Cuối năm, gió máy bùi ngùi

Thứ Tư, 25/01/2017, 06:45
Một năm là mấy trăm ngày, vui vui buồn buồn, may may rủi rủi. Cuối năm rồi, ngoài hiên gió máy trên tán lá cây lao xao, con đường ăm ắp một mùi hương cũ.

Vạn sự như được đất trời thu xếp lại, để tĩnh tâm hơn, để an nhiên hơn. Được mất mấy chốc, lạc bi mấy hồi.

Ngô điểm lại mấy điều đã trôi nổi bật trong năm với quan niệm không dám thêm phần khiến quý bạn đọc mỏi mệt, chỉ là nhớ lại để tiến tới, nghĩ về để hy vọng một tốt đẹp mà thôi.

1. Năm hai nghìn không trăm mười sáu là một năm nhiều biến cố, không chỉ có chuyện Formosa là ầm ĩ mà còn biết bao nhiêu câu chuyện khác. Câu chuyện nhân tai, câu chuyện thiên tai. Kia là thủy điện xả lũ, đây là hạn hán xâm nhập mặn. Nhưng chung quy ai cũng biết thì chống chọi với nhân tai bao giờ cũng khó hơn là đối phó với thiên tai.

Trong năm này, người dân bàng hoàng trước những thông tin về các cán bộ lãnh đạo gây thất thoát nghìn tỷ nhưng vẫn được bổ nhiệm, đề bạt lên các vị trí cao hơn, an toàn hơn. Và giả như nếu không bị phát hiện, không bị ngăn chặn thì họ còn tót lên những vị trí nào nữa thì thiệt tình Ngô không dám hình dung đến.

Vì sao nay người dân mới bàng hoàng, là bởi trước đến giờ chỉ toàn nghe nói, chỉ toàn kháo nhau "Nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi chuyển sang vị trí mới ngon lành cành đào hơn". Tuy nhiên, nay đã không còn nghe nói nữa mà đã giấy trắng mực đen, thông tin chính thống được báo giới phát đi. Một nhóm lợi ích bao che cho nhau, thỏa hiệp với cái xấu được nhìn nhận minh bạch nên đã lộ diện rất rõ ràng.

Trong trạng thái nhân dân đang nóng lòng chờ đợi, trong cảm xúc nhân dân đang háo hức đợi chờ, thì những phi vụ bỏ trốn ra nước ngoài, ra nước ngoài chữa bệnh, mất tích… như một gáo nước lạnh dội vào những ấm áp vừa nhen nhóm.

Ngô tôi vẫn biết công cuộc phòng chống, xử lý nhóm lợi ích không đơn thuần chỉ là ngày một ngày hai. Lại càng biết, muốn đạt được hiệu quả cần phải có một lòng quyết tâm cao độ, một tinh thần đoàn kết cao độ, một thái độ cứng rắn cao độ. Chẳng ai một mình lại có thể chống được nhóm lợi ích, nhất là khi nhóm lợi ích ấy lại quá gắn chặt với nhau về các điều khoản với mục tiêu chính là trục lợi từ quyền lực, từ vị trí được phân công bổ nhiệm, từ ngân sách.

Thế nhưng, công cuộc này bắt buộc phải được tiến hành, phải được thực hiện một cách trọn vẹn. Nhẽ đơn giản nhất, đó chính là công cuộc kiến tạo lại niềm tin cho nhân dân, công cuộc hình thành nên sự gắn kết một lòng giữa nhân dân và Nhà nước với mong muốn xã hội ngày càng phát triển bền vững, ngày càng tươi đẹp.

Không có niềm tin, sẽ chẳng còn gì nữa cả. Đạo lý này đơn giản đến mức như đói thì kiếm cơm ăn, khát thì kiếm nước uống, lạc đường thì kiếm ánh lửa vậy. Không gì có thể ngụy biện được, không gì có thể hiểu sai lệch được. Sử sách đã ghi chép rõ ràng, những biến cố lịch sử thành bại dựng nước giữ nước đã ghi lại rõ ràng. Muốn thành một khối thống nhất để cùng nhau bước đi, thì tuyệt nhiên không thể thiếu hai chữ đơn giản này.

