Chữ hái ra mây trắng

Thứ Tư, 15/02/2017, 16:05
Sáng nay dậy sớm, thanh tịnh tâm hồn, thắp một nén nhang lên bàn thờ. Trong đời người, có nhiều điều để nhớ. Vết nhớ ấy như một cụm tuyết trắng, đôi lúc loang ra trong tâm tưởng và gợi lên một chút rét nhè nhẹ.

Lạ thay, cũng từ đó, tự trong lòng lại thấy ấm áp thêm một chút. Y muốn nhắc lại nỗi nhớ của những gì đã đọc từ thuở hoa niên.

Có những cái viết ra, hoàn toàn bình thường, chẳng cao siêu gì nhưng rồi vẫn còn có người nhớ đến. Cảm thấy nhẹ nhàng. Chiều nọ cùng anh Biền và Sơn ngồi ở quán nọ. Thích vì ngồi ngay phía ngoài sân, phố vắng, ít người qua. Lại được tặng sách. Quyển Trận đòn hòa giải của nhà văn Vũ Hồng, Lá Bối in năm 1970. Ngày 16/4/1987, tác giả tặng nhà văn Đoàn Thạch Biền bản đặc biệt, ngày hôm qua, y là người nhận giữ tập sách này.

Trận đòn hòa giải là câu chuyện cảm động về tình cha con trong ngày tết nhắc nhở đùm bọc, yêu thương nhau, khi mà người mẹ/người vợ đã khuất núi. Nhà văn Võ Hồng mất vợ sớm, không đi bước nữa. Trận đòn hòa giải là một cách bày tỏ tấm lòng nhớ thương vợ của ông. Đọc đã lâu lắm rồi, từ ngày còn nhỏ xíu. Nay vẫn nhớ.

Lại một mình cùng bàn phím. Chữ lại viết. Chữ lại đi. Từng con chữ tri âm. Chữ hái ra mây trắng. Chữ trôi về lãng du. Và cuối cùng là gì? Chẳng rõ nữa. Sáng dậy sớm đã thấy sửa soạn bếp núc. “Ngày mai anh đi Huế rồi. Năm nay cúng tiễn ông bà sớm hơn mọi năm”. 

Thì ra thế. Nghe cô em dâu nói mà cảm động. Ngoài sân đang đốt vàng mã. Khói và tro bay loáng thoáng trong nắng. Hoa cúc vàng. Lá biếc xanh. Đà Nẵng trong tâm tưởng, trong mắt nhìn và tận trong sâu thẳm nỗi nhớ rõ rệt và đậm dấu nhớ không phai.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dáng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không phật, không tiên, không vướng tục.

Còn lâu y mới được ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ. Đó là người biết sống. Tâm thế y còn sân si lắm. Hỉ nộ ái ố vẫn đầy. Sức mấy có thể an nhiên tự tại nhìn ngắm cuộc đời một cách nhẹ nhàng đến thế. 

Còn phải vật lộn chán chê trong cuộc mưu sinh mỗi ngày. Làm sao có thể “thõng tay vào chợ”? Đi vào chợ là đi vào dòng đời với mọi sắc dục trần tục của một kiếp người. Chỉ các bậc thiền sư đi vào chợ mới có thể an nhiên như đang tu tâm dưỡng tính trên non xanh rừng thẳm.

“Trăm năm trong cõi người ta”. Tiếng thở dài ngân vang thăm thẳm của 6 từ ấy đã vẽ ra một số kiếp, một phận người, một cuộc mưu sinh liên tục, dằng dai, không một phút nào ngơi nghỉ. Nếu thu gọn lại trong một từ, chỉ có thể là từ “chợ”. 

Thật ra cuộc chiến đấu kinh khiếp nhất không phải lúc đi giữa chợ bị sự tác động ngoại vật chi phối đến tâm, tính, tình mà chính là cuộc chiến chống lại chính mình. Chống lại những hằn học, ham hố, lăng nhăng, ba trợn ba trạo, ba que xỏ lá, đá cá lăn dưa, vẽ nhọ bôi hề từ phía bóng tối của tâm hồn. Làm thơ, vẽ vời chính là sự “thanh lọc”, “tẩy rửa” linh hồn để tìm về cái thuở vừa cất tiếng khóc oa oa chạm mặt cõi nhân sinh. Rồi bước chân đi vào trong “chợ”. Đi vào “Trăm năm trong cõi người ta”.

