Chuyện của MPK: Lãng đãng cho sự vô giá

Thứ Ba, 06/09/2011, 16:26
"Đà Lạt còn đẹp như ngày xưa không anh Phước?". Lọ mọ bên kia đầu máy chậm chạp, Phước đáp lại: "Đà Lạt mưa nắng bất thường lắm rồi!". Phước Khùng cười khà khà rồi hỏi lại tôi: "Bạn định lên Đà Lạt thăm trường xưa à?". "Tôi lên thăm MPK, thăm Đà Lạt và những kỷ niệm xưa...". Thế là xốc ba lô lên xe đò đi Đà Lạt.

Hơn 15 năm trước, tôi nhìn MPK như một người quái dị. Tóc râu để dài thật khó ưa. Ngày nào cũng vậy, cứ trùi trũi chân trần cuốc bộ với một tấm thân gầy, chiếc ba lô cố hữu trên lưng và cái máy ảnh cũ kỹ đi khắp phố phường Đà Lạt.

MPK lăn lộn như người hoang, đi khắp các ngõ cùng xóm cụt để theo chim, bướm, hoa lá, mây trời, sương gió… mà thỏa chí đam mê cái nghề nhiếp ảnh tự do của mình. Khi còn sinh viên, tôi nghe mọi người nói chàng trai ấy bị "khùng" nên tin thật và không quan tâm gì, rồi thời gian bỏ lướt qua mau. Bây giờ quay lại Đà Lạt, tôi vẫn gặp Phước Khùng như thế.

Vẫn ba lô và chiếc máy ảnh cũ như ngày nào, MPK cứ đi đi, lại lại khắp phố phường Đà Lạt. Nhiều du khách đến Đà Lạt cứ ngắm MPK như có điều gì kỳ lạ về một con người ở phố núi cao nguyên này. Buổi sáng Đà Lạt ở quán cà phê Tùng có người biết Phước lại chào anh là "nghệ sĩ".

Có người chạy đến xin chụp ảnh chung để kỷ niệm một chuyến đi Đà Lạt của riêng mình. Riêng tôi lần nào gặp Phước cũng buồn theo anh. Hình như trời đã trao cho anh một cách làm nghệ thuật không giống một ai trên cõi đời này. Và có lẽ người đời đã gắn cho anh cái tên Phước Khùng cũng bắt đầu từ đó.

Mỗi lần có dịp ngồi nhậu hay nhâm nhi cà phê với anh, tôi mới hiểu thêm chuyện đời của anh. Thực ra, tên khai sinh của anh là Nguyễn Văn Phước nhưng phận đời anh lại gắn duyên với biệt hiệu Phước Khùng hay MPK. Cái biệt danh MPK là tên thánh (Michel) viết tắt với tên người đời đặt cho anh là Phước Khùng. Rõ ràng những điều khác người của MPK đã trở thành một nét riêng và đi vào phim Dốc tình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Nguyễn Văn Phước kiếm tìm vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt.

Phước kể rằng, đời anh cũng đã yêu say đắm nhiều người và cũng có không ít người say đắm anh từ thuở nhỏ, nhưng cuối cùng anh vẫn cứ cô đơn. Chuyện tình tuổi 16 của Phước đem lòng tương tư một nữ sinh Đà Lạt tên Thư đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim anh. Hồi ấy hai người gặp nhau trên đường Duy Tân, Đà Lạt, rồi Phước lẽo đẽo theo về đến nhà mà không dám nói. Đêm lại tương tư nàng như một giấc mơ say.

Mãi đến năm 2004, ở tuổi 49, tình cờ trong một lần triển lãm ảnh, Phước mới bắt đầu yêu trở lại và lần này gặp một cô gái tên Thụy Minh, đạo diễn sân khấu mới ra trường. Chuyện tình hai người cứ úp úp, mở mở mãi đến năm 2007 mới quyết định làm đám cưới.

Chuyện MPK cưới vợ như một sự kiện khó tưởng trong mắt thiên hạ, bởi bấy lâu nay ai cũng nghĩ "người khùng" không thể yêu và càng không thể ai yêu. Thế nhưng đùng một cái, Phước Khùng lại cưới cô vợ nhỏ hơn một nửa số tuổi của Phước khiến ai cũng phải giật mình.

Thực ra Phước không có nhà mà chỉ ở tạm phía sau một khách sạn nhỏ dưới chân cầu thang. Thế nhưng có lần cô gái ấy lại phóng xe máy từ TP. Hồ Chí Minh lên Đà Lạt để tìm hiểu Phước cả tháng trời.

