Đau đời là nợ, mỉm cười vẫn đau...

Thứ Sáu, 31/10/2014, 14:28
Trên phương diện xã hội, Khổng Minh Dụ là một nhân vật “chính thống” một cách toàn vẹn nhất của từ này. Ông từng là cán bộ quân đội thuộc Đoàn Tình báo chiến lược J22, nhiều năm có mặt trên chiến trường ác liệt và phức tạp ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ thời chống Mỹ.

Sau chiến tranh, gia nhập lực lượng Công an nhân dân, ông đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ và văn hóa tư tưởng. Ông được tổ chức đánh giá là một vị chỉ huy tận tụy, tận tâm, hết mình vì việc chung. Và rất nhân văn trong những xử lý tình huống lắm khi cực kỳ rối rắm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trên trường văn trận bút... Trước khi về hưu, Khổng Minh Dụ đã ở cấp Cục trưởng, mang quân hàm Thiếu tướng... Nhìn từ góc độ này, có thể hình dung về ông như một người đã hoàn thành xuất sắc chức phận của mình, một mẫu mực của sự thành công trong kiếp nhân sinh...

Và suốt những tháng ngày mang quân phục (quân đội) và sắc phục (an ninh), bận bịu rất nhiều việc chuyên môn, Khổng Minh Dụ vẫn không ngừng viết văn, làm thơ. Thực sự, đó mới là niềm đam mê lớn nhất và dai dẳng nhất của ông. Và có một điều lạ là, theo đúng quy luật gừng càng già càng cay không phải lúc nào cũng đúng trong văn chương, Khổng Minh Dụ càng có tuổi viết càng thấm thía hơn về nhân tình thế thái. Những năm gần đây, ông đã liên tiếp cho ra tới bốn, năm đầu sách, cả văn xuôi lẫn thơ. Tập thơ mới nhất của ông vừa được phát hành mùa thu này, với nhan đề Nỗi niềm và đồng đội...

Tôi đã đọc tập thơ này của Khổng Minh Dụ với rất nhiều suy tư. Và với rất nhiều đồng cảm. Trong một tâm thế có phần ngỡ ngàng vì trước đó đã không nghĩ rằng trái tim một vị tướng như ông lại có thể dội lên được những vân vi đau đớn thế về thời mà chúng ta đang sống. Những vân vi có sức lan tỏa như sóng bể...

Khổng Minh Dụ đã mở đầu tập thơ mới của mình bằng bài tự bạch, với lời tâm sự thực ra không mấy điển hình cho những người thành công:

“Cái nghiệp văn chương là như thế,
Số phận nhận gian - số phận mình.
Ước chi mãi được là con trẻ,
Để khỏi đau đời, đau kiếp văn...”

Bìa tập thơ Nỗi niềm

Có lẽ nếu không mang trong mình tố chất văn nhân bẩm sinh, chắc Khổng Minh Dụ đã không phải cảm thán như thế. Nhìn từ bên ngoài, ông dường như không có lý do để phải tư lự đến vậy. Nhưng trái tim người cầm bút đã khiến ông không thể không nhạy cảm với thực tế có vẻ như đang ngày càng nảy sinh nhiều lý do để chúng ta không thể an tâm mà khoanh tay thúc thủ. Chính vì thế những câu thơ của Khổng Minh Dụ trong Nỗi niềm và đồng đội luôn thấm đẫm những dằn vặt và chua xót. Và có lúc kèm theo sự bất lực, tìm về Góc khuất:

“Chẳng còn đường tới bậc cao
Ta đành ngồi dưới đất
Dưới đất rồi
Cũng chỉ còn một góc khuất
Góc khuất trước thênh thang đấu trường”

