Dân biết cả đấy

Thứ Tư, 29/06/2016, 16:13
Chắc mấy nay do phố mưa nhiều quá, mà cũng chắc do mùa này lá rơi nhiều quá, nên lòng Ngô thường hay vướng víu cảm xúc buồn buồn. Nỗi buồn không thể đổ thừa cho hiện thực, thì thôi đổ thừa cho ngoại cảnh vậy. Ngoại cảnh hơi oan một xíu, nhưng không sao. Nỡ nào trách Ngô.

Cha mẹ thương cho Ngô hình hài, thầy cô thương cho Ngô trí thức, ông trời thương cho Ngô một nhúm chữ, Ngô viết gì cũng nhằm ý xây dựng mà thôi.

Đáng tiếc, cứ như con ễnh ương kêu ộp oạp vậy, chẳng ai nghe, mà nghe chắc là cũng chẳng ai hiểu.

1. Năm xưa, nhà văn Vũ Hạnh có viết cái truyện ngắn Bút máu, nội dung đại ý nhắc về nhân vật Lương Sinh, vốn quen thấy thói phồn hoa giả tạo mà đề vịnh thi họa ngợi khen không hết. Mãi đến lúc nhìn ra điều mình viết và thực tế khác nhau một trời một vực thì đã muộn lắm rồi. 

Mỗi khi đọc lại truyện ngắn này, Ngô đều có một trạng thái tinh thần rất kỳ lạ, kiểu như vừa cô độc vừa ai oán, vừa bất lực vừa bi thảm vậy. Chẳng biết là làm sao nữa, có lẽ là bởi Ngô yêu tha thiết đất nước mình, Ngô thương da diết dân tộc mình. Mà Ngô thì có là gì đâu, Ngô chỉ là một kẻ bất tài vô tướng, giắt vào túi mấy chữ làm kế mưu sinh.

Ở phố, mười mấy năm nay loay hoay câu chuyện chống ngập, mấy chục nghìn tỷ cũng được mang ra hóa vàng để hiến tế cho mục tiêu này. Vậy mà, càng chống lại càng ngập, chẳng hiểu sao nhẽ đâu lại vậy, chẳng nhẽ đâu lại có cái lý như vậy.

Tiền ngân sách chứ có phải là giấy vụn đâu mà cứ như muối ném vào ao hồ, ném bao nhiêu tan bấy nhiêu. Mà ngân sách bây giờ thì sao, ngân sách bây giờ thì chi nhiều hơn thu, đó là chưa kể đến khoản nợ nước ngoài. Ấy vậy mà, tiến xuất kho để phục vụ dân sinh, cuối cùng mất tiền còn dân lại chịu cảnh đường ngập cứ ngập.

Trong một kế hoạch tình huống không thể khác thường hơn, họ quyết định nâng đường. Ngô thật sự không hiểu được vì sao họ lại chống ngập bằng cách nâng đường, nghĩa là nước ngập đến đâu nâng đường đến đó. Nâng đường thì dĩ nhiên đường hết ngập, chỉ có nhà dân ngập thôi. Minh bạch mà suy luận, thì rõ ràng họ lấy tiền dân để chung quy lại dồn khó cho dân.

Chuyện đấy là một vế khác, vế khác nữa chính là lời nói "hài hòa cao độ" khi lý giải vì sao nâng đường của ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Làm sao có sự phi lý đến như vậy, làm sao có thể ăn nói với dân như vậy. Hài hòa cao độ là hài hòa cao độ cái gì, dân bầu ông lên làm lãnh đạo để ông chăm lo cuộc sống cho dân tốt hơn, đổi lại ông được thụ hưởng những đặc quyền tương ứng với chức trách.

Minh họa: Lê Phương.

Nay ông lại bảo nâng đường bất chấp nhà dân thành hố, thành hầm, thành hang, thành vùng trũng để chứa nước miễn sao đường đừng ngập; rồi ông bảo hài hòa cao độ nghĩa là hài hoa cao độ làm sao? Lý đâu dân vô trí vô tri, thiển cận kém cỏi để ông muốn nói gì thì ông nói, muốn phán gì thì ông phán. 