Nhớ cái ngày đám cưới, MPK buộc mớ tóc dài xùm xòa của mình và cạo râu nhẵn nhụi để mặc bộ đồ chú rể theo thông lệ khiến ai cũng phải cười té nước mắt. Tưởng cưới vợ là gác nghề chụp ảnh luôn nhưng không ngờ xong lễ cưới ở Sài Gòn, MPK lại quay về Đà Lạt tiếp tục lang thang với núi đồi, hồ thác.

Một lần ngồi uống rượu với tôi, Phước hỏi: "Sao người ta lại dễ bạc tình, bội nghĩa với nhau thế hả ông? Khi chưa được việc thì họ kết nghĩa anh em, nhưng thành công rồi thì lại cứ muốn "bẻ cung" vì sợ bạn hơn mình".

Bởi lẽ thường, lòng tham của con người sẽ quên hết nghĩa tình. Chính lòng tham mà cũng có khối kẻ tiền dư đến nỗi năm bảy căn nhà giữa thành phố lớn, rồi tiền chảy tràn vào túi hàng loạt bồ nhí, thế nhưng họ vẫn cứ tham, kiếm tiền bằng mọi giá. Hết chuyện đời, rồi Phước lại hỏi tôi chuyện ở Đà Lạt bây giờ thấy có gì lạ không? Ý Phước hỏi tôi về quang cảnh thiên nhiên Đà Lạt đã bị mất tự nhiên nhiều quá. Đà Lạt vốn dĩ là cao nguyên của bạt ngàn rừng thông, biệt thự cổ và sương mù, hoa tươi…

Tất cả những vẻ đẹp tự nhiên ấy rất quyến rũ và tạo nên một Đà Lạt ngàn hoa. Thế nhưng bây giờ sức đô thị hóa ở Đà Lạt quá nhanh, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch mọc lên khiến nhiều khu rừng thông bị mất, nhiều biệt thự cổ thời Pháp bị phá hay tu sửa không đúng tầm nên biến dạng. Rừng mất nhiều nên khí hậu ở đây cũng trở nên nóng bức khó chịu và mất dần cái bản sắc riêng của Đà Lạt một thời.

Cũng chính lẽ vì trăn trở trước nỗi đau mất rừng, đau đáu mỗi khi thấy những cây thông Đà Lạt bị triệt hạ, ứa nhựa thương đau nên MPK đã hình thành nên một bộ sưu tập ảnh với chủ đề "Ứa..!". Bộ ảnh được MPK lăn lộn bấm máy trong vòng hơn một năm tại những khu rừng, góc phố và nẻo đường thông Đà Lạt.

Cuộc triển lãm "Ứa..!" với 72 tấm ảnh màu được trưng bày dưới những gốc thông cổ và trong ngôi biệt thự cổ đều có tuổi trên 70 năm ở Đà Lạt vào đầu năm nay đã làm nhiều người xúc động. Ảnh không có chú thích, tất cả chỉ chung một chủ đề Ứa..! MPK cho rằng, chất hổ phách của cây thông chảy ra như là sự ứa máu, ứa giọt lệ, ứa cả gan ruột...

Để có được bộ ảnh này, MPK từng nằm phục bên gốc thông hàng buổi để chờ những giọt nhựa chảy ra đúng cái tích tắc khi có ánh mặt trời chiếu qua. Thông ở Đà Lạt là một đặc trưng và không thể thiếu được nên mỗi khi thấy một cây thông "qua đời", ứa từng giọt nhựa cũng khiến MPK ứa lệ.

MPK quan niệm nét đẹp của thiên nhiên sẽ cứu rỗi mọi sự tha hóa nên giữ cái đẹp của tự nhiên ấy trường tồn với loài người là giữ cho con người hướng thiện bằng cái đẹp. "Trước cái đẹp thiên nhiên làm cho tâm hồn người ta bình an, trước nỗi đau thiên nhiên làm cho tâm hồn người ta rối loạn rồi sinh ra điều ác...", MPK nói.

Phước kể, trong những cuộc triển lãm thật vui vì được bạn bè và nhiều người chúc mừng, nhưng sau đó lại buồn thúi ruột vì không biết mang ảnh đi đâu để trưng bày. Trong căn phòng nhỏ tạm bợ của Phước lúc nào cũng đầy ảnh chật chội.

Mỗi lúc mệt mỏi, MPK lại nằm ngay ra cả trên đống ảnh của mình mà ngủ một cách ngon lành. Cùng với "Ứa..!", từ năm 1993 đến giờ, Phước đã có hàng chục cuộc triển lãm ảnh với các chủ đề như "Sương", "Gió", "Mây", "Trăng", "Hoa", "Mầm"… và Phước đang dự định cho ra đời bộ Tình yêu côn trùng trong dịp Lễ hội Hoa Đà Lạt sắp tới.

