Con cò không chỉ ăn đêm...

Thứ Ba, 29/06/2010, 09:52
Sau 1975, hồi còn ở TP HCM, có một lần tôi nghe ông chú tôi than thở khi mua phải xà phòng (người Nam gọi là xà bông) rởm: Nhờ thế, tôi hiểu thêm một nghĩa xấu nữa của từ điếm. Khoảng 10 năm sau, tại Hà Nội, tôi cũng nghe một người miền Nam nữa, nói thẳng thừng: Tôi không lấy tiền cò đâu. Đơn giản vì tôi không phải là người sinh ra để làm cò. Nhờ thế, tôi hiểu thêm nghĩa xấu của từ cò.     

Giở "Từ điển tiếng Việt" (xuất bản từ 1997 trở về trước) ra tra, thấy hai từ "Cò mồi" có liên quan đến cò được giải nghĩa như sau: 1) Cò dùng làm chim mồi; 2) Dùng để ví kẻ chuyên dụ người khác vào tròng trong các trò bịp bợm.

Như vậy, cò theo nghĩa kẻ môi giới, kẻ đứng giữa, kẻ hành nghề theo lối  "tay không bắt giặc"… để chạy chọt, trục lợi thuần túy, vẫn chưa thấy xuất hiện trong từ điển.

Thỉnh thoảng, vì có việc cần thiết gì đó, chúng ta thường phải qua nơi này, nơi khác và thường phải đối mặt với các loại "cò". Tuần trước, tôi đi mua một xe máy mới cho cô con gái. Sau khi tậu xong con xe, tôi đến Đội Thu phí trước bạ thì gặp một thanh niên (tạm gọi là "cò" trước bạ) xông ra hỏi: Bác có muốn bớt phiền hà không? Bác có muốn làm nhanh không? Và khi bắt gặp dòng chữ "Đề nghị quý khách khi đến nộp lệ phí trước bạ liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế không qua trung gian" treo công khai ở đây, thì tôi hiểu "cò" chính là kẻ trung gian.

Nếu coi những kẻ trung gian này là "cò" lộ mặt, thì trong cuộc sống, vì những lý do khuất tất, vẫn còn khối "cò" giấu mặt khác. Và một trong số "cò" giấu mặt ấy là… "cò" văn chương.

"Cò" gián tiếp

"Cò" gián tiếp là cò chạy ở vòng ngoài. Đây là loại "cò" phổ biến. Anh (hoặc chị) muốn tác phẩm của mình được độc giả để ý chăng? Chúng tôi sẽ lăng xê. Anh (hoặc chị) cần đoạt giải lần này chăng? Chúng tôi sẽ giúp đỡ. Anh (hoặc chị) cần vào hội chăng? Chúng tôi sẽ có cách. Anh (hoặc chị) còn cần gì nữa? Muốn vậy, hãy đến gặp tôi hoặc nếu tìm đến tôi là tìm đến địa chỉ cần tìm đấy.

Minh họa của Lê Phương.

Có một lần, nhà thơ H. nói với tôi: Có một người vì thích nhiều người biết mình đã nhờ một người làm thơ lâu năm "đánh bóng" thơ của mình. Chẳng biết cái người thích nhiều người biết mình đã "làm gì" với nhà thơ lâu năm kia mà trong lời giới thiệu, nhà thơ lâu năm hạ bút: Thơ lục bát của tác giả thật lạ lùng. Vào như Nguyễn Du, ra như Tản Đà... Tương tự, có một ông viết phê bình lâu năm, chắc là vì có "động cơ đốt trong" nên hễ mở miệng là khen thơ ông này đốn ngộ, thơ ông kia thăng hoa, thơ bà này xuất thần, thơ bà kia rất đáng đọc... Với những trường hợp này, dân trong làng văn chương thường nói to nhỏ với nhau: Đúng là rượu nào cũng uống, thơ nào cũng khen và có một câu rất tục nữa xin quý vị tự suy ra, bởi tôi không dám viết vào đây vì sợ làm bẩn mắt người đọc.