Tưởng chỉ “người ta” thôi ư? Không đâu, nơi đó còn có cả ngợm, người, tiên, thánh thần, ma ma phật phật... nữa. Rồi có lúc con người ta lại tự hỏi và tự tìm lấy câu trả lời: “Tôi là ai, từ đâu đến, và cuối cùng đi về đâu?”. Trong các câu hỏi vọng lên trong cõi hỗn mang trời đất, câu hỏi ấy là nhảm nhất.

Sống là bước đi, là nhập cuộc. Sống đi. Lao về phía trước. Có lúc hài lòng, có khi thất vọng. Đời nó vốn thế. Xòe tay ra thấy gì ngoài những đường mưu sinh ngang dọc đã hằn nếp? Thấy gì ngoài mây trắng đã đọng lại trên mí mắt? Thấy gì ngoài những ngọn gió thời gian đã thổi buốt óc? Thấy gì? Đôi khi con người ta chẳng thấy gì ngoài số tuổi đã chất chồng trĩu vai, chồn chân mỏi gối.

Thời gian đi qua nhanh lắm, ngáp chưa kịp khép vành môi, ngậm miệng đã trôi tuột 24 giờ.

Ôi, nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc nồi kê chửa chín.

Ông Nguyễn Công Trứ là nhà Nho dấn thân thứ thiệt. Đã làm ra làm, chơi ra chơi, không sọc dưa, không ba rọi nửa nạc nửa mỡ. Không ngờ, có lần đọc câu thơ nọ, rất bất ngờ vì phát hiện ra ông lại thấu hiểu lẽ đời vi diệu đến thế. Ấy chỉ mấy câu thơ, đọc xong, tự dưng nổi da gà, lạnh toát sống lưng:

Cái hình hài đã chắc thiệt chưa?
Mà lẽo đẽo khóc sầu rứa mãi!
Trời đất hễ có hình là có hoại,
Ỷ chi chi mà chắc cái chi chi...

Có bao giờ, ta tự hỏi: “Cái hình hài đã chắc thiệt chưa?”. Càng ngày, càng thấm thía câu này. Câu gì? Một câu trong bài hát nói của Cao Bá Quát: “Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ”. 

Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giải thích “nghịch lữ”: Quán trọ, nhà trọ trên đường; và dịch: “Đời người ta trong khoảng trời đất cũng chỉ như thời gian ghé một quán trọ bên đường”. Thế đấy. Đã ở trọ, rồi lại đi. Đi hun hút về cõi hư không. 

Không dấu vết. “Bãi tha ma, kẻ dọc người ngang/ Cô hồn nhờ gửi tha phương/ Gió trăng hiu hắt khói hương lạnh lùng/ Cũng có kẻ vào sông ra bể/ Cánh buồm thưa chạy xế gió đông/ Gặp cơn dông tố giữa dòng/ Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê?”.

Dòng đời bất trắc, vì thế con người ta vẫn muốn, vẫn luôn nghĩ, luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Không phải ngẫu nhiên, từ hàng trăm năm nay, các truyện thơ Nôm đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Người ta ngâm nga, đọc đi đọc lại, bà ru cháu, mẹ kể cho con nghe... từ đời này sang đời nọ, chỉ vì nó “kết thúc có hậu”. 

Đọc lại truyện thơ Nôm khuyết danh như: Lâm tuyền kỳ ngộ, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Công - Cúc Hoa, Nữ tú tài, Nhị độ mai, Thạch Sanh, Trê cóc, Quan Âm - Thị Kính, Phương Hoa, Phan Trần… vẫn thấy có chung mô-típ “kết thúc có hậu”.

Ngay cả Lục Vân Tiên, Truyện Kiều cũng không đi ra ngoài mô-típ đó. Phải thế thôi. Dù thế nào đi nữa, sau những gió táp mưa sa, trắc trở tình đời, bẽ bàng duyên phận, đòn oan đày đọa gì gì đi nữa, bao giờ người ta cũng tin nó “kết thúc có hậu”.

Sực nhớ lại nơi lăng nọ rất linh thiêng đối với cư dân Sài Gòn, xuân thu nhị kỳ đều có tế lễ, cúng quẩy, xin xăm, xây chầu hát bội... Xin không nêu tên cụ thể. Khoảng thập niên 1990, anh bạn của y - một nhạc sĩ nổi tiếng được phòng văn hóa thông tin cấp quận phân công phụ trách. Anh em văn nghệ sĩ thường đến chơi với anh. 