Trong lúc, nếu thật sự cầu thị thì ông phải biết lắng nghe, biết sửa chữa những hạn chế, yếu kém, từ đó rút ra bài học để có thể tiệm cận một hướng giải quyết trọn vẹn hơn cho cả hai vấn đề chống ngập nước và sinh kế của dân.

Cũng chính ông Giám đốc Sở này là người phát ngôn một câu trứ danh, "Các vụ việc kẹt xe kéo dài ở TP.HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được". Ngô tôi tình thiệt không hiểu nổi tại sao một cá nhân với nhận thức và cách phát ngôn kiểu này lại có thể ngồi vị trí quản lý về hạ tầng cơ sở được. Ăn nói thì cứ như cãi cùn, phát ngôn thì chối tai không thể tả. Chính những quan chức như vậy đang góp phần đắc lực cho niềm tin của nhân dân vào thể chế ngày càng suy giảm dần đi.

Trong buổi tọa đàm về BOT do một tờ báo Trung ương tổ chức, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bảo rằng, "Tất cả những vấn đề này đều được mở để người dân biết. Nhưng về nguyên tắc, ai có nhu cầu biết thì chúng tôi trả lời chứ không đưa lên phương tiện thông tin đại chúng". 

Ông nói điều này khi đại biểu tham dự đặt ra câu hỏi về vai trò giám sát của "người mua dịch vụ", tức người dân tham gia lưu thông điều khiển xe đóng tiền cho trạm thu phí. Có được quyền biết dự án BOT thu bao nhiêu năm, thời gian hoàn vốn thế nào.

Ông thứ trưởng bảo kiểu này thì e quá đánh đố người dân. Ông này chính là người bảo vệ quyết liệt doanh nghiệp đầu tư BOT hơn cả, bất chấp những hạn chế, khiếm khuyết và có mầm mống trục lợi từ các dự án BOT ngày càng bị chỉ rõ. 

Thậm chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội còn cho biết vào năm 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ có một cuộc giám sát, đó chính là giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phí của hệ thống BOT giao thông trên cả nước.

Tại sao lại không chủ động công bố thông tin về dự án BOT làm hết bao nhiêu tiền, thời gian thu phí bao nhiêu năm trên các cơ quan truyền thông đại chúng mà phải đợi dân hỏi? Lý nào cái gì cũng phải đợi dân xin thì mới cho, còn không thì cứ im ỉm giấu đi như kiểu của mèo.

Dân biết không? Ngô tôi tin rằng dân biết hết chứ tuyệt nhiên không thể nào không biết. Biết là dân biết nhưng sao vẫn phát ngôn theo cách kỳ lạ đó? Có phải chăng kiểu nói chầy nói cối ấy là minh chứng rõ nhất cho việc lấp liếm, cả vú lấp miệng em, cốt sao cho qua truông yên ổn thì thôi.

2. Người ta đang tìm cách cân đo đong đếm xem còn bao nhiêu tấn vàng mà dân đang tích trữ, người ta lại nháo nhào xung phong hiến kế huy động số vàng này ra sao. Ngô tự hỏi rằng, nếu mọi câu chuyện đều giải quyết từ ngọn thì điều gì sẽ xảy ra?

Vì sao dân cố thủ vàng trong nhà mà không mang ra hoạt động để sinh lợi, trong lúc ai cũng biết của cải có thể nảy nở nếu đầu tư đúng hướng. Chẳng ai dại đến mức không muốn thêm tiền một cách hợp pháp cả. Căn nguyên chính là sự bất an của dân.

Ai mà có thể an tâm tin tưởng khi hôm nay mua vàng, ngày mai mang ra bán lại bị trừ đầu một chút, trừ đuôi một chút. Đáng kinh ngạc hơn cả, chính đơn vị kinh doanh vừa bán vàng cho dân xong lại tính cách trừ bớt tiền khi dân bán lại vàng với lý do bao bì bị trầy, bao bì cũ. 

