Đi qua miền đất Chư Thiên

Thứ Hai, 27/03/2017, 16:58
Trong những chuyến đi dài qua nhiều quốc gia tôn thờ đạo Phật của mình, những người bạn ở nơi xa xôi bao giờ cũng khiến tôi nhanh chóng cởi lòng cởi dạ. Tôi luôn nghĩ, có thể chỉ được gặp họ một lần duy nhất trong một kiếp người.

Đó là cô gái ở Luang Prabang (Lào) ngày nào cũng dậy từ 3 giờ sáng để nấu cơm nếp và đủ loại thức ăn đem ra một góc phố dâng lên cho đoàn nhà sư áo vàng cam đi chân đất khất thực. 

Đó là một người đàn ông Thái Lan, một chị phụ nữ Myanmar, một cô bé Tây Tạng diễm lệ; (có lẽ) từ lúc biết nghĩ về niềm tin tâm linh cho đến khi nhắm mắt rời dương gian; ngày nào cũng vậy, từ sáng đến đêm, họ luôn đăm đắm một lòng với đức Phật, với miền đất chư thiên mà họ tôn thờ. Như bố mẹ ông bà họ cũng đã dâng hết nhựa sống của mình lên để tôn thờ. Không cần tìm một lý do.

Vẻ đẹp Tây Tạng hồ xanh và tuyến trắng.

Tôi cũng đã điếng đi, lặng đi, hình như còn cả rùng mình lạnh ngắt nữa, khi chứng kiến người Tây Tạng dành cả đời mình để đi được đến thánh địa Ngân Sơn, lên các hồ thiêng như Nam-sto, chùa Đại Chiêu, tu viện Potala (tu viện cao nhất thế giới).

Họ thực hiện thứ nghi lễ khổ ải nhất hành tinh, ấy là cứ "tam bộ nhất bái" để "ngũ thể nhập địa" (đi ba bước chân thì vái trời, Phật một lần; một lần vái là năm phần thân thể - trán, ngực, bụng, chân, tay…- cùng chạm xuống đất đá, bùn nước, tuyết trắng). Họ cứ lết như thế, có người lết cả một đời, có người hết phận số trần gian của mình rồi mà chưa bao giờ đến được đất thiêng, bởi đói, rét, thậm chí cả tai nạn, cướp bóc dọc đường đã lấy đi mạng sống của họ.

Cảnh khất thực đáng xúc động diễn ra mỗi sáng ở cố đô Luang Prabang, Lào.

Có người bạn Tây Tạng đã ý tứ hỏi tôi rằng, ở Việt Nam, anh theo tôn giáo nào? Bấy giờ tôi chưa quy y cửa Phật. Và, dẫu trong bản khai lý lịch tôi vẫn nhiều lần viết: "Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ: Cử nhân", nhưng nhìn tấm da cừu còn nguyên lông lá đã mòn vẹt mà anh bạn đang đeo trước ngực để liên tục mài thân mình xuống các đỉnh đèo tuyết phủ trắng xóa dọc đường hành hương, tôi buộc phải "nói giảm nói tránh": tôi theo tín ngưỡng thờ tổ tiên.

Mỗi tháng, vào ngày mùng một và rằm âm lịch, tôi đều thắp nhang trước ban thờ ông bà ông vải, rồi vái cả chư vị thần linh cai quản khu đất, khu nhà, cũng như sự bình an của gia đình mình. Tôi có niềm tin vào các vị thánh thần, bất kể đó là chúa Giê-su, Thánh A-la hay Đức Phật...

Song, đó là niềm tin của một người biết "kính nhi viễn chi", tôi trân trọng, nghiêm cẩn, thành kính trước tất cả những gì thuộc về các tôn giáo ở các miền đất mình đã đi qua. Nhưng tôi đã chưa làm được như những người bạn xa xôi tôi từng gặp kia. Lòng mộ đạo của họ tôi đã hơn một lần chứng thực rồi xúc động đến bái phục!

Đôi khi, tôi đã nghĩ mình có quá ít niềm tin tôn giáo, để chư vị ấy đứng ở tít cao xanh, xa thẳm giám sát, thúc giục, răn dạy mình trong mỗi đường đi nước bước giữa cuộc đời đầy cám dỗ và cạm bẫy. Tôi không nói mình nhất thiết phải theo một tôn giáo nào đó, bởi mỗi người có quyền lựa chọn và (như đã biết) chẳng ai có quyền cấm người khác theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Cảnh người mộ đạo nằm rạp hàng nghìn, hàng vạn lần mỗi ngày trước cõi thiêng ở Tây Tạng. 

Cũng chẳng khó khăn gì để trở thành một tín đồ mộ đạo. Cái mà những người bạn khiến tôi trăn trở hơn, ấy là: phải chăng, khi có một niềm tin đắm say, mãnh liệt vào một đấng tối cao chi phối tất cả, thì con người sẽ sống với nhau nhân ái hơn?

Nhớ có một lần lang thang ở cố đô Luang Prabang (Lào). Mấy chục ngôi cổ tự đổ bóng thâm nghiêm bên thành phố cổ kính được vinh danh là "nơi bảo tồn tốt nhất Đông Nam Á". Cả nước Lào, thanh niên cứ đến tuổi là được đưa vào chùa sống, học và tu tập (ít ra là)  một thời gian. Người ta bảo, cả nước Lào mỗi người dân là một tín đồ của Phật, nơi này ít tội phạm, nơi này nền nếp dịu dàng được như thế là nhờ Phật.