Có khi bàn chuyện sáng tác, có lúc “gài” độ nhậu. Ngày kia, có nhà văn lão thành, sau khi đã khật khừ say mới bảo rằng: “Vậy chú mày có muốn nơi này ngày càng đông người đến không?”. Mày - tao là tiếng xưng hô thân mật. Anh liền hỏi: “Bằng cách nào?”.

Như đã biết, sau khi van vái, người xin xăm hai tay cầm lấy ống bằng tre đựng nhiều que xăm, cứ thế mà lắc, hễ cây nào rơi ra trước thì chọn cây đó. Chuyện tương lai, hậu vận ứng vào quẻ xăm đó. Trên mỗi cây xăm đều có đánh số thứ tự. Căn cứ vào đó mà bước ra ngoài, thường có cái tủ chia nhiều ngăn, mở hộc tủ có ghi số thứ tự mà tìm lấy mẩu giấy đã in sẵn lời giải.

Mỗi số thứ tự là một lời giải khác nhau, có vui có buồn, có hên có xui, có được lộc, có hao tài v.v và v.v... Đọc xong lời giải đó, tùy theo nội dung mà người xin xăm vui hay buồn, hân hoan hay âu lo, yêu đời hay chán đời.

“Thay đổi lời giải đi. Những lời giải nào u ám liên quan đến chết chóc, tai nạn, ly dị, giật nợ, bị cắm sừng v.v... thì gạt bỏ; chỉ giữ lại những câu hanh thông, tài lộc, vinh hoa, phú quý, quý nhân phù hộ, mua may bán đắt; nếu cần thì sáng tác bổ sung thêm...”.

Với cách làm này, tất nhiên anh em giữ kín, không ai có thể biết, quả nhiên, về sau, khách thập phương kéo đến ngày một nhiều hơn. Xin được xăm, đọc lời giải hanh thông vui vẻ, họ cảm thấy an tâm, yêu đời, yêu người, phấn chấn hơn với công ăn việc làm, tình yêu đôi lứa, xây nhà, dựng vợ gả chồng, đào giếng, khai trương... 

Có như thế lần sau họ mới đến lại lần nữa. Chứ đọc xong lời giải, chẳng biết hư thật, đúng sai thế nào mà chỉ rặt sự xúi quẩy, lần sau có cho tiền cũng chớ dại bén mảng tới làm chi.

Các truyện thơ Nôm cũng thế thôi. Khép lại trang sách phải là “Vườn xuân một cửa để bia muôn đời”, vợ chồng sum họp, người oan được giải oan, kẻ xấu đền tội, thi đậu trạng nguyên, đính hôn với công chúa, phò mã của nhà vua... thì mới nhẹ lòng, mới hả hê. Có như thế, lần sau mới tiếp tục ngâm nga vui buồn cùng nhân vật qua bao gian nan, hoạn nạn, tai ương vì biết cuối cùng “kết thúc có hậu”. Có như thế mới cảm thấy yêu đời hơn. Nhẹ lòng hơn.

À ghi lại kẻo quên, lúc đi chơi ở Huế, thỉnh thoảng vào La Résidence (số 5 Lê Lợi) uống cà phê, thấy ngoài vườn có am thờ và trên bệ khắc dòng chữ như sau: “Am thờ ngoại cảnh: Theo tín ngưỡng thờ cúng của đạo Phật và người dân Huế, “am thờ ngoại cảnh” hiện diện ở hầu hết các gia đình ở Huế. “Am thờ ngoại cảnh” thường được đặt ở một góc vườn hoặc dưới một gốc cây cổ thụ trong vườn, tại đây có các vị thổ thần, thần cây và các thần linh ngoài trời được thờ cúng. 

Hằng tháng vào ngày trăng tròn và ngày cuối tháng, mỗi gia đình đều bày cúng hương, trầm, hoa quả, giấy tiền vàng bạc cầu mong được phù hộ để có được nhiều niềm vui, sức khỏe và công việc làm ăn phát đạt”.

“Am thờ ngoại cảnh” này, trong Nam cũng có và gọi đó là “bàn thờ thiên” chăng? Còn nhớ, thuở nhỏ, trước nhà ông ngoại có trang thờ dì Nữ, em ruột của mẹ, mất lúc còn con gái. Đi đến những nơi nào nhìn thấy những am thờ ấy, lòng luôn nhẹ nhàng và dành nhiều thiện cảm.

Ấy là “Vườn xuân một cửa để bia muôn đời” dành cho người đã khuất. Mà cõi âm và dương trần thì có khác gì nhau?
Lê Minh Quốc
.
.