Cựu binh Mỹ Don Blackburn: “Mong nhân dân, đất nước Việt Nam tha thứ”

Thứ Sáu, 24/04/2015, 17:24
Sau chiến tranh, Don Blackburn trở thành một giáo viên ở Oregon và trong thời gian điều trị hội chứng rối loạn thần kinh sau sang chấn (PTSD) còn gọi hội chứng sau chiến tranh, ông đã viết những bài thơ đầy xúc động đã được đăng trên 1 cuốn sách có tựa: Các bạn đã thứ tha: Suy ngẫm về chiến tranh, hòa bình và hòa giải. Như nhiều cựu binh trở về mang vết thương thể xác và cả trong lòng, Blackburn từng nhiều lần lên cơn, gây mất trật tự nơi ông sinh sống.

Ông nhớ lại ký ức sai lầm: Đạn súng máy từ máy bay xối xả nã xuống mặt đất, bom Napalm dội xuống thiêu rụi những xóm, làng, buôn, ấp Việt Nam, da người tróc từng mảng khi bị bỏng vì loại bom cháy này.  Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những nạn nhân bị bỏng bom Napalm, trong đó hình ảnh 1 cô bé khoảng 9-10 tuổi không một mảnh vải trên người, gào khóc, hoảng hốt chạy với nhiều vết bỏng, đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1972 đã khiến nhân dân Mỹ và thế giới càng căm phẫn cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Không bác sĩ nào nghĩ cô bé có thể sống sót. Tuy nhiên cô bé đã sống và sau nhiều năm phẫu thuật, Kim Phúc hiện đang sống, làm việc ở Canada. Bà chính là cô bé bị bỏng bom Napalm khi quân đội Mỹ dội bom vào ngôi làng mình, khi bà cùng gia đình chạy bán sống bán chết. Nhiều người trong làng đã bị chết trong ngày hôm đó.

Phóng viên ảnh hãng thông tấn AP Nick Ut đã chụp được khoảnh khắc đầy bi thương, tố cáo tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ và tay sai Việt Nam Cộng hòa. Cô bé gào khóc trong đau đớn. Bây giờ, Kim Phúc vẫn gọi tác giả bức ảnh đó một cách đầy tôn trọng: Bác Nick Ut. Ông chính là người đã cứu mạng sống của  bà.

Như nhiều người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, Kim Phúc khiến nhiều người Mỹ ngạc nhiên, xúc động khi bà nói rằng bà đã tha thứ cho những người gây ra nỗi đau tột cùng cho dân tộc và cho chính bản thân mình. “Đó là việc làm khó nhất trong đời tôi, nhưng tôi đã làm được”.

Trong phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ có những bài thơ, bài hát gây chấn động thế giới, ví dụ như trường họp 1 bài thơ có tựa: Bom Napalm dội lên đầu trẻ nhỏ.

Bom Napalm dội lên đầu trẻ nhỏ

Chúng ta (lính Mỹ, Việt Nam Cộng hòa) bắn vào người bệnh, trẻ em và người tàn tật
Chúng ta dồn hết sức để gây ra đau đớn
Bởi phải giết sạch sành sanh.
Bom Napalm dội lên đầu trẻ nhỏ
(Điệp khúc): Bom Napalm dội lên đầu trẻ nhỏ
Bom Napalm dội lên đầu trẻ nhỏ
Những em bé thơ ngây đang ngậm bầu sữa mẹ
Những em bé thơ ngây nhiễm chất độc da cam
Bị bom xé chôn cùng huyệt mộ
Bom Napalm dội lên đầu trẻ nhỏ

Don Blackburn thừa nhận: “Tôi từng thả nhiều bom Napalm”. Ông nhớ lại 1 bài thơ đến giờ vẫn khiến ông bị ám ảnh. Bài thơ đó viết về chuyện của 2 người lính Mỹ đã rất khổ đau và ân hận khi bắn phá, giết chóc và đốt cháy những xóm làng ở miền Nam Việt Nam.

Một số hình ảnh ông Don Blackburn thăm Việt Nam trao quà nhân đạo cho trẻ em nhiễm chất độc da cam và cựu chiến binh Việt Nam ở làng Hữu nghị năm 2015 (Ảnh: Hội hữu nghị Don Blackburn).

Đốt cháy Bến Cát năm 1967

(Bến Cát thuộc tỉnh Sông Bé trước năm 1975, nay thuộc tỉnh Bình Dương)

Tôi ghì chặt anh bằng tất cả sức bình sinh
Tôi không thể để anh đến đó
Hai chúng ta cùng run trong sợ hãi
Mắt cay xè trong màn khói
Khuôn mặt ta rát bỏng trong gió, cát
Mũ đội đầu rách rưới tả tơi
Lửa cháy đỏ bùng bùng ngay trước mắt
Mặt ngửa lên  đớn đau, anh gào khóc
Vì sao? Ơi hỡi vì sao?
Tôi ôm chặt  anh bằng tất cả sức bình sinh
Trái tim anh dồn  từng hồi trống ngực
Anh thúc, anh cấu, anh cắn
Anh cố sức nâng tay tôi lên  mong thả lỏng
Anh hét lên: “Mày  để tao đi”.
Nhưng mà tôi không thể để anh đi
Anh sẽ chạy lại ngôi nhà anh đã đốt
Đang chìm trong khói lửa mịt mùng
Cố gắng lôi hoặc kéo ai ra khỏi đó
Vẫn đang còn mắc kẹt bên trong
Hai chúng ta cùng run trong sợ hãi...

