Cổ tích Everest

Thứ Hai, 17/07/2006, 08:00

Tôi có mang theo lên đỉnh Everest truyện ngắn "Sự tích một ngày đẹp trời" của Hòa Vang, đó là một đoản văn hay nhất trong văn chương Việt Nam luận về thần núi. Tôi khó tách cảm xúc của mình về Everest với nỗi nhớ Hòa Vang, người chỉ bằng vài con chữ mà có thể cầm cả một đỉnh núi, cả một biểu tượng lớn rong chơi suốt một nghiệp văn chương không dài.

Phải 13 năm sau lần gặp gỡ đầu tiên, lại đúng vào ngày anh bóng hạc theo xe mây về cõi Phật, tôi mới thực hiện được điều ước chinh phục Everest. Tôi thích cách gọi "Thần biển Hòa Vang" của nhà phê bình văn học Văn Giá bởi Hòa Vang từng nổi tiếng vì nhân hóa các vị thần thiêng liêng nhất xứ Việt, lật đổ Sơn Tinh, trả lại cho người đời một cái nhìn đẹp đẽ về Thủy Tinh, hiểu thêm về một mối tình thầm kín của Mị Nương.

Với Hòa Vang, Sơn Tinh chỉ là một người trọng Việc đâu có ham Tình, vua Hùng là người thiên vị khi thách cưới voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao toàn là sản vật của núi rừng. Với Hòa Vang, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có cuộc bào chữa ngoạn mục cho một hiện tượng lịch sử. Thủy Tinh không phải là giặc. Dâng nước phá mùa màng của dân lành là cơn đau đớn của bọn thuồng luồng, ba ba, cá ngựa phải hóa xác thành voi, ngựa, gà trống, những vật hiến đã thành vô nghĩa...

Nhưng lớn hơn cả "Sự tích một ngày đẹp trời" là một cách rung cảm khoáng đạt như gió mây trên Tây Tạng, lối suy nghĩ ngạo nghễ như chóp đá lớn trên đỉnh Everest, không lệ thuộc hay bị đè nén bởi những quan niệm hoặc giá trị nào khác.

Ngày đó tháng đó dời xa cõi người, tôi nhởn nhơ xe mây mà thoắt cái Hà Nội - Sài Gòn rồi ngược dòng Mê Kông lên Tây Tạng. Lộ trình đi bộ xuyên Việt gian truân ngày nào chẳng thấm một khắc... Xưa trong cơn say, say như lần cùng bọn Nguyễn Trọng Tạo tu hết chục lít rượu quê trên đỉnh Bạch Mã, tôi nhân hóa cõi thần tiên, biến Sơn thần, Thủy thần, Mị Nương thành các anh các chị, ngỡ tưởng ấy là thăng hoa tột đỉnh, nay trong cõi tiên, lượn qua Hymalaya, ghé qua Tây Tạng, dừng chân Everest mới biết rằng còn quá nhiều điều kỳ ảo mà muôn ngọn bút chưa hề ngó tới.

Bọn thằng Xuân Bình đi Everest nhọc nhằn quá. Trên chín tầng mây, ngó xuống thấy chúng lê từng bước gian nan trên vùng núi cao xơ kiệt mầm sống, thiếu dưỡng khí, áp suất không khí cao, nắng chói gắt, gió buốt lạnh, đường gập ghềnh... nghĩ mà thương cho cõi nhân luân lắm. Cái sự gian khổ, ăn cơm toàn sạn, lẩu nấu bằng đũa cùng giấy ăn, ngủ trong nhà trọ Rongbuk tồi tàn, nứt mặt, sém da, đổ máu cam, tim đập trống làng, sốt cao mà bọn Xuân Bình gặp dọc đường biết đâu cũng giống như những kiểu nạn mà Bồ Tát giăng ra trên đường thỉnh kinh của Đường Tam Tạng để thách thức tham dục nơi con người, để chỉ cho nhân luân hiểu rằng vô minh là cái khó vượt, chiều cao Everest chưa là cái đinh gì.

Ngắm bọn Xuân Bình, lần đầu tiên tôi mới thấy một nguyên mẫu cho các nhân vật phải bé đi... để sống mình từng viết trong Linh Nghiệm. Chúng rất giống những hạt bụi người bay ngược!

Tôi rón rén khỏa tay xuống dòng nước con sông Bumchu uốn lượn quanh đỉnh Everest. Cảm giác buốt lạnh lan truyền quá nhanh trong cơ thể tưởng chừng sự sống chợt ngưng lại vài khắc để cho tâm cảm tìm lối thoát khỏi những trật tự vốn có. Chợt nhớ Hòa Vang từng viết: "Tôi biết Sơn Tinh có thể khiến nước dâng đến đâu núi cao lên đến đấy. Nhưng đấy chỉ là sức nước do sức các loài thủy thần, thủy quái dưới tôi. Trời ơi! Nếu quả thật có một phút tôi điên cuồng triển hết sức mình biển động, thì, Mị Nương ơi, cơn đại hồng thủy ấy sẽ biến tức khắc tất cả núi Tản, nơi đây, Phong Châu nữa thành lãnh địa của tôi, nghìn trùng sóng vỗ mãi mãi. Nhưng như thế để làm gì? Tôi sẽ mất em, nỗi nhớ em, lòng mong muốn luôn hướng về em, mất hết, mất vĩnh viễn". Có lẽ bề đấng nào đã mượn tay Hòa Vang để viết những dòng này?

Bumchu nhỏ bé ơi, những vệt băng trong hình hài loang chảy kia ơi, Thủy Tinh chính là hậu duệ, họ hàng chẳng mấy xa của các bạn đấy. Rất nhiều người Việt Nam thế hệ chúng tôi chỉ sau khi đọc Hòa Vang mới nhìn thấy những dòng sông như sông Hồng, sông Đà, rồi Hoàng Hà, Yarlung Tsangpo và cả Bumchu thực sự đáng yêu, ra dáng con người làm sao. Đáng yêu ngay cả kỳ lũ dâng, lụt tràn về. Bumchu hãy cho xin thêm chút giá lạnh để thần thức nơi tôi thoát bỏ mọi vướng víu trần gian để có dịp ngược dòng, đi thật xa, leo thật cao nơi những tuyết băng vẫn đang lặng lẽ tan ra, lặng lẽ nuôi dưỡng bao dòng chảy lớn trên thế gian này.

Hòa Vang tôi lướt nhẹ theo những dải mây mỏng tang để tỏ tường con đường nhọc nhằn từ Lhasa đến Everest. Trên đất nước mình có con đường nào mà sự nghiệt ngã đạt đến độ phóng túng, hoành tráng như nơi đây? Vũ trụ tưởng chừng chỉ còn đọng lại trong khái niệm của những màu cực tương phản. Nâu, đỏ, vàng phơ phếch của cát, sỏi, đá. Xanh chuyển động dữ dội từ lục sang lam và trên cùng là mênh mang trắng của tuyết phù thủy, của mây tiên bồng bềnh và nắng thủy tinh trong vắt. Nơi đây không hề có nhờ nhờ, mụ mị những vết sương khói vùng Phong Châu của các vua Hùng. Những cánh rừng chập chùng như A Sầu, A Lưới, Khe Sanh, Mỹ Sơn, Hòa Vang, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây thuở cùng đồng đội đi B hay những cung đường Tây Nguyên ngược xuôi cách đây vài năm để viết trả nợ đời áo cơm... so với Tây Tạng, Everest hôm nay tất cả chỉ là những thảm cỏ đẹp đẽ trong một khung cảnh mới trở nên đài các. --PageBreak--

Ngày đến viếng anh, tôi nghĩ rằng mình có quá hài hước không khi định "kể" về Everest - thần của các loại thần núi, về xứ sở của các chư thiên cho Hòa Vang, một người từng đùa bỡn với Sơn Tinh, lại đang vượt thoát cõi vô minh, đang cầu ước được ngự nơi Bồng lai cực lạc không tham - sân - si, không hình không sắc, không khởi đầu không kết thúc, không vui buồn, chẳng cao thấp...

Hòa Vang ơi, bây giờ có xe mây rồi, đỉnh cao hơn 8.840m chẳng có gì là đáng ngán, kể gì sông Yarlung Tsangpo muôn nghìn dặm, khó khăn gì đâu để ghé hồ thánh Manasarova chắc là sẽ nhiều cảm xúc để viết thêm "Sự tích một ngày đẹp trời" kỳ hai? Trong truyện này thử để thần núi Tản là một... cậu ấm có chức danh thành hoàng của một làng thôi! Đừng để vua Hùng mắt to mắt bé nữa nhé!

Cứ theo Tử thư của Đại sư Liên Hoa Sinh người có công du nhập đạo Phật vào Tây Tạng, lại nhằm vào nét mặt đau khổ, nhàu nát, tóc tai rũ rượi, vợ con nheo nhóc, nhà cửa tồi tàn thì hẳn Hòa Vang tôi vướng phải ác nghiệp. Tham - sân - si quá nhiều, tưởng dời xa cõi người là bị những nguồn sáng trắng xám đục của cõi địa ngục lôi kéo để mãi mãi đắm chìm trong đau khổ vô hạn nào ngờ thoắt cái tôi vượt cõi Ta bà lại được Phật Đại Nhật, Phật Bất Động, Phật Bảo Sanh, Phật A di đà, Phật Bất Không thành tựu cùng Chư Bồ Tát tiếp dẫn thăm thú tiên cảnh. Trên này họ quý bọn có chữ nghĩa hơn dương gian chăng?

Chỉ mấy ngày trong giai đoạn mang thân trung ấm (giai đoạn chờ tái sinh - Tử thư) Hòa Vang tôi gặp cả đấng sinh ra trời đất, những thánh tăng và cả bọn Alfred Wegener, nhà khoa học Đức viết thuyết lục địa trôi dạt năm 1942... Everest cùng dãy núi Hymalaya được biến đổi từ mênh mang biển sâu cách đây 40 triệu năm thành núi cao như bây giờ cũng là một trò bỡn cợt của đấng sáng thế. Việc lý giải hiện tượng dâu bể này của tự nhiên là do những kiến tạo nâng, những đứt gãy của bề mặt trái đất mà bọn khoa học cố công minh chứng cũng chỉ là một ảo giác của thần thức mà thôi, những dòng chảy ngược trên sông Yarlung Tsangpo cũng là mê đồ... xưa-nay, cũ-mới, thực-hư có quá nhiều điều kỳ thú nơi miền đất chư thiên.

Với tư cách là người đi nhiều hơn các bạn (đã qua hai cõi), tôi vẫn muốn mượn cái giọng à ơi cổ tích như từng viết ngày trước để nói với các bạn trẻ, nhất là cánh đàn ông nơi dương gian rằng: hãy một lần ngược dòng sông Yarlung Tsangpo ngập đầy bí tích, hãy đến tắm tẩy ô uế trần gian ở hồ thánh Manasarova, hãy qua Tây Tạng rồi đến Everest. Đó mới chính là điểm xuất phát đáng kể của một hành trình khám phá cái Vô Cùng. Thằng Xuân Bình có trách tôi viết về Sơn Tinh hơi bị nhạt. Nó nghi ngờ sự bất tử của Sơn Tinh... Đã thế tôi sẽ viết một "Sự tích một ngày đẹp trời" mới. Sơn Tinh bây giờ đương nhiên là một Everest, cao lớn và hoành tráng hơn.

Truyện rằng... Everest vẫn thâm trầm, điềm đạm như núi và khôn ngoan vững vàng như đất, lại còn xõa tóc tuyết, lặng lẽ, âm thầm tan thành từng món nhỏ, từng giọt nhỏ róc rách lan chảy trên những con suối, dòng sông của Thủy Tinh. Thảng hoặc Sơn Tinh còn kéo mây, che mắt cố như không biết Mị Nương lén gặp tình địch trong những ngày mà người đời và đôi trai gái ấy vẫn gọi là đẹp trời. Ngày ấy không còn vua Hùng chẳng còn Lạt Ma...

Xuân Bình
.
.