Cú đạp chân ngỡ ngàng

Thứ Hai, 10/05/2021, 22:42
Ông Đ từ từ xé cái vỏ gói bánh tráng nướng (bánh đa) rồi quay lại đưa tôi và anh T mỗi người một tấm bánh. "Đây, chú em với anh T ăn thử đi. Cái bánh tráng của thằng em này sản xuất ngon nhức nách". 


Tôi nhận lấy tấm bánh tráng nướng công nghiệp hình vuông, săm soi khá kỹ tấm bánh ấy trước khi thưởng thức. Mặt bánh đều, màu bánh vàng đều không một vết "nổ". Mùi bánh thơm lựng chẳng mấy chốc đã phủ ngập không gian nho nhỏ của chiếc xe hơi 7 chỗ. Bánh xe vẫn lăn đều, hai bên là màu xanh của lúa. Chúng tôi đang từ sân bay về một huyện miền Trung.

"Ơ, ngon thật đấy", anh T thốt lên, "cái này của nó được này. Giá bán sao?". "Rẻ lắm. Đâu có chục ngàn một bịch. Thằng em này cũng từ bánh tráng đi lên. Giờ nó bán phủ sóng mấy tỉnh rồi. Lát tôi đưa anh xuống thăm xưởng nó. Xem có đường nào cho nó xuất khẩu hay không", ông Đ đi thẳng vào vấn đề. Chuyến đi này là do ông tổ chức. Mục đích duy nhất cũng chỉ là nhờ vả anh T tìm đường hướng cho vài doanh nhân địa phương.

Tôi vẫn nhìn ra cửa sổ xe hơi. Và nhớ về quê ngoại mình, cũng một địa phương miền Trung. Ký ức của thời thơ ấu ùa về cũng chỉ vì những chặng xanh trên con đường đang lướt qua cửa sổ nhỏ. Ngày ấy, cứ mỗi chiều Hè, cữ 3-4g, lại có một bà già vào kiệt (hẻm, ngõ - theo cách gọi ở miền Trung) nhà ngoại rao bán bánh tráng. Lũ trẻ con lấm lem vì chơi đá banh, chơi bắn bi lại bu xúm lại quanh bà bán bánh tráng đó. Đứa có tiền thì lận thun quần móc ra tờ bạc lẻ được quấn rất kỹ. Đứa không tiền thì đứng hóng, chờ nó bẻ cho miếng nào thơm thảo miếng ấy. Và điểm tôi ấn tượng nhất của cái bánh tráng miền ngoại chính là cái vùng đỏ tươi rực rỡ nằm chính giữa phiến bánh. Nó chính là tương ớt. Mỗi phiến bánh bán ra, trước khi trao tay, đều được bà già múc một chút tương ớt bằng cái gáo xinh xinh nhỏ xíu và rưới lên chính giữa. Phiến bánh mặt trời, tôi đã từng nghĩ thế. Nó như một mặt trời đỏ lựng, với cái quầng vàng mở rộng. Và lũ nhỏ cứ bẻ từng "miếng nắng" mà chấm vô cái mặt trời bé con kia. Chúng nó tài thật. Dăm ba tuổi mà đã ăn ớt được rồi. Tôi thì tuyệt nhiên không dám đụng vô mặt trời đó dù cơm canh nhà ngoại lúc nào cũng cay như thể tập cho tôi ăn cho quen dần.

Cái cách ăn bánh đa đó ở quê ngoại quả thực đặc sắc. Nó khác hẳn với cách ăn bánh đa ở Hà Nội, nơi tôi lớn lên. Góc phố nhỏ, nhóm một lò than hoa đỏ xinh xinh, rồi ai tới mua họ mới quạt than nướng bánh. Cái bánh đa thơ ấu ở Hà Nội ăn chay đơn thuần, chẳng chấm với gia vị gì thì phải (hay do tôi ngày đó không ăn gia vị nên không nhớ nổi)? Và miếng bánh nướng trên than hoa nó thường có những "bọt nổ" lác đác trên mặt bánh. Trong cái "bọt nổ" ấy là không khí. Lũ nhỏ thường thích nghịch ngợm cái bọt nổ đó trước khi ăn. Khám phá đúng là một tò mò vô cùng. Cũng là cái bọt nổ thôi, mới bóp vào nó hôm qua, và biết thừa bên trong chẳng có gì, vẫn kích thích đứa trẻ ngày hôm sau tiếp tục khám phá với hi vọng nó sẽ khác. Ôi, giá mà lớn lên, người ta cũng yêu nhau theo cách đó, cứ khám phá nhau mỗi ngày mà không thấy chán, thì nhân gian chắc chẳng có chia ly và những bản tình ca buồn nản bao giờ.

