Cuối năm, nói thật về điện ảnh

Chủ Nhật, 08/01/2012, 10:20
Phải trao đổi cùng chúng tôi, một đạo diễn tên tuổi trong làng điện ảnh mới viết bài về những mảng màu của nền điện ảnh. Tôn trọng anh, chúng tôi để bút danh thay vì tên thật. Có lẽ, cũng để tránh cho anh những chuyện không hay.

Nhìn vào ngành phim ảnh của Việt Nam hiện nay, hẳn ai cũng phải lạc quan thấy rằng nó đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bất kể giờ nào, chỉ cần bật ti vi lên, chuyển kênh là sẽ thấy hàng chục bộ phim Việt đang phát sóng. Đó là kết quả của việc xã hội hóa nền điện ảnh với sự ra đời của hàng trăm hãng phim tư nhân ngoài Bắc trong Nam. Cùng với những hãng phim truyền thống của nhà nước, các hãng phim tư nhân cũng đã và đang mạnh dạn mở rộng đề tài khai thác, tạo nên những món ăn tinh thần phong phú và đa dạng cho người xem. Không chỉ với thể loại phim truyền hình mà cả phim điện ảnh chiếu rạp. Lạc quan là thế, nhưng để những bộ phim Việt đạt chất lượng tốt hơn, đủ sức cạnh tranh với phim ngoại nhập thì chắc hẳn các nhà làm phim của chúng ta vẫn còn có rất nhiều việc phải làm.

Có theo chân suốt đoàn phim hoặc trực tiếp tham gia làm việc ở những phim trường mới thấy, để có được một bộ phim ra đời, ê kíp làm phim đã phải lao động cực nhọc như thế nào. Đặc biệt là với những bộ phim chính sử, có bối cảnh quay rộng và phức tạp. Cả trăm con người phải lên rừng, xuống biển, thức khuya, dậy sớm, ăn uống thất thường...

Khổ công là thế, có nhiều bộ phim khi trình chiếu đã được công chúng nhiệt  đón nhận, nhưng cũng có không ít những phim đã không được thỏa mãn kỳ vọng của mọi người. Mổ xẻ ra thì sẽ có rất nhiều nguyên do, cái chính có lẽ nằm ở chỗ: công nghệ sản xuất phim của Việt Nam vẫn còn đang trên đường hướng tới sự chuyện nghiệp thực sự. Một sự chuyên nghiệp trong phương thức sản xuất và ở các bộ phận chủ chốt trong ê kíp làm phim - sự chuyên nghiệp toàn diện.

Có vài thực trạng thiết nghĩ, để thay đổi nó có lẽ còn phải cần một thời gian dài nữa.

Biên kịch: Kịch bản ví như những viên gạch nền tảng, như bộ khung của ngôi nhà. Đa số những bộ phim không được sự đón nhận của số đông công chúng đều rơi vào  trạng kịch bản có cốt truyện lỏng lẻo, nội dung thiếu chiều sâu và thiếu những chi tiết sinh động của đời sống. Nó thể hiện sự thiếu vốn sống và non tay nghề của người viết kịch bản.

Cũng dễ hiểu, bởi trong vòng không đến 10 năm qua đã có đến cả trăm công ty kinh doanh phim ảnh xuất hiện. Điều này nảy sinh  trạng cầu đã vượt cung, các công ty “khát” kịch bản để sản xuất. Hàng loạt những “nhà biên kịch” tay ngang đã ra đời, chiếm số đông trong đó là những người viết trẻ, những nhóm viết trẻ. Họ có một ưu điểm hơn những nhà biên kịch lão làng là viết nhanh và giá rẻ. Có những nhà sản xuất thiếu những chuẩn bị về chiều sâu trước sự cạnh tranh quyết liệt để có được một phần miếng bánh béo bở trên sóng truyền hình.

Họ bắt buộc phải tận dụng những kịch bản có chất lượng tương đối từ đội ngũ viết, rồi bằng cách nào đó họ vượt qua được vòng kiểm duyệt và một bộ phim ra đời. N. là một trong những người viết kịch bản trẻ mà tôi biết, đã tâm sự: mỗi tập phim truyền hình về đề tài  cảm xã hội đương đại, anh chỉ viết từ một đến hai ngày là xong. Có những kịch bản N. phải viết song song với việc sản xuất tại phim trường. Như vậy thì làm sao có thể đủ thời gian để anh trau chuốt kịch bản cho tốt?