Cách nay 4 - 5 năm, có một người đã bỏ ra một khoản tiền để chạy giải. Tiền bỏ ra thì đáng kể nhưng giải đoạt được thì không cao (giải ba). Sau khi biết kết quả cuối cùng, người chạy giải phản ứng với "cò" chạy giải: Ông ăn của tôi hơi dày. Lẽ ra tôi phải được giải cao hơn, mới đúng. "Cò" chạy giải phân bua: Thì cuối cùng, tuy được giải không cao nhưng nhờ nó, anh vẫn vào hội đấy thôi. Mà được vào hội là ổn rồi, còn mong ước thêm điều gì nữa.

Xa hơn nữa, có một ông làm thơ dở òm (tạm gọi là ông X) nhưng vẫn in liền cả chục tập thơ. Người đứng ra "tổ chức bản thảo" cho ông là một nhà thơ. Ông X nói thẳng: Tôi khoán ông mỗi tập mấy triệu đồng. Ông cứ làm như thế và sẽ có tiền. Sau khi in xong, nếu ông viết bài "mông má" tôi, thì lại có thêm tiền nữa, ít nhất là một triệu đồng.

Đánh hơi ra máu háo danh của ông X, một thời gian sau, có mấy người khác thuộc diện cao  thủ hơn đến tìm gặp ông X.

- Bây giờ anh cứ chi một cục và khoán gọn cho chúng tôi từ A đến Z, từ khâu tổ chức bản thảo, viết bài "mông má" đến khâu vào hội.

- Còn cái giải thưởng ở cuộc thi thơ đang diễn ra… thì sao?

- Chuyện nhỏ. Trước mắt, anh cứ tài trợ cho cuộc thi dăm chục triệu đồng gì đó.

- Nhưng tiền lấy ở đâu ra?

- Đơn giản. Đơn giản lắm. Anh chỉ việc viết giấy gửi cho mấy cơ sở thuộc cấp của anh làm chục kỳ quảng cáo là êm.

- Vậy là hợp thức số tiền trên bằng tiền chùa, bằng tiền quảng cáo.

- Chứ sao! Làm thế mới thực là kín võ. Không có lộ ra, người ta lại bảo mình mua giải, chạy giải.

 - Nhưng làm thế để làm gì?  

- Ông buồn cười thật. Phải có giải mới được người ta để ý. Phải có giải người ta mới tính thêm điểm khi xét vào hội. Còn cứ giống như người khác thì còn khuya...

Nhưng rồi thì sự vụ trên không đi đến đâu cả. Cuộc thi chưa kết thúc, việc xét đơn xin vào hội chưa tiến hành thì ông X. bị khởi tố, bị ra tòa và may mắn được hưởng án treo. Tuy  nhiên, số tiền của ông X. đã chi ra, chắc chắn không có cách gì đòi lại được.

Nhân việc này, có người nhận xét: Thế cũng là may! Nếu không hội ta lại có thêm một hội viên là một nhà thơ rởm.

Một nhà văn nữ kể: Cái hồi chúng tôi đi nước ngoài cũng dính phải mấy "con cò" đấy. Phía mời chúng tôi chi trọn gói cho mỗi người là 10 nghìn USD. Vậy mà mấy "con cò" này vặt tiền của chúng tôi khá nhiều. Họ cho chúng tôi ở ghép trong khách sạn. Họ cho chúng tôi chế độ ăn uống rất vừa phải. Sau này phát giác ra, họ lại còn tìm tôi để diễn trò trả lại tiền thừa. Họ định bịt miệng chúng tôi đấy. Nói thật, tôi nghèo thì nghèo thật nhưng  thèm gì mấy trăm đô vớ vẩn ấy. Anh đừng tưởng ở nước ngoài không có "cò" đâu đấy.

"Cò" trực tiếp

"Cò" trực tiếp là "cò" ở vòng trong. Hay nói cách khác: Đó là "cò" có chân trong ban tổ chức, ban giám khảo (trong các cuộc thi) hoặc trong các hội đồng (trong các cuộc xét duyệt hội viên thường niên). Đây là loại "cò" không phổ biến.

Tôi biết có một vài cuộc thi thơ chưa kết thúc mà một số "cò" trực tiếp đã thông báo kết quả trước. Rằng ông đã đoạt giải rồi đấy. Không giải này thì giải kia. Chuẩn bị khao nhau đi là vừa.

Hiếm hoi cũng có một tờ báo địa phương tổ chức thi thơ, thi văn mà quyền chấm giải chỉ tập trung vào một, hai người của bản báo. Ban đầu, không thấy nhắc gì đến ban sơ khảo, chung khảo. Sau, vì có một số người lên tiếng, các ban bệ trên mới hình thành tức thì theo lối... đối phó.