Sáng sớm, khi màn sương còn ùa ập từ bờ Nậm U, ông chủ khách sạn già nua có bộ ria bạc rất tay chơi đã gõ cửa phòng thúc tôi trở dậy. "Biết bao giờ con mới trở lại Luang Prabang, ra mà xem người Lào khất thực. Người Lào mộ đạo nhất thế giới!".

Đường phố lặng ngắt, trời hửng đến đâu, tôi thấy người mộ đạo lặng lẽ đến các gốc cây, hè phố, các ngã ba đường ngồi ne nép đến đó. Họ đi chân trần, có người mặc áo vàng cam như nhà sư. Có cô gái quàng khăn trắng như lọn mây bông trước cổ, áo trắng chẽn ngang hông, cô khép hai đùi, quặt chân trần sang một bên, cô ngồi lên chính hai bàn chân đang úp xuống mặt đất đẫm sương sớm của mình. Tay cô cầm giỏ xôi và thức ăn. Nhà họ ở cái cù lao nằm ở ngã ba sông Nậm U và sông Mê Kông.

Các vị sư đọc kinh sách và tranh luận với lòng mộ đạo vô biên.

Chợt có tiếng lật phật, như tiếng hân hoan dè dặt của những con chim non đập cánh mới ra ràng. Xa xa, loạt xoạt những bước chân trần của các nhà sư mặc áo vàng cam. Có đến mấy trăm nhà sư đi vàng các góc phố. Lúc này mặt trời đã nhè nhẹ nhô lên. Họ đi qua các gốc cổ thụ, các cổng chùa quét vôi hoặc vàng nhạt hoặc trắng toát, tạo nên một cuộc phối màu sặc sỡ. Họ đeo những cái giỏ đi khất thực, quai đeo vòng qua vai, giỏ để trước ngực. Chân trần đi lón nhón. Suốt năm, dù mưa dù nắng, ngày nào nghi lễ khất thực cũng diễn ra.

Có lẽ, việc sáng nào họ cũng đi vòng quanh thành phố để khất thực là một nghi lễ, là một cách để họ và bà con cùng thể hiện lòng sùng kính Đức Phật, hơn là việc họ đi xin xôi, xin thức ăn về dùng bữa. Một bà lão dẫn theo cả chồng và đàn con ra vỉa hè ngồi dâng xôi và thức ăn cho nhà chùa bảo: Ngày bà đi làm, đi chợ mua đồ về, nửa đêm đã nấu nướng, sáng ra dâng "thức ăn" cho các vị sư. Không phút giây nào bà không nghĩ và làm việc vì các nhà sư, các ngôi chùa và Đức Phật.

Lại nhớ chuyện Tây Tạng. Tôi đã thẫn thờ nhìn anh bạn mới quen, khi anh tách khỏi đoàn người kìn kìn đi bộ suốt ngày đêm quanh tu viện cao nhất thế giới để cầu nguyện liên tục. Anh đến từ Segatse, cách Potala gần 300km, qua những đỉnh đèo cao nhất thế giới, nơi triệu triệu năm qua và đến tận bây giờ lúc nào cũng trắng xóa tuyết. Vì chặng dài và nhiều năm ngũ thể nhập địa nên trán anh vồng lên, u bướu và xám xịt với các vệt sẹo, vệt chai sần đen thẫm, quần áo anh rách bươm tơ tướp.

Như những người khác, bụng anh chàng ấp một tấm da cừu, da ngựa còn cả lông lá đã sờn rách vì mài xuống núi, xuống gạch đá dọc đường đi không biết bao nhiêu lần. Hai tay họ có khi được "đơn giản hóa thủ tục" ngũ thể nhập địa một chút bằng cách đeo hai cái guốc mộc có quai da để khi "nhập" đánh cộp một cái đủ "ngũ thể" xuống đất thì hai bàn tay là nơi chịu lực chính nó sẽ không chảy máu.

Các nhà sư ở khu cung điện Potala, Tây Tạng rất thân thiện.

Nhiều người còn giật mình tỉnh ngộ khi thấy mình quá vô đạo và bao năm tuổi đời đã qua, mình đã hành xử quá xôi thịt. Sử sách còn chép rõ, vị Thánh tăng Hư Vân (1840-1959) đã thực hiện chuyến hành hương về thánh địa theo quy cách Tam bộ nhất bái rồi ngũ thể nhập địa từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Hành Sơn, với chiều dài 2.500km, kéo suốt nhiều năm trời.

Xin hãy đọc lại những gì mà cuốn "Con đường mây trắng" (của tác giả Anagarika Govinda) đã diễn tả lại: Người hành hương đến núi Ngân Sơn, giữa đỉnh trời mây và tuyết trắng linh thiêng bậc nhất Tây Tạng.

Và, "(…) họ lên đường mà không có gì bảo vệ chống lại mưa gió và không ngại cả chết đói hay chết cóng, những người đó đáng cho ta khâm phục. Họ không ngại sống chết, cướp bóc hay đói khát vì họ biết cách tự thể nhập mình thống nhất với sức mạnh thần thánh của vũ trụ. Nhiều người hành hương như thế đã không bao giờ trở lại quê hương mình; thế nhưng ai trở về, người đó đã là sự minh chứng lòng nhiệt thành cao nhất và niềm tin kiên định nhất".

Và tất nhiên, tôi cũng đã chứng kiến, niềm tin cùng khát vọng sống nhân ái đến tận cùng ấy, đã có một sức mạnh màu nhiệm trong cứu rỗi con người ta khi đối diện với bể khổ.

Lãng Quân
.
.