Sau này, lớn lên, đi nhiều, tôi bắt đầu hiểu ra cái bánh đa bình thường thế thôi nhưng hoá ra lại xuất hiện trong nhiều món ngon "kỳ vĩ" của ẩm thực Việt. Nào là bánh đa xúc hến, bánh đa xúc tiết ngan xào ớt rau răm, bánh đa bẻ vụn trong tô mì Quảng, bánh đa ăn kèm tép đồng xào bông điên điển ở miền Tây... Nếu phải bình chọn một thứ ăn vặt xuất sắc nhất thế giới, tôi chẳng ngại ngần gì đề cử bánh đa Việt. Này nhé, nếu vào một quán rượu ở trời Tây và thay vì ăn mấy thứ "snack" của họ, ta dùng bánh đa bẻ nhỏ chấm tabasco thì sao nhỉ?

"Này, ông Đ, nó có làm loại bánh tráng chưa nướng để khách về tự nướng bằng lò vi sóng không. Tôi nói thật, bánh này thì ngon. Tôi có thể giới thiệu sang châu Âu được, tôi có mấy mối bên đó. Nhưng nếu đóng công (container) bánh nướng rồi sẽ chiếm diện tích là thứ nhất và dễ bể bánh, mất thẩm mỹ là thứ hai", anh T nói. Ông Đ khẳng định "Nó chưa. Vì nướng bánh bằng lò vi sóng nó sẽ không đều đẹp như bánh nướng công nghiệp này, và bánh sẽ không phẳng phiu như vầy. Nhưng tôi sẽ nói nó thử". Nói là làm, ông bắc máy gọi điện cho chủ cơ sở sản xuất, giọng sang sảng, sang sảng.

Xe lăn bánh vào một con đường nhựa liên thôn mới sửa sang, rồi quẹo vào một khu nhà khang trang, rộng rãi, tấp nập người ra vào. "Đây, xưởng của nó đây. Thằng chủ nó đang trên đường chạy từ nhà nó qua", ông Đ giới thiệu. Chả mấy chốc, một chiếc Peugeot bảy chỗ mới cáu cạnh từ từ vào sân. Từ trên xe, ông chủ xưởng dáng người to khoẻ, đen chắc hồ hởi bước xuống. Tay anh khệ nệ bê một... cái lò vi sóng. "Chú Đ mới tới. Nãy con ở xưởng đó chớ. Tại chú nói vụ nướng bằng lò vi sóng, con máu quá chạy về nhà thử luôn. Ngon rồi. Làm được hết chú ạ", ông chủ xưởng nói như bắn liên thanh rồi quay sang chúng tôi hồ hởi: "Em chào hai anh. Mời hai anh vô chơi, em nướng thử cho coi liền".

Nói là làm. Ông chủ xưởng dắt chúng tôi vào phòng khách, hì hụi kiếm ổ cắm điện để đặt cái lò vi sóng giữa bàn trong khi nhân viên thì đang pha trà. Rồi tay ông thoăn thoắt mở bịch, lấy bánh, bật lò, nướng. Đúng là đẹp thật. Phiến bánh vẫn phẳng phiu, màu vàng vẫn đều, chỉ khác với bánh nướng công nghiệp ở một điểm là cái viền bánh hơi có xíu màu nâu cháy. Nhưng tôi thích cái màu nâu cháy ấy. Nó cho cảm giác của một phiến bánh được nướng than hoa ngày nào.

Rồi câu chuyện rôm rả xoay quanh năng lực sản xuất, quanh thị trường phân phối hiện thời, quanh cả việc ông chủ xưởng mày mò sao để chế ra cái máy sấy bánh đa nhằm tránh phụ thuộc vào nắng mưa thời tiết của cách làm phơi bánh truyền thống. Buổi chuyện kéo dài đến tận lúc tất cả cùng lên xe, tìm một nhà hàng nhỏ ven sông gần đó để ăn trưa. Cũng tại cái bàn ăn trưa đó, câu chuyện đi đến "chung kết" của ý đồ đưa bánh đi xuất khẩu.