40 năm sau, Blackburn trở lại Việt Nam đến tỉnh Bình Dương thành tâm nói lời xin lỗi một người phụ nữ có thân nhân bị quân đội Mỹ sát hại và viết một bài thơ tỏ bày sự hối hận.

Trở về ngôi làng có người phụ nữ ấy

Cơn lửa binh thiêu rụi tất cả
Giờ tôi biết nước mắt sẽ không bao giờ đủ
Để dập tắt những ngọn lửa đó
Tôi sẽ  không, không bao giờ có thể
Nhưng thưa bà, cách này hay cách khác
Cúi xin bà tha thứ, bà ơi.

Khi 19 tuổi, Blackburn từng mơ sẽ trở thành 1 anh hùng như cha: “Tôi tình nguyện làm đơn đi lính năm 1966, bởi tôi muốn tôn vinh cha, mẹ bằng cách phục vụ quân đội như họ đã từng. Cha tôi từng tham gia trận chiến Normandy và là người giải phóng các trại tập trung. Mẹ tôi là 1 giao liên bí mật. Họ yêu đất nước Mỹ, từng đặt hy vọng lớn vào Lyndon Johnson (tổng thống Mỹ) và hy vọng ông ấy sẽ chấm dứt đói nghèo ở nước Mỹ”, Blackburn kể.

Kim Phúc (giữa) trong bức ảnh “Em bé Napalm”.

Blackburn cho biết ngay khi đến Việt Nam, ông hoàn toàn thất vọng và đau đớn khi có nhiều thanh niên như ông bị đẩy vào 1 cuộc chiến xâm lược. Ông bất tuân lệnh cấp trên, ra mặt phản chiến, kết quả, Blackburn bị xét xử phải ngồi tù. “Khi tôi bị đe dọa phải ngồi tù ở nhà tù Long Bình, tôi từng thẳng thắn nói với chỉ huy của tôi rằng cha mẹ tôi sẽ rất bất bình, sẽ phỉ nhổ vào Lydon Baines Johnson khi nhân dân chúng ta biết về cái nhà tù Long Bình này”, cựu binh Mỹ cho biết.

Ông kể tiếp: “Tôi được gửi sang Việt Nam vào cuối năm 1967, không hề trải qua huấn luyện đặc biệt và cũng không hề trải qua huấn luyện cơ bản. Trước đó, tôi chưa bao giờ biết cách cầm, sử dụng 1 khẩu M-16”’.

Khi đến Việt Nam, nhiệm vụ chủ yếu của Blackburn là bốc dỡ vũ khí từ các tàu chiến cập ở cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, đào hầm, xây dựng cộng sự. Nhưng sau đó, cũng như ông, nhiều người lính Mỹ đã lên tiếng phản đối chiến tranh.

Sau khi trở về quê nhà ở Oregon, Blackburn buồn chán, phiêu dạt nhiều nơi, không thể trở lại học đại học, ông kết hôn và li dị 2 lần. Trải qua nhiều biến cố, cuối cùng nghe theo lời dạy từ 1 thiền sư gốc Việt, ông nhận ra chân tướng khổ đau. Ông tâm sự: “Kể từ đó, tôi bắt đầu quan tâm đến việc học, tôi đã có điểm thi tốt, đỗ đại học và bắt đầu làm thơ.” Blackburn cho biết, từ khi vào đại học, ông nhận ra bản thân có khả năng dạy học và đã cống hiến cho sự nghiệp dạy học hàng chục năm.

Trước chuyến thăm năm nay, Blackburn từng trở lại Việt Nam 2 lần vào các năm 2002 và 2004, đến thăm những nơi cùng từng tham chiến, xin lỗi người dân Việt Nam. Vào mỗi dịp như thế, ông thường đến làng Hữu Nghị thăm hỏi, động viên và trao quà nhân đạo.

Làng Hữu Nghị nằm ở ngoại thành Hà Nội, được 1 cựu binh Mỹ tài trợ xây dựng năm 1988 và hiện có nhiều tổ chức quốc tế tham gia ủng hộ. Đây là cầu nối hữu nghị phù hợp với quan điểm của Đảng-Nhà nước, nhân dân ta tha thứ cho lỗi lầm, xóa bỏ hận thù cùng Mỹâ xây dựng hòa bình và phát triển.

Hiện cơ sở nhân đạo này đang chăm sóc, chữa bệnh cũng như giáo dục và đào tạo nghề cho hàng trăm trẻ em, thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt đối với trẻ em nhiễm chất độc ca cam.

Đầu năm nay, khi trở lại Việt Nam, thăm Làng Hữu Nghị, Blackburn đã rất xúc động khi được chào đón bằng những nụ cười và những vần thơ chan chứa tình người từ các cựu chiến binh. Cựu chiến binh Mỹ ôm chầm lấy cựu chiến binh Việt Nam, họ rưng rưng hỏi nhau: “Ông từng ở A Lưới?”; “Ông từng ở Phú Bài?”. Xong họ ghì chặt lấy nhau và cùng cười.

Đột nhiên, Don Blackburn bật khóc, đôi vai run lên bần bật, khi một cựu chiến binh, anh bộ đội Cụ Hồ, cởi tấm Huân chương đang cài trên ngực áo xanh màu xanh hòa bình vươn cao người, cài lên ngực áo của cựu binh Mỹ. Đó là tấm huân chương vì hòa bình, thể hiện nhân dân Việt Nam yêu hòa bình, đất nước Việt Nam anh hùng.

Phạm Anh Trúc
.
.