Ảnh của Phước không phải là những chủ đề cao xa mà luôn giản dị, gần gũi và gắn bó mật thiết với lẽ tự nhiên, gắn với cuộc sống thiên nhiên hàng ngày ở cao nguyên Đà Lạt. Phước bảo, mình yêu Đà Lạt hơn cả bản thân mình nên luôn sợ mất đi những cái đẹp tự nhiên của Đà Lạt.

Vì thế mỗi bức ảnh, chủ đề của MPK thể hiện là muốn giữ gìn cái vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Đà Lạt do thiên nhiên ban tặng. Bằng cảm xúc yêu thiên nhiên say đắm của lòng mình, MPK đã hòa mình với thiên nhiên một cách thật lòng và đã tạo nên những bức ảnh khá ấn tượng ở xứ sở sương mù Đà Lạt. Ảnh của MPK không bán cho ai bao giờ. MPK mơ ước sao cho Đà Lạt có nơi để sau mỗi đợt triển lãm ảnh rồi được đem về trưng bày cho du khách tham quan.

Cái lạ của con người này nữa là chỉ biết say mê làm nghệ thuật mà không tính toán kinh doanh. Phước bảo, lâu lâu có người nhờ mình làm gì đó rồi tự nguyện gửi tiền cho bao nhiêu cũng được chứ không có giá rõ ràng. Tiền Phước sống hàng ngày cũng từ lòng hảo tâm của bạn bè và ai đó cho khi nhờ đỡ Phước.

Còn dư thì MPK góp lại làm ảnh triển lãm mỗi đợt hàng năm là vừa hết. Tuy thế Phước sống rất hạo nhiên và chưa than nghèo bao giờ. Phước quan niệm: "Lòng tư kỷ sẽ giết chết tình yêu đời và cuộc sống tốt đẹp nên mình không ham hố tiền bạc, danh vọng…".

Bây giờ đã 54 năm sống ở Đà Lạt, Phước vẫn luôn nhớ những cái ngày chập chững vào đời. Lúc nhỏ anh học khá giỏi nhưng năm lên 13 tuổi thì bỏ nhà đi lang thang. Phước chỉ thích vào thư viện đọc sách. Lang thang đọc sách rồi Phước lại thấy mình bơ vơ. Phước muốn đi tìm một sự thật cho cuộc đời nhưng càng đi tìm sự thật thì lại thấy càng nhiều sự giả dối.

Phước chán chường và sa chân vào chốn ăn chơi hư hỏng bởi cái lối sống gấp và thực dụng của chế độ Mỹ - ngụy ở Sài Gòn một thời. Rồi một thời gian anh phải vào tù trả giá cho những cuộc ăn chơi vô độ của mình. Gia đình Phước khá giàu có nhưng lại quên luôn cả thằng con trai cá tính của họ nên Phước càng cô đơn đến kinh sợ.

Những lúc ấy quán cà phê Tùng ở phố núi Đà Lạt đã chia sẻ nỗi cô đơn và nhen nhóm lên trong Phước một lẽ sống có ý nghĩa hơn ở đời này. Rồi cũng từ đó, Phước đến với nghề nhiếp ảnh như một định mệnh. Lúc đầu Phước tự mày mò học nghề những người bạn chụp ảnh cho khách du lịch rồi góp tiền lẻ nhặt ở chợ rau Đà Lạt để mua máy cho mình.

Một hôm, bên Thung lũng Tình yêu, Phước ngồi chờ khách thì tự nghĩ ra một bức ảnh với chủ đề "Khát vọng". Một bàn tay Phước với lên bầu trời cao vời vợi kia rồi một tay tự bấm máy. Bức ảnh này đã nghiệm cho Phước một suy nghĩ và đi đến một lẽ sống.

Có nghĩa là trên đời này, khát vọng của con người luôn vô hạn nhưng sức con người thì chỉ có hạn. Nếu sống chỉ biết kiếm tiền, ăn nhậu, chơi bời… thì không biết bao nhiêu cho thỏa mãn dục vọng. Phước nghĩ sự giả dối trên đời này sẽ bớt đi khi lòng tham của con người được lắng xuống.

Từ đó Phước bỏ nghề làm nhiếp ảnh kiếm tiền khách du lịch mà lao vào con đường ảnh nghệ thuật để làm đẹp cho đời như một lẽ sống tự nhiên. Rồi dần dần Phước đã vượt qua lòng tham ích kỷ tầm thường của con người và đưa mình đến với lẽ sống nhân ái và nghệ thuật nhiếp ảnh chân chính.

Cũng từ đó, Phước quên cả thân mình, ngày đêm ăn, ngủ, khóc, cười với nhiếp ảnh để mong sao giữ lại được nhiều hơn những vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của Đà Lạt. Cứ thế, anh lãng đãng đi tìm những sự vô giá cho muôn đời qua những khuôn hình đầy vẻ khám phá và sáng tạo mang dấu ấn "Phước Khùng"

Ngọc Như
.
.