Cũng rờn rợn khi đó là tâm sự của một vị tướng về hưu, từng qua biết bao nhiêu trận chiến đấu ác liệt và cả đẫm máu với kẻ thù trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Hóa ra là thời bình rồi vẫn còn có những trận chiến khác không kém phần nguy hiểm và bất trắc... Và chính vì thế nên trái tim người lính trong lồng ngực ông tướng không thể biết tới sự nghỉ hưu, không thể nào bình yên được, một khi còn những chuyện bất công và hắc ám tồn tại... Khổng Minh Dụ đã không né tránh những tình tiết chênh vênh dễ bị suy diễn theo kiểu chụp mũ nếu người đọc nào đó có định kiến hay có thói quen suy diễn quá đà theo kiểu nâng quan điểm. Không thể nào dửng dưng khi đọc Tản mạn mùa Vu Lan của ông:

“Cuộc sống muôn màu muôn mặt,
Nghĩ tình đậm nhạt như không.
Oan khiên tấm lòng ngay thật,
Lọc lừa tội hóa thành công.

Sống giữa bể đời bon chen,
Thật, giả ai lường hết được.
Cái ác - hòn đạn mũi tên,
Cái thiện - bọt bèo bóng nước…

Ta ru ta vào lãng quên
Bao nỗi đau đời đè nén
Quên đi những gì phù phiếm
Có chăng còn lại ưu phiền...”

Cái khổ là ở chỗ, “đã mang lấy nghiệp vào thân” (Nguyễn Du), Khổng Minh Dụ không thể nào dửng dưng quên lãng “những nhiệm vụ còn dang dở” trong chiến trường nhân văn của người cầm bút. Khúc hát Trương Chi của ông không phải tâm sự của người bị phụ tình yêu đôi lứa mà là ở một cấp độ cao hơn, khác hơn của người tới cuối nẻo đường càng ngộ ra được sự trớ trêu của thực tại:

“Giặc tan,
Đất nước ca khúc khải hoàn
Bao thứ bon chen ập tới
Xung quanh chiếc ghế - quyền uy

Quá khứ lãng quên
Công bằng, công lý đo bằng nén bạc, đồng tiền,
Ta mang nỗi đau đời trước nhân tình thế thái
Thảo dân buồn ôm khúc hát Trương Chi...”

Thực tế xung quanh đang có nhiều hiện tượng khiến những câu thơ Khổng Minh Dụ căng lên trong những thảng thốt cay đắng. Nhưng ông không bi quan. Ông dựa vào quá khứ để củng cố tâm thế thời hiện tại. Sử dụng cái tên tiểu thuyết quen thuộc Ăn mày dĩ vãng của nhà văn quân đội Chu Lai như một  thuật ngữ, Khổng Minh Dụ đã tuyên ngôn:

“Ta một kẻ ăn mày dĩ vãng,
Cái dĩ vãng khổ đau nhưng rất đỗi tự hào
Nguyện hiến cả cuộc đời cho con đường ta đã chọn
Nên buồn khổ đến tột cùng mà cuộc sống vẫn thanh cao

Xin đừng hỏi vì sao! Vì sao?...
Trước nhiễu nhương cùng bao điều ngang trái
Ta vẫn vô tư âm thầm nhẫn nại
Cái vô tư của đứa ăn mày nơi dĩ vãng thanh cao...”

Buồn. Nhưng đó là nỗi buồn mang ánh sáng, nỗi buồn thanh lọc...

Nói một cách công bằng, Khổng Minh Dụ làm thơ không quá dụng công. Ông chỉ đơn giản bộc bạch những con sóng cảm xúc và suy tư bất ngờ cồn lên trong lòng mình thành câu chữ. Nhưng không phải vì thế mà sức lay động của thơ Khổng Minh Dụ lại bị suy giảm. Giá trị của thơ lắm khi chính là ở sự chân thành...

Thơ Khổng Minh Dụ chỉ dịu lại khi nhắc về những đồng đội cũ, kỷ niệm cũ. Và đó cũng là phần trong trẻo của tập thơ mới... Nhưng ngay ở những bài thơ viết về đồng đội với nụ cười tươi, ta có thể cảm nhận sau đó vẫn song hành một nỗi đau thế sự mà chẳng biết đến bao giờ mới may ra trở thành thanh thản...

Minh Huyền
.
.