Chuyện vặt ngày đường ướt phố mưa

Thứ Tư, 30/11/2011, 16:44
Khoa ngồi đêm đó với tôi ở quán cà phê vỉa hè đường Tôn Thất Tùng, quận 1, lá vàng rơi dưới mưa rả rích, lòng đường ướt đến não nề. Khoa nói, những gì anh viết, không sai đâu. Có điều, em không nghĩ em là mắt xích trong đường dây vô nhân đạo đó. Em nghĩ đơn giản thôi, em biết đường dây cần con, còn họ cần có tiền. Với ai tìm đến, em cũng hỏi là có biết sang Thái Lan làm gì không? Họ đều gật đầu, bảo: “Dạ, em biết ạ”…

1. Khoa, là nhân vật tôi đã đề cập đến trong loạt bài điều tra về đường dây đẻ thuê của các thôn nữ Việt tại Thái Lan. Sau loạt bài ấy, một trưa tôi nhận được điện thoại của Khoa, Khoa nói Khoa đang ở Sóc Trăng, Khoa muốn gặp tôi. Gặp không phải để kiện tụng gì gì cả, gặp chỉ để giãi bày lòng mình. Tôi có hẹn Khoa, khi nào Khoa lên Sài Gòn cứ gọi, nếu tôi không đi công tác, tôi sẽ gặp Khoa. Đó là lý do chúng tôi ngồi với nhau đêm ấy.

Khoa, 28 tuổi, xinh gái. Nhìn Khoa rất giống phụ nữ Nhật Bản hay Trung Quốc. Khoa có một thời gian dài sống ở Đài Loan, làm việc với ông chủ của Công ty Baby 101. Cái công ty chuyên môi giới cho các cặp vợ chồng “mượn bụng” thiếu nữ Việt để kiếm con. Chuyện đã viết, tôi không kể lại.

Khoa bảo, em thề với anh, khi các cô gái đến tìm em để xin sang Thái Lan đẻ thuê, họ nói với em khác chứ không phải như những gì họ từng nói với anh đâu. Có cô gái, em thấy đẹp quá, em còn khuyên: “Em về kiếm nghề gì khác làm đi. Chứ đi đẻ thuê làm gì, uổng lắm”. Nhưng, cô ấy trả lời với em là, chuyện riêng của em, chị can thiệp làm gì. Chị cứ giúp em đi.

Rồi Khoa liên hệ với ông chủ của công ty, hướng dẫn họ cách làm passport, mua vé máy bay sang Thái Lan. Khoa biết tiếng Đài Loan, nên kiêm luôn việc làm thông dịch. Khoa nói: “Chuyện chỉ có vậy à anh. Em không nghĩ em làm nghề dắt mối gì như anh viết cả. Gia đình em đọc được loạt bài của anh, sợ hãi lắm. Chuyện em làm thì em chịu, nhưng nghĩ hoài mà em không biết em đã sai gì”.

Chúng tôi tranh luận rất lâu nhưng Khoa vẫn cương quyết: “Em biết thì em giúp thôi mà”. Ngay cả khi chia tay nhau, Khoa vẫn giữ nguyên quan điểm ấy. Có điều, giờ Khoa đã biết việc mang thai hộ là thứ mà pháp luật lẫn đạo lý không cho phép. Khoa có nói, giữa tháng 10, em sẽ sang Đài Loan làm việc lại. Tôi chúc Khoa sức khỏe, công việc may mắn, rồi chào nhau.

Khoa, đặc trưng người miền Tây, suy nghĩ mọi chuyện đơn giản, lắm khi là nhẹ tênh. Kiểu, chiều ra sông tắm, hụt chân suýt chết đuối. Sợ hãi đấy, lo lắng đấy, ám ảnh trong giấc mơ đấy, nhưng chiều mai, lại ra sông tắm tiếp.

2. Kim Phụng, năm nay 21 tuổi, tìm gặp tôi trong tình trạng cánh tay trái gần như bị liệt hẳn. Phụng đang phải đi tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Điều dưỡng quận 8. Quê Phụng ở Hậu Giang, nghèo túng. Mấy anh của Phụng lên Sài Gòn làm công nhân, có vợ mướn nhà ở riêng.

Phụng lên Sài Gòn cách đây cũng lâu, làm quản lý cho một quán cà phê ở đường Nguyễn Đình Chiểu, lương tháng 10 triệu đồng. Phụng chi tiêu dè sẻn, còn lại bao nhiêu gửi hết về quê cho mẹ. Mẹ Phụng ở quê, làm ruộng kiếm tiền lo cho bà ngoại.