Một người tham gia  cuộc thi trên lắc đầu:

- Tưởng ở tỉnh nhỏ, ở vùng xa xôi mới thế, không ngờ ở tỉnh lớn, ở nơi trung tâm cũng không tránh khỏi những chuyện tiêu cực! Những tân khoa của giải toàn là người quen biết, người có quan hệ của "người có trách nhiệm". Trừ giải nhất ra, còn các giải khác, tính từ giải ba trở xuống, hầu hết là những ông chủ doanh nghiệp lớn nhỏ cả. Tôi biết có ông được giải là nhờ tình nguyện không nhận tiền giải thưởng.

- Làm gì có chuyện đó!

- Tin hay không tin là tùy ông. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mà sự thật thì ông biết rồi đấy. Có người muốn đi tìm nó và có người muốn đi trốn nó. Theo tôi, trong trường hợp này, chắc rằng người ta sẽ đi trốn nó.

- Thế số tiền dành cho giải thưởng có lớn không?

- Lớn gì! Bé như con thỏ ấy. Giải nhất có ba triệu đồng thôi. Từ giải nhì đến giải khuyến khích từ hai triệu đến nửa triệu đồng.

- Thế thì cái giá của giải thưởng quá rẻ, nếu không muốn nói là rẻ như bùn.

- Cũng vì như thế mà chất lượng cuộc thi rất thấp. Người làm thơ tử tế bây giờ ai lại đi dự một cuộc thi lèm nhèm như thế!

Quanh chuyện "cò" trực tiếp, còn có một số chuyện khác nữa.

Có một năm, có đến 4 - 5 người làm thơ ở một tỉnh nọ đồng loạt vào hội. Trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra, còn số người vào hội của một tỉnh khác mà nhiều đến thế, có thể coi là một hiện tượng không bình thường.

Ban đầu nhiều người ngờ ngợ, nhưng sau khi tìm hiểu ra thì không còn ngờ ngợ nữa. Dễ hiểu vì trước thời điểm xét duyệt vào hội ít ngày, cả 4 - 5 người trên đã góp tiền để "chung chi", để đón một người là "cò" trực tiếp đi ăn chơi xả láng ở một bãi biển.

Còn chuyện cứ mỗi năm khi đến mùa giải thưởng hoặc mùa xét kết nạp hội viên, việc "cò" giải thưởng, "cò" hội viên ẩn hiện ở nơi cần xuất hiện, là chuyện rất "ngày thường ở huyện".

Nói thêm

Xưa, trong ca dao có câu: Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...

Cò đi ăn đêm hoặc đi đêm để làm những chuyện không hay, là một thực tế. Nhưng  tụi "cò" này có "đậu phải cành mềm", có "lộn cổ xuống ao" hay không, thì phải chờ thời gian trả lời.

Có một thực tế thiết tưởng cũng cần phải nói thêm: Trong khi cò (con cò thực sự theo nghĩa đen, nghĩa hẹp) ngày một ít, thì cò (theo nghĩa bóng, nghĩa mở) ngày càng nhiều và "hóa thân" vào người. Chắc chắn không chỉ có cò văn chương mà còn có "cò" chạy án, "cò" chạy chức... ngày càng sinh nở và lây lan không dứt.

- Thế nếu theo góc nhìn bảo tồn đa dạng sinh học, thì loại "động vật hai mặt" có quý hiếm lắm không?

- Không. Có thể chỉ hiếm chứ không quý.

- Nhưng cũng không thể coi là hiếm được. Và cứ đà này, không khéo văn chương (vốn là chỗ tạm coi là sản phẩm của thế giới tinh thần, là sản phẩm thiêng liêng) bị biến thành một cái chợ trời mất.

- Chợ trời phi vật chất hay phi vật thể chăng?

- Không được ví von lung tung như vậy. Chẳng qua sự háo danh là nguyên nhân, sự lộn xộn, nhốn nháo là nguyên nhân mà "cò" văn chương chỉ là hậu quả. Nhân đây, tôi cũng có lời xin lỗi... cò.

- Tại sao lại phải xin lỗi?

- Vì gọi những kẻ trung gian có động cơ xấu là cò tức là đã xúc phạm đến họ hàng nhà cò rồi đó

Song Đặng
.
.