Minh họa: Lê Phương.

Muốn có được niềm tin, cần phải có quyết tâm vì cái chung mà phụng sự, đó chính là thứ vũ khí không thể thiếu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu không có quyết tâm, người ta dễ dàng đánh mất sự nỗ lực ban đầu với quá nhiều rào cản, khó khăn. Ngô tôi viết điều này rất thật tâm, khi Tổng Bí thư đánh tiếng trống lệnh tuyên chiến với nhóm lợi ích, với tham nhũng, Ngô tôi đã vui mừng không ngủ được. Vì có những điều không viết ra, nhưng nhìn hiện thực thì đã được bày cả ra đấy thôi.

Sinh ra làm con dân nước Việt, sướng khổ sang hèn giàu nghèo sống chết gì cũng là con dân của nước Việt. Có ai lại không mong muốn nhìn quê hương đất nước đổi thay từng ngày theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Điều này đâu chỉ cho bản thân mình, mà còn cho con, cho cháu, cho những thế hệ hậu sinh nền tảng vững chắc để không tự ti trước thiên hạ, để không mặc cảm với người ta.

Thế nên, Ngô vẫn rất mong những lãnh đạo cao cấp gạt đi tình riêng, giữ gìn đúng kỷ cương phép nước. Nói mạn phép lãnh đạo thương tình đại xá cho, chứ hiện tại thì nhiều thứ nguy nan lắm rồi. Bây giờ không lo, không cố, không giữ thì biết là lúc nào nữa. Hùm chết để da, người ta chết để bia, nghìn năm bia miệng cũng vậy. 

Trước lịch sử, trước thời gian, nhân dân luôn công bằng. Người ta sống có mấy mươi năm thôi, chứ miệng lưỡi đời người thì truyền hết đời này sang đời khác. Thử hỏi cho đến tận bây giờ, có ai cất miệng khen lũ tham quan sâu dân mọt nước nửa câu hay chưa?

2. Cũng trong năm này, những tin tức về các khoản lỗ của nhiều doanh nghiệp Nhà nước được công bố. Tiền ngân sách, tiền để phục vụ cho nền kinh tế, cho chế độ an sinh của nhân dân mà sao có nhiều kẻ cứ xem như là cát ở sa mạc, nước biển trong lòng đại dương đến vậy. Càng đọc càng thấy đau lòng.

Y như chứng kiến cảnh trong gia đình có một kẻ phá gia chi tử vậy, mà ở đây đâu phải chỉ có một. Còn nhiều nhiều quá những kẻ đang hóa vàng ngân sách, đang xem tiền công như tiền riêng, mặc sức phung phí. Ai lại không hiểu vì sao người ta lãng phí tiền của ngân sách, chắc chắn là không phải do nhận thức hay trình độ rồi. 

Bởi nếu có nhận thức hay trình độ kém thì làm sao đủ kiên nhẫn, đủ mánh khóe để được đề bạt. Ấy chính là lòng tham lam vô độ, vơ vét cá nhân được chừng nào thì tốt chừng đó, thêm chừng nào thì mừng chừng đó. Còn ngân sách của công có thiệt hại ra sao thì mặc kệ.

Chứ làm sao có mua một đống sắt vụn cũng tiền tỉ tỉ, các công trình đắp chiếu cũng tiền tỉ tỉ. Thậm chí, vô lý đến mức làm một nhà máy rồi cuối cùng nhà máy đó không thể đi vào vận hành do trang thiết bị không tương thích cũng tốn tiền tỉ tỉ. Thử hỏi, có đau lòng không?

Làm sao người ta không biết đó là sắt vụn, làm sao người ta không biết dự án phát sinh quá nhiều tiền thì vô lý ở điểm nào, làm sao người ta không biết thành lập một nhà máy cần phải sử dụng trang thiết bị, dây chuyền sản xuất nào cho phù hợp… 

Thế nhưng, người ta vẫn cứ làm. Tiền công mà, có ai xót đâu. Tiền công mà, có ai nghĩ đó là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân đóng góp đâu. Sẵn quyền thì cứ xài, còn xin được thì còn xài. Miệng nói là vì cái chung nhưng thật ra toàn vì mình mà gắng sức vơ vét vậy.

Ngay cả một chương trình hết sức nhân văn và đúng đắn là xây dựng nông thôn mới, thay vì trọng tâm của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho nông dân, giúp nông dân có thêm điều kiện tăng thu nhập, tăng cơ hội để tiếp cận với các phương thức nuôi trồng hiện đại để sản phẩm làm ra vừa đảm bảo chất lượng vừa tăng giá thành lại tiết kiệm được sức lực.

Thì đằng này, người ta lại ném bao nhiêu tiền vào trụ sở, vào cổng chào, vào những tấm biển hiệu văn hóa văn minh gì gì đấy. Còn cốt lõi vấn đề, người nông dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. 

Vì quan tâm đúng mức thế nào khi mỗi năm người nông dân vẫn phải chịu thiệt hại mấy chục nghìn tỷ cho nạn gian thương kinh doanh phân bón giả, rồi lại lẩn quẩn trong câu chuyện được mùa mất giá. Ngô tôi không hiểu được rằng khi những lãnh đạo nhìn thấy cảnh con bò ăn dưa hấu, con bò ăn hoa lay ơn, những đống hành, những đống gừng, những đống chanh đang chờ kêu cứu vì quá mất giá có biết xấu hổ không, có thấy động lòng hay không? 

Vậy mà, xây dựng nông thôn mới vẫn nợ đọng tứ tung, xã nghèo kiết xác cũng nợ, huyện đi xin gạo cũng nợ. Rồi chưa kể đến tình trạng lạm thu, tình trạng o ép người nông dân của chính quyền địa phương, là nơi Ngô tôi hay gọi là thành trì của lòng tin. Bởi họ là những công chức tiếp xúc với dân nhiều nhất, va chạm thường xuyên với dân nhất.

Ngô tôi nghĩ rằng, trong vạn sự của đất trời này thì không gì có thể thoát khỏi đạo làm người, trong vạn sự của đạo làm người thì không gì quan trọng hơn đạo của người quân tử, trong vạn sự đạo của người quân tử thì không gì cần thiết hơn lòng tự trọng.

Lòng tự trọng giúp cho người ta vượt qua được những cám dỗ bản thân, giúp cho người ta nhìn nhận đâu là đúng đâu là sai, việc gì được phép làm, việc gì nhất thiết phải chối từ. Lòng tự trọng giúp cho người ta trở nên minh mẫn, giúp cho người ta không bị lâm vào tình huống ai cũng vậy mắc mớ gì mình phải trở thành cá biệt. Lòng tự trọng chính là điều tiên quyết nhất để hình thành nên một người quân tử.

Nếu cán bộ lãnh đạo có lòng tự trọng, thì dân được nhờ biết mấy, thì tiếng thơm lan truyền biết mấy. Lòng tự trọng của cán bộ lãnh đạo sẽ giúp cán bộ lãnh đạo công tư phân minh mà không còn lấn cấn gì.

Cuối năm, xin hầu bạn đọc một câu chuyện xưa. "Thái phó Tô Hiến Thành lâm bệnh nặng. Bấy giờ, trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ, tài năng, vì mải lo việc công nên không mấy khi tới thăm hỏi ông được. Một vị quan khác là Tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm túc trực, phụng dưỡng cơm nước, thuốc thang cho ông.

Lựa rằng Tô Hiến Thành khó bề qua khỏi, Đỗ Thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) đến thăm, hỏi ông chuyện người có thể thay thế ông cầm cương, giữ lái chuyện triều chính, "Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay thế ông được?". 

Tô Hiến Thành không cần suy nghĩ, đáp luôn, "Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá". Thái hậu ngạc nhiên, hỏi, "Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?".

Tô Hiến Thành nói rành rẽ, "Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được". Đấy chính là lòng tự trọng, đấy cũng chính là bậc chính nhân quân tử vậy.

Nhân năm mới, Ngô tôi kính chúc quý độc giả nhiều sức khỏe, vạn an. Chúc rằng bất cứ ai trong chúng ta, bất kể dân hay quan, bất kể vị trí cao thấp sang hèn, đều giữ được lòng tự trọng cho chính mình.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.