"Giờ mầy cứ trực tiếp làm việc với anh T. Ảnh đã hứa là làm đó. Ảnh sẽ giúp mầy xuất khẩu bánh này qua châu Âu", ông Đ nói, "còn có gì cần tao phụ thêm cứ báo thằng S này, nó là trợ lý số 1, thay tao nhiều việc lắm". Ánh mắt ông chủ xưởng ánh lên hi vọng khi nghe ông Đ nói câu đó. Và anh T cũng cởi mở luôn, khi anh nói ông chủ xưởng cứ trực tiếp gửi hàng mẫu, báo giá vào TP. HCM cho văn phòng của anh. Ông chủ xưởng mừng ra mặt. Khuôn mặt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn niềm tin vào một điều gì đó có thể giúp ông thay đổi cả một sự nghiệp. "Trời, được vậy còn chi bằng. Anh giúp em vầy là giúp luôn cả dân trong xã em luôn. Họ đi làm cho em mà em bán được thì họ cũng thêm thu nhập. Nói chớ dịch bệnh như ri mà em lo duy trì được cũng mệt mỏi lắm anh à. Anh cho em xin địa chỉ, số điện thoại văn phòng nha anh". Anh T liền đọc địa chỉ nhưng mới được nửa câu, tôi thấy anh cúi xuống nhìn dưới gầm bàn, như thể anh để rơi cái gì đó cần kiếm tìm. Quay trở lại, anh lại đọc địa chỉ lần nữa. Nhưng cũng được dăm ba chữ, anh lại cúi xuống gầm bàn. Đến lần thứ ba thì tôi thấy anh có vẻ bực. Rồi anh nói nhanh với ông chủ xưởng "Chú cho anh số điện thoại. Lát anh nhắn tin địa chỉ cho chú. Giờ uống rượu đi".

Trên chuyến taxi từ Tân Sơn Nhất về nhà, tôi cứ im lặng, không dám nói gì. Nhưng càng im lặng, tôi càng bứt rứt khó chịu. Nhớ đến cái dáng khúm núm, nhiệt tình hồ hởi tới quá mức của ông chủ xưởng, tôi thấy tồi tội. Và không chịu nổi cái dằn vặt ấy, tôi khẽ hỏi "Anh sẽ giúp họ chứ?".

Được lời như cởi tấm lòng, anh T mở điện thoại đưa tôi coi cái tin nhắn. Rồi anh kể, ba cú đạp chân kia là của S. Cũng chính S nói với anh T sau đó, khi cả đoàn về khách sạn, đại ý rằng "Bác cứ để em lo, nó muốn bác giúp xuất khẩu thì em phải đòi mầu cho bác chứ. Không có "hìu" sao làm". "Anh bực lắm Minh à. Anh bảo rằng tao đã giúp người ta ra việc đâu mà đòi tiền. Hơn nữa, tao dù chưa giàu nhưng muốn làm ăn chuyện lớn chứ nhằm nhò cái gì dăm ba trăm triệu này. Nhìn người ta nhiệt tình vậy, tao tin cứ giúp người ta đi, người ta không bạc với mình. Vả lại, kể cả giúp miễn phí tao cũng giúp. Họ cũng nông dân như cha mẹ mình cả. Ăn của họ một miếng ấy có đáng không?", anh T nói. Thảo nào, anh nhắn cho ông chủ xưởng cái tin đại ý "Địa chỉ đây. Em cứ liên lạc trực tiếp với anh. Anh sẽ giúp em không lấy một xu nào. Em yên tâm. Còn S nó nói gì em cứ kệ đi".

Hoá ra, anh T "tỉnh" hơn tôi nghĩ nhiều. Thảo nào, đoạn đường về, anh dứt khoát không đụng tay vào một mẫu bánh đa nào. Mặc cho S khệ nệ một mình khiêng hai thùng từ miền Trung vào tận thành phố. "Thằng S mà mang mẫu đến, anh sẽ nói ngoài xưởng đã gửi vào xong rồi. Cho nó hiểu luôn", anh T vừa nói vừa cười, "lạ thật, toàn các ông chỉ thích ăn người".

Giàu - nghèo nó có số. Mình giúp được ai thì cứ giúp thôi, nhỉ? Cái san sẻ với nhau nó quan trọng vô cùng. Như miếng bánh đa vẫn sẻ cho nhau thời thơ ấu, có sự tiếc đâu nào. Con người hơn nhau ở cái "quảng đại" ấy, chứ đâu hơn nhau ở cái "khôn vặt" bao giờ...

Hà Quang Minh
.
.