Cái lý do ấu trĩ ấy cũng được mang ra để nâng lên đặt xuống miễn sao thu cái lợi vụn vặt về cho đơn vị kinh doanh thì Ngô tôi chịu rồi. Đó là chưa kể đến các chính sách quy định khi dân gửi vàng vào ngân hàng, mà chính sách nào thì dân cũng là người bị thiệt.

Không tạo ra một sự tin tưởng thì làm sao dân dám mang thứ vật chất mà họ phải hết sức cực nhọc mới tích góp được để phòng thân, để dành dụm cho con cháu nhằm hợp tác kinh doanh với đơn vị nào đó. Mà Ngô nói điều này mấy chuyên gia kinh tế chuyên gia vàng bạc đá quý gì đó bỏ quá cho, tiền của dân mà các vị cứ ở nhà giương mắt nhìn vào rồi lẩm nhẩm đếm đếm, tính tính Ngô thấy nó bần tiện sao ấy. 

Các vị muốn hợp thức hóa sàn vàng này hay sàn vàng kia là việc của các vị, chứ các vị cứ mắt la mày lém oang oang dân còn vàng, vàng trong dân thế này thì không được phải phép với dân lắm đâu. Ai có ăn có học được phong lên tới tận hạng chuyên gia mà mồm loa mép giải đến vậy.

Viết loay hoay lại về đến chuyện thua lỗ của các tập đoàn, các công ty nhà xưởng nghìn tỷ đắp chiếu, các dự án công hoang phế... toàn là tiền của dân hay tiền vay mượn nợ cả đấy thôi. Cá nhân Ngô không thể nào tin được trình độ quản lý của các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty lại kém đến mức đó. Ngô cực kỳ hồ nghi các khoản lỗ này là khoản lỗ cố tình, khoản lỗ hợp lý. Vì sao là khoản lỗ cố tình, khoản lỗ hợp lý? 

Là bởi cha chung thì có ai khóc đâu, sữa mẹ chung có quyền thì dại gì mà không vắt cho cạn sạch, ai nhanh tay thì vắt được nhiều hơn. Lỗ thì mặc kệ lỗ, miễn sao vinh thân phì gia, tiền bạc trong két ngày càng đầy ắp đã xem như là hợp lý lắm rồi. Những khoản lỗ đầy toan tính.

Đến lúc nào đó, phải biết thương dân, phải biết khoan sức dân, phải biết tự xấu hổ đi chứ. Không cơn cớ nào mà dân kêu cứ kêu, dân thấy cứ thấy, còn việc mình vơ vét thì vẫn cứ vơ vét.

Phải biết sợ tương lai, phải biết sợ bia miệng của thế gian chứ. Mà có đâu xa xôi, mới đây cứ thấy ông nguyên lãnh đạo nơi này, nguyên thủ trưởng nơi kia về hưu bị báo giới lôi ra vì lạm quyền, vì trục lợi, vì sử dụng chữ ký sai nguyên tắc. Báo giới lôi ra thì dân có thông tin, có thông tin thì dân phỉ báng. Nên thấy cái gương của người khác mà điều chỉnh hành vi của mình, chứ đâu phải khư khư bưng mắt bịt tai rồi muốn làm gì thì làm.

Hay như cái chuyện lãnh đạo đề bạt con cái của mình vào vị trí lãnh đạo khác cũng vậy. Đồng ý là không phải vị thiếu gia nào cũng kém năng lực, nhưng làm lãnh đạo thì nó cũng phải có kinh nghiệm, có chuyên môn, có trải nghiệm thực tế. Đến thiên tài còn cần điều này huống hồ mấy ông trẻ măng chưa làm được gì cứ ấn hết vào ghế ăn trên ngồi trốc.

Dân biết cả đấy thôi, đừng tưởng dân không biết gì. Dân dĩ vi bản, đẩy thuyền hay lật thuyền không từ dân.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.