Để có một bộ phim ra đời, ê kíp làm phim đã phải lao động cực nhọc.

Diễn viên: Một diễn viên chuyên nghiệp đã có trên 30 năm tuổi nghề nhận xét, chưa bao giờ nghề diễn viên lại “hót” và dễ dãi như bây giờ. Thật vậy, không chỉ qua mỗi khóa đào tạo của các trường nghệ thuật mà là qua mỗi bộ phim đã xuất hiện một loạt những gương mặt “diễn viên” mới. Đa số họ cũng là dân tay ngang từ nhiều ngành nghề khác nhau như: người mẫu, ca sĩ, nhạc sĩ và cả sinh viên, v.v… trở thành “diễn viên” nhờ nhu cầu và những tiêu chí khác nhau của các nhà sản xuất.

Ưu điểm của lực lượng diễn viên tay ngang là ngoại hình đẹp, có tiếng tăm (kể cả tai tiếng) trong lĩnh vực mình đang hoạt động. Khả năng diễn xuất trước ống kính không quan trọng bằng việc họ có thu hút được sự chú ý của một bộ phận công chúng tương thích với tiêu chí của các sản phẩm quảng cáo, vốn là nguồn lợi nhuận khổng lồ của các nhà sản xuất.

Những diễn viên này đã tạo nên sự phong phú trên màn ảnh nhưng cũng chính đa số họ do thiếu sự đào tạo chuyên sâu về kỹ năng diễn xuất cũng như phong cách làm việc chuyên nghiệp của nghề diễn viên. Nên khá dễ dãi trong cách nhìn nhận, hành nghề. Chạy sô, đi trễ, thiếu nghiên cứu kịch bản và tính cách nhân vật, đặc biệt không thuộc thoại trong diễn xuất... là một căn bệnh tồn tại ở hầu hết các đoàn phim hiện nay. Họ cũng góp phần tác động đến sự thay đổi quan điểm làm việc của một bộ phận nghệ sĩ chuyên nghiêp, vì miếng cơm manh áo cũng phải đành nhắm mắt... cuốn theo chiều gió.

Diễn viên là một trong những nhân tố chính tạo nên cái hồn của bộ phim, một khi họ không làm tròn được trách nhiệm của mình thì tất yếu sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của bộ phim.

Họa sĩ thiết kế: Là người tạo nên không gian, màu sắc chân thực và sinh động của bộ phim, theo đúng tinh thần kịch bản đã đề ra. Nhưng lang thang đến các đoàn phim sẽ dễ nhận thấy có khá nhiều những “họa sĩ” không có... nguồn gốc xuất xứ. Với những bộ phim về đề tài xã hội đương đại, yêu cầu về thiết kế bối cảnh và đạo cụ không cao như phim chính sử, nên một số họa sĩ sẵn sàng nhận làm một lúc nhiều phim rồi giao lại cho đệ tử làm, còn mình chủ yếu ở vòng ngoài chạy qua chạy lại giữa các đoàn phim. Đa số những người trực hiện trường này nhờ sống lâu lên lão làng, hoặc chỉ là “đệ tử” có kinh nghiệm của họa sĩ.

Những thành viên còn lại thì đủ các thành phần, có những người chưa bao giờ biết đến thiết kế phim là gì. Nhưng họ lại là những người trực tiếp thiết kế, làm đạo cụ theo sự chỉ đạo của... sếp. Và tất nhiên khi làm việc, sự cảm thụ của những người này về chuyên môn, nghệ thuật với yêu cầu của bộ phim là khác xa so với họa sĩ chính. Các đạo diễn, quay phim có muốn can thiệp cho màu sắc, bố cục khung hình của mình thì cũng chỉ ở một chừng mực nào đó. Tất nhiên, họ có quyền yêu cầu cho nghỉ hoặc thay đổi người làm khác, nhưng đó chỉ là về mặt con người, còn chuyên môn thì chắc hẳn đã hơn gì?

Đạo diễn: Nếu ví bộ phim là con tàu, thì đạo diễn chính là người thuyền trưởng chịu trách nhiệm chèo lái con tàu ấy đi đến đích. Thế nhưng, vai trò “vua phim trường” của các đạo diễn bây giờ hẳn đã khác xa với các đạo diễn ngày xưa và càng khác xa so với các đạo diễn ở môi trường làm việc của nước ngoài.

Từ các đơn vị sản xuất của nhà nước đến tư nhân, đa số các đạo diễn khi làm phim đều phải chịu sự chi phối của các nhà sản xuất, không chỉ về kinh tế mà cả về lĩnh vực chuyên môn như: nội dung kịch bản, chọn diễn viên, bối cảnh, hình thức làm việc, v.v… Bởi với cách làm phim theo tiêu chí công nghiệp, nếu không nghe theo “vua” sẽ bị trảm vì còn có rất nhiều “vua” khác sẵn sàng thay thế.

Với những đạo diễn trẻ mới vào nghề, đôi khi để có được cơ hội vươn lên, họ đành phải biết chấp nhận cảnh làm “vua” hữu danh vô thực này. Bên cạnh đó cũng có những đạo diễn vì tư lợi đã đánh mất niềm tin với nhà sản xuất. Bằng thương hiệu của mình, họ nhận một lúc hai hoặc ba phim khác nhau, rồi chạy qua lại hò hét ở hiện trường để đối phó nhà sản xuất, nhưng thực chất là giao cho những phó đạo diễn và trợ lý trực tiếp làm. Làm phim thì lấy tiến độ làm đầu, bối cảnh gom, hai máy đặt chết hai góc, ánh sáng sét sẵn, cho diễn viên diễn một lèo cả phân đoạn cho nhanh, động tác máy chỉ là zoom hoặc dolly. Với những phó đạo diễn cứng tay nghề thì còn đỡ, tay nghề yếu thì kết quả bộ phim ra đời cứ nhàn nhạt, bị công chúng quay lưng là điều tất yếu.

Nhà sản xuất: Đạo diễn là vua phim trường thì nhà sản xuất chính là vua của các ông vua. Bởi vì họ nắm tiền và quyền “sát sinh” trong tay. Không chỉ can thiệp thái quá vào chuyên môn của đạo diễn, biên kịch, họ còn có khả năng can thiệp vào cả khâu kiểm duyệt. Chính vì vậy mới có những cụm từ “thảm họa phim Việt” ra đời. Có những bộ phim và đạo diễn phải chịu sự chi phối không chỉ một mà cả dây chuyền nhà sản xuất. Chủ đầu tư A ra dự toán rót vốn, đặt hàng cho nhà sản xuất B để làm phim, nhà sản xuất B lại lên dự toán giao phim cho nhà sản xuất C gia công, nhà sản xuất C lại lên dự toán giao cho đại diện “ruột” của mình là chủ nhiệm toàn quyền trực tiếp điều hành về mặt kinh tế, sản xuất với đạo diễn, v.v... Lúc này số phận của bộ phim phụ thuộc khá lớn vào chủ nhiệm. Chủ nhiệm có chuyên môn và đủ nhiệt tâm với nghề thì đạo diễn và bộ phim được nhờ, còn ngược lại thì bộ phim ra đời sẽ bị “gầy” đi cấp “n” so với kỳ vọng ban đầu. Mọi búa rìu dư luận về bộ phim lúc này chỉ có đạo diễn là người chịu trách nhiệm.

Không thể phủ nhận, từ khi chính thức xã hội hóa điện ảnh, để có được kết quả phát triển phim ảnh sôi động như hiện nay, có sự góp công không nhỏ lực lượng các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên, thiết kế, v.v. mới này. Bên cạnh những đội ngũ nhà sản xuất và nghệ sĩ đã thành danh, họ đã góp phần tạo nên những món ăn tinh thần phong phú và đa dạng cho công chúng yêu phim ảnh Việt Nam. Tác động và phát triển sâu rộng hơn văn hóa xem phim đến đông đảo các thành phần công chúng. Các kênh phim truyền hình được nhân lên, doanh thu phòng vé trong các rạp chiếu phim cũng tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, từ những thực trạng còn tồn tại cho thấy, chúng ta có lẽ vẫn đang còn trong giai đoạn định hình về một nền công nghiệp giải trí có tầm vóc.

Để có thể đủ sức cạnh tranh mạnh mẽ với các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến thì đây là sứ mệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và không phải một sớm một chiều. Nhưng từ những tín hiệu vui ở hôm nay, chúng ta có thể lạc quan điều đó sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa

Vũ Thụy Anh
.
.