẩm nhẩm: "Ừ, có lẽ vậy".

Nhà cậu Tư có vựa trái cây lớn, cậu Tư là con trai độc trong nhà. Cậu Tư được cung phụng không thiếu gì. Thời mà chiếc xe Honda là cả một gia tài ở Sài Gòn, thì cậu Tư đã sở hữu một lúc đến hai chiếc. Sáng đi ăn điểm tâm bằng chiếc này. Tối đi ăn khuya bằng chiếc khác.

Trai vây lấy cậu Tư như kiều nữ thấy đại gia. Cậu Tư thừa sức hiểu họ đến với cậu Tư vì cái gì chứ, nhưng đâu có sao, cậu Tư cần họ và cậu Tư có cái họ cần. Những mối tình vạ vật ấy, cũng giúp cậu Tư có được người yêu. Người như cậu Tư, yêu là yêu như say như ngây, yêu quên cả mình, yêu không để ý đến trời trăng mây gió. Vừa yêu vừa hồi hộp vì không biết người ta sáng sớm mai, sẽ khép cửa lại rời bỏ mình lúc nào.

Đau cho cậu Tư là cậu Tư yêu ngay anh thanh niên ở kế nhà. Thanh niên cũng đáp lại tình cảm của cậu Tư. Cậu Tư chiều thanh niên ghê lắm. Thanh niên muốn gì, có ngay được cái ấy. Yêu hơn hai năm thì thanh niên bỏ cậu Tư để đi lấy vợ.

Ngày thanh niên mặc áo vest sắm vai chú rể, cậu Tư hùng hùng hổ hổ sang phá đám cưới. Chuyện đã lâu, nhưng cậu Tư vẫn nhớ là hôm đó, cậu Tư có thét vào mặt thanh niên những câu như: đồ phản bội, đồ bạc tình, đồ bắt cá hai tay… Đổi lại, thanh niên bảo cậu Tư: "Mày nghĩ, tao sẽ sống suốt đời với một thằng ái nam ái nữ như mày à". Bao nhiêu sự bực tức của cậu Tư vỡ tan như bọt xà phòng sau khi nghe câu nói đấy.

Đó là chuyện cậu Tư đã biết, nhưng nghe từ miệng của người mà cậu Tư dành hết tình cảm lại là chuyện khác. Cậu Tư tưởng đã ngã gục vào trưa hôm ấy. Cậu Tư, lần đầu tiên công bố giới tính của mình với hàng xóm.

Người ta xì xầm, người ta bàn tán. Mẹ cậu Tư khóc cạn nước mắt, ba cậu Tư lặng im. Hết cô gái này đến cô gái khác được dắt về làm mai mối cho cậu Tư. Cuối cùng, cậu Tư cũng ưng một cô làm vợ.

Đêm động phòng, cậu Tư lặng im như người chết rồi. Đêm thứ hai, cậu Tư nhắm mắt làm đại, để rồi sau đó, cậu Tư lếch ra nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo. Cảm giác rờn rợn cứ đeo bám theo cậu Tư cho đến khi cậu Tư tự động dọn đồ ra khỏi nhà.

Nói theo kiểu cậu Tư thì, cậu Tư quyết định bỏ nhà đi bụi đời. Cậu Tư kiếm sống bằng nghề nấu ăn ở đám tiệc. Cậu Tư khéo tay, nấu gì cũng ngon, người ta tìm đến cậu Tư đặt hàng tới tấp.

Có tiền, cậu Tư lại có nhiều mối tình thoáng qua. Người nhanh vài ngày, người lâu vài tuần. Mà sau cái đận bị... thất tình trước, cậu Tư không còn yêu ai nữa.

Cô vợ hỏi dò, tìm đến nhà cậu Tư ngồi trước cửa khóc hết nước mắt. Cậu Tư khẽ khàng, thôi em về đi. Em biết anh cũng như em mà. Chỉ có bấy nhiêu là hết nghĩa vợ chồng.

Cậu Tư có về nhà mấy lần, khi chịu tang bố mẹ.

Cậu Tư có buồn không, hẳn là cậu Tư buồn lắm chứ. Nhưng một khi tạo hóa đã quyết định đùa giỡn với cậu Tư, cậu Tư đâu còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận.

Hơn một lần tôi đã nói, cậu Tư già rồi, cậu Tư về nhà đi. Cậu Tư lặng im, không đáp.

3. Bóng già, không còn gì cả. Người thân không, mái ấm không. Bóng già im lặng đi về trên con đường không có nhiều nụ cười. Bóng già, cô đơn như trăm năm rồi không có một niềm vui.

Bóng già, thẩm thấu hết nỗi buồn của thân phận. Qua đi ánh mắt đắm nhìn của tuổi xanh, bóng già chỉ còn biết chờ ngày lặng im của tóc trắng.

Đời họ, xót xa đến cùng cực. Và như tôi vẫn thường nói, biết vậy nhưng là phải làm sao?

Nguyệt Ngô
.
.