Một ngày đầu tháng 6 năm này, Phụng cùng bạn điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Phạm Thế Hiển thì xảy ra tai nạn giao thông với một cặp nam nữ thiếu niên khác. Va quệt cũng nhẹ thôi, ngã xe, dựng đứng lên và có thể đi tiếp, nếu như cái gã mà Phụng vô ý quệt phải không phải là một tay du đãng.

Đương nhiên, Phụng không hiền. Không cô gái nào ở miền Tây lên Sài Gòn nhiều năm, làm quản lý quán cà phê mà hiền cả. Đã có cãi vã và xô xát một chút trước khi gã thiếu niên rồ xe chạy mất. Để rồi chưa đầy 5 phút sau, hàng loạt thiếu niên khác với mã tấu, dao Thái Lan, tuýp sắt xuất hiện truy sát Phụng.

Phụng đã nhảy đại xuống con kênh nước đen ngòm ở cầu Mật để đào thoát, sau khi nhận hai vết đâm ở bả vai. Thế nhưng, khi lóp ngóp bơi vào bờ, đã có thêm một trận mưa dao chờ Phụng. Phụng liệt tay sau trận mưa dao trả hận ấy.

Vụ việc nhanh chóng được các cơ quan tiếp nhận, nhưng không hiểu sao cho đến giờ vẫn chưa có hồi đáp. Phụng đã nghỉ việc ở quán cà phê do Phụng làm quản lý. Bởi, không ai lại đi mướn một người liệt tay như Phụng làm quản lý cả.

Phụng xinh xắn, dáng người gọn gàng, da trắng, tóc loe hoe, thứ còn đặc trưng nét quê của Phụng. Sài Gòn chừng ấy năm Phụng bám trụ, để lại cho Phụng những vết sẹo dài.

Trước khi thực hiện bài viết này, tôi có gọi điện thoại cho Phụng, nhưng tổng đài thông báo số điện thoại này không liên lạc được. Có lẽ, Phụng đã thay số mới.

3. Trần Tố Như 20 tuổi, quê ở khu Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Con hẻm vào nhà trọ của Như ở Sài Gòn ngoằn ngoèo, gặp ngày mưa trở nên lầy lội, nhớp nhúa.

Như, với khuôn mặt vừa cắt chỉ sau khi bị người lạ cầm dao lam rạch nát, còn để lại vết sưng đỏ. Như vừa kể chuyện với tôi, vừa khóc.

Như là con đầu trong gia đình có ba chị em. Người em kế Như đang ở cùng phòng trọ với Như, kiếm sống bằng nghề róc thịt thuê trong một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống. Lương tháng được 3 triệu đồng. Cô em út của Như khờ khạo, suốt ngày quanh quẩn trong nhà cùng bố Như ở quê. Mẹ Như đã mất cách đây vài năm.

Như học đến lớp 8 thì nghỉ học. Lý do nghỉ học của Như cũng đơn giản, kinh tế của nhà Như kiệt quệ sau vụ tôm bị mất trắng. Nghỉ học, Như lên Sài Gòn phụ bán quán cà phê theo lời rủ của cô chị hàng xóm. Nghĩa là, 13 tuổi, Như đã bỏ quê lên phố. Ngày đó, Như bán quán cà phê ở khu quận 7, chủ bao ăn ở, lương tháng theo Như nhớ là 700 nghìn đồng. Như tiêu xài khoảng 200 nghìn, còn được 500 nghìn, Như gửi hết về quê cho bố.

Những cô gái đang tuổi dậy thì như Như, xa quê mưu sinh mà còn có thể gửi tiền về lo cho gia đình, theo như tôi biết thì không nhiều. Như làm nhiều năm ở quán cà phê ấy cho đến khi chủ sang lại quán, nghỉ bán. Như tìm đến phục vụ ở quán cà phê khác… Cuộc sống cứ như vậy trôi qua cho đến những ngày đầu tháng 9 năm nay, Như chuyển về phục vụ ở quán bia trên đường Dạ Nam, quận 8.

Quán bia không trả tiền cho nữ tiếp viên. Tiếp viên ngồi chơi, khui và rót bia cho khách, nói những câu chuyện phiếm, tàn cuộc vui, khách thấy tiếp viên có duyên boa cho 100 hoặc 200 nghìn đồng gọi là tiền thưởng. Sài Gòn có nhiều quán bia như vậy, nhưng đó không phải là bia ôm, xin bạn đọc chớ nhầm lẫn. Ở những quán bia đó, khách có thể kể hoặc nói những câu chuyện tiếu lâm mặn và hết. Khách say, tay chân đụng đậy thế nào cũng nhận lại phản ứng không hay của tiếp viên. Thu nhập từ tiền boa của khách mỗi tháng được chừng hơn 4 triệu đồng.

Như nói chuyện vui vui, nhiều khách mến nên thường xuyên được yêu cầu ngồi cùng bàn với khách. Điều này, làm một nữ nhân viên khác không vui. Cũng như Kim Phụng, Như không phải là người dễ bị hiếp đáp. Cao trào của mâu thuẫn ấy là, khi Như và nữ tiếp viên kia có xô xát với nhau vào lúc nửa khuya một ngày cuối tháng 10.

Sau khi xô xát ở quán, lại có một trận xô xát khác ở ngay con hẻm vào nhà trọ của Như. Nhà của nữ tiếp viên kia nằm ngay đầu hẻm, nhà trọ của Như nằm sâu tít tắp bên trong. Gần chiều ngày hôm sau, khi Như đang ở trong nhà trọ một mình, thì nghe tiếng gọi cửa của một nhóm người lạ. Nhiều năm ở Sài Gòn, dạy cho Như biết rằng đã có chuyện. Tuy nhiên, biết là một chuyện, còn có tránh được hay không lại là chuyện khác.

Không cần Như mở cửa, bốn gã đàn ông cùng một phụ nữ đã nhanh chóng đạp tung cánh cửa ọp ẹp của phòng trọ xông vào. Hai người đàn ông bẻ ngoặt tay Như ra phía sau, hai người khác cảnh giới, còn người phụ nữ lạnh lùng dùng dao lam rạch những đường ngang dọc trên mặt Như rồi đào tẩu.

Máu hòa lẫn với nước mắt tủi phận mình trong căn nhà trọ ấy khiến chiều mặn chát. Như được đưa đến cấp cứu tại BV quận 8 với 70 vết khâu trên mặt. Hôm sau, Cơ quan Công an cũng đã bắt giữ được một trong nhóm 5 người đã tham gia rạch mặt Như. Người ấy khai, người ấy có mối quan hệ thân mật với nữ tiếp viên mà Như đã có mâu thuẫn.

Không đợi hỏi, Như kể tiếp là Như giấu bố ở quê chuyện này. Như sợ bố Như lo. Như cũng không biết những ngày tháng kế tiếp sẽ ra sao, vì với khuôn mặt sẹo ngang dọc, biết có ai dám nhận Như làm tiếp viên. Mà nếu không làm tiếp viên, thì Như có biết làm gì khác đâu…

Thật tình là Như cũng không yêu cầu những kẻ rạch mặt Như bị pháp luật xử lý. Như chỉ muốn họ bồi thường, để Như đi đến trung tâm thẩm mỹ điều trị những vết sẹo trên khuôn mặt.

Như chỉ cần như vậy. Sẹo bị xóa hoặc làm nhòa, nghĩa là Như có cơ hội được đi làm lại. Điều đó, đảm bảo cho số tiền Như gửi về quê cho bố nuôi em mỗi tháng.

***

Sài Gòn, dễ sống. Nhưng điều đó không có nghĩa, Sài Gòn đủ sức chứa đựng và ươm mầm cho tất cả những hy vọng.

Từ phòng chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, nơi Khoa giúp (nói theo ý Khoa) những thôn nữ đáp máy bay sang Bang Kok, Thái Lan cho mướn bụng. Đến những quán cà phê, quán bia cho những Kim Phụng, Tố Như… kiếm tiền gửi về cho gia đình không phải lúc nào cũng bình yên.

Sài Gòn, ẩn sau những phồn hoa luôn chứa những cơn sóng ngầm đủ sức cuốn trôi các phận người. Không có miền đất hứa nào tốt đẹp chờ đợi những cô gái chỉ muốn rời xa miền quê của mình, để đến bất cứ nơi nào, để bám trụ vào bất cứ nơi đâu miễn sao nơi đó đáp ứng được sự thay đổi. Một khi đã như thế, vận rủi bao giờ cũng sẵn sàng bám vào họ.

Có cảm giác, họ sinh ra để không thuộc về nơi này. Như tôi chẳng hạn, chẳng bao giờ tôi có thể thuộc về nơi đây

Kinh